Duck hunt
Trang chủ

Đọc Truyện Online

Tuyển Chọn Tiểu Thuyết, Tình Cảm Hay Nhất

Bóng lá hồn hoa

Tôi tỉnh lại trong phòng của một bệnh viện, nhìn chăm chú một lúc lâu những người đi lại bình thường kia mới biết là mình vẫn còn sống.

Như tôi đã mê đi rất lâu và mọi chuyện xảy ra đêm hôm trước đã quá xa rồi. Nhận ra tôi, những người ở nhà thương đã săn sóc tận tình. Họ cho là tôi quá chén nên say và muốn lao mình xuống dưới đó. Người ta tìm thấy tôi, sáng hôm sau trên phiến đá, nằm sấp, đầu chúc về phía vực sâu.

Những tờ báo đều loan tin tôi tự tử hụt trong cơn say với những thất vọng trầm trọng nào đó. Những tơ báo vừa in buổi chiều thì đến tối đó, khoảng mười giờ có một người đàn bà tới gặp tôi.

Tôi nghĩ là Quỳnh Mai vừa từ Nhật trở về, hay một trong những người quen biết cũ.

Không phải. Một người đàn bà lạ. Cô ta như có vẻ trong giới ăn chơi sa đoạ của thành phố.

Nàng giới thiệu ngay:

"Tôi là bạn thân của chị Dạ Hương".

"Dạ Hương? Tôi cũng không được quen ai là Dạ Hương".

Nàng ngẩn ra một lúc rồi vội nói là bạn của Sơn Chi. Dạ Hương là tên của nàng sau này.

Tôi lặng người đi khi nghe nhắc đến Sơn Chi. Cái gì đó chắc chắn đã xảy ra. Nếu không đã không có những điều kỳ dị xảy ra vừa rồi, và nghe tin tôi như thế, nàng hẳn đã đến. Cho tới lúc đó, tôi nghĩ là nàng vẫn còn sống, vơ vất một nơi nào đó. Hoặc đi theo một tên đàn ông nào đó. Nhưng thấy người đàn bà này tới, tôi chợt choáng người nghĩ đến những liên hệ kỳ lạ giữa Sơn Chi và những điều kỳ dị đã xảy ra mà tôi chỉ nghĩ là ảo giác mịt mù trong cơn say.

Tôi định hỏi thăm về Sơn Chi, nhưng tôi ngượng, quả tình là tôi đã ngượng. Bởi vì hỏi thăm cho thoả những tò mò ray rứt, chứ không phải lo lắng đến số phận nàng ra sao.

Nhưng người đàn bà đã nói ngay:

"Tôi không muốn đến tí nào, bởi thành thật mà nói, tôi không muốn gặp một người đàn ông như ông. Nhưng mà vì bạn tôi đành phải tới".

Nàng nói, và đặt lên nệm giường cạnh tôi một túi gấm nhỏ màu đỏ.

"Người ta tìm thấy gói này, lẫn trong những đồ vật khác của chị ấy để lại, trên phiến đá ngày hôm đó, những ta gởi về chỗ ở, tôi ở chung với chị ấy nên họ giao cho tôi cất giữ. Chị ấy trong câu chuyện vẫn nhắc tới cái này. Bây giờ mới tìm thấy chỗ của ông và dịp thuận tiện để gặp ông nên tôi mang trả lại cho ông".

Tôi mở chiếc túi gấm nhỏ.

Cành hoa bằng cẩm thạch gắn áo ngày nào tôi dúi vào tay Sơn Chi.

Tôi bơ phờ cả người.

"Trên phiến đá à?"

"Phải, những đồ đạc chị ấy để lại cũng ngay trên chỗ người ta bắt gặp ông nằm hôm qua".

"Có nghĩa là Sơn Chi đã..."

"Chị ấy đâm đầu xuống dưới đó. Cái đáy sâu hun hút không ai tìm lại được dấu tích gì sau đó đâu".

Người đàn bà lặng quay ra.

Tôi nhổm dậy từ giường, chặn nàng lại ở cửa.

"Khoan, để cho tôi hỏi".

Nàng nhìn tôi bằng cặp mắt soi mói, khinh bỉ và thù hằn.

"Hỏi gì, còn gì cho ông hỏi đâu? Nhưng ông hỏi làm cái gì nữa chứ?"

"Ít ra..."

"Không ít nhiều gì nữa cả. Bây giờ ông có làm gì cũng muộn quá rồi. Ông lo cho phần của ông thì hơn, người ta, báo chí thì cho là ông tự tử. Tôi thì tôi biết quá. Làm sao ông tự ý đi tới đúng chỗ đó được. Ông có biết quái gì đâu. Chính là chị ấy kéo ông tới đó. Tôi biết, chị ấy linh thiêng lắm. Nói cho ông biết, chị ấy vẫn về thăm tôi mỗi đêm đó. Chị nói dưới ấy lạnh lẽo quá, chỉ muốn về quanh quẩn phá phách chơi làm khuây".

Tôi ghìm cánh tay người đàn bà lại.

"Yên cho tôi hỏi, phải để cho tôi hỏi. Có phải rời khách sạn rồi, Sơn Chi đến với cô không?"

"Chị ấy hết nhẵn cả tiền, đi xin việc làm chỗ ở nơi nào cũng từ chối. Chị nói với tôi chị không cần gì, nhưng còn trong bụng chị... Sau chị phải bỏ về lén lút ở trong rừng nhà. Người ta biết được chuyện, đốt cháy cả rừng hương. Chị ấy chạy thoát ra được về với tôi. Tôi nói tôi sẽ làm hết sức để lo liệu. Nhưng chị ấy buồn phiền quá, bỏ ăn uống. Cho đến hôm đó tôi đi vắng mấy hôm, lúc trở về không còn thấy chị ấy nữa. Và khi tôi về, chị ấy đã mất rồi. Chuyện giản dị có vậy".

Nàng vùng mạnh giật tay tôi ra. Nàng cười khảy trước khi bỏ đi.

"Tôi chắc là ông sẽ không yên thân đâu. Tôi đã nói chị ấy linh thiêng lắm mà. Chị ấy là người hiền lành nhưng oan hồn của chị ấy, của đứa nhỏ sẽ không hiền đâu".

Tôi quên hẳn cơn mê, những săn sóc dặn dò của nhà thương, lững thững đi ra ngoài, xuống thềm, và đi như một người mất trí khỏi bệnh viện.

Tôi đã phải bỏ nhà tôi, vì cứ đến đêm lại bị quấy phá như lần mưa gió thứ nhất. Tôi đến với những người bạn, những người quen, những người có họ xa, và cuối cùng là nhà bà cô và ông Hùng Sinh. Hai nơi này tôi càng bị quấy phá nhiều hơn, một cách âm thầm, tôi đoán nghĩ có lẽ vì đó là nơi nàng đã tới lui.

Cuối cùng tôi đành đi ở khách sạn. Mấy người láng giềng, tình cờ gặp, than với tôi, dạo này trong vườn nhà tôi ban đêm thường có người đàn bà nào tới kêu khóc và đấm cửa ầm ầm, làm kinh động cả đến giấc ngủ của họ. Một người, sốt ruột, nửa đêm cầm đèn chong đi xem giữa lúc nổi lên tiếng kêu khóc thảm thiết nhất, nhưng cánh cổng nhà tôi vẫn khoá và nhìn vào bên trong không có một ai.

Ở khách sạn nào, mới tới đêm đầu tiên tôi cũng được bình yên. Nhưng tới đêm thứ hai thì mọi chuyện đã khác đi.

Tiếng nước bắt đầu rả rích trong phòng tắm. Những chiếc gối đổi chỗ hoài trên giường. Những cánh cửa đóng mở bất thường mặc dầu đã được khoá. Những tấm màn cũng buông cuốn vô chừng. Và đèn thì vẫn bật đỏ lên lúc tôi chỉ muốn tắt đi, để ngược lại tắt ngấm hẳn đi lúc tôi bàng hoàng kinh sợ nhất cần cầu cứu một tia sáng. Những tiếng cười, những tiếng khóc luân phiên nhau. Và cứ nhắm mắt lại là y như có người nắm chặt đàng sau gáy đẩy dúi tôi xuống đàng trước. Tôi ngợp, luôn ngợp, khi thức và cả khi ngủ với cảm giác bị nhận chìm đầu lập lờ xuống một vùng nước đặc quánh lạnh lẽo. Tôi uống rượu và thuốc ngủ liên miên. Trong giấc ngủ hay cơn mê tôi lại thấy hai cánh tay áo trắng phất phơ ở lưng chừng đèo. Nó quấn lấy cổ tôi, vít xuống, như đêm nào trên đường về thung lũng Cẩm Thạch.

Tôi hết cách. Không ai biết những điều như thế đã xảy ra cho tôi cả. Tôi cầu mong ở một nơi đủ đức độ và kinh nghiệm để giúp tôi ra khỏi sự bủa vây kỳ quái kia. Tôi tìm đến bác Hùng Sinh.

Bác Hùng Sinh, nơi tôi có thể bày một lễ cúng, khẩn nguyện và xin tha tội thử xem. Ở nhà bác, tôi làm một lễ, mời thầy cúng và khấn hứa đủ mọi điều. Tôi không tin tưởng ở sự cúng vái. Khi sống, người đã bị bạc đãi, hất hủi, khi chết tôi làm gì để cứu vãn lại được.

Quả nhiên, đêm sau cùng, nàng lại về, cười khanh khách, tiếp tục quấy phá tôi. Nàng vẫy gọi và tìm cách dẫn dụ tôi ra khỏi phòng. Tôi thấy tôi theo nàng phóng như bay vun vút trên con đường về thung lũng Cẩm Thạch.

Nhưng lúc bay trôi theo nàng như thế, thật quái lại, tôi không còn cảm thấy tức giận hay sợ hãi vì bị ép buộc hay phá phách nữa, mà ngược lại, cảm thấy phù du, phiêu lãng, thênh thang trong một cõi tuyệt vời xa vắng nào. Chỉ có lúc tỉnh dậy, tỉnh hẳn, nghe lại những tiếng động xôn xao quen thuộc từ cõi người vọng lên, tôi nhận ra mình đã chết trong những thời khắc mê mệt đó. Chết để sống với Sơn Chi một đời sống khác.

Nếu sự trả thù chỉ có nghĩa là hủy diệt sự sống của một người, thì điều đó thật đơn giản quá chừng. Lần đầu tiên trong đời, tôi suy nghĩ. Tôi băn khoăn về những cảm nhận vừa mịt mù thăm thẳm, vừa đằm thắm dịu dàng trong những cơn mê, và tôi cảm thấy nàng nếu có ý muốn trả thù thì sự trả thù có ý nghĩa nhưng vô ích. Tôi có đau đớn, có mất mát gì đâu. Chỉ là sự chết. Một sự chết gần gũi, xen lẫn thật sự trong sự sống. Cái chết có nghĩa là làm cho đời sống của tôi ngắn lại, vậy thôi. Tôi đã nhận hưởng đủ mùi từ cõi đời còn ước mong và nuối tiếc gì nữa. Cái chết tới, trong tay nàng dẫn dắt, dịu dàng trôi bay. Nàng đã quấy phá, bực tức, những phản ứng cuồng điên nóng nảy là do tôi còn bám víu lấy đời, còn muốn phục hồi lại những vinh quang ngày tháng đã mất. Nhưng khi tôi xuôi tay bay biến theo nàng lênh đênh giữa sống và chết, trên con đường về thung lũng đá xưa kia, thì mọi sự không còn gì phiền muộn hay đang băn khoăn suy tính gì nữa hết. Tôi nhận là mình hai lần lợi dụng nàng, khi sống, và bây giờ, với cõi chết. Nàng thơ dại như một búp hoa rừng, nàng không nghĩ ra điều ấy, khi đêm đêm về dẫn dắt tôi theo. Nàng nghĩ là tôi tham sống nên sự chết trở nên kinh hoàng, ghê gớm lắm. Chỉ làm cho tôi chết đi là đủ, là thoả lòng thù. Nhưng nàng không thành công. Tôi sẽ tới với sự chết thật bình tĩnh, dịu dàng như một cõi rong chơi. Vậy thì suốt cả muôn ngàn kiếp nàng cũng không bao giờ an thoả ở cõi ngoài đời.

Tôi bỗng nhớ tới những điều nàng nói về ông cụ thân sinh tôi, những người trước đó. Có một cái án mập mờ nào đó, tôi cũng không thể được rõ với những lời kể lại loáng thoáng. Hình như họ cũng giống tôi và bị báo oán đến tan tành cả cơ nghiệp đi... Tôi tới bác Hùng Sinh lần nữa và hỏi cho ra điều đó.

Ông Hùng Sinh từ chối. Ông nói nếu mày biết sớm hơn thì may ra. Bây giờ cũng muộn rồi. Tôi nói thật thản nhiên:

"Lẽ ra, cháu phải tu dưỡng để chuộc tội cho những người trước. Cháu là kẻ mang truyền thống oan khiên kia, cháu đã không hủy diệt mầm mống oan khiên kia đi, lại tìm cách khuấy động và giấu mình vào đó, cháu muốn chịu đựng những gì hơn họ đã chịu. Chứ cái chết, cháu thấy nó không đủ, trơn tru và giản dị quá. Một đời sống điêu đứng còn cay độc gấp nghìn lần sự chết. Oan hồn muốn cháu chết theo. Cháu thấy thành thật như vậy là chưa đủ, nhất là chết một cách dễ dàng, thản nhiên như cơn mộng. Bây giờ thì nhắm mắt, để cho nàng kéo đi, cháu cũng có thể chết rồi. Cháu muốn làm một cái gì khác".

Ông Hùng Sinh trầm ngâm.

"Tao mừng là mày đã nhận ra mọi điều. Nhưng người ta chỉ có sự sống và cái chết. Sự sống, không của riêng mày, mà kẻ khác, mày đã hủy diệt đi, chỉ còn lại cái chết, nếu mày cho là không đủ, thì cũng chẳng còn cách nào khác cả. Mỗi người có thể nào sống được hai đời mình để làm lại sự sống hay sửa soạn lại sự chết cho đúng ý mình đâu".

"Ông cố của con, xưa kia, thật ra thì ông đã lãnh tất cả cái án cho con cháu sau này có còn mắc vào vòng báo oán cũng nhẹ bớt đi. Cụ ấy bị mất chức quan, bị đày ải và chết héo mòn trong ngục thất với bệnh cùi. Những đứa con, mỗi đứa chết thảm cả. Bà vợ thì ngoại tình với một tên tướng giặc, và chính những đứa con ấy, sau này, về tàn hại trở lại những anh em ruột thịt nó mà không biết. Y như những chuyện phim của mày vậy mà. Cái hồn oan nó báo oán, xui xiểm, quấy quả lên cả đấy. Cả gia đình đang yên vui, bỗng nhiên tan hoang, vì cụ ấy ép uổng, rồi lại vứt bỏ con người ta chết oan chết khuất".

Những lời ông nói, tôi không còn nghe rõ nữa. Mọi sự thật đã xa vời. Chỉ còn những tiếng kêu thầm bên trong ray rứt đay nghiến. Tôi không thể chịu đựng được những điều đã xảy ra như thế. Một lúc, tôi tỉnh ra. Tỉnh ra và mê đi trong một phút nào, mình sẽ bị cuốn trôi vào cõi chết, thật êm đềm, nhẹ nhàng.

Tôi phờ phạc cả người với những ý nghĩ không đâu, những cơn mê liên tiếp, những giấc chiêm bao quái dị nàng về.

Những cuốn phim của tôi, trong thời gian qua, đem chiếu ở Nhật, làm cha con Quỳnh Mai ghé qua để ký hợp đồng gì đó với các nhà làm phim bên đó, đã thành công ngoài sức tưởng tượng. Tên tuổi tôi vượt lên hàng đầu. Thư từ sách báo gởi về tôi chất đống mỗi ngày. Nhưng tôi trông rõ trong gương, một con ma đói, một con quỷ sầu. Tôi muốn có cách gì thoát hết ra mọi ý nghĩ và ám ảnh kia. Để được trở lại bình thường như cũ. Chưa lúc nào tôi thèm sống, an lành bình thường, như xưa kia bằng lúc đọc những bức thư của Quỳnh Mai. Nàng sắp về, sắp về với những rương áo quần và nữ trang để làm hôn lễ với tôi.

Tôi kinh hoàng nhận ra mình đã biến mất rồi. Tôi còn là một kẻ khác. Một tên ma quái tới từ địa ngục. Tôi không thể lôi bất cứ một người nào tới với địa ngục của tôi. Không thể thêm một người nào nữa.

Đêm qua, tôi lại mơ thấy phòng mình vun vút về thung lũng Cẩm Thạch. Vẫn những tiếng kêu khóc và hai cánh tay tả tơi vít đầu tôi xuống. Tôi chống cự mãnh liệt nhưng lần này tôi chìm lỉm xuống khoảng không, không còn chống cự được nữa.

Sáng nay được điện tín Quỳnh Mai. Nàng sắp về. Người ta tin tưởng và chờ đợi quá nhiều thứ nơi tôi. Tôi phải tránh trước khi họ về tới, tôi phải...

Bác Hùng Sinh nói, người ta chỉ có hai thứ, sự sống và cái chết. Tôi chỉ còn lại một thứ... không ai cứu tôi cả. Tôi biết. Tôi hư đốn, ươn hèn, nhưng chỉ cần một người nào đó cứu tôi được thôi. Tôi tin là không còn gì cứu kịp nữa, với những nọc độc đã lan vào khắp xương tủy và phiền muộn gậm nhấm từng ngày từng đêm. Tôi...

Hắn ném tung cả đống giấy xuống sàn nhà cười ha hả trong đêm vắng. Tiếng cười làm lũ trẻ trong nhà đang say ngủ, thức dậy, khóc thét lên. Hắn lắc vai tôi:

"Cậu đúng là già rồi, già hẳn rồi, hết thời rồi".


"Nghĩa là sao?"

"Đọc thứ này là tệ quá, lại còn định in ra và bắt tao theo".

"Đâu phải chỉ mỗi một chuyện này, nếu cậu có dịp nghe, cậu sẽ nghe hàng loạt chuyện kiểu này trong đời sống xưa kia và bây giờ. Người ta bị suy sụp, tan nát, chết chóc, những thảm cảnh đầy dẫy mà không ai truy ra cái gốc, chỉ nhìn vào ngọn. Như chuyện tên gì năm nào bị nổ banh xác trong nhà hàng đó mày có biết sao không?"

"Thôi dẹp, lại một chuyện như thế này chứ gì? Nó chết, thành ma, ma báo oán. Dẹp đi cậu ơi, tao nói cho nghe cái này hay lắm".

Rồi hắn nhỏ giọng, kể những mục vui chơi mới, những trò bịp bợm giữa đàn ông con trai để phá đàn bà. Hắn kể hàng trăm lần, nhưng vẫn thích nhắc lại, những kết quả và thành tích, lấy làm thích thú. Tôi thì tôi không cười được. Mỗi lần đọc một chuyện tương tự, hay nghe ai kể những cái chết oan khuất, tôi vẫn cảm thấy lạnh người và trong hồn như có một làn gió lạnh xoáy qua. Cảm thấy như phảng phất đâu đây, một bóng hình, một oan hồn đang nghe lắng, rình mò chờ đợi để tri ân sự hiểu biết xót xa hay thù hằn chồng chất thêm oán cừu. Hắn không tin. Và không ai tin cả. Chắc chắn như thế. Nhưng những điều đó đang có thật, đang xảy ra, đâu đó, một cách gián tiếp và thầm kín mà những con mắt và tai người trần tục không thể nhìn thấy hay lắng nghe. Họ chỉ gây nhân và chịu hậu quả một cách tình cờ, vô tâm, cho đến khi bật ngửa người với một đỗ vỡ bi thảm khốc liệt nào đó cho con cái, cho cơ nghiệp, cho chính bản thân họ.

Hắn kết luận trước khi tìm một chỗ ngoài hiên nằm ngủ cho hết phần đêm còn lại.

"Khi không cậu làm mất giấc ngủ của moa. Cứ tưởng là có cái gì hay lắm trong tập bản thảo, nên cứ bị đánh lừa với cảm tưởng đầu tiên đã có. Đọc hết, chẳng có gì cả".

Và hắn nắm tay lại:

"Thôi để moa ngủ, ném cho một tấm ra mỏng, nằm ngoài này chắc là lạnh. Nhưng lạnh thì lạnh, ngủ trong nhà cậu, chắc chắn là yên thân".

Hắn nói chắc yên thân với một thoáng lo âu.

Tôi lo chỗ nằm và những thứ cần dùng cho hắn rồi đi ngủ, sau khi đã khép cánh cửa ngăn phòng ngủ với phòng nhà mát ngoài hiên. Lúc ấy vào khoảng ba giờ sáng, trăng cũng đã tàn.

Tôi vừa chợp mắt lơ mơ được một lúc thì nghe tiếng đập cửa gấp rút bên ngoài. Những tiếng đập vội vã lẩy bẩy như chập vào nhau, xô đẩy, chen lấn.

Tôi mở cửa. Hắn quấn tấm ra trong tay, áo quần xốc xếch, mặt mày ngơ ngác thất thần dưới ánh đèn mờ.

"Lại nó!"

"Ai?"

"Con Hồng Hoa".

"Ra sao?"

"Nó mặc toàn đồ trắng thật mỏng, phơ phất, nó gọi tao dậy. Lúc mở mắt nhìn lên thì tao thấy trên khuôn mặt nó chỉ có... trời ơi, hai con mắt tròng đỏ ngầu im sững nhìn tao, hai con mắt đầy máu..."

Tôi lạnh xương sống, khép vội cánh cửa, an ủi nó.

"Yên đi, cậu vừa đọc xong tập bản thảo, bị ám ảnh với những chi tiết trong đó, làm gì có Hồng Hoa như thế".

Hắn ngồi xuống ghế.

"Kiếm cho tao ít trà nóng và đường".

Tôi khó khăn đi tìm những thức hắn cần dùng.

Uống xong ngụm nước trà nóng, hắn có vẻ tỉnh táo lại.

"Có nên đi tìm xem nó ra sao không?"

"Còn gì nữa?"

"Nếu có chuyện xảy ra, tao làm thế nào".

"Chuyện là chuyện gì?"

Hắn ngẩn ngơ:

"Như trong tập bản thảo".

"Như thế nào được".

"Những lần tao thấy nó, không rõ là chiêm bao hay chỉ là nghĩ. Nếu quả là chiêm bao thì..."

"Để xem hư thực ra sao đã. Bây giờ nó đâu?"

"Hỏi xem đã, không biết nó đi đâu rồi".

"Thôi ngủ tiếp đi. Mai sẽ liệu, dù sao cũng chưa muộn.


Gần hai mươi năm nay, cùng với người vợ dấu yêu luôn luôn bên cạnh, ông Mishio du lịch đã nhiều nơi, dự bao nhiêu hội nghị, có mặt trong những buổi tiếp tân tiếng tăm và lộng lẫy nhất, những bữa tiệc sang trọng và danh dự nhất, đã tiếp xúc với bao nhiêu khuôn mặt, tên tuổi lẫy lừng, danh vọng bậc nhất, xứ này và xứ khác, nhưng chưa bao giờ ông nhìn thấy một bóng dáng đàn bà nào như thế. Chưa bao giờ. Chỉ có những vóc dáng Tây phương rỡ ràng và quyến rũ, những đường nét đa tình thanh lịch của Đông phương như Trung Hoa hay Đại Hàn, hoặc cả những tài tử điện ảnh là những nhan sắc nổi bật nhất trong giới nữ lưu cao cách, nhưng chưa bao giờ ông tìm thấy đúng những đường nét uyển chuyển, mộng mị và tuyệt vời cho một cảm hứng bức tranh chưa bao giờ vẽ...

Người đàn bà ngồi đó, một tay nâng tách trà, một tay tì nhẹ lên thành trường kỷ cần xà cử, hai chân khép nép xếp vào nhau, tà áo đen dài ẻo lả buông xuống tận mũi hài thêu hoàng hạc lượn, mái tóc đen hơn nhung vén cao từng lọn nhỏ và thanh trên đỉnh đầu tròn nhỏ nhắn, để hé một nét cổ trắng ngần chảy xuống khung ngực áo rộng hình vuông lấp lánh một cành huyết ngọc bên phía trái.

Trong khung mắt vương buồn, người đối diện vẫn tìm thấy một lấp lánh ánh sắc tươi vui, hân hoan, như một thứ ánh đèn lồng hò hẹn trong vườn cây làm tăm tối sao mờ, dấu hiệu của một giờ tình tự ngọt ngào đằm thắm... Nét mày cong thỉnh thoảng cau lại, như hỏi han ân cần, như hờn giận nũng nịu, như vòi vĩnh van lơn làm nõn nàng đôi gò má cao phơn phớt một thoảng hồng man mác toả xuống đôi môi san hô non mấp máy giấu che hai hàng răng màu lựu non hé hé từng lời nói tiếng cười. Giọng nàng nhỏ, thanh, nhưng nghe rõ, như tiếng vang xa được lọc qua những tầng thanh khí trong vắt vắng im, nghe xa vời như từ cõi nào vọng vang, mà gần gũi như thủ thỉ gần kề bên gối.

Một chút vâng, một chút thưa, nàng dịu nhẹ, khoan thai, trân trọng trong câu chuyện, từng lời từng chữ nhỏ nhẻ, vừa ân cần từ tốn, vừa kiểu cách đoan trang, làm người nghe cảm tưởng mình luôn luôn được trọng vọng, kính nhường yêu dấu vô chừng...

"Thưa ông, ông bà còn ở lại đây chừng bao lâu mới trở về Nhật". Nàng hỏi, với một thoáng nghiêng đầu dịu dàng và ánh mắt nghiêng hẳn về người đối diện chờ câu trả lời.

Ông Mishio bâng khuâng nghe chính tiếng nói mình lạ hẳn đi:

"Chúng tôi có lẽ phải về ngay sau buổi tiếp tân chiều nay".

"Cuộc vui còn dài, ông bà vắng mặt, chúng tôi, những người ở lại sẽ mến tiếc vô cùng".

Nàng nói và đối xử với những cử chỉ, cung cách và lời lẽ đặc biệt Đông phương như thế.

"Chúng tôi cũng tiếc, có phải không, mình nhỉ" - ông quay sang phía bà vợ mặc áo kimono tím với những tấm hoa in màu trắng xám, ngồi ghế bên cạnh, nhưng mà không thể làm sao hơn - "vì chúng tôi có việc cần chờ ở nhà".

Bà vợ ngồi bên cạnh, im lặng, thỉnh thoảng một nụ cười dịu dàng, hiểu biết nở trên đôi môi hình trái tim nhỏ xíu màu hồng non. Theo ông, bà không biết một ngoại ngữ nào cả, và ngay đến tiếng Nhật, nhiều khi những người khác nói bà cũng không nghe hiểu nữa. Người đàn bà nói:

"Như vậy" - là vì bà chỉ biết có ông và muốn nghe mình ông thôi. Ông là vũ trụ của bà.

Người đàn ông chợp mắt, những vệt tóc trắng mềm mại rủ xuống vầng trán cao.

Ông tiếp tục giới thiệu vợ mình với người đàn bà vừa được gặp:

"Nhà tôi ít nói, gần như là không nói chuyện, nhưng hiểu biết tất cả mọi vấn đề, còn thông thái và sâu xa hơn cả sự hiểu biết của tôi. Nhất là về hội hoạ, chính khi tôi đang hoạ tranh, đang phân vân về màu sắc nào cho thích hợp với đường nét của bức tranh, nhà tôi đã chọn hộ màu đúng như tưởng tượng. Việc gì cũng thế, nhà tôi như lột hết những ý nghĩ thầm kín của tôi và làm giúp trước khi tôi thực hiện được.

Người đàn bà ngắm nghía và Mishio với một vẻ thán phục và cảm mến chân thành:

"Bà thật đáng quý, hai ông bà như vậy, đã tạo ra một thế giới riêng tư, không cần gì đời sống chung quanh nữa rồi".

"Vâng, chúng tôi có thế giới riêng tư, và vì vậy, luôn luôn phải chống đối với bất cứ xâm nhập nào của người ngoài, đôi khi..."

Bà vợ vỗ nhẹ bàn tay mũm mĩm lên cánh tay chồng nói một câu dài tiếng Nhật.

Ông ta quay lại phía người đàn bà áo đen, tiếp tục câu chuyện, nhưng vấn đề khác.

"Thưa bà, còn bà ở lại đây bao lâu?"

Mặc dù cuộc vui vẫn còn tiếp tục, nhưng nếu ông bà ra về, có lẽ tôi cũng phải từ bỏ hết đi theo, bởi vì, xin thú thật trong đám quan khách kia, tôi không tìm thấy một ai có thể ý hợp tâm đầu để trò chuyện, dù chỉ là những chuyện vu vơ. Như thế, là tôi cũng sẽ sang Nhật khi ông bà đi rồi...

Người đàn bà ra ý hiểu điều người lạ nói, liếc nhanh dò xét nét mặt chồng. Nhưng trong khuôn mặt khả kính của người đàn ông yêu dấu, bà không tìm thấy một thoáng xúc động nào cả, nên lại cúi mặt xuống, ngắm những móng tay màu hồng nhạt của mình, khẽ mỉm cười âm thầm.

Bên kia, người ta đang tán tụng, chúc mừng nhau theo nghi lễ. Hình như Tổng thống và phu nhân đang lần lượt bắt tay quan khách để ra về. Những người hầu cận rào rào chạy lên xuống những bậc thang lầu trải thảm nhung đỏ. Tiếng áo xiêm sột soạt cạnh những hàng ghế bọc gấm. Rồi tiếng chân như xa dần dưới kia lầu.

Người đàn ông ngồi lại bên cạnh vợ, chỉ tiếp những bạn bè bằng hai con mắt đằm thắm nhìn theo, nói với người đàn bà bằng thứ giọng nhỏ và trầm của ông.

"Hình như họ ra về hết. Bà đã về chưa?"

"Bao giờ ông bà đứng lên, tôi sẽ xin theo".

"Không, chúng tôi theo bà".

Nàng nói:

"Chúng ta ra ngoài kia xem cảnh yên ba của buổi chiều".

Nàng nói, và lùi lại, nhường cho người đàn ông đi trước, rồi dịu dàng, niềm nở, với một chút tôn quý nàng nâng cánh tay bà Mishio, dìu bà ta theo mình, sau lưng người đàn ông.

Bà vợ cười, im lặng, cánh tay nhẹ hẫng tay nàng, và bước đi nữa, cũng như lãng đãng vật vờ trong sương sao.

Người đàn bà ra tựa lan can, nhìn xuống mặt hồ khói mây mịt mờ dạo chơi lãng đãng trên những bờ cây sẫm sắc chiều hôm. Tiếng ông Mishio ung dung đều đều bên cạnh.

"Không bao giờ có nét bút hoạ nổi những cảnh nét quá tuyệt vời trong thiên nhiên và đời thật, đáng tiếc".

"Thế sao những bức tranh vẫn đẹp hơn những cảnh ngoài, thưa ông?"

"Chỉ khi người vẽ tìm thấy đúng một ảo giác nào đó. Với tôi, hoạ tranh do xúc động hơn là ảo giác, nhưng chính sự xúc động thái quá làm xô lệch hết màu sắc và đường nét. Ví dụ như..."

Giọng ông chìm rồi tắt.

Người đàn bà tưởng chừng như họ, cả hai vợ chồng, đã tan biến vào thinh không.

Nàng quay lại ông Mishio đang ngẩn ngơ nhìn phía sau mình. Người vợ đã đi đâu mất. Ông ta có vẻ buồn bã, băn khoăn.

"Nhà tôi đi xuống dưới ấy rồi".

"Dưới ấy là ở đâu ông?"

"Dưới ấy mà..."

Ông Mishio nói lửng lơ, rồi thở dài kín đáo và tì tay vào lan can, hai mắt đắm chìm vào bóng chiều tịch mịch vây phủ quanh lầu. Trong mắt ông bây giờ, những người khách cuối cùng qua lại đó, cũng ẩn hiện, lãng đãng như khuất chìm trong sương, những tiếng động cũng nhỏ và xa như tiếng ông trên môi mấp máy. Mọi sự đều mơ hồ xa tắp trong cảm nhận mịt mùng lênh láng của ông bây giờ. Người đàn bà trong mắt ông bỗng nhỏ lại, mất hết bề dài, chiều dày, chỉ còn lại một nét thuôn mơ mòng trong hai mắt ông hình dung bức tranh sẽ vẽ. Nhất định sẽ vẽ bức tranh chờ đợi. Nhập nhoà trên bức tranh phác hoạ với tưởng tượng và ký ức, ông thấy như có khoé mắt nhìn trách móc của bà Mishio. Ông nói thầm trong im:

"Không phải như mình đang nghĩ và làm đâu mình yêu quý ạ, nhưng tôi chỉ muốn thực hiện bức tranh mong ước thôi. Cả một đời người, chỉ vẽ được một bức tranh như thế thôi, mình nỡ buồn lòng và hẹp lượng sao? Cho tôi vẽ, nghe mình, nghệ thuật là nghệ thuật, mình phải hiểu, như mình đã gần và đã hiểu tôi, hai mươi năm xưa, và hai mươi năm từ ấy đến bây giờ..."

Mặc dù băn khoăn về việc bỏ đi đột ngột của bà vợ, ông Mishio vẫn trao cho người đàn bà lạ tấm thiếp, căn dặn đường đi và nơi chốn rõ ràng, mời nàng đi sang Nhật bớt chút thời giờ ngắn ngủi ghé thăm ông bà ở Kyoto, một ngôi nhà u tịch gần ngôi chùa cổ.