XtGem Forum catalog
Trang chủ

Đọc Truyện Online

Tuyển Chọn Tiểu Thuyết, Tình Cảm Hay Nhất

Phượng hồng vô tâm

Chap 58:

Hai má nó nóng bừng lên, ngượng ngùng quay đầu tránh đi, tôi giật mình, vội rụt tay lại. Cả hai lại im lặng, con An cứ lặng lẽ gói quà tiếp, tôi thì ngồi bên, rõ lâu sau mới ấp úng:
- Tao…tao..xin lỗi nhé! Tại…
Nó ngắt lời, lí nhí:
- Ừm! Tao hiểu mà.
Từ lúc đó cho đến cuối buổi, hai đứa chẳng nói với nhau câu nào. Ngay cả khi về, tôi cũng chỉ chào nó rồi nó cúi gằm mặt chào lại, chạy biến vào trong nhà. Chẳng như mọi khi, tiễn nhau về còn cứ đứng rình rang ở cổng, trêu đùa nhau chí chóe. Cõ lẽ tự mỗi người, ai cũng đã cảm nhận có gì đó khác biệt ở tình cảm người kia dành cho mình. Ngẫm lại từ đầu năm lớp 10 đến giờ, hình ảnh về con An trong tôi khác nhiều lắm. Đầu tiên chỉ là đứa tomboy, cáu bẳn, lạnh lùng với tất cả. Rồi sau đó đến con An nghịch ngợm, quậy phá như con trai. Còn giờ thì Búp Bông dễ thương, ngây ngô tồ tẹt như con nít, tồn tại song song với “chị An” có ánh nhìn sắc lẹm, chị đại của bang đầu gầu hot girl. Và tôi cũng tự thấy tôi khác đầu năm nhiều lắm. Vốn từ một thằng khơ khạo chỉ biết cắm đầu học, dần dần thành một thằng lẻo mép, ba hoa chích chòe, cố tập nhiều tài lẻ để hút gái. Từ một thằng mũ ni che tai, bỏ mặc tất cả những gì xung quanh, giờ trở thành thằng nghiện lãnh đạo, lúc nào cũng muốn chỉ huy, lại có phần độc đoán với tất cả nữa. Cảm giác như cả hai cùng tự thay đổi mình, cố gắng làm cho mình trở nên đẹp hơn trong mắt người còn lại.
Tình yêu, rung động đầu đời. Hóa ra mùi vị nó là thế, giờ tôi mới cảm nhận được đúng thế nào là thích một ai đó bởi vì mình thích chứ không chỉ đơn giản là thấy xinh xinh, mọi người bảo đẹp đôi, vậy là “yêu” luôn. 
----------------------------------------------------------------------------------------------------
Trên lớp, mấy ngày hôm nay, kể từ hôm chính thức nghe tin về Dạ hội đêm Trung Thu, cả lũ chúng nó lại xôn xao hết cả lên. Đứa này hỏi đứa kia hôm đó mặc gì, hẹn nhau ở đâu, sau đó đi chơi đâu,…blah …blah… blah. Đã đến ngày đó đâu mà cứ nhắng cả lên, lớp ồn như cái chợ vỡ, đau cả đầu. Giờ sinh hoạt lớp, thằng Quang ở cuối lớp nhảy tót lên ngồi cạnh tôi, xì xầm:
- Ê ku! Dạ hội này mày được giao việc gì?
- Thì giao cho giám sát chúng nó dựng phông nền, ánh sáng, như năm ngoái thôi. Mày hỏi lạ nhỉ?
Nó cười hề hề, gãi đầu:
- Thế có băng đỏ đeo tay không?
- Có! 
- Ghi gì?
- Tổ trưởng An ninh! À mà con chó này, mày có ý đồ gì? 
Nó đấm đấm vai tôi, nói ngọt xớt:
- Uầy! Hôm nay lại thông minh thế, còn đẹp trai nữa chứ. Mới cắt tóc à?
Tôi bụm miệng cười, liếc nó:
- Thôi bố khỏi nịnh! Tao biết tỏng rồi, lại định mượn tao cái băng, đeo cho oai để lấy le với gái chứ gì!
- Thằng! Chỉ được cái nói chuẩn!
- Bố biết mày mà. Vậy để hôm đó tao đưa cho mà đeo. Này…thế mày tăm tia con nào đấy?
Nó đỏ mặt tía tai, nói:
- Ờ thì…em này ở lớp học thêm tao.
- Mặt mũi thế nào?
- Ủ ôi! Xinh cực kì, mặt sơ sinh cơ thể phụ huynh. Này nhé, không thua gì An hấu của mày đâu.
Đột nhiên rầm một tiếng, con An quay ngoắt từ trên xuống, thoi mạnh một quyền xuống bàn, quắc mắt nhìn thằng Quang:
- Cái gì cơ? Mày cứ liệu thần hồn Quang ạ! Tao còn nghe thấy nữa á, này thì…lắm mồm này.
Vừa quát, nó vừa đưa tay tới theo thế ưng trảo, dí ngay sát mắt thằng Quang. Hai thằng sợ xanh mắt mèo, run cầm cập nhìn nhau. Tôi vội dỗ:
- Thằng này đần độn nên toàn phát biểu liều. Kệ mẹ nó, mày quay lên đọc truyện tiếp đi. Rồi chiều tao sang, tao đưa đi chơi nhé!
Con An cười toe, quay lên, người nhúc nhích, nhúc nhích, đung đưa cái đuôi gà. Tôi với thằng Quang lấm lét nhìn, rỉ tai nhau:
- Mọi khi đi chơi với mày, nó cũng dữ như chằn lửa thế này à?
- Không! Hiền lắm.
- Sướng vãi! Thế mà ngu, thôi bố phắn đây, bép xép nữa, nó móc mắt thì hết cả ngắm coocse em kia.
- Cút ngay thằng tâm thần, bệnh hoạn, kinh tởm. Biến!

Lát sau, thầy chủ nhiệm lên, tổng kết tình hình lớp trong tuần vừa qua, thông báo kế hoạch tuần sau,… Thầy làm mọi thứ theo kiểu thủ tục, cốt sao cho nhanh, còn thời gian để cho lớp tự sinh hoạt, bàn bạc với nhau về kế hoạch Trung thu. Ngồi nghe chúng nó nói mà phát chán, quanh đi quẩn lại cũng chỉ có chuyện áo quần. son phấn hôm đó. Lớp ban D có khác, lắm gái, lắm chuyện nhăng nhít, rối hết cả đầu. Từ giờ tới hôm Dạ hội còn những 3 ngày, xoắn cái gì chứ. Mà hôm đó có chính xác vào Trung thu đâu mà “thưởng trăng” với lại “mỹ nhân vọng nguyệt’. Khiếp, nghe lũ con gái hí hửng bàn tán mà tôi sởn cả da gà.

Thằng Hoàng ngồi giữa đám con gái, mặt phởn phởn, con nào nói xong, nó cũng chêm một câu tán thưởng rồi gật gù khen lấy khen để, rõ dại gái, đã hẹn đánh cờ, mình chấp 1 xe, 1 pháo rồi mà vẫn không ra, cứ dính vào lũ con gái. Xem ra chỉ có mỗi dì Minh là “người đàn ông” lạnh lùng nhất, ngó xuống thấy nó đang đút điện thoại trong ngăn bàn, vừa nhắn tin vừa cười nhăn nhăn nhở nhở, chắc lại xin được số em tiểu thư nào rồi. Khốn nạn thật, lớp được có mấy đứa có đtdđ, đáng lẽ phải để đấy để anh em nt rủ nhau đi chơi, đằng này suốt ngày gái với chẳng gú, gọi thì toàn máy bận, tắt nguồn, thà bố ôm cái điện thoại để bàn đến cho nhanh, di với chẳng động. Lại được cả bố Sơn nữa, cứ rú rú cạnh mụ Thy hạt mít, quay sang tình tứ, cười toe toét với nhau. Cười, cười, cười, suốt ngày cười không chán,thấy mà buồn nôn. Cơ mà nghĩ lại, càng ngày mình càng giống “anh Chí” rồi, chửi hết đứa này đến đứa khác, vậy mà chúng nó vẫn trơ trơ ra, chẳng đứa nào đoái hoài gì hết. Ngó xung quanh, thấy lớp như cái ổ thác loạn, lại càng chán chường thời cuộc. Ngẫm lại, muốn không để bị cám dỗ thì tốt nhất là hãy tự sa ngã, mình lên bàn Búp Bông chơi vậy, hế hế!

Con An đang cắm đầu vào quyền truyện, thấy tôi nhảy tót lên ngồi cạnh, nó cười cười bảo:
- Bi đần độn, lên đây soi tao hả. Biến về ngay!
- Không biến đấy, làm gì được tao!
- Đọc truyện này, hay cực!
Nói đoạn, nó lôi ra một lô lốc toàn truyện là truyện trong cặp, dễ phải nhiều hơn cả sách vở. Tôi giở ra đọc vài trang đã chán, truyện gì mà lời cụt ngủn, mặt thì vô cảm, đọc từ tập 1 đến tập 3 cũng chỉ quanh quần có cậu chủ, cô hầu gái, ông quản gia, một cái biệt thử to tổ bố, trường học toàn superman với wonder women,….thế mà nó cũng đọc được, đến chịu. Thở dài nằm bò ra bàn, tôi ngước mắt lên nhìn con An. Sao đi chơi suốt ngày mà da nó trắng thế nhỉ, lại còn ăn rõ lắm mà người vẫn cứ đẹp, nhìn hai gò má nó phúng pha phúng phính, chỉ muốn cắn cho phát. Ngẩn ngơ ngắm nó, bị nó phát hiện lúc nào không hay, nó mỉm cười, lấy cái hộp bút to đùng ra chắn trước mặt tôi, không cho nhìn nữa. Tôi bật cười, đưa tay lên nghịch cái tai thỏ của hộp bút. Không biết nó bỏ những cái gì trong đó mà căng phồng lên. Chẳng bù cho tôi đi học, mang mỗi hai cái bút bi, một bút chì, thước kẻ thì cứ mua là lôi ra làm bảo kiếm choảng nhau, gãy sạch. Tôi buột miệng hỏi:
- Búp! Mày mang những gì mà lắm thế, con thỏ của mày béo ú ra này! Giống y hệt mày.
Nó lè lưỡi:
- Lè! Tao béo á, có mày mắt toét thì có. Con thỏ bụ bẫm, đáng yêu thế này cơ mà.
Tôi cười, vớ cái hộp bút mở ra, nói:
- Để tao xem mày giấu cái gì mà lắm thế!

Sau một hồi hì hục, tôi lôi từ trong con thỏ ra đủ thứ linh tình. Có đến cả chục cái bút bi , kèm theo là một đống bút nhũ xanh đỏ tím vàng đủ cả. Lại còn có một cái nồi bé tẹo, chắc là đồ hàng của bọn con gái hay chơi, mấy con pokemon nhựa, son môi, gương, lược, kẹp tóc, tẩy, bút chì,… lộn xộn hết cả lên. Tôi ôm bụng cười rũ rượi, kêu:
- Năm nay mày mấy tuổi rồi hả Búp, đi học mà cứ như trẻ mẫu giáo ý. Thế mày có mang bình sữa với bỉm không?
Nó đỏ mặt, giọng hờn dỗi:
- Tao trẻ con đấy, thì sao nào. Đồ con lợn!
Nói đoạn, nó giằng luôn cái hộp bút cất đi, hậm hức ngồi nhìn tôi. Vừa thấy nó có biều hiện thế, tôi đã dỗ ngay:
- Đùa tý! Làm gì mà nóng thế,hạ hỏa hạ hỏa.
Nó dậm chân, tru tréo:
- Không biết đâu, bắt đền mày đấy!
- Ơ! Thế thích đền cái gì nào?
- Quà Trung thu cơ!
- Rồi! Rồi. Mấy hôm nữa lên Hàng Mã, tao mua cho nhé.
- Không thích đâu!
- Thế thích cái gì?
- Mày phải tự làm cơ!
- Nhưng tao tự làm thì xấu lắm.
- Xấu cũng được. Tao thích mày tự làm tặng tao cơ!
- Ấy! Chơi khó nhau thế!
- Rốt cục mày có đền không?
- Ừ được rồi! Khổ quá, để tao làm vậy. Xấu cấm kêu nhé!
Nó cười long lanh, gật gật đầu. Nhìn nó như vậy, ai mà từ chối nổi cơ chứ, người gì mà lúc nào cũng ngồ ngộ như đứa trẻ con.

Chap 59:

Sau khi nhận lời làm quà Trung Thu cho con An, tôi bắt đầu mò mẫm trên mạng cách làm đèn lồng. Nhưng tìm mãi cũng chỉ thấy có cái hướng dẫn làm đèn con thỏ như kiểu đèn ông sao. Đành cố vậy, rồi chế thêm mấy cái đẹp đẹp vào, chắc nó không để ý đâu. Bù thêm hộp bánh nướng vào, nó thấy đồ ăn là quên ngay cái đèn chắp vá ấy mà.

Chạy lông bông khắp nơi mua vật liệu, về nhà ngồi chẻ lạt, căng giấy, dán choe choét mãi mới được cái đèn lồng tàm tạm. Nhưng mà nhìn cái lồng đèn hình con thỏ hơi to thì phải, thây kệ, càng to chắc là càng đẹp, đốt lên cho sáng. Để cái đèn lồng đó, tôi hí hửng đi chơi, cả buổi chiều ngồi điện tử, hò hét File in the hole ầm ĩ. Hôm nay thắng to, được những 250k, mấy thằng đi ăn ốc bét nhè, rồi rồng rắn đi nem chua rán, sữa chua nếp cẩm,… Mãi 7h tốimới về nhà , ăn căng một bụng quà vặt rồi mà tôi vẫn còn ních thêm 2 bát cơm được. Có khi mình bị lây bệnh tham ăn của Búp Bông rồi. Giờ này ở nhà nó chắc vẫn chưa ăn cơm, cơ mà kiểu gì nó chẳng ngồi sẵn ở bàn ăn, cầm bát kêu í ới, giục mẹ nó nấu cơm nhanh nhanh. 

Lên phòng học ngồi một lúc, thấy bài vở quanh đi quẩn lại cũng chẳng có gì, tôi mới xuống đường đi dạo một chút cho đỡ chán, ở nhà mài mông cạnh máy tính mãi cũng chẳng hay ho gì. Lang thang ngoài đường, đi thật chậm để ngắm nhìn Hà Nội về đêm. Có lẽ do lớn lên từ bé ở đây nên tôi trở nên quen thuộc với những xô bồ, ồn ã của Hà Nội. Bây giờ, Hà Nội trông khác so với ban ngày nhiều. Giờ là lúc những người rãnh rỗi có thể đi chơi với gia đình, người yêu, hoặc những đứa vô công rồi nghề như tôi có thể có một việc gì đó thú vị để làm, ví dụ như xem người đi đường chẳng hạn. Người đi ngược, kẻ đi xuôi, chen lấn nhau trong tiếng còi xe ầm ĩ, tiếng càu nhàu tránh đường, tiếng chửi tục bực bội lúc chờ đèn đỏ. Những lúc trời se se lạnh thế này, các quán hàng đồ nướng được mùa, mở nhan nhan. Từ góc phố, đầu đường, chân cột điện, cồng chùa,… người ta đem đủ thứ ra nướng. Nào là lòng, dồi nướng, cá nướng, mực nướng, nầm nướng, hải sản nướng, ngô nướng, khoai nướng, lại còn cả mía nướng nữa. Cái gì cũng đem ra nướng được thì phải. Tôi đạp xe chầm chậm, đi qua và hít hà đủ thứ mùi hỗn tạp đó, hòa lẫn với tiếng cụng ly, tiếng xèo xèo của thịt mỡ cháy., tiếng nói chuyện xầm xì. Đi qua Hồ Gươm, tháp rùa đã lên đèn, lung linh giữa mặt hồ. Trên cầu Thê Húc thì lấp lánh ánh điện, quanh bờ hồ tấp nập những người đi tản bộ, những quán cóc bày lèo tèo vài món trên mẹt. Cạnh gốc sấu già, vẫn có một ông cụ ngồi khắc bút, hôm nay cụ về muộn hơn mọi ngày thì phải, còn cụ già vẽ tranh chân dung thì bây giờ mới bắt đầu dọn đồ nghề ra. Tôi đi lòng vòng thêm lúc nữa rồi về, giá mà có ai đó ngồi sau thì tôi còn có thể đi lâu hơn nữa cơ, nhưng mà hôm nay, tôi chỉ đi có một mình.

Dạo qua Hàng Mã một chút, đúng là sắp Trung thu có khác, đông kinh khủng. Đi ra thấy đứa nào cũng đèn lồng, mặt nạ, tai thỏ, vương miện trên đầu, mà người lớn đi còn đông hơn cả trẻ con. Thật đúng là:

Trung thu là Tết thiếu nhi
Mà sao người lớn lại đi chơi nhiều?
Chơi nhiều thì lại làm liều,
Liều xong rồi lại có nhiều thiếu nhi


Ngắm nghía thêm chút rồi tôi lượn luôn, tý nữa mà tắc đường chắc ngủ vỉa hè luôn mất. Về nhà cũng đã gần 9h tối, may mà bố mẹ không nói gì. Rúc lên phòng đánh một giấc thẳng cẳng tới tận sáng hôm sau. Cả ngày hôm sau, tôi lại ngồi search công thức làm bánh nướng, loay hoay đến đêm mới xong, buồn ngủ díp cả mặt, mới ngả lưng ra giường đã khò khò luôn rồi. Sáng hôm sau, đang ngủ thì nghe mẹ gọi:

- Hưng ơi! Có điện thoại này.
Tôi nằm trong chăn, hỏi vọng ra:
- Ai đấy ạ?
Mẹ tôi đáp:
- Xuống mà nghe, thằng Hoàng nó chờ kìa.
- Vâng ạ!
Vừa đáp, tôi vừa bật mình khỏi chăn, ngái ngủ bước xuống tầng 2, áp máy lên tai, giọng lè nhè:
- Con chó, gọi gì sớm thế?
- Thằng này láo nhỉ! Thế có muốn nghe tin vui không nào?
- Tin gì thì ẳng nhanh cái nào, lề mề quá.
- Láo toét! Đã thế bố đếch nói nữa đấy.
- Thôi anh Hoàng vĩ đại! Có gì thế?
- Hôm nay được nghỉ. Tao sợ mày chưa biết nên thông báo. Hôm qua lúc mày đi họp trên văn phòng đoàn, thầy Hiệu phó có nhắc. Tao quên chưa bảo mày, may mà gọi sang mày vẫn ở nhà.
Tôi tỉnh cả ngủ, reo loạn nhà:
- Hú hú hú! Yo most vãi! 
- Thế tý đi chơi không?
- Đi đâu?
- Đá bóng với bọn A6, hôm trước chúng nó rủ. Đá ở cái sân cỏ nhân tạo gần nhà thằng Phú lớp mình. 7h30 đá nhé, sớm cho đỡ nắng, không đến 9h là nắng vỡ đầu đấy.
- Ừ ừ!
Vừa nói, tôi vừa cắm đầu cắm cổ đi đánh răng rửa mặt, thay quần áo đá bóng rồi ăn sáng, ngồi nghỉ một lúc xong đi ra sân bóng.

Lóc cóc ra sân, vừa qua cổng đã thấy cả lũ đến từ bao giờ, đang khởi động cạnh cầu môn. Tôi cũng vào khởi động cũng, chạy 1 vòng quanh sân rồi bắt đầu trận đấu. Thế nhưng, bóng vừa lăn thì có người sút quả bóng đi, một thằng to con, đen cháy nói:
- Bọn trẻ con biến hết, để sân cho bọn tao.
Đứng sau nó là lố nhố tầm ba bốn thằng, thằng nào cũng cao kinh khủng. Bên tôi, thằng Huỳnh nói:
- Nhưng bọn em đặt sân trước rồi cơ mà!
- Bố đéo cần biết, bảo cút thì cút. Lờn vờn tao táng cho vỡ mẹ mày đầu giờ.
Thằng Huynh im bặt, bất nhẫn nhìn thằng đó. Nó dang tay tát thằng Huỳnh một phát nổ đom đóm mắt, quát:
- Á! Mày còn nhìn đểu bố mày à!
Trúng phát tát, thằng Huynh thư sinh lẻo khẻo lảo đảo ngã ra đất. Hai thằng bên A6 nóng tiết, đồng loạt xông lên song phi thằng vào bụng thằng đen kia một lượt. Bên nó thấy đồng bọn bị đánh, tưởng cả lũ chúng tôi đều cùng một hội nên lao vào đập thằng Sơn lớp tôi. Thằng Sơn nhanh chân nhảy lùi ra sau tránh đi, cả lũ vội ào lên, tay quai lia lịa, gặp thằng nào là tương luôn thằng đấy. Bọn nó thấy bên tôi đông hơn hẳn thỉ bỏ chạy, nhìn mác đồng phục xong chửi:
- Bọn này giờ gớm thật! Chiều bố mày ra tận cổng đón chúng mày.
Sau đó, phần vì ức chế việc bị phá đám, phần vì thằng Huỳnh bị váng đầu nên bên nó thiếu người, trận đấu được hoãn lại chờ dịp khác, cả lũ kéo nhau về, chuyện với bọn đầu gấu kia tưởng thế là xong.

Buổi chiều, cả lũ theo lệ trực tuần ở trường, chỉ thiếu mỗi thằng Hoàng, đang thắc mắc thì có thằng Đông bên A6 xồng xộc chạy vào, hớt hải:
- Chúng mày… cứu..cứu.. bọn tao với…!
Tôi ngạc nhiên hỏi:
- Có chuyện gì thế?
Thằng Đông thở phì phò, đáp:
- Tao với thằng Vũ, thằng Hoàng lớp mày …đi lên Hàng Mã mua đồ cho trường, bị …bọn sáng nay chặn lại. Chúng nó chặn…chặn lại… cho tao về báo tin, ra nhanh lên…không… không thì bọn kia đánh hai thằng bét xác mất!
Thằng Sơn đấm mạnh xuống bàn, chửi:
- Bọn này láo nhỉ! Đi thôi chứ xoắn cái gì.
Thằng Đông vội cản lại, kêu:
- Không được, chỉ có 5-6 thằng thế này, ăn thế nào được. Bọn nó gọi thêm, có tới chục thằng!
Tôi nói:
- Đéo phải xoắn, gọi con trai cả khối ra bem luôn. Các thầy cô đi cùng lớp 12 tham quan hết rồi, chơi luôn đê! Chiều nay chẳng có ai ở trường hết.
Nói đoạn, tôi với mấy thằng chạy hết các lớp tự quản, gọi:
- Học sinh trường minh đi mua đồ Dạ hội cho trường bị chặn đánh. Có đi cứu không?
Các lớp, từ A1,A2,A3 đến D1,D3 đều đồng loạt hưởng ứng. Bất kể ngày thường có xích mích thế nào, giờ nghe việc học sinh trường bị người ngoài đánh là đứa nào đứa nầy sôi máu lên, chỉ muốn vặn đầu bọn kia ra cho hả giận. Sau khi gọi hết các lớp có thể, một hội đồng gần 100 thằng kéo nhau trốn học tập thể, kênh nhau nhảy huỳnh huỳnh ra ngoài theo tường sau vườn sinh vật. Một lũ đồng phục học sinh lố nhố kéo nhau đi cứu viện học sinh của trường. Nhìn cảnh này thật chẳng khác nào trong phim “Người trong giang hồ”, chất đừng hỏi. Ôi! Tôi yêu trường tôi!

Chap 60:

Trốn ra khỏi trường, dân cư được phen hết hồn khi thấy một đám nam sinh hùng hổ kéo nhau đi, mặt đứa thì đằng đằng sát khí, đứa thì háo hức vì ngứa tay ngứa chân. Mà tính lại, có khi đến đây cứu người chỉ có chục đứa là thực bụng, còn lại toàn hiệu ứng số đông nên đi theo, với lại một đám không nhỏ là gan to theo xem vì hiếu kì. Nhưng kệ, càng đông càng uy hiếp tốt. 
Đi theo thằng Đông chỉ, bọn tôi đến trước một khu chợ tạm, chợ tan từ sáng, giờ vắng hoe, chỉ còn mỗi mấy người đứng. Vào trong mới nhận ra mấy người đó là ba thằng bị quây, xung quanh phải đến chục thằng nữa. Thằng Hoàng thì dựa lưng vào tường, tay cầm thanh gỗ khua khoắng loạn xạ không cho bọn kia vào gần, Tôi gọi to:
- Hoàng!
Nó giật mình quay ra, thấy cả trăm thằng cứu binh đến, mừng rỡ gật đầu. Mấy thằng đầu gấu kia cũng quay ra, thấy bọn tôi đông như kiến, đứa nào đứa nấy hằm hè như sắp ăn thịt mình thì hoảng, vội nhìn quanh tìm đường bỏ chạy. Tôi nói lớn:
- Vây vào, đánh bỏ mẹ chúng nó đê!
Cả lũ reo ầm lên, kéo vào nườm nượp, giá mà tuyển bọn này đi làm diễn viên quần chúng phim dã sữ nhỉ, reo to phải biết, khí thế hừng hực, giặc nghe xong vỡ mật chết là cái chắc. Lại nói chuyện 10 thằng kia, nhìn cả lũ hơn trăm thằng, thằng thì rút cột chống ở lán chợ, thằng thì cầm mảnh ngói, ào ào kéo lên. Lúc này, tôi chỉ muốn dõng dạc hô to: “Bắt đầu công thành!” mà không dám, sợ ăn hết cả gạch ngói quân ta. Cơ mà lúc nãy nhìn giống giang hồ thế mà giờ nhìn y hệt Công thành chiến, cứ hai thằng vác một cây cột chống lán, lao thằng vào mấy thằng kia, những đứa khác thì hoặc tay không hoặc sỏi đá gì đó, ném rào rào như mưa tên. Nhưng chưa kịp bem thì có thằng chạy từ ngoài vào, kêu:
- Công An, Công An, bỏ mẹ , Công An!
Vừa nghe nhắc đến Công An, cả lũ túa chạy một mạch, chân không chạm đất, chỉ khổ 10 thằng kia, cứ chen chen lên cổng chợ để chạy thì lại bị dòng người cản bật lại, phải ra sau cùng. Cả trăm thằng chạy một hơi về trường, mặt ai nấy xanh như tàu lá chuối, vừa kênh nhau bật tường, vừa nơm nớp sợ Công An đuổi đến. Tôi trèo lên sau cùng, đếm đủ số đứa đi mới an tâm nhảy vào. Vào trường rồi, lại còn phải họp các lớp lại, thống nhất với nhau là nếu có ai hỏi thì khai thế nào, chứ khai mà không khớp thì học bạ đứa nào cũng được thêm vài vết bút đỏ, sơ yếu lí lịch được thêm cái tiền án tiền sự thì đẹp.Sau vụ đó, trường tôi im hẳn, một thời gian dài không dám ho he gì chuyện đánh đấm nữa.

---------------------------------------------------------------------------------
Hôm sau, chẳng biết đứa nào bép xép mà con An biết chuyện tôi trong hội cầm đầu cả lũ đi đánh nhau, suýt thì bị CA tóm. Lúc đèo nó về, tới trước cổng, nó nắm tay tôi kéo lại, hỏi:
- Bi! Mày lại đi đánh nhau đúng không?
- Đã đánh gì đâu! Mà tao đi giúp thằng Hoàng đấy chứ!
Nó tự nhiên nước mắt lưng tròng, run run nói:
- Mày đi thế tao không nói gì. Nhưng dù gì mày cũng phải nghĩ đến an toàn chứ. Bọn đấy đầu gấu, nhỡ chúng nó đâm cho mày một nhát thì sao? Hả?
Tôi ấp úng:
- Thì…tao…
Nó nói:
- Mày…mày…mày có biết tối qua nghe con Yến gọi điện, tao sợ đến thế nào không hả? Cả đêm tao không dám ngủ…tao sợ ngủ xong tỉnh dậy cũng là lúc sang đám ma mày! Mày có biết như thế sợ đến mức nào không?
Lần đầu tiên tôi thấy nó phản ứng dữ dội như vậy , thì ra nó lo lắng cho tôi đến thế, vậy mà tôi không hề biết, cứ vô tâm, bỏ ngoài tai lời nó. Bỗng tôi vòng tay, ôm con An vào lòng, nói khẽ:
- Được rồi! Đừng khóc nữa, tao vẫn đây, vẫn sống nhăn răng đây! Khóc xong bố mẹ mày thấy, lại bảo tao làm gì mày! Nín đi nào!

Nó càng khóc to thêm, úp mặt vào ngực tôi mà thổn thức khóc. Tôi vỗ vỗ vào lưng nó, dỗ dành:
- Nín này! Nín này! Trung thu tao dẫn mày đi chơi nhé, được không?
Nó sụt sịt gật gật đầu, đưa tay lên lau nước mắt xong chào tôi, lách người qua cổng đi vào nhà.Tôi bồi hồi nhìn theo bóng nó, mãi tới khi thấy đèn trên phòng nó sáng, tôi mới đi về. Suốt quãng đường về nhà cho tới lúc về tới nhà, rồi đến chiều, tôi cứ nghĩ mãi: Chẳng lẽ với con An, tôi quan trọng vậy sao? Trước giờ, chưa một lần nào tôi thấy nó phản ứng như thế cả. Cả buổi đêm, không hiểu sao tôi không tài nào chợp mắt nổi, hễ nhắm mặt lại là lại thấy hình ảnh nó khóc lúc sáng, trông cứ tồi tội, đáng thương thế nào vậy. Mà khốn thay, đứa khiến nó khóc lại là tôi. Tôi đã hứa là không để nó khóc bao giờ, bảo vệ nó mãi mãi, nhưng không biết bao lần tôi để nó phải khóc rồi.

Gần sáng tôi mới ngủ được chút xong đã dậy luôn, hôm nay là dạ hội rồi, sẽ lắm việc đây. Cả sáng đến trường, tôi chạy như đèn cù, buổi trưa cũng không kịp về nhà, phải ngồi ăn luôn ở cantin. Trường chơi ác thật, toàn dồn việc cho học sinh làm, kêu là “Rèn luyện cho các em tính tự lập, biết xử lý những công việc tập thể, blah…blah…”. May mà đến 5h chiều cũng vừa xong, kịp thời gian cho các lớp bày gian hàng. Từ lúc này là tôi được tự do, chạy vội về nhà tắm rửa thay quần áo xong sang đón con An. Đang ngồi ở cầu thang đi giày thì bố tôi gọi vào, tôi ngơ ngác:
- Gì thế ạ!
Bố cười, đưa tôi chùm chìa khóa:
- Này! Hôm nay cho thằng cả đi xe máy trên này. Ai đời đi đón bạn gái lại mặc comple đi xe đạp không. 
Tôi mừng húm, hỏi:
- Hế hế! Bố đúng là super dad! À mà lấy cái nào hả bố?
Bố cười khà khả, vẩy vẩy tay:
- Cho mày thích chọn cái nào thì chọn! Này, mà cấm có ngó sang ô tô nhé. Không lại vỉa chết cả con nhà người ta. Thôi đi nhanh lên, không được để gái nó chờ! Nhanh thằng này!

Tôi hí hửng mở nhà để xe, đàng hoàng dắt cái Dylan ra, đi oai như cóc. Đúng là khâm phục bố thật, tay trắng mà dựng được cơ nghiệp thế này. Giờ mình con một là sướng nhất, hí hí! Suốt từ nhà tôi cho đến nhà con An, đi đường bao người nhìn theo mình, sướng phải biết, mà nhất là họ nhìn theo không phải vì mình bị bôi son tô mặt hay quên kéo khóa quần, mà vì mình oách xà lách. Đứng dưới cổng nhà con An, tôi bấm chuông gọi, lát sau thấy nó xuống. Uầy, hôm nay đẹp thế chứ, môi phớt hồng, mắt kẻ nhẹ long lanh, áo plull ôm sát thân hình, quần jean kín đáo. Thấy tôi nhìn không chớp mắt, nó nhoẻn miệng cười khoe lúm đồng tiền, nhéo phát vào mũi tôi:
- Ê! Thằng biến thái, nhìn gì mà nhìn! Đi nhanh lên kìa.

Nghe nó giục, tôi mới giật mình, vội chào hai bác, đèo nó đến trường. Đi được nửa đường, nó đột nhiên kéo áo tôi, nói:
- Chết rồi! Mày không nói trước mày mặc comple, giờ tao mặc thế này, nhìn chẳng hợp nhau tý nào cả. Quay lại cho tao về thay quần áo.
Tôi nói:
- Kệ mà, có sao đâu!
- Nhìn cọc cạch lắm, mày mặc comple lịch sự, tự nhiên đi cạnh tao mặc thế này.
- Nhưng mà tao thích thế, cứ để nguyên vậy đi.
Nó hỏi lại:
- Thật hả!
Tôi ấp úng:
- Thật.
Con An bẽn lẽn, cười hì hì, khẽ vòng tay ra trước, ôm nhẹ vào cạnh eo tôi. Giây phút ấy, cảm giác ấy, tôi chỉ muốn kéo dài mãi. Bỗng nhiên nó thỏ thẻ vào tai tôi:
- Bi ngố này!
- Sao?
- Mày ngố lắm!
Nói xong, nó dựa đầu vào vai tôi, hát í a. Tôi mỉm cười chạy xe tiếp, cảm nhận rõ hơi ấm từ nó đang thấm dần vào trái tim tôi, hóa ra, nung chảy sắt không chỉ có lửa nhỉ. Lại một lần nữa, tim tôi đập loạn nhịp. 
Đến trường, thấy tôi với con An cưỡi Dylan lao thằng vào nhà xe, bọn cùng lớp ồ à cả lên, trầm trồ như người tối cổ lần đầu thấy lửa. Quái thật, bọn này nhà không thiếu xe, Dylan đúng là nổi thật, nhưng đâu đến mức ấy. Vừa vào nhà xe, đã thấy thằng Quang ngơ đang đứng khệnh khạng, đi cạnh là một con bé nào đó, chắc là em xinh xinh của nó ở lớp học thêm. Nhìn thằng Quang đeo băng đỏ, mắt trầm ngâm dõi khắp sân trường, oai như thủ tướng, xem ra cái băng Tổ trưởng An ninh hợp với nó hơn là với tôi. Hai thằng đi lướt qua nhau, thằng Quang nháy mắt ra hiệu kế hoạch thành công mỹ mãn, tôi thì bơ, xem như không quen biết chứ nếu con bé kia mà biết tôi chơi với thằng Quang, rồi dò ra công việc của tôi ở trường thì kiểu gì nó chẳng đoán ra anh ngơ xỏ nó.

Buổi dạ hội cũng không có gì mới ngoài múa lân với màn thi mâm cỗ Trung thu của các lớp. Tôi và con An đi lăng quăng khắp sân, mệt lại ra ghế đá ngồi nghỉ. Nó hồn nhiên tròn xoe mắt nhìn mọi người đi lại trong sân trường. Tôi cứ chốc chốc lại nhích dần vào cạnh nó, tay rón rén chạm nhẹ vào bàn tay búp măng bé xíu kia. Thấy nó không có phản ứng gì, tôi mới dám nắm hờ lấy tay nó. Bàn tay mềm mại, nhỏ nhắn, nằm gọn trong bàn tay tôi. Lúc lâu, tôi ngập ngừng nói:
- An này!
Nó nhìn tôi, hỏi:
- Gìii thếếế?
Tôi ngắc ngứ:
- Mày thích ai bao giờ chưa?
Nó gật gật đầu. Tôi lại hỏi:
- Thế cảm giác ấy thế nào
Nó nói:
- Khó nói lắm. Kiểu như mày làm gì cũng nhớ người đó, nghĩ về người đó là lòng mày xốn xang. Mỗi khi được ở bên người mà mày thích ý, cảm giác tuyệt lắm.
- Là sao?
- Với mỗi người lại khác thì phải. Với tao thì là an toàn, êm đềm. Ở cạnh người ấy, tao được làm trẻ con, có cảm giác an toàn, nếu như có nguy hiểm gì, người đó sẽ bảo vệ tao. Tao không sợ gì cả!
Tôi đáp:
- Vậy à? Thế bây giờ mày có thích ai không?
Nó im lặng không nói gì. Tôi nắm tay nó chặt hơn, ngập ngừng nói:
- An này! A…Anh…
Nó đột nhiên quay sang, ngơ ngác nhìn tôi. Tôi luống cuống:
- Anh…anh Bun nhà mày có đĩa Diablo không? 
Nó cáu kỉnh đáp:
- Không biết! Mày đi mà hỏi lão ý!
Tôi thở dài, lát sau, hai đứa đi về. Trước lúc vào nhà, đột nhiên con An ôm ngang lưng tôi từ đằng sau, úp mặt vào lưng tôi, nói:
- Bi ngố! Đi đường cẩn thận nhé, Búp Bông về này!
Tôi mỉm cười, có lẽ thế này lại tốt hơn chăng?

Chap 61:

Dạ hội xong thì khoảng 2 hay 3 ngày sau là đúng Trung thu. Tối hôm đó, tôi ăn cơm sớm rồi chạy sang nhà con An rủ nó đi rước đèn, không quên cầm theo cái đèn lồng vĩ đại mà tôi làm cho nó. Vào nhà, thấy bố mẹ nó đang ngồi dưới phòng khách, tôi lễ phép chào:
- Dạ! Cháu chào hai bác ạ!
Hai bác gật đầu, tươi cười nói:
- A thằng rể! Đến đón con gái mẹ đi phá cỗ à? Nó đang ở trên phòng đấy!
Tôi ngượng chín mặt, ấp úng:
- Ơ…bác cứ trêu cháu.
Bác trai cười khoái trá, bồi thêm:
- Vẽ chuyện! Đến nhà bố cứ như ở nhà, thoải con gà mái đi. Ráng học, sau này tao gả nó cho con trai ạ! Bố nói thật lòng đấy
Tôi cứng lưỡi, không vặn vẹo được câu nào. Bác gái lại nói:
- Thôi! Ông cứ trêu thằng bé. Con lên phòng đi, nó đang ở trên đấy đấy!
Nói rồi bác gọi vọng lên:
- Búp Bông ơi! Hưng nó đến đón này!
Tiếng con An nhõng nhẽo:
- Nàooooo! Con lớn rồi mà mẹ cứ gọi mãi thế.
- Ơ thế con rể mẹ được gọi mà mẹ không được gọi à. Chết thật, các cụ nói cấm có sai: Con gái là con người ta, giờ nó theo chồng rồi quên luôn cả bà mẹ già.
Con An kêu:
- Ứ ừ! Không biết đâu!
Hai bác đập vai nhau, cười rũ rượi, đoạn chỉ tôi lên phòng. Lúc tôi lên cầu thang rồi mà hai vợ chồng vẫn còn nhấm nháy nhau cười tiếp được. Ghê thật, cả nhà này cứ như khắc tinh của tôi ý, hàng ngày tôi vặn vẹo, đối đáp cứng cỏi không sợ bố con thằng nào. Ấy vậy mà cứ động đến gia đình này là lại cứng họng, bị bẻ cho đỏ mặt thì thôi. Bước lên phòng nó, thấy nó đang chui gần hết người vào tủ áo, xung quanh nệm vứt đầy quần áo các kiểu, eo ôi, lại còn có đủ màu quần áo lót nữa chứ. Con An vừa thấy tôi lên, mắt nhìn nó kì dị thì hét toáng lên, ủn lưng tôi ra ngoài rồi đóng cửa lại, kêu:
- Đi raaaa! Tao đang chọn quần áo mà mày vào hả. Bệnh hoạn, biến thái! 
Tôi cười hềnh hệch:
- Có gì đâu mà nóng thế! Đã thế tý tao lẻn vào ăn trộm mấy cái, đem lên trường bán đấu giá. Được ối tiền đấy!
Nó ở trong phòng nói:
- Chờ đấy, cấm ngó nghiêng vào trong.
Tôi ngán ngẩm, cố kiên nhẫn đứng ngoài, phải mất đến gần nửa tiếng mới thấy nó đi ra. Woa! Nhìn sexy thế, áo pull, quần short, tóc búi cao. Trông năng động thế này là kiểu gì nó cũng tăng động cho mà xem. Xuống nhà chào hai bác xong, tôi với nó dắt nhau chạy ra phố, hòa mình vào đoàn trẻ con múa lân rước đèn. Tôi đưa nó cái đèn lồng, móc bật lửa trong túi quần ra đốt nến, cắm vào trong. Con An hí hửng cầm cái đèn, cười tít mắt:
- Bi đần độn mà giỏi thế! Làm cái đèn rõ to, hì hì, sáng thế!
Bỗng nhiên nó nhăn mặt lại, ngờ vực hỏi tôi:
- Này, sao mày có bật lửa trong túi quần? 
- Để đốt nến cho mày chơi còn gì!
- Nói dối! Mày hút thuốc đúng không/
- Mày điên à?
Nó cau mày, chúi người hít hít áo tôi xem có mùi thuốc lá không. Tôi túm lấy chỏm tóc nó, nhẹ đẩy ra, mỉm cười nói:
- Không hút thuốc thật mà! Không tin tao à…!

Nói đoạn, tôi cúi người thơm chụt phát vào má nó, cười :
- Đấy nhé, không có mùi thuốc lá nhé!
Con An ngơ ngác, sau đó thì đỏ hết cả mặt, đấm tôi thùm thụp, nói rõ bé:
- Con lợn, lợi dụng để thơm trộm tao.
Nói rồi nó ngượng ngùng chạy lon ton ra chỗ đám trẻ con, vung vẩy cái đèn lồng. Tôi đi sau, nhìn giữa đám trẻ lít nhít lại tự dưng mọc thêm ra một đứa bé to đùng, lúc lắc cái chỏm tóc xinh xinh, miệng hát líu lo. Mà hình như nó hát nhạc chế bài “Chiếc đèn ông sao” thì phải :
- Cái sịp năm xu chia năm sắc tươi màu. Em không có tiền mua nhầm sịp nhàu, em cầm sịp em quấn lấy hai mông, lắc lắc cho nhiều để cho sịp căng ra.
Ô ! Láo quá, quá láo. Sao nó dám hát bài bậy bạ thế nhể? Lại còn dạy bọn trẻ con hát theo nữa. Tôi vội đuổi lên, bẹo má nó kéo lại. Con An kêu oái oái:
- Á đau! Mày làm rách khuôn mặt mĩ miều của tao giờ.
Tôi cười hè hè xong nghiêm mặt hỏi:
- Búp! Sao mày hát bài bậy thế hả? Ai dạy mày? Đã thế mày còn dám dạy hư lũ trẻ con nữa.
Con An cúi gằm mặt ra chiều biết lỗi, hai tay đan vào nhau, sợ sệt nhìn tôi như con mèo con vừa bị phát hiện làm vỡ bình hoa. Nó lí nhí:
- Anh tao hát nên tao bắt chước mà!
Tôi cố nhịn cười, hằm hằm nhìn nó, ra dáng một ông bố nghiêm khắc lắm. Con An run bắn lên, nói:
- Ơ kìa! Tao lỡ miệng mà, mày cũng lỡ miệng bao lần còn gì! Xí xóa, xí xóa nhé!
Tôi cười xòa, cúi người thơm tiếp cái nữa vào má nó, nó giãy nảy lên, phẫn nộ:
- Lần thứ hai rồi đấy! Thằng dê già biến thái! 
Tôi cười hì hì, bẹo má nó, dỗ:
- Đấy, xí xóa đấy còn gì. Thôi, đi chơi tiếp đi.
Nó phụng phịu, lạch bạch chạy lên trước, huơ huơ cái đèn, trông tí ta tí tởn. Tôi ở đằng sau gọi:\
- Mày mà vùng vẩy nữa, lửa nó táp vào giấy là cháy đấy.
Nó quả quyết:
- Không cháy được đâu, mày làm cái đèn to thế này cơ mà.
Nói đoạn nó tiếp tục chạy tung tăng cùng đám trẻ con. Lát sau thì đến cái sân rộng mà bọn tôi hay gọi là sân ông Cúc. Chỗ này trước là khu nhà của một xí nghiệp nhà nước, về sau xí nghiệp nâng lên thành công ty, chuyển đến chỗ khác thì chỗ này thành chỗ cho thuê nhà, bọn trẻ con chúng tôi từ bé đã lấy chỗ này làm chỗ chơi đùa, sinh hoạt hè, tổ chức 1-6, Trung thu,…Biết đâu ngày xưa, tôi đã từng gặp Búp Bông ở cái sân chơi này, từ khi hai đứa còn quá bé để nhớ được. Nhưng chắc là không đâu, vì trong trí nhớ non nớt của tôi, chẳng có đứa nhóc nào ham ăn, đáng yêu như nó cả. Mà cũng có sao? Giờ chẳng phải trước mặt tôi là đứa trẻ to xác, ham ăn ham ngủ, suốt ngày làm nũng tôi đó thôi. Ngồi bên thành bể cá nghĩ vẩn vơ, chợt con An lay lay vai tôi, nói:
- Mày mệt thì ngồi đây nghỉ nhé! Tao vào trong kia xem một tý nhé, xong tao đem đồ chơi ra cho mày.
Đang mải nghĩ, tôi cứ gật đầu ừ ừ, nó thấy thế liền chạy tót đi chơi với lũ trẻ con. Được một lúc, đột nhiên có tiếng hét thất thanh:
- Á!!! Hưng ơi cháy, cháy rồi!
Tôi hoảng hồn đứng bật dậy, đảo mắt tìm khắp sân. Bỗng thấy nó chạy tán loạn, tay cầm cái que gì cháy phừng phừng. Tôi vội vàng đuổi theo, giằng cái que cháy quăng đi. Con An sợ trắng bệch mặt, ôm cứng lấy tay tôi. Nhìn lại, hóa ra là cái “đèn lồng” bốc cháy. Khổ thân! Ai bảo cứ vung vẩy cái đèn tít mù cơ, để lửa liếm vào giấy bóng kín, cháy to như đuốc. Tôi nhìn nó đang thất thần, run lẩy bẩy, trông đến tội. Vỗ vỗ vào lưng nó, dỗ dành:
- Sợ lắm hả Búp?
Nó líu cả lưỡi:
- Lúc nãy, mày chưa thấy, nó cháy to lắm.
Tôi lo lắng hỏi:
- Khổ chưa! Bảo không nghe cơ, thế có bị bỏng không?
Nó lắc đầu, mặt vẫn chưa hết vẻ sợ hãi. Tôi hỏi lại:
- Nó cháy như thế, sao không ném đi mà cứ giữ mãi thế hả? Nhỡ lửa nó táp vào tóc, vào mặt thì làm sao?
Nó lí nhí:
- Nhưng…nhưng mà của mày làm tặng cho tao, vứt đi tiếc lắm.
Tôi giật mình, thấy lòng chợt nhói lên. Chỉ một cái đèn lồng tạp nham mà nó còn cố giữ, đơn giản vì đó là do tôi làm tặng nó, còn không quan tâm xem bản thân có sao không nữa. Người như nó sao trong sáng, ngây thơ quá chừng. Tôi bỗng thấy mắt cay cay, có kìm lại, cười nói:
- Ngốc này! Mày tồ lắm biết không? Có đáng như thế không hả? Hỏng thì thôi, tao làm cho cái khác đẹp hơn. Từ rày không được nghịch dại thế nữa, biết không?
Nó gật gật, nép sát vào người tôi. Tôi áp hai tay lên má nó, ép cặp má bầu bĩnh lại cho cái môi xinh xinh chu ra, hỏi nó:
- Hết sợ đi này! Tao kiếm hoa quả cho mày ăn nhé!
Nó lắc đầu lia lia, níu chặt lấy tôi, láo liên nhìn quanh, lộ rõ vẻ sợ hãi. Lúc đó, tôi ngạc nhiên lắm, không biết vì cớ gì mà nó sợ đến thế, mãi sau này, tôi mới biết là nó cực kì sợ ánh lửa cháy kiểu như ngọn đuốc. Nghe kể hồi nó còn bé tí, có lần bố mẹ nó cãi nhau, bố nó say rượu, tầm dầu vào que, đốt thành đuốc, dọa thiêu chết hai anh em nó ngay trước mặt nhà ngoại. 

Suốt cả buổi phá cỗ Trung thu, con An cứ bám sát lấy tôi, tay lúc nào cũng nắm chặt vạt áo, không chịu rời một bước. Thấy nó sợ, tôi phải ngọt nhạt dỗ dành mãi, nó mới nguôi đi chút. Ở chơi thêm lúc rồi về. đưa nó về tận cổng, tôi mới yên tâm đi về. Đang đi, bỗng con An, ngoắc tôi lại, kiễng chân lên thì thầm vào tai:
- Tao nghĩ rồi, đáng lắm!
Tôi mỉm cười;
- Mày tồ lắm Búp ạ!
Nó kênh mặt lên, cười:
- Còn mày thì ngố, lè! Chó chê mèo lắm lông.

Tôi lắc đầu cười, nhìn theo cái dáng yêu yêu chạy lích nhích lên nhà từ bao giờ rồi mà tôi vẫn ngẩn ngơ đứng đó, lúc sau mới đi về.

Mấy hôm sau, được buổi sáng chủ nhật, tôi được thể ngủ nướng ở nhà. Bỗng dưng có điện thoại réo inh ỏi. Tôi nằm trong chăn, ì xèo:
- Mẹ ơi! Có điện thoại kìa mẹ.
Sực nhớ ra cả bố lẫn mẹ đều sang nhà cậu để lo đám 49 ngày bà em bà ngoại tôi. Thiểu nảo ngồi dậy, tôi ì ạch lết xuống cầu thang, lè nhè trả lời:
- A lô! Ai đấy ạ?
Giọng con An thút thít:
- Bi đấy à?
Tôi hoảng hồn tỉnh cả ngủ, đáp:
- Ừ! Sao thế, sao lại khóc!
Nó nấc lên từng hồi:
- Mày sang ngay đi, nhanh lên! Tao sợ lắm!
Tôi sợ cuống cả lên, hối hả mặc quần áo, khóa vội cửa rồi phóng như điên sang nhà nó, trong đầu tưởng tượng ra đủ thứ tồi tệ có thể xảy đến với nó. Vừa sang đã thấy nó đứng chờ dưới cổng, mắt ngấn lệ. Tôi ôm chầm lấy nó, sốt sắng hỏi:
- Chết thật, sao mà khóc ghê thế? Nói đi, đứa nào làm mày khóc, tao táng chết cả nhà nó.
Nó nắm tay tôi dắt lên phòng, năn nỉ:
- Bi ơi, con Píp của tao làm sao thế này? Từ sáng tới giờ tao cho nó ăn mà nó không dậy, lay lay người mà nó cứ ngủ mãi thôi, mọi khi nó có thế đâu.
Tôi thở phào nhẹ nhõm, hóa ra là con hamster nó nuôi dở chứng, làm mình hết cả hồn. Nhòm vào trong bể kính, thấy con Píp nằm im thin thít, không động đậy tý gì. Kiểu này dễ là cụ tạch lắm. Tôi hỏi:
- Mày có quên cho nó ăn không?
- Đâu mà, vẫn một ngày 9 bữa!
Tôi kinh ngạc, trố mắt nhìn, bảo:
- Thảo nào nó béo múp béo míp ra. Có khi nó bội thực nên ngỏm rồi.
Con An bịt tai, nhắm tịt mắt, hét the thé:
- Ứ ừ không phải! Mọi khi tao vẫn cho ăn thế mà, có làm sao đâu.
- Hay là mày không cho nó uống nước!
- Nước cho nó uống thì mẹ tao với tao thay liên tục.
Tôi lắc đầu, nhìn nó khóc sụt sịt cứ như người nhà nạn nhân bị tai nạn vậy, có mỗi con chuột mà cũng…! Tôi hỏi:
- Thế mày nuôi con Píp bao lâu rồi!
Nó buồn xo đáp:
- Mới được có 4 năm thôi! Bố tao mua cho tao làm quà sinh nhật mà!
Tôi ngán ngẩm, kêu:
- Thế thì tạch mẹ nó rồi! Già cốc đế thế, sống đến bây giờ là thọ đấy!
Nó lắc đầu không tin, tôi mới nói:
- Tuổi thọ trung bình của hamster chỉ có năm rưỡi đến hai năm thôi. Con này bố mày mua chắc là loại Golden, giống tốt ít bệnh nên sống những 4 năm đấy. 
Nó mếu máo:
- Ơ thế nó chết rồi à?
- Ừ!
Con An nghe thế bỗng khóc òa lên, than:
- Píp ơi! Dậy đi em, chị cho ăn này, sao em bỏ chị mà đi! Hu hu hu!
Tôi cười:
- Đồ mít ướt! Có mỗi con chuột mà cũng bù lu bù loa lên.
Nó vẫn khóc, nói:
- Hức hức…hức! Đồ…đồ vô cảm…mày có nuôi nó đâu…mà…mà mày biết! Nó…sống tình cảm lắm…lại ngoan nữa…hu hu hu!
Tôi cười khì khì, kêu:
- Tao khuyên mày nên giải quyết sớm đi, để lâu nó phân hủy, bốc mùi ghê lắm!
- Đem đi đâu? …Mày…mày nói xem nào…hức!
Tôi nhún vai nói:
- Dào ôi! Đem cho mèo, vừa bổ vừa nhanh, đỡ tốn công vứt!
Con An nhìn tôi hằm hằm, lao vào cấu véo liên tọi, tôi kêu đau ầm ĩ, lúc sau nó mới thôi, lại ngồi khóc ngon lành:
- Òa! Òa! Tao không ngờ…mày…mày là đồ máu lạnh đến thế!...Hức…hu! Nó đã làm gì mày…chưa..? Hức! Mà mày…mà mày…đối xử với nó tàn nhẫn thế?
Tôi xuýt xoa, ôm nó vào lòng, vỗ về:
- Ngoan nào, thế thì không đem cho mèo nữa nhé! Nín đi, nín đi, ngoan nào Búp! Thôi để chiều tao với mày đem nó đi chôn nhé! Ngoan nào, ngoan nào! Dù gì nó cũng tỏi…à nhầm mất rồi…mày khóc nữa nó cũng không sống lại đâu…thôi mà, nín đi kìa. To đùng rồi còn khóc nhè chè thiu!

Con An vẫn thút thít khóc mãi, lúc sau thì ngủ mất. Hê, hay thật, vừa nãy còn cấu mình tím cả tay, vậy mà bây giờ rúc vào người mình ngủ ngon thế!