Mấy hôm sau, khoảng gần nửa đêm, tiếng người gọi cổng... Nàng ăn mặc giản dị như hồi mới gặp nhau, tay xách chiếc va-li thật nặng, dáng dấp nặng nề, mệt mỏi, vẻ mặt lo âu buồn bã, không nói năng đi thẳng vào dãy nhà dành cho bồi bếp.
Đó là buổi tối Chủ nhật, tôi cho bọn người làm nghỉ về nhà, để được cảm tưởng thảnh thơi một mình. Tôi cảm thấy bực mình và tổn thương vì bị xâm lấn đột ngột vào không khí đời sống riêng tư của mình. Dù có sao đi nữa, nàng cũng không thể cứ im và làm theo ý muốn như thế.
Tôi đi thẳng xuống nhà bếp. Nàng đặt chiếc va-li vào phòng xong, quay ra, nói thản nhiên:
"Em cần việc làm, em xin đến làm việc cho ông, ông cho ở, em sẽ không nhận đồng lương nào".
Tôi giật cánh tay nàng, soi mặt nàng vào ánh đèn vàng từ sân chiếu tới.
"Cô... làm cái gì kỳ cục vậy?"
"Em... không dám làm gì để phiền ông đâu, em chỉ xin đến làm cho ông. Em đã dò biết, bà vú già nhà này sắp thôi việc vì chồng bà ta bệnh nặng. Em sẽ thay thế và cố gắng làm hơn bà ta".
Tôi cảm thấy bị đánh bất ngờ mặt sau:
"Tôi... không cần người thay thế và cô... cô cũng không thể là người làm được".
"Hay là... ông sai em làm bất cứ cực nhọc khó khăn nào khác trong nhà này, miễn là cho em ở đây, một góc xó nào đó cũng được, bởi vì..."
Tôi ngắt ngang:
"Không được. Nếu cô muốn chỗ ở, tôi sẽ thuê hay mua cho cô, nhưng không thể ở đây".
Mặt nàng nhợt hẳn ra dưới ánh đèn.
"Không phải... ông bảo... em về nhà em... nhưng em không còn nhà, họ đã xua đuổi, ném đồ dơ vào em. Em cũng nghĩ, nhà em bây giờ chính là ông, dù ông có đối xử thế nào. Em chỉ xin một góc xó nào đó, để hằng ngày, nhìn thấy ông đi vào đi ra".
Tôi buông tay nàng:
"Em... sao vậy?"
Nàng bật lên khóc:
"Em không sao cả, em chỉ... yêu ông, muốn nhìn thấy ông, luôn luôn, ra vào, ăn ngủ, nói cười, dù rằng ông sẽ đi về với ai, sẽ lấy một người khác làm vợ, sẽ có những bà những cô khác làm người tình may mắn và xứng đáng".
Tôi sắp dịu xuống được vì tiếng khóc nhưng giọng kể của nàng làm tôi bực mình, thứ bực mình của kẻ bị dồn vào lối đi đã trốn tránh từ trước.
"Nghĩa là... cô muốn sống hẳn với tôi chứ gì?"
"Dạ, không phải, em chỉ xin làm bất cứ cái gì trong nhà ông".
Tôi cười nhạt. Nàng nói, kiên nhẫn khẩn khoản:
"Ông từ chối sao?"
"Thật khó xử quá! Thôi để rồi tôi sẽ liệu, em đóng cha cái cửa bếp lại giùm, kỳ quá, làm cái trò con khỉ gì vậy không biết. Lên phòng ngủ mà thay áo, tắm rửa, và em muốn như thế nào nữa cũng được".
Tôi quay vào, đi thẳng ra phòng đọc sách, và giở một cuốn truyện ra xem. Tôi nghe tiếng nàng lịch kịch bên phòng ngủ. Đèn tắt, rồi lại bật, nhiều tiếng động khác thay đổi tùy lúc, trong phòng. Tôi nghe ngóng được một lúc, rồi mỏi mệt, chán ngán, đóng cửa phòng thông sang bên ấy lại.
Tôi ngủ trong phòng khách suốt đêm.
Cách đó mấy tuần sau, có việc phải đi Năng Tu, tôi ghé thăm một bà cô họ xa ở đó. Bà ta ở một mình, vì không một người nào, kể cả chồng và con, dâu rể, chịu đựng nỗi tính tình khó khăn và cay nghiệt của bà ta. Một mình một khu vườn mênh mông xung quanh ngôi nhà cao rộng, bà ta vẫn tìm một người nào ở chung, hay một tên gia nhân nào chịu ở lâu dài, nhưng chỉ mới vài hôm là mỗi người đều khăn gói ra đi. Càng ngày hình như bà cô họ tôi càng trở nên quá quắt vì mặc cảm cô đơn và bị bỏ rơi. Tuy nhiên những tính tình kỳ cục quá đáng vẫn không thay đổi và bà ta vẫn tiếp tục một mình. Chỉ có tôi là chịu được bà, vì được bà vì nể, những lý do nào đó của tôi không cần biết, tôi là đứa cháu trai độc nhất của dòng họ, nên bà ta không bao giờ nhăn nhó với tôi. Vả lại, tôi cần cảm thấy được yên tĩnh và riêng tư, hoàn toàn một đôi giờ trong tầng nhà to rộng yên tĩnh của bà là đủ, với những thức ăn tươi ngon mà bà có sẵn sàng chìu chuộng khi tôi đói. Thỉnh thoảng tôi vẫn tới đó, như một trú ngụ lãng quên, khi có việc bực mình, chán nản, hoặc muốn tránh hẳn cái đám đông săn đuổi để khai thác hay theo dõi săn tin, trục lợi từ tôi.
Lần này tới, với một ý nghĩ tình cờ thoáng qua trên xe lửa, chỉ để thăm bà, thế thôi, tôi không có mục đích nào khác.
Và những tình cờ vẫn dẫn đưa tới những bất ngờ, may mắn hay buồn bực nào đó. Vừa tới nơi trông thấy vẻ mặt của bà ta từ thềm nhìn xuống, tôi đoán ngay là có việc gì thay đổi, quan trọng. Bà ta kéo tôi vào phòng khách, nói nhỏ với một vẻ bí mật thích thú và nôn nao trông thấy.
"May quá, cô đang trông thì cháu lại, thật có duyên".
"Cô chia gia tài cho cháu đó à?" Tôi hỏi đùa.
"Hơn cả gia tài, món này ngon đặc biệt, mà chắc chắn là cháu sẽ thích".
Bà nói thêm, một vẻ khác thường, tinh nghịch từ lâu không thấy trên vẻ mặt đăm đăm khó khăn của bà.
"Đúng là món khoái khẩu của cháu".
"Thì vẫn món bắp non đút lò hay là măng tươi sốt trắng của cô chứ gì?"
Bà ta xua tay:
"Cháu tệ thế, cháu chỉ tưởng đến như vậy thôi à, cháu khinh thường cô quá, khinh thường đời sống và những bất ngờ thú vị quá".
Tôi nói quanh quẩn vài thứ khác cho bà ta vui lòng, nhưng bụng dạ còn để đâu không nghe những lời mình và người khác nói gì hết.
Nhưng trong bữa cơm tối, thì vẫn những món tôi thường dùng mà bà dọn khi tôi tới bất ngờ. Suốt bữa cơm, bà như nao nức đợi chờ một điều gì.
Tôi ăn cho qua bữa và định ăn xong sẽ đi dạo một vòng đêm quanh những con đường vắng ven hồ. Trời hình như sắp sửa một cơn mưa bụi nhỏ.
Đến món tráng miệng, bà cô vào bếp một lúc lâu mới trở ra.
"Nó sẽ bưng ra cho con món bánh khoai môn tím ngay bây giờ".
"À, ra vậy, cô mới tìm được người làm vừa ý".
Cánh màn phòng ăn lay động và vén lên dưới ánh sáng rung rinh của ngọn đèn phòng trong chiếu lại. Một cánh tay mịn màng chuồi ra khỏi tấm màn với dĩa thức ăn còn bốc hơi nóng.
Người con gái cúi đầu đi gần mãi lại phía tôi cho đến khi tôi nhận ra cánh tay với vết nốt ruồi nâu. Sơn Chi. Tôi bàng hoàng bực tức lẫn lo âu, nhưng bà cô không để ý gì hết, chỉ nhìn cô gái mới tới với vẻ bằng lòng đặc biệt.
"Cô ta thật ngoan ngoãn dễ thương và lo việc chu đáo".
Hình như da mặt tôi lúc đó căng lên, khắp đầu bừng bừng một thứ lửa hay một thứ máy nỏng nảy kỳ dị. Tôi muốn đạp phăng đi một cái gì, muốn bứt bỏ một cái gì, nhưng mọi sự chỉ trong lặng câm chịu đựng.
Đứng sau lưng bà cô, nàng ra dấu cho tôi là đừng tỏ cho bà ta biết liên hệ thế nào giữa chúng tôi. Quả tình là tôi cũng chỉ mong vậy. Cho nên ăn vài ba muỗng khoai là tôi đứng dậy ra khỏi bàn ăn. Bên ngoài cửa sổ, đêm đen từ bao giờ và trời như bốc lên khắp nơi một thứ hơi lạnh bứt rứt làm buồn bã thao thức.
"Cháu muốn dạo quanh hồ một lúc".
"Sao cháu không bơi thuyền một lúc rồi trở về. Cô sẽ cho gọi thuyền lại sẵn dưới bến ngay. Cháu không đi một mình chứ?"
Tôi muốn trút tất cả nỗi bực tức nơi nàng, và muốn có ngay một dịp để bày tỏ những giận dữ không duyên cớ.
"Nếu không cần cô gì đó ở nhà giúp cô, thì cháu sẽ đưa cô ấy theo một lát. Cháu sẽ về ngay, mai sẽ lên tàu sớm".
"Thì cô chỉ mong có thế thôi, cô Sơn Chi đi thay quần áo dạo hồ với cậu Hai đó nghe".
Nàng dạ nhỏ một tiếng, như nghẹn ngào, và lùi vào sau bức màn.
Vừa mới vào đêm, sương đã xuống ướt hết những bờ cây bụi cỏ hai bên lối đi quanh quất xuống hồ. Tiếng côn trùng đệm nhạc vào khoảng tịch mịch buồn thiu và dâng lên trong tôi một chút buồn chưa bao giờ có. Tôi nói lời thứ nhất với nàng:
"Sao em lại tới đây? Tình cờ à?"
"Em gặp ông từ đầu không tình cờ thì không còn việc gì là tình cờ được cả. Em xin làm nô tì cho ông để được thấy ông, ông không bằng lòng, thì em đến làm đầy tớ nhà bà cô họ ông, chỉ cần được một năm, hay vài ba năm còn thấy ông tới đó một lần, thấy và được săn sóc cho ông còn hơn là bị nhìn lướt qua như nước đá mỗi khi thấy nhau giữa những bữa tiệc tùng, hội họp kia".
"Làm sao cô biết là tôi có bà cô họ?"
"Gì mà em không biết? Như em cũng biết là cô Quỳnh Mai đang yêu mê ông và nhà ấy sẵn sàng tậu cả cơ nghiệp cho ông. Có phải vì vậy mà ông tránh bỏ em hay không, em đã nói, em không dám đòi hỏi hay làm phiền gì hết, em chỉ xin được yêu ông, trong xa cách, và chỉ thỉnh thoảng được nhìn thấy ông, săn sóc cho ông thôi, rồi ông lấy ai, ăn ở hay yêu thương người nào cũng tùy ông. Việc đó, em xem như không liên can gì đến tình em và sự sống chết của em hết. Rồi em cũng sẽ thương yêu cô Quỳnh Mai, nếu như ngày kia ông yêu thương cô ấy, em yêu thương, quý mến và bằng lòng tất cả những gì liên hệ với ông. Bây giờ thì em sung sướng, vì bà cô rất thương yêu em, cũng không hiểu tại sao. Và như vậy là em có một nơi nương tựa êm đềm cho đời sống và tình em, để lâu lâu lại thấy ông một bận đi về..."
Giọng nàng chìm xuống, vừa thơ ngây hồn nhiên bùi ngùi, thứ giọng không chính mình nhận ra nỗi buồn của mình nhưng người nghe lại muốn khóc.
Nhưng lòng tôi chỉ gợn lên một thoảng ái ngại âm thầm, không đủ góp lửa để thắp lên một chút yêu thương mong manh cho nàng phút đó. Con đường đá sỏi mấp mô xuống bến. Gót giày nhọn và cao, hình như nàng bước chậm, khó khăn bên cạnh tôi, nhưng vẫn cố đi lùi lại, tránh khỏi tôi một quãng xa như sợ sự gần gũi sẽ làm phiền người bên cạnh.
Một lúc, nàng như lệch người đi và dừng lại.
"Em sao thế?"
Nàng rút đôi giày ra khỏi chân.
"Em không nên mang giày cao, mà em quên đi mất".
"Đau chân à?"
"Dạ không, việc khác".
Rồi nàng cầm giày trong tay, đi nhanh hơn, bóng chập chùng lẫn trong vòm tối của lá bến.
Chiếc thuyền nhỏ xình xịch nổ máy, xa dần bờ. Cơn gió lạnh phơ phất quật xuống mặt hồ như những sợi mưa lất phất. Ánh trăng xanh nhạt như từ địa ngục thắp lên le lói bên kia làn nước đen thẳm.
Tôi ngồi im. Tiếng nàng thở dài đè nén.
"Nếu... em nhảy xuống dưới này, có phiền ông không?"
"Không... à, tôi chưa nghĩ điều ấy, này nhưng em đừng nói nhảm".
"Em không nói nhảm đâu, nhưng lúc nào em cũng nghĩ làm cách nào để đừng phiền ông, em cứ nghĩ là khi nhớ tới em, dù một thoáng thôi, ông bực phiền vì em, em chỉ muốn chết đi để đền bù và chuộc lỗi".
Tôi cầm tay nàng. Những ngón tay nàng thơm mùi rượu gì không tên, kỳ lạ trong miệng tôi. Tôi cắn những ngón tay nàng và tự nghĩ sao không thể yêu được người này. Không, người đàn bà này như một que diêm. Chỉ đốt một lần là không còn gì nữa hết. Vang vang ý nghĩ đó trong tôi, tôi vừa sợ vừa lắng nghe tiếng nói mình trong im.
Nàng khóc, yên lặng một lúc. Rồi như chưa bao giờ buồn, chưa có việc gì xảy ra cả, nàng cười trong tối.
"Việc gì em phải vậy, việc gì..." Và bỗng dưng, nàng nằng nặc đòi trở lại bờ, đòi trở về nhà tức khắc.
Tôi hỏi, nàng chỉ nói là bị mệt bất ngờ.
Nhưng dù bóng tối, dù vô tâm, tôi vẫn đoán thấy một thay đổi quyết liệt nào đó trong ý nghĩ nàng.
Buổi tối quanh hồ trở nên lặng lờ, khô khan. Cơn mưa đã ngừng từ bao giờ. Chỉ còn lại nỗi bứt rứt nặng nề trong không khí.
Tôi cho quay thuyền lại, để mặc nàng về nhà bà cô một mình, rồi trở ra phía hồ, tôi qua bên kia những xóm vui chơi, theo tính lông bông quen thuộc của tôi.
Khi quyết định lấy Quỳnh Mai, con gái của ông chủ hãng phim, tôi không hề có một ý niệm rõ rệt nào về bổn phận và đời sống vợ chồng. Cũng không có chút tình yêu tình ghét nào đối với người con gái nổi tiếng với nhan sắc và tài nghệ đó. Tôi chỉ có một ý nghĩ tha thiết, làm thế nào để lên khỏi cái bẫy sập của đời sống tức thì, càng nhanh càng tốt, và phục hồi lại tất cả những gì đã mất.
Cùng lúc, từ bao giờ không biết, tôi thua sạch trong ván bài kỳ dị với đời, danh vọng, của cải, những thứ hào quang rạng rỡ quanh tôi. Một sáng thức dậy nhìn thấy mình tầm thường, trơ trụi, què quặt không còn chút tự tin hay ý chí để bắt đầu lại. Hình như tôi đã đi quá trớn, trong nghề nghiệp, trong ăn chơi, mọi thứ khác, và bây giờ tôi sạch túi.
Cũng không hiểu sao ông giám đốc lại lưu tâm đặc biệt tới tôi như vậy. Ông ta nói, với cuộc hôn nhân tốt đẹp, tôi mãi mãi sẽ là tài tử độc quyền ở hãng ông, và không còn đặt vấn đề gì khác hơn là tôi tự tạo lấy cơ nghiệp, diễn xuất, đạo diễn và sản xuất bằng vốn liếng nhà, bên cạnh Quỳnh Mai.
Tôi đòi riêng một điều kiện với Quỳnh Mai, nàng đừng níu kéo quá trong đời sống vợ chồng và làm mất tự do của tôi.
Nàng nói không những không chiếm đoạt mà còn khuyến khích cho tôi phát triển tự do của tôi, như thế mới có một đời sống đẹp, và tài tử diễn xuất hay, đẹp khi có đời sống hoàn toàn như thế. Đó là quan niệm của nàng. Đúng ra chỉ là cách biệt đãi của Mai dành cho tôi.
Tôi lại lang thang, sau lễ đính hôn, với người này người khác, và không một đám vui chơi nào thiếu mặt tôi.
Buổi tối, gần khuya một dạo tôi thường lui tới hộp đêm R. chỉ vì khung cảnh ở đó hợp mắt và nhạc vừa phải, không phải loại kích động giật gân, cũng không lả lướt cổ điển quá. Tôi tới đó hàng tháng, nhưng không lưu ý đến những cặp đùi phô bày trên sân khấu hay những thân thể mềm mại uốn lượn quanh các bàn khách mập mờ tối. Cho đến một bữa, một người khách nào say sưa kéo váy của một cô vũ nữ lại phía mình, mãi không chịu buông, ban quản lý nhà hàng phải bật đèn trắng lên can thiệp. Giữa đám người lô nhô cười cợt, tôi nhận ra Sơn Chi.
Trong khi những người khác chỉ mặc những mảnh áo lót nhỏ xíu, nàng mặc nguyên một chiếc váy rộng, dài thượt, chỉ mỏng phần trên ngực và từ bụng trở xuống, thắt lại thật gọn, kín bưng. Nàng nhợt nhạt trong ánh đèn sáng bất ngờ. Nhiều tiếng lao xao cãi cọ nhau phía đó, rồi không hiểu vì sao tôi nhận rõ là nàng nhìn thẳng về phía tôi một lúc lâu, đăm đăm, như nhận ra chỗ ngồi của tôi từ trước. Rồi nàng ngã ra, nằm dài, bất động giữa đất.
Tiếng xe hồng thập tự rít lên ngoài đường sau đó, và đáng lẽ, đi tìm nàng, hỏi mọi chuyện ra sao, tới đâu, tôi lại tiếp tục những cuộc chơi của tôi và trở về nhà.
Bà vú già cho biết là trong lúc đi vắng, nhà thương có gọi điện thoại và yêu cầu tôi liên lạc lại khi tôi về.
Thì ra là Sơn Chi gọi tôi.
"Em xin lỗi ông, có vậy thôi".
Nàng định ngắt, nhưng tôi tự nhiên muốn nói một cái gì với nàng, thay vì hỏi thăm, tôi gay gắt:
"Việc gì cô xin lỗi, cô cứ tung hoành mặc sức cô chứ. Xin lỗi cái gì?"
"Xin lỗi trong lúc ông đi chơi em đã vô ý để ông nhìn thấy cảnh không đẹp về em".
"Vậy không thấy cảnh đó, cô đẹp chắc?"
"Em không dám nghĩ vậy" - nàng nói, bình tĩnh và kiên nhẫn - "nhưng không gieo sự xấu xa và hổ nhục vào mắt nhìn của ông".
"Cô cũng biết đến xấu xa hổ nhục à?"
"Ông chửi rủa khinh miệt cái nghề em bây giờ chứ gì? Không phải là nghề đâu, em chỉ làm thế đó..."
Đàng kia, hình như có người muốn giật dây nói để nói gì đó với tôi, nhưng nàng gạt đi, và tôi cố đoán mà không hiểu người kia có ý gì.
Tôi hỏi, nàng chỉ nói có một người cần mượn điện thoại gọi việc gấp cho một phòng nào đó. Tôi, đến lúc ấy, linh cảm có cái gì không ổn cho nàng, cho liên hệ lờ mờ giữa nàng và tôi. Tôi nói:
"Bây giờ em ra sao?"
"Không sao cả, em sẽ khoẻ và đi về".
"Về chỗ nào vậy?"
"Em ở trên tầng thứ ba, khách sạn M. Còn phòng số mấy... hỏi làm gì vậy chứ?"
"Không chừng tôi sẽ thăm em".
"Ông thăm em, như một người khách, như những người khách khác vẫn đến thăm và tặng hoa em chứ gì?"
Giọng nàng kênh kiệu, trêu cợt, không còn vẻ dịu dàng e ấp như trước kia. Nàng đã nhiễm độc ánh sáng của thành phố. Tôi cảm thấy tức bực và lấy làm lạ vì tính tức bực không đâu đó. Người ta chỉ ganh hay ghen khi chiếm hữu thứ gì. Tôi không muốn chiếm nàng. Từ chối không để nàng thuộc về tôi. Nhưng nghe nói đến những đứa khác lui tới, tôi cảm thấy bị giẫm chân, xúc phạm. Nghĩ như vậy tôi đổi ý. Tôi nói nếu không nàng có thể lại đằng tôi, và chúng tôi sẽ thức nói chuyện.
Nàng không trả lời và cúp ngang điện thoại.
Buổi tối đó, buồn nản, mệt mỏi, tôi đi ngủ, không xem lại những đồ đạc ưa thích một lượt trước khi ngủ như mọi lần. Tôi chợt cảm thấy là mình đang chờ. Tôi chờ nàng tới, ngủ quên trong phòng sách. Tôi cũng không hiểu vì sao chờ, và chờ nàng tới để làm gì. Nhưng tôi vừa có cảm tưởng kỳ lạ là mọi điều đang khác đi và tôi muốn biết nàng bây giờ ra sao.
Một lúc không biết bao lâu, như trong mơ, có bàn tay nào kéo lệch vai tôi ra đàng sau. Tôi bàng hoàng mở mắt, Sơn Chi đứng ở góc phòng, chiếc áo đen rộng thùng thình xuống tận sàn nhà và phía trên chỉ buộc với cổ áo bằng một sợi dây nhỏ xíu, hở cổ và ngực thật rộng. Một chiếc áo khác áo buổi tối. Nàng nói đã về khách sạn thay áo khác trước khi đến đây. Nàng có vẻ khêu gợi, diêm dúa và lăn lóc thế nào với loại áo này. Tôi hỏi nàng đi bằng xe gì đến. Nàng nói tới đây bằng phương tiện của những đứa ăn chơi. Cả cách nói, nàng cũng đổi khác nữa. Đố tìm thấy chút dáng dấp Sơn Chi của những ngày cỏ xanh miền núi.
Tôi đã tỉnh hẳn, kéo tay nàng ngồi xuống ghế nệm dài. Nàng đòi uống. Tôi lấy chai rượu và hai cái cốc cùng bình nước đá. Nàng có vẻ thản nhiên thành thạo cách uống rượu và nâng ly. Trông nàng, một Sơn Chi khác hẳn trước, tôi vừa khinh vừa thích nàng. Đến lúc đó tôi mới cảm thấy trước kia, chưa bao giờ tôi thích nàng cách ấy.
Khi tôi táy máy gỡ múi dây áo trên gáy nàng, nàng đẩy tôi ra:
"Ông đừng như vậy nữa. Em đến nói chuyện thôi mà".
"Em sao thế?"
"Em không sao cả, nhưng một người đàn bà thì không lúc nào giống lúc nào cả. Ông đừng đối đãi với em giống như trước kia. Coi em là kẻ khác. Con Sơn Chi trước kia nó chết rồi".
"Em là ai cũng vậy, em cũng đã đến đây mà".
"Sơn Chi nó cũng đã đến đây, nhiều lần, nhưng bây giờ không là những lần trước kia".
"Em yêu một người nào à? Em bị ràng buộc à?"
Nàng làm ra vẻ như muốn nhổ toẹt xuống đất rồi cười khanh khách. Tiếng cười nàng trong khuya vắng làm tôi lo sợ và khó chịu. Nàng hỏi với hai tay khoanh trước ngực và nét mặt nghiêm:
"Ông sẽ làm như thế với một người đàn bà khác, khó gì. Còn em ư, ông sẽ không bao giờ làm được gì em nữa hết".
Nàng nói với một vẻ trịnh trọng khác thường: "Ông hiểu sao thì hiểu nhưng điều ấy có thật, những lúc đang nhảy múa trên sân khấu em nghĩ mãi tới điều đó, như em cảm thấy nỗi đau em lớn dần lên".
"Em nói gì vậy?"
Nàng để tay lên bụng.
"Nỗi đau của em đây này. Ông không thấy em mặc áo thụng à?"
Tôi không nghĩ gì sau câu nói.
"Em... mang thai đó à, sao lại nhảy?"
"Cách độc nhất có tiền nuôi nó. Em sắp nghỉ rồi. Không ai biết đâu, trừ ông. Xin ông đừng nói ra".
Tôi hỏi, thật tình không suy nghĩ gì hết.
"Hắn... ra sao?"
"Hắn nào?"
"Thì hắn?"
Nàng nhìn sững tôi một lúc, như người vừa ngủ mệt dậy ngó trân trối một hình thù nào quái dị. Rồi nàng im lặng, đứng lên đi lại phía cửa sổ, nhìn ra đêm sâu bất động.
Một lúc lâu, rồi nàng quay lại hỏi tôi, giọng run run như từ dưới hang hốc nào vọng lên:
"Ông... nhất định lấy Quỳnh Mai chứ?"
"Có lẽ. Không có gì đáng nghĩ ngợi về điều đó cả".
"Ông không, nhưng người khác nghĩ ngợi. Ông... có muốn có con không?"
"Có vợ thì có con chứ".
Nàng cười nhạt.
"Không chắc đâu. Em tưởng rằng ông sẽ không có con, không bao giờ".
Tôi không để ý đến nét mặt nàng khi nói câu ấy.
"Sao em biết?"
"Thường thường như thế, ông đã..."
Nàng im bặt. Một lúc nàng lại hỏi:
"Ông không... lưu ý đến truyền thống của ông à".
"Truyền thống gì?"
"Việc của ông cha".
"Việc gì, em nói gì vậy?"
"Em nghĩ rồi, ông cũng giống như ông cụ ngày trước. Cũng hay là ông cụ còn có ông, nhưng mà ông thì lại giống ông cụ, thành ra lẩn quẩn, chẳng đâu tới đâu cả".
"Làm sao em biết ông cụ tôi?"
"Em có quen cụ Hùng Sinh, cụ ấy cho nghe chuyện".
Hùng Sinh là một nhà cổ hoạ, có họ xa với tôi ở hàng bác. Tôi không lui tới ông cụ, vì ông chán ghét và thất vọng về những thứ mà tôi gọi là thành công. Ông thường than tiếc:
"Rồi cháu cũng đến vấp nạn như ba cháu mà thôi. Cứ ba hoa cho lắm đi".
Về thân thế tôi, mọi sự đều lờ mờ và chính tôi cũng không hiểu rõ. Đại khái, ông Hùng Sinh chỉ cho biết một vụ gì đó oan nghiệt đã xảy ra, và cha tôi đã làm chết oan một người đàn bà trẻ.
Nàng lắng nghe tiếng đồng hồ nhỏ giọt trên tường rồi mím môi hỏi tôi:
"Nếu như... em cũng biết ông trả lời ra sao rồi nhưng em vẫn hỏi lại, vì còn phải quyết định. Nếu như... ông lấy Quỳnh Mai, còn em thì... em bỏ hẳn nhưng xin ông cho được làm tôi tớ và được ở mãi dưới những phòng bếp bỏ không kia, có được không? Em sẽ hầu hạ ông và Quỳnh Mai, những đứa con nhỏ của ông, việc nhà của ông. Lần này không phải để được nhìn ông ra vào ăn ngủ như em đã nghĩ trước kia nữa. Em không nghĩ đến tình cảm nữa, chỉ là cần có chỗ để nuôi con em thôi. Gì cũng được, miễn là có chỗ, điều ấy quan trọng hơn tất cả".
"Thế còn hắn".
Mặt nàng nhợt ra dưới ánh đèn mờ và tôi có cảm tưởng như nàng muốn ngột hơi ngất đi khi nhắc tới hắn.
"Ông đừng nhắc nữa. Việc của em, em liệu một mình".
"Nhưng như thế... cũng bất tiện cho chúng tôi quá, thà rằng sau này..."
Nàng quay ngoắt lại, cười khan:
"Ông từ chối, có phải không? Em cám ơn ông lời từ chối dứt khoát của ông. Như vậy em dễ sắp xếp".
"Sắp xếp gì?"
"Cách cuối cùng của em, mọi điều từ trước đến bây giờ, em ngu muội và mù quáng quá nên xin ông cắt nghĩa cho một lời thôi, có phải nghĩa là ông không muốn liên luỵ gì tới em, phải không?"
Tôi không biết nói cách nào với nàng. Một thoáng vui chơi, có người đàn ông nào lại nghĩ tới một việc kéo dài, dai dẳng và trầm trọng đến thế?
Nhìn nét mặt khó khăn im lìm của tôi, nàng tự hiểu, hình như nàng run lên, khắp người, với một cơn xúc động dữ dội, rồi không thèm một lời nào, nàng bước nhanh ra khỏi cửa.
Tôi mất ngủ liên miên nhiều đêm không một dấu hiệu nào của bệnh hoạn. Không một lý do nào khác cả. Nhưng mỗi đêm, vừa nằm xuống, là cảm thấy có cái gì đánh thức, mở banh trí óc, bắt nhìn lên khoảng tối, và nghĩ ngợi triền miên những điều không đâu tới đâu.
Mất ngủ làm tôi đổi hẳn tính. Tôi trở nên bẳn gắt, cáu kính, chán nản và trốn tránh tất cả những vui chơi mệt mỏi. Công việc tôi cũng vì thế gián đoạn, chậm trễ. Mỗi một đoạn phim người ta phải quay đi quay lại ba bốn lần vì những chểnh mảng và sơ hở của tôi. Cứ thế tôi suy sụp từ từ, vì chứng mất ngủ, cả đời sống lẫn tâm hồn.
Mọi chuyện như thế, từ chói chang rực rỡ đến mù tối u ám rất nhanh, đến lúc tôi nhận ra thì không còn gì cứu vãn được nữa.
Thấy tôi bỗng nhiên suy sụp như thế, ông bố Quỳnh Mai tỏ vẻ thay đổi, thất vọng và lơ là với tôi. Đàng nào thì tôi cũng cưới được Quỳnh Mai mà, nhưng tôi có cảm tưởng như những lời hứa về tài sản dành cho tôi, ông ta không giữ đúng nữa. Tôi càng xuống tinh thần hơn vì cảm thấy mất dần những hào quang quanh mình.
Tôi tìm hiểu nguyên do, nhưng không thể nào truy ra manh mối của chứng mất ngủ. Rồi một hôm không biết cái gì xui khiến, tôi đến thăm bác Hùng Sinh. Ông ta hỏi ngay:
"Con nhỏ đâu rồi?"
"Con nhỏ nào thưa bác?"
"Hôm trước nó đến đây và kể chuyện với bác. Coi chừng lại oan nghiệt nữa đa nghe con".
"Nó kể chuyện với bác à, chuyện gì?"
"Hỏi như mày thì đúng là oan nghiệt rồi. Bây giờ nó đâu?"
"Nó lang bang, con biết đâu được".
"Lang bang là tại mày".
"Sao lại tại cháu?"
"Còn không tại mày, chớ tại ai?"
"Nó thiếu gì người..."
Ông bác nổi khùng, đứng dậy đập bàn ầm ầm:
"A, thì ra mày không khác gì thằng cha mày, đồ vô luân, nhơ bẩn, ra khỏi đây ngay".
Trước khi ra cửa như ông ta muốn, tôi hỏi:
"Nó nói gì với bác?"
"Mày có con với nó".
Rồi ông đánh ập cửa lại.
Tôi đi lang bang ngoài đường cả buổi chiều. Tự hỏi điều đó có thật không. Câu chuyện có phải của mình không. Tại sao Sơn Chi lại tìm được tung tích của ông Hùng Sinh, kể chuyện với ông. Không lẽ nàng nói dối. Tôi cố nhớ lại từng chi tiết, những lần gặp nàng. Nhưng trí óc tôi mù mờ, hỗn độn, tôi không còn nhận ra gì nữa hết.
Lờ mờ trong trí tôi, tôi nghĩ là phải tìm lại nàng, vậy thôi. Tìm để làm gì, tôi cũng không biết nữa.
Tôi trở lại chỗ khách sạn nàng ở, hỏi thăm. Người ta bảo đã dọn đi nơi khác. Làm sao biết một người con gái rời bò khách sạn để đi đâu. Bởi lòng tôi ráo khô, lạnh lẽo, cho nên tôi không lưu tâm tìm kiếm nữa.
Tối hôm đó trời mưa lớn. Mấy chòm cây cao quanh vườn quằn quại rạp mình trong gió hú. Sấm chớp ào ào quật ngã mấy cây lớn quãng đường bên kia nhà. Đêm trước trời còn trăng nên đêm đó trước khi đi ngủ tôi không đóng cửa sổ. Chập chờn nửa tỉnh nửa mê, giông gió ầm ầm, thức dậy, cuống quít giữa toà nhà to rộng một mình, tôi hồn xiêu phách lạc, không biết làm gì trước sau. Mưa đổ ào ào vào nhà, khắp các phòng như nước lũ. Những đồ đạc xô đẩy nhau rớt ngổn ngang. Bao nhiêu sách vở tranh ảnh quý giá ướt sũng, nát như thành rác bẩn. Cả các giao kèo, tờ khế ruộng đất của cải cũng tan theo con nước.
Tôi bật hàng trăm que diêm không châm được ngọn nến. Đèn đuốc tắt ngấm đâu từ trong giấc ngủ. Hệ thống dây đèn có lẽ đã bứt bung hết từ cơn gió đầu tiên. Cho đến cây diêm cuối cùng, tôi mới thắp được ngọn đèn nhỏ xíu. Tôi đi khó khăn qua các đồ đạc ngổn ngang của phòng sách để trở lại phòng ngủ với bàn tay che quanh ngọn đèn. Gió dữ dội như sắp đánh bung đèn xuống đất.
Lúc trở về phòng ngủ, dưới ánh đèn lù mù, tôi sững sờ không thấy hai cái gối vừa gối đầu đâu cả, mặc dù quanh quất đó không một đồ gì lộn xộn, vì phòng này sâu trong nhà, không bị nước ngập.
Tôi bưng đèn qua phòng tắm gần đó. Trong phòng tắm nước đầy ắp trong bồn với xà bông vừa quậy bột. Những cánh màn hồng buông xuống, che hờ nửa phòng tắm và phòng thay áo. Đêm qua, tôi không tắm và bồn tắm không một giọt nước nào.
Mọi nơi trong phòng tắm sắp đặt cho một người sắp tắm. Nước trong bồn còn nóng. Nhưng tấm khăn dưới sàn gạch hoa mới thay. Trên giá, những khăn mới lấy từ tủ ra. Tôi gọi tên bà vú. Không nghe tiếng thưa. Nếu bà ta không trở lại thì không thể là một người nào khác. Vậy thì ai? Tôi bắt đầu cảm thấy lạnh. Tiếng gió hú bên ngoài càng lúc càng kéo dài, thê thảm như tiếng kêu của một con vật sắp chết. Bỗng tôi lắng nghe. Có tiếng người gọi trong gió, nghe vi vút, xa xăm, thứ tiếng ơi hời, ngân nga thăm thẳm rung động, rên rỉ, vời vợi, không dứt.
Tiếng gọi tưởng chừng như gần gần mãi lại thì thoắt bỗng ra đi, tít mù, đứt quãng, nhưng một thoáng sau đó lại văng vẳng vọng về, cuốn hút trong tai.
Tôi bưng đèn hấp tấp cuống quít đi ra phòng ngủ. Hai cánh cửa sổ lúc nãy đóng im với cánh màn buông, bây giờ mở tung phần phật gió lùa. Cơn mưa đã dứt hột. Chỉ còn vòm trời hẩng lên cao, đến thảm đạm với một ánh trăng tái nhợt, lạnh lẽo bò lần trên những khói cây đèn gãy đổ hoang tàn pha vào tiếng gió hú ngân dài làm nổi gai ốc người một mình trong canh vắng.
Tôi đặt ngọn đèn nhỏ xuống sát tường và loay hoay kéo cánh cửa sổ đóng lại. Nhưng kéo mãi, với hết tất cả sức mạnh vãn không thể nào níu được cánh cửa sổ lại gần. Tôi lùa tay ra ngoài xem thử có cái gì vướng mắc hay không. Không có gì cả. Nhưng khi tôi rụt tay vào thì hình như có một con vật vô hình nào khổng lồ bên ngoài tớp lấy bàn tay tôi, kéo người ra, không thể nào rụt lại được. Cùng lúc, tiếng cười khúc khích trỗi lên trong phòng, phía bồn tắm.
Tôi không bao giờ tin ma quỷ. Không bao giờ nghĩ tới bất cứ thứ gì không có thật. Cho nên cho tới đó tôi vẫn nghĩ, như trước kia, một cô gái nào vẫn tới phục kích trong phòng, nửa đêm làm trò trêu cợt mà chơi.
Tôi giằng thật mạnh cánh tay và rút ra khỏi sức níu kéo bên ngoài và quay vào hỏi ai đó. Không tiếng trả lời, tiếng cười cũng im. Rồi là tiếng nước róc rách chảy xuống lỗ thoát. Tiếng bàn chây hay bàn tay quẫy nhẹ trong bồn nước cạn. Rồi cũng im.
Tôi quay nhanh vào, ngọn đèn mong manh tắt ngấm. Bóng tối lạnh và đặc như nước bùn sóng sánh. Tôi như mất hướng trong vũng bùn sóng sánh đó, cảm thấy mình nặng trĩu và chìm lặn xuống.
Tôi sờ soạng đặt cây đèn nhỏ xuống và cố tìm hộp quẹt dưới chân giường thì tay chạm vào hai cái gối chồng lên nhau, hai cái gối không trông thấy lúc mới vào phòng.
Một mớ gì nham nhám như tóc xõa dài vương vương trên gối. Tôi run rẩy lần tay xuống phía dưới. Không gì hơn ngoài mớ tóc. Tôi lần tay lên trên mặt gối. Không còn mớ tóc đó nữa. Lúc đó tôi chỉ còn thèm một đốm sáng.
Bỗng cuối phòng, chỗ góc tủ bỗng loé lên một vệt hồng, đúng là ngọn đèn lại cháy lên. Lúc nãy tôi đặt cái đèn xuống bên cạnh giường, trên mặt bàn nhỏ, cách xa chỗ đốm sáng bây giờ. Tôi quay lại, rất nhanh, phía cái bàn, ngọn đèn vụt tắt đi.
Tôi mất hết bình tĩnh, hai tay ôm đầu, đi nhanh ra khỏi phòng, tìm một chai rượu trên quầy cao, nốc một hơi. Rồi tôi rơi mình xuống ghế dài, thiếp đi trong bóng tối.
Khi tôi thức dậy thì đèn khắp các phòng sáng trưng, mưa gió đã lặng hẳn bên ngoài, và trời hình như sắp sáng. Chỉ còn những đống đồ đạc rách nát bừa bãi khắp toà nhà rộng là dấu tích đêm kinh hoàng vừa qua. Tôi đi vào phòng tắm. Mọi vật không có gì thay đổi. Giường ngủ vẫn yên lành gối nệm phẳng phiu.
Sáng ra, mình không biết mình đã mê hay tỉnh trong đêm, và mọi chuyện xảy ra có thật hay chỉ là những ảo ảnh do tâm thần bấn loạn vì quá nhiều đêm không ngủ.
Tôi bị dày vò, ám ảnh, xâm chiếm với tiếng kêu ơi hời thảm thiết và những vết tích khác lạ trong phòng đêm qua.
Chỉ còn cách là uống rượu, cho lấp che hết những ý nghĩ hỗn độn, những cảm thấy lạ lùng, ngoài rượu ra, tôi không còn thiết tha đến điều gì khác nữa, kể cả bạc tiền và công việc.
Bóng tối, để tránh những ám ảnh buồn bực và tránh cả sự ghê sợ nữa khi về nhà nằm một mình, tôi thường lệ la cà ở mấy quán rượu, ngồi nhìn thiên hạ đùa cợt vui chơi và thật khuya, trở về, lái xe như điên sau khi đã nốc hết chai bia, bất kể phương hướng.
Đó là tối thứ Bảy. Tôi nhớ rõ, bởi vì có một tiệc cưới. Đúng là chỗ tôi trông thấy Sơn Chi dạo nào ăn mặc theo kiểu tỉnh thành kệch cỡm lần đầu.
Thấy tôi ngất ngưởng một mình, nhiều người trong phía nữ chỉ trỏ xì xào bàn tán. Tôi nghĩ là họ phẩm bình về tôi trong các phim đã xem, như thường lệ, hay là nhắc đến những bài báo mới viết về tôi, những thói quen tật xấu của tôi dạo này. Mãi cho đến khi sắp tan tiệc, tôi mới nhận ra một điều khác thường. Các cô các bà nhìn tôi với một vẻ e dè sợ hãi lẫn khinh miệt. Họ đều như muốn tránh né và sợ vướng gần tôi mỗi khi tôi tới gần. Tôi lại nghĩ, vì dạo này tôi say sưa hư hỏng không làm nên tích sự gì, nên không có được lòng mến chuộng của họ như trước kia nữa. Trong khi đó, bọn đàn ông mải mê và thản nhiên ăn uống nhảy nhót, tán tỉnh vui chơi với các đàn bà của họ. Chưa bao giờ tôi cảm thấy chán nản và tuyệt vọng về tôi bằng tối hôm đó. Cho nên tôi cần thêm một chai rượu chát trước khi ra về. Và như thế là khi cầm tay lái, tôi chỉ việc xả hết tốc lực, phóng vút như tên bắn không còn để ý phương hướng đất trời gì nữa hết.
Đến khi tỉnh ra trong gió lạnh hun hút nửa khuya tôi nhận ra mình mất hút thành phố sau lưng, mất hút những con đường ánh sáng quen thuộc đi về. Tôi nhìn xuống vực sâu hun hút dưới đường xe chạy và tự hỏi vì sao mình đã không nhào xuống đó trong cơn say. Như có một lôi kéo hay dẫn dắt vô hình nào đưa tôi và chiếc xe về phía trước.
Đến một khúc quanh cheo leo đêm tối mịt mùng, hai ngọn đèn trước không đủ nhận biết ranh giới giữa con đường và vực thẳm nữa, chiếc xe loạng quạng chỉ muốn nhào xuống vực sâu.
Tôi thắng xe lại phân định rõ phương hướng rồi cho chạy chậm lại tìm một quãng đường rộng quay xe trở lại. Đúng lúc tôi định quay trở lại thì một cơn gió bất ngờ lạnh buốt bỗng ào ào nổi lên. Một cơn gió không biết từ phương hướng nào, kéo tới rất nhanh khoả xuống ào ạt một vùng không gian mù đặc. Loang loáng trước ánh đèn xa là những đám bụi vàng nhạt cuốn tròn. Những đám bụi mỗi lúc một dày cao như cột khói và kéo dài lê thê về phía trước như cái đuôi khổng lồ kỳ dị của một con chồn bị mắc bẫy. Tôi không tìm ra chỗ quay xe nên đành lái bừa về phía trước. Xe tôi đâm hẳn vào đám bụi dày đặc và ánh sáng rẽ hẳn đám bụi ra thành từng mảnh nhỏ. Rồi trong hai mắt tôi thất lạc tinh thần, tôi thấy rõ từng đám bụi đậu lại, trắng bệch dưới đèn xe lảo đảo bay lượn thành những mảnh vải trắng rách bươm phơ phất. Những mảnh vải lưa thưa như chờn vờn bay lượn, ngay trước mũi xe tôi mỗi lúc một trở nên linh động và ẻo lả lạ thường. Tôi cố kìm lòng lại, lấy đôi chút tính tình và nhìn rõ thì không phải là những mảnh vải nữa, mà chính là hai cánh tay áo trắng xác xơ rách nát, như vướng mắc từ những cành gai góc bên một sườn non. Hai cánh tay áo trắng chơi vơi, trong ánh đèn xe giữa một vùng đêm thâm u lạnh ngắt làm tôi mê đi trong cơn sợ hãi dị kỳ cực điểm. Tôi dừng xe lại. Tiếng máy xe tắt. Tôi chìm vào khoảng tối mịt mù sâu hút lạnh băng kia. Hai cánh tay áo vẫn vẫy gọi, chập chờn rồi thì trong hai mắt tôi thảng thốt hôn mê, cánh tay áo bỗng xoắn lại như một sợi dây chão chắc nịch, kéo bừa cả chiếc xe tôi về đằng trước.
Phút này tôi cũng không thể nào nhớ rõ, tôi đã mở máy cho xe chạy lại hay không, nhưng rõ ràng là lúc ấy tôi không còn đủ thần trí tỉnh táo để làm chủ lấy mình chứ đừng nói đến việc điều khiển chiếc xe ở một khúc đường cheo leo quanh co như thế. Ra sao không biết nhưng chiếc xe như nhẹ tênh trôi phăng phăng về phía trước, theo một tốc độ mịt mùng, kỳ dị chưa bao giờ thấy ở bất cứ xe đua nào. Tôi đã nhắm mắt lại, mặc cho cái đà vun vút ấy kéo mình đi, cho đến khi tôi nghe, vi vút từ xa xăm nhưng chuyển sâu vào trong đầu óc nhức buốt và căng thẳng, tiếng gọi ơi ới như đêm nào mưa gió ở nhà. Chiếc xe phóng ào ào về phía tiếng gọi ơi hời kỳ dị cho đến khi nó dừng lại ở một cửa hang rộng thênh thang lạnh buốt với hơi đá và khí núi ngun ngút bốc lên từ vực sâu dưới kia con đường.
Bây giờ tôi mới nhận ra con đường đi về thung lũng Cẩm Thạch và đó là quãng giữa đường, nơi những đoàn xe du lịch thường dừng năm ba phút nghỉ ngơi.
Như theo một sức dẫn dắt vô hình nào, không thể kháng cự cưỡng chống lại, tôi mở cửa xe và bước xuống đường.
Mặt đường đẫm ướt sương khuya. Gió cuốn lốc những cành cây gãy từ bên này sang bên kia đường, kéo xuống vực thẳm tận chìm.
Bây giờ tiếng gọi ơi hời nghe rõ và gần bên kia phiến đá khổng lồ khách du lịch thường ghé ngồi ngoạn cảnh.
Sợi dây chão khổng lồ bây giờ trở lại mềm dịu phất phơ đàng quãng đường trước mặt, không phải sợi dây nữa, mà là hai cánh tay áo trắng vẫy gọi tôi.
Tôi tiến tới phía phiến đá, vừa định nghiêng mình nhìn xuống khoảng tối mù thăm thẳm thì loáng một cái hai cánh tay áo đã từ đàng kia phóng lại như một con rắn lớn, vít lấy cổ tôi, kéo xuống phía ngoài kia phiến đá, bên bờ vực thẳm.
Không còn nhìn còn nghe còn cảm thấy gì nữa hết, tôi tê đi vì hoảng sợ. Trong cơn sợ, hình như tôi đã dùng hết sức lực để gỡ đầu mình ra khỏi vòng dây trắng kỳ dị kia, khỏi thứ sức mạnh kinh khủng kéo lùa tôi về phía vực sâu kia, rồi thì tôi không biết gì nữa hết.