Tại hội nghị thường lệ buổi sáng thứ hai, phó tổng biên tập Lưu đã truyền đạt tinh thần hội nghị công tác tuyên truyền toàn tỉnh vừa triệu tập. Tỉnh ủy và chính quyền tỉnh đề ra mục tiêu xây dựng tỉnh văn hóa, trích gần 4 nghìn tỷ để thực hiện "Công trình văn hóa sáu nhất", từ xây dựng công trình văn hóa tiêu biểu của tỉnh đến xây dựng điểm văn hóa cơ sở, triển khai từ thành phố đến nông thôn (người dịch: tiền nong trong truyện đã được quy đổi gần đúng sang tiền Việt cho dễ tưởng tượng như các truyện ngôn tình đã dịch trước đây). Tại hội nghị, giám đốc sở tuyên truyền tỉnh đã yêu cầu truyền thông tích cực quán triệt tinh thần chỉ thị của tỉnh ủy và chính quyền tỉnh, xem việc đưa tin về tình hình văn hóa là trọng điểm tuyên truyền quý ba và quý bốn năm nay. "Giao lưu văn hóa" là cửa sổ tuyên truyền đối ngoại, sau khi nghiên cứu và bàn bạc, ban lãnh đạo quyết định ra chuyên đề đưa tin về một loạt danh nhân văn hóa trong tỉnh.
Phó tổng biên tập Lưu nói, sau nhiều lần sàng lọc, phát pháo đầu tiên sẽ là bài viết về cha con nhà họ Cơ trong giới hội hoạ.
Trước kia ông Cơ Trọng Minh đã du học ở Pháp, học vẽ tranh sơn dầu. Sau khi gặp người trở thành vợ ông sau này thì ông ta đã bị ảnh hưởng và chuyển hướng sang quốc hoạ. Khi đó, danh tiếng của ông trong lĩnh vực tranh sơn dầu vừa mới lên cao, hầu như tất cả mọi người đều không cho rằng việc đổi hướng giữa đường như vậy sẽ có kết quả tốt đẹp, ai ngờ mười năm sau ông lại trở thành một bậc thầy về quốc hoạ dung hợp được cả phong cách nghệ thuật phương Tây và Trung Quốc. Ông ta đã vận dụng phương pháp xử lí ba chiều của ánh sáng và hình ảnh trong tranh sơn dầu vào trong quốc hoạ, sáng tạo ra một phong cách họ Cơ hoàn toàn mới. Cũng nhờ đó mà ông ta trở thành người có địa vị trong giới hội hoạ Trung Quốc.
Năm Cơ Trọng Minh 40 tuổi, vợ ông sinh cho ông một cậu con trai đặt tên là Cơ Quân Đào. Nghe nói Cơ Quân Đào đã học cầm bút vẽ trước khi học cầm đũa, lúc 7 tuổi đã vẽ một bức "Núi cao sông dài" làm quà mừng thọ ông ngoại khiến các danh gia đến dự tiệc chúc thọ khi đó vô cùng thán phục, không ngừng biểu thị ý muốn thu làm đệ tử. Vô cùng vui mừng, ông ngoại Cơ Quân Đào ngay lập tức tuyên bố phải xây một phòng triển lãm ở vị trí đắc địa nhất trong thành phố này để khen thưởng cháu ngoại, đó chính là phòng triển lãm "Tố" hiện nay.
Cơ Quân Đào vẽ theo phong cách của bố, hơn 20 tuổi trở nên nổi tiếng trong giới hội hoạ. Không ngờ sau đó, anh ta lại ra nước ngoài học tranh sơn dầu theo con đường của bố khi xưa, sau vài năm thì trở về nước, phát triển quốc hoạ. Từ đó phong cách vẽ của Cơ Quân Đào đã tìm ra lối đi riêng, màu sắc trong các bức tranh được vận dụng đến mức xuất thần nhập hóa.
Chỉ tiếc mấy năm gần đây, hai cha con này rất kín tiếng, hiếm khi xuất hiện trong các sự kiện công khai.
Sau khi vợ qua đời, vì quá đau buồn Cơ Trọng Minh đã quy y cửa Phật làm đệ tử tục gia, dạo chơi thiên hạ. Số lượng tác phẩm mới của ông cũng rất ít.
Cơ Quân Đào cũng thỉnh thoảng mới có tác phẩm xuất hiện tại phòng triển lãm Tố, còn có bán hay không thì phải xem tâm tình của con gái Cơ Trọng Minh, người đang quản lí phòng triển lãm Tố hiện nay. Người phụ nữ này có một loại tâm lý nuối tiếc gần như biến thái với tác phẩm của anh trai mình, thường xuyên có chuyện hôm trước còn ghi rõ là tranh để bán nhưng hôm sau đã không còn thấy tấm biển đó nữa. Vì vậy thậm chí còn có tin đồn tác phẩm của Cơ Quân Đào chỉ vẽ cho người hữu duyên, điều này khiến con người Cơ Quân Đào càng trở nên thần bí.
May mà một năm trước, Cơ Quân Đào đã đồng ý làm giảng viên quốc hoạ tại Viện mỹ thuật vì được viện trưởng đích thân đứng ra mời, mỗi tuần sẽ lên lớp nửa ngày. Thế nhưng cửa phòng học luôn đóng chặt mỗi khi đến giờ anh ta giảng bài. Xuất phát từ sự sùng bái đối với anh ta, các sinh viên của anh ta cũng rất tự giác ngăn cản ý định tiếp cận anh ta của người ngoài. Nghe nói anh ta luôn lái một chiếc xe Lexus màu đen đi đi về về như một cơn gió cho nên đến nay có rất ít người biết bộ mặt thật của anh ta.
Nghe đến đó, Hoài Nguyệt không nhịn được hé miệng cười, lần nào nói chuyện vị phó tổng biên tập Lưu đáng yêu này cũng đều cường điệu lên như vậy. Dạy học trong một trường đại học có mấy ngàn sinh viên mà còn có thể tránh được ánh mắt người khác hay sao? Có thể là anh ta không đủ hấp dẫn, nếu không ai muốn thấy mặt thì chỉ cần tới ngó qua cửa sổ lớp học không phải là được rồi sao? Lại còn đi về như gió nữa chứ!
Vừa ngẩng đầu lên, Trần Thụy Dương đã nhìn thấy Hoài Nguyệt đang tươi cười. Hôm nay cô ấy mặc một chiếc áo len dệt kim cổ trái tim khoét rộng màu đỏ cam đan xen với màu vàng xanh, mái tóc buông dài sau lưng lộ ra cái cổ cao trắng tinh với xương quai xanh tinh xảo, vừa dịu dàng vừa dễ thương, sống mũi thẳng tắp, đôi môi hồng phấn, gương mặt như vẽ. (người dịch: không hiểu tại sao đọc truyện Trung Quốc thấy có vẻ người Trung Quốc rất chú ý đến xương quai xanh, chả hiểu xương quai xanh thì có gì mà đẹp nhỉ).
Hơn một tháng nay, Thương Hoài Nguyệt chính anh ta nhìn thấy và Thương Hoài Nguyệt anh ta được nghe tới trong miệng người khác đều là một phụ nữ thông minh xinh đẹp và nhã nhặn như vậy. Thằng cha Lỗ Phong kia đúng là thằng đầu đất nên mới vứt bỏ một cô vợ như vậy và một cậu con trai đẹp như vẽ để lấy một người phụ nữ thấy lợi đen lòng. Nghe nói mẹ chồng cũ của cô ấy còn thường xuyên đến gọi cô ấy đi ăn cơm uống trà, có lẽ bà cũng vô cùng yêu mến nàng dâu cũ này.
"Hoài Nguyệt, có chuyện gì mà vui thế?" Phó tổng biên tập Lưu nhìn theo ánh mắt Trần Thụy Dương rồi cười tít mắt hỏi.
Nghe tiếng gọi, Hoài Nguyệt ngẩng đầu nhìn, thấy ánh mắt như đang suy nghĩ xa xăm của Trần Thụy Dương, cô căng thẳng buột miệng trả lời: "Tôi có vui đâu".
Mọi người cười vang, "Tại sao đi làm lại không vui? Vẫn muốn nghỉ cuối tuần à?" Các thành viên trong ban biên tập đều là văn nhân, là những người có gia thế tốt, bình thường đều thoải mái nói cười không phân trên dưới, không có nhiều thứ phải giữ ý giữ kẽ, đối với phụ nữ trẻ tuổi xinh đẹp lại càng rất rộng lượng.
"Vâng, cứ nghĩ đến việc tuần này phải làm việc cả bảy ngày tôi lại cảm thấy chán nản". Hoài Nguyệt té nước theo mưa luôn, vì tết Đoan Ngọ sẽ được nghỉ thêm một ngày cho liền với cuối tuần nên chủ nhật tuần này vẫn phải đi làm bù.
Phóng viên Tào hỏi: "Hoài Nguyệt, năm nay hiệp hội dân tộc có tặng túi thơm cho cô không? Con gái tôi cứ hỏi tôi mãi, bây giờ mấy cô bé đó đang chuộng dùng túi thơm làm móc điện thoại". (Túi thơm: xem phim Mùa quýt chín Châu Tấn đóng là biết)
"Có, có". Hoài Nguyệt gật đầu, "Ở chỗ tôi có đầy một túi to, lát nữa anh tới lấy nhé".
Biên tập Ngô phụ trách mục "trao đổi khoa học" Đẩy đẩy gọng kính nói với phó tổng biên tập Lưu: "Anh Lưu, sang năm tôi phải đổi chỗ cho Hoài Nguyệt mới được. Mỗi lần tổ chức hoạt động, hiệp hội dân tộc đều không quên kéo Hoài Nguyệt đi, ăn tết Đoan Ngọ Hội trưởng hiệp hội còn đích thân đến tặng túi thơm cho cô ấy. Tôi thì vất vả dò lỗi chính tả, chỉnh sửa luận văn cho người ta mà chẳng gặp được chuyện gì hay người nào thú vị cả. Cứ như thế này thì sẽ ảnh hưởng không tốt đến cả thể xác và tinh thần".
Chị Lưu phụ trách sắp chữ ngồi bên cạnh Hoài Nguyệt nói: "Anh Ngô, anh còn ghen tị cả với một cô bé nữa à? Tổng biên tập, không được đáp ứng yêu cầu của anh ấy, nếu không sẽ chẳng còn ai có túi thơm nữa mất".
Phó tổng biên tập Lưu vui vẻ gật gật đầu nói với một đám cấp dưới đang cười đùa ầm ĩ: "Túi thơm thì lát nữa mỗi người đến chỗ Hoài Nguyệt lấy một cái, không được nhiều hơn, còn lại phải cho Đậu Đậu. Vì Đậu Đậu của chúng ta nên vị Hội trưởng già đó mới vui vẻ chạy tới đây. Bây giờ tiếp tục nói đến cha con họ Cơ này. Anh Trương, nhiệm vụ này giao cho anh, dẫn Tư Tư đi cùng. Một bài phỏng vấn và hai bức ảnh, một bức làm bìa ngoài một bức đưa vào bài viết. Nếu không chụp được ảnh chung cả hai cha con thì nhất định phải chụp được Cơ Quân Đào. Ông già đã quy y cửa Phật, chúng ta phải tôn trọng ông ấy, nhưng con trai ông ấy thì lại không thể buông tha được. Lần này hai người phải vất vả rồi".
"Tài tử Trương" chuyên viết bài phỏng vấn nhân vật trong ban biên tập là một người mềm mỏng, bình thường rất ít nói chuyện nhưng lúc này anh ta lại bất ngờ phản đối: "Tổng biên tập, sợ rằng việc này hơi khó. Tôi cũng biết mấy người bạn là họa sĩ, họ từng muốn tới thăm anh ta nhưng nghe nói người này tính tình cao ngạo suốt ngày chỉ ru rú trong nhà không bao giờ đồng ý phỏng vấn".
Phó tổng biên tập Lưu nhìn phóng viên ảnh Tư Tư, "Tư Tư, không phải chồng cô làm ở Sở giáo dục sao? Có thể liên hệ với lãnh đạo Viện mỹ thuật hay không?"
Tư Tư là một phụ nữ phía bắc hào phóng, chị ta lập tức nói lớn: "Các trường khác thì không thành vấn đề nhưng Viện mỹ thuật thì bó tay. Có triệu tập hội nghị cũng chẳng có mấy người đến mà còn không dám phê bình ai, họ còn quen nhà quen cửa các lãnh đạo tỉnh hơn cả anh đấy".
Phó tổng biên tập Lưu lại vò đầu nói: "Cứ đi thử xem sao trước đã, nếu không được thì chúng ta lại nghĩ cách khác".
Tư Tư và Hoài Nguyệt ngồi cùng phòng làm việc, tuy chị ta hơn Hoài Nguyệt cả chục tuổi nhưng hai người lại không có ngăn cách gì, bình thường vẫn chơi với nhau rất thân. Chị ta ngồi xuống, thấy Hoài Nguyệt cười trên nỗi đau của người khác liền muốn trả đũa, cao giọng nói: "Thực ra có thể để Hoài Nguyệt đi thử. Mọi người còn nhớ không, lần trước vị chuyên gia bệnh tâm thần kia lúc đầu cũng sống chết không chịu tiếp nhận phỏng vấn, cuối cùng vẫn là Hoài Nguyệt đến mới được. Tài tử Trương, không phải anh khen bài phỏng vấn đó tốt lắm à?"
Tài tử Trương cười gật đầu: "Hoài Nguyệt, hay là lần này lại thử xem? Anh chàng Cơ Quân Đào này cũng chỉ hơn 30 tuổi, lại từng du học, chắc chắn sẽ không thiếu phong độ quý ông đến mức không nể mặt một phụ nữ đâu".
Hoài Nguyệt biết hai người này đang liên hợp lại trêu mình, cô vội lắc đầu nói: "Không nên không nên, bác sĩ còn có thể đến bệnh viện chặn đường, người này lai vô ảnh khứ vô tung, biết đi đâu mà tìm? Hơn nữa đối với hội họa thì tôi dốt đặc cán mai, thậm chí còn không bằng cả Đậu Đậu nhà tôi, đến lúc đó không bị người ta đuổi ra khỏi cửa mới là lạ". Lần đó cô có thể phỏng vấn vị chuyên gia khoa thần kinh kia là do Lỗ Phong nhờ người sắp xếp giúp, bây giờ có chuyện phiền toái gì cô cũng không còn chỗ dựa nữa.
Mọi người cười: "Để Đậu Đậu của chúng ta đi đi, sức hấp dẫn của nụ cười Đậu Đậu chắc chắn là vô địch".
Phó tổng biên tập Lưu bất đắc dĩ nói: "Được rồi được rồi, anh Trương và Tư Tư đi trước thử một lần xem, nếu không được thì nghĩ cách tiếp, thật sự không được thì gọi Đậu Đậu đến, cứ quyết định như vậy đi".
Hội nghị thường lệ thứ hai hàng tuần chấm dứt trong tiếng cười đùa của mọi người. Trần Thụy Dương nhìn Hoài Nguyệt và Tư Tư cười nói đi ra ngoài, phó tổng biên tập Lưu lại gần lúng túng nói: "Giám đốc trần, bình thường mọi người đều tùy tiện như vậy thành quen rồi, mong anh đừng chê cười".
"Không nghĩ tới bầu không khí ở ban biên tập lại tốt như vậy", Trần Thụy Dương cười nói, "Chỉ mong phát pháo đầu tiên của mọi người sẽ có thể khai hỏa". Đây là lần đầu tiên anh ta tới tham gia hội nghị thường lệ của ban biên tập từ khi nhận chức tới nay, quả nhiên đúng như những gì được nghe, mọi người ở nơi này không hề nhạy cảm với việc ai làm giám đốc như các đơn vị khác, hoàn toàn vẫn giữ tác phong văn nhân, hoặc nói cách khác là tác phong của người có hậu thuẫn vững chắc.
"Nhất định sẽ cố gắng hết sức". Phó tổng biên tập Lưu càng cảm thấy áp lực, nói, "Có điều hình như chưa thấy có ai có qua lại gì với anh chàng Cơ Quân Đào này".
"Không phải anh ta có cái phòng triển lãm Tố sao? Không bắt được chính bản thân anh ta thì cũng phải bắt được em gái anh ta chứ? Mở cửa làm ăn, người tới đều là khách mà" Trần Thụy Dương nói bâng quơ.
"Đúng đúng đúng, để Tư Tư đi tìm em gái anh ta tâm sự trước". Phó tổng biên tập Lưu nói, "Nơi này của tôi càng ngày càng cần nhân tài quan hệ xã hội, nếu như mấy người đẹp ở văn phòng tòa soạn có thể giúp chúng tôi một tay thì nhất định sẽ mã đáo thành công!"
"A, nếu thật sự dùng được họ thì anh cứ tới đó đi". Trần Thụy Dương đang không hài lòng lắm với mấy cô nàng thuộc diện quan hệ lãnh đạo rỗng tuếch đó.
"Nói vậy chứ sao có thể để giám đốc nhường người như vậy được". Phó tổng biên tập Lưu vội né tránh ngay, nếu hai bà cô đó đến đây thì mình hầu hạ người ta còn không kịp ấy chứ, nói gì đến chuyện sai bảo.
Trần Thụy Dương cười nhạt, "Ban biên tập là nơi nhân tài ẩn dật, không có thực lực quả thật là không thể ngồi ở đây được".
Hoài Nguyệt vừa về đến văn phòng thì Đặng Duyên Duyên đã gọi điện thoại tới.
"Hoài Nguyệt, tớ thảm rồi! Bạn phải giúp tớ mới được".
"Làm sao rồi? Hết tiền rồi à?" Hoài Nguyệt cười hỏi. Cứ đến hẹn là Đặng Duyên Duyên lại phải tới Hồng Kông vơ vét hàng hóa, việc này đã trở thành một thói quen. Làm ở đài truyền hình có nhiều tiền hơn nữa cũng không chịu nổi cách tiêu xài như vậy của cô. Vì vậy cứ đến cuối tháng là cô lại phải tìm Hoài Nguyệt cấp cứu.
"Lần này không phải vấn đề tiền". Đặng Duyên Duyên nói, "Chương trình ở đài vừa có thay đổi lớn, tớ vừa được điều đến tổ chuyên mục 'Danh nhân' rồi, làm ở bộ phận phóng viên. Bực thật, lại phải làm áo cưới cho người khác".
Hoài Nguyệt rất ít khi xem TV, nhất thời không nhớ nổi người chủ trì chuyên mục "Danh nhân" là ai.
Đặng Duyên Duyên lại nói tiếp: "Nói là phải phỏng vấn một hoạ sĩ cực kì lập dị không bao giờ chịu tiếp nhận phỏng vấn. Ở đài truyền hình tớ đã thử dùng mỹ nhân kế mấy lần rồi mà đều không được, lần này lại bắt tớ đi làm tốt thí. Bao giờ bạn rảnh rỗi thì đi thăm dò thực địa với tớ".
Thương Hoài Nguyệt giật mình, hỏi "Hoạ sĩ nào?"
"Cơ Quân Đào, con trai cái ông Cơ Trọng Minh đã xuất gia kia ấy. Em gái anh ta mở một phòng triển lãm tên là Tố ở đối diện Viện mỹ thuật, nghe nói rất nổi tiếng nhưng tớ chưa tới bao giờ. Bạn đã đến đó bao giờ chưa? Nghĩ cách hộ tớ nhé!"
Hoài Nguyệt bật cười, tại sao bỗng dưng tất cả mọi người đều đổ xô đi tìm cái anh chàng Cơ Quân Đào này khắp nơi thế nhỉ? Rốt cục anh ta là thần thánh phương nào, cô cũng không khỏi cảm thấy tò mò. "Tạp chí tớ cũng muốn anh ta làm nhân vật trang bìa, tại sao lại trùng hợp như vậy nhỉ?"
"Bạn không biết à? Nghe nói phòng triển lãm Tố đang chuẩn bị mở một cuộc triển lãm tranh của cha con họ, có thể sẽ là triển lãm cuối cùng của Cơ Trọng Minh, trong giới đặt kì vọng rất cao vào lần triển lãm này. Cơ Trọng Minh đã quy y cửa Phật, vì thế lần này hiển nhiên là để đẩy con trai ông ta lên vị trí cao hơn. Đồ tử đồ tôn của ông ta làm sao dám không phục, đến lúc đó chắc chắn Cơ Quân Đào sẽ nổi danh như cồn, nếu khi đó mới nghĩ đến việc phỏng vấn thì đã muộn rồi, cho nên truyền thông trong tỉnh đều hi vọng tận dụng ưu thế về địa lí để phỏng vấn anh ta trước các hãng ngoại tỉnh".
"Thì ra là thế", Hoài Nguyệt hiểu ra, "Hai hôm nữa cùng đi nhé, tớ gọi Tư Tư đi cùng, chị ấy cũng có nhiệm vụ này".
Tư Tư bên cạnh xua tay nói: "Hai đại mỹ nữ bọn em đi trước đi, nói với Duyên Duyên là hai bên hỗ trợ cho nhau, chị cũng về bắt ông xã nghĩ cách".
Hoài Nguyệt nói: "Hoàng đế không vội thái giám vội, tại sao em lại còn tích cực hơn chị nhỉ?"
Vừa lúc Trần Thụy Dương đi vào phòng, nghe vậy liền tiếp lời: "Hoài Nguyệt chạy việc giúp chị cả, rốt cục chị cả cũng phải làm phiền người thân rồi".
Tư Tư cười nói: "Giám đốc Trần, không phải là anh đến giục tôi đấy chứ?"
Trần Thụy Dương cười nói: "Có giục chị hay không cũng là việc của phó tổng biên tập Lưu, tôi đến chỗ Hoài Nguyệt để lấy túi thơm Đoan Ngọ".
Hoài Nguyệt xách một túi giấy to từ trong tủ ra, vừa lấy túi thơm ra vừa hỏi: "Con giám đốc Trần là con trai hay con gái?"
Trần Thụy Dương sửng sốt, lập tức hơi khó xử nói: "Trông tôi đã già thế rồi à? Tôi còn chưa lập gia đình. Là mẹ tôi thích mấy thứ kiểu này nên tôi muốn lấy một cái cho bà ấy".
Hoài Nguyệt cũng hơi khó xử, cúi đầu chọn hai túi có màu sắc đứng đắn đưa cho Trần Thụy Dương, "Giám đốc Trần đúng là một người con hiếu thảo. Mấy cái này đều là thêu thủ công do tự tay các hội viên hiệp hội làm, có lẽ bác gái sẽ thích".
Trần Thụy Dương nhận lấy xem, tuy chỉ thêu có vài đường nhưng lại rất tinh xảo, loại túi thơm bày bán trên thị trường bình thường tuyệt đối không thể sánh được, liền nói: "Hoài Nguyệt, hiệp hội dân tộc đó đúng là tốt với cô thật, vốn tôi muốn để phó tổng biên tập Lưu đổi cho chị một công việc khác nhưng xem ra trước đó còn phải làm công tác tư tưởng với Hội trưởng Uông đã".
Hoài Nguyệt đỏ mặt ngại ngùng nói: "Giám đốc Trần nói đùa rồi, tôi nghe Hội trưởng Uông nói ông ấy với anh cũng rất quen thuộc, ông ấy còn nói năm nay mời anh đi xem hội đua thuyền rồng đấy".
"Ông ấy nói với tôi rồi, đến lúc đó cô đi cùng nhé, nghe nói có không ít tiết mục. Tôi ở nước ngoài mấy năm, giờ đang muốn xem ngày lễ truyền thống đúng nghĩa ở quê nhà. Mang cả cậu con trai bảo bối của cô đi nhé!"
Hoài Nguyệt gật đầu: "Tôi phải thương lượng với bố cháu một chút".
Trần Thụy Dương sửng sốt rồi lập tức hiểu rõ ý cô. Tuần sau đến lượt Đậu Đậu phải ở với bố rồi.
Hội trưởng Uông của hiệp hội dân tộc vốn là Giám đốc viện bảo tàng tỉnh về hưu. Sau khi về hưu, ông ta cảm thấy loại chuyện như khảo cổ chỉ có thể dựa vào vận may vì ở đây không phải Bắc Kinh hay Tây An, những nơi cứ đào bất cứ chỗ nào cũng có thể tìm thấy ngự phẩm thuộc một đời hoàng đế triều đại nào đó đã từng sử dụng. Nếu đã như thế, tại sao không bỏ thời gian vào những thứ nhìn thấy được sờ thấy được? Nghĩ vậy, ông liền một lòng nghiên cứu văn hóa dân tộc, kéo cả một loạt lãnh đạo tỉnh đã về hưu vào hiệp hội, như vậy vấn đề kinh phí cũng đã được giải quyết, hiệp hội văn hóa trở thành một trong số rất ít hiệp hội dân gian có kinh phí ủng hộ từ tỉnh. Mấy năm nay hoạt động của hiệp hội càng ngày càng nhiều, danh tiếng cũng càng ngày càng vang xa, còn thiết lập phân hội tại các thành phố trong tỉnh.
Mới đầu lúc tiếp nhận chuyên mục văn hóa dân tộc Hoài Nguyệt còn chưa có bao nhiêu kiến thức về mảng dân tộc này, nhưng cô vốn chính là một người làm việc nghiêm túc, càng không muốn bị người khác nói xấu sau lưng là dựa vào quan hệ bên nhà chồng mà ngồi vào vị trí này. Vì vậy cô không cam lòng chỉ tìm kiếm tin tức suông trên Google mà đã rất nhiều lần đến thẳng hiệp hội dân tộc.
Trong hiệp hội có rất nhiều chuyên gia, chỉ cần nói chuyện với bất cứ người nào cũng đủ khiến cô mất một khoảng thời gian để "tiêu hóa". Sau nhiều lần cô đến, mấy ông già bà già ở đó cũng thích cô gái xinh đẹp dịu dàng này. Vì trong hiệp hội có rất ít thanh niên, cực ít người sẵn sàng nghe họ nói chuyện, dần dần họ đều coi cô như người nhà. Đôi lúc Hoài Nguyệt cũng mang Đậu Đậu đến tham gia một số hoạt động nhỏ do họ tổ chức và tự nhiên Đậu Đậu cũng trở thành tiểu bảo bối của mọi người.
Bởi vì tỉnh cần đầu tư vào lĩnh vực văn hóa nên tết Đoan Ngọ lần này hiệp hội dân tộc cũng phải kiếm một miếng bánh, họ định tổ chức một cuộc thi đấu thuyền rồng toàn tỉnh, địa điểm được chọn tại huyện Ngô Giang, cách nội thành 40 phút lái xe.
Huyện lỵ Ngô Giang từng là một trấn cổ phồn hoa đời Minh, sau khi được chỉnh đốn những năm gần đây ngành du lịch Ngô Giang phát triển rất tốt. Trấn cổ có phong tục gói bánh chưng, đua thuyền rồng, nhà nhà treo lá ngải trước cửa vào dịp Đoan Ngọ, vô cùng náo nhiệt. Huyện Ngô Giang có sông Ngô, sông rộng sóng yên, từ xưa đã là một địa điểm tốt để thi đấu thuyền rồng.
Trọng điểm của mục văn hóa dân tộc kỳ tới là huyện Ngô Giang và thi đấu thuyền rồng. Lần trước Hội trưởng Uông mang túi thơm tới cho Hoài Nguyệt chính là để nhân tiện thương lượng việc này với cô, Hoài Nguyệt đã xin chỉ thị của phó tổng biên tập Lưu và được phó tổng biên tập Lưu tán thành.
Hoài Nguyệt gọi điện thoại cho Lỗ Phong nói mình muốn mang Đậu Đậu đến huyện Ngô Giang, "Chỉ một ngày thôi, buổi chiều vừa kết thúc đua thuyền tôi sẽ lập tức đưa con về, được không?"
"Hai mẹ con đi kiểu gì? Có cần anh lái xe đưa đi không?" Lỗ Phong hỏi.
"Tôi đi xe cùng hiệp hội dân tộc, chỉ cần giáo sư Tần cho Đậu Đậu ăn sáng sớm một chút thôi. Đại khái là 6 rưỡi tôi tới đón nó, 7 giờ ô tô sẽ xuất phát".
"Sớm quá, sợ là Đậu Đậu không dậy được. Thôi để anh đưa đi, đằng nào anh cũng không có việc gì". Lỗ Phong vẫn kiên quyết. Ba ngày nghỉ Đoan Ngọ còn đang không biết làm gì, đột nhiên nhớ lại lúc Hoài Nguyệt còn ở nhà trước kia, trên cửa cắm lá ngải, buổi sáng cũng nhất định ăn bánh chưng. Bây giờ cô ấy không ở nhà nữa, hình như không có ai nhớ đến việc này.
"Buổi tối hôm trước đó anh cho nó đi ngủ sớm một chút là được mà. Hoặc đưa nó đến chỗ tôi từ tối hôm trước luôn?" Hoài Nguyệt cảm thấy hơi phiền phức, gần đây thái độ của Lỗ Phong tốt đến mức không bình thường, mỗi lần đưa Đậu Đậu đến chỗ cô đều phải nói chuyện với cô hồi lâu, hỏi cô ăn ngon không, ngủ ngon không. Khi đến căn nhà liền kề đón Đậu Đậu về thành phố cũng nhất định đón cả cô đi cùng, làm cô đã mấy lần định nhắc nhở hắn rằng hai người bọn họ đã li hôn rồi.
"Tốt tốt tốt, anh để cho nó đi ngủ sớm một chút". Lỗ Phong cười khổ nhượng bộ, "Em cũng phải đi ngủ sớm một chút".
Hoài Nguyệt bất giác khinh thường.
Gác điện thoại, cô bắt đầu đọc bản thảo với tâm tình vui vẻ. Đoan Ngọ là một ngày tết lớn, hiệp hội dân tộc đã gửi đến không ít bài viết, sau này lại có ảnh chụp thi đấu thuyền rồng, nội dung kỳ này nhất định sẽ rất phong phú. Còn ảnh chụp thì Hội trưởng Uông nói có rất nhiều chuyên gia chụp ảnh rồi, hiệp hội có, chính quyền huyện Ngô Giang cũng có, chỉ sợ đến lúc đó cô không có sức mà chọn lựa thôi. Thương Hoài Nguyệt nghĩ thầm, lần này không khác gì mang Đậu Đậu đi du lịch, con trai mình nhất định sẽ vui vẻ lắm đây.
Gần hết giờ làm, điện thoại của Trần Thụy Dương lại gọi đến: "Hoài Nguyệt, tôi vừa trao đổi với Hội trưởng Uông. Ngày kia đi dự đua thuyền rồng, ô tô của họ hơi đông người vì thế cô sẽ đi cùng xe với tôi, 7 giờ tôi tới đón cô. Cho tôi địa chỉ để tôi tới đón".
Hoài Nguyệt chần chừ một chút, "Giám đốc Trần, hay là để tôi tự đi, tôi còn muốn mang Đậu Đậu đi cùng nữa".
"Không thành vấn đề, ngày tết mà, đương nhiên phải mang con theo chứ". Trần Thụy Dương cười nói: "Tiền làm thêm giờ của Đậu Đậu tôi sẽ trả".
Hoài Nguyệt cũng cười, vị giám đốc này nhìn thì phóng khoáng nhưng thực ra lại rất tỉ mỉ, nói chuyện bao giờ cũng để người khác có đường lui, mới đến đây một thời gian ngắn nhưng mọi người ở đây đều đánh giá về anh ta rất tốt. Nghĩ rằng như vậy sẽ có thể để Đậu Đậu ngủ thêm nửa tiếng nên cô cũng không còn khách sáo với anh ta nữa, cô nói với anh ta địa chỉ nhà mình và nhà bà nội Đậu Đậu.
Trần Thụy Dương nói: "Chúng ta đi để chơi là chính nên không cần đi sớm như vậy, nếu Đậu Đậu không dậy được thì đi muộn một chút cũng không sao, không nhất định phải đến trước giờ khai mạc đâu".
Hoài Nguyệt nói: "Giám đốc Trần, anh đúng là một lãnh đạo tốt. Có điều anh phải ngồi ở khu khách quý, có nhiều lãnh đạo cùng tới như vậy anh đến muộn sẽ không tốt đâu".
Trần Thụy Dương cười nói: "Đây không phải hoạt động tổ chức trong hội trường, khu ghế VIP rộng lắm, có đến muộn cũng không ai nhìn thấy".
Hoài Nguyệt đặt điện thoại xuống, thấy Tư Tư quay đầu lại nhìn mình như đang nghĩ ngợi gì liền hỏi: "Sao thế? Bảo chị đi thì chị không chịu, bây giờ lại muốn đi rồi à?"
Tư Tư cân nhắc một lúc rồi mới mở miệng nói: "Hoài Nguyệt, nghe nói giám đốc Trần còn chưa có bạn gái".
Thương Hoài Nguyệt lập tức hiểu ý Tư Tư, cô khó xử nói: "Tư Tư, chị đừng hại em, nếu mất công việc này thì em không cách nào nuôi Đậu Đậu được".
Tư Tư cả giận nói: "Chẳng lẽ thằng khốn Lỗ Phong kia lại còn bắt em trả tiền nuôi con à?"
Hoài Nguyệt nói: "Không phải thế, có điều người phụ nữ đó cũng có con rồi, sau này chưa chắc Đậu Đậu đã trông chờ được gì ở anh ta, dù thế nào em cũng phải dự tính đến tình huống xấu nhất".
Tư Tư thở dài nói: "Cho nên người ta mới nói thà có mẹ ăn xin còn hơn có bố làm quan, đúng là không sai chút nào. Đậu Đậu có một người mẹ như em thì cũng không thể nói là không may được". Cô cảm khái, quên luôn cả đề tài lá cải vừa rồi.
Hội trưởng Uông và Cơ Trọng Minh là bạn chơi với nhau từ nhỏ, sau đó mặc dù một người học hội họa, một người nghiên cứu khảo cổ nhưng mấy chục năm qua hai nhà vẫn qua lại rất mật thiết.
Con trai Hội trưởng Uông đã định cư ở nước ngoài từ lâu, hai vợ chồng già không muốn rời xa quê quán, hàng năm chỉ đi thăm cháu trai cháu gái một lần còn lại toàn bộ thời gian đều ở trong nước. Sau khi mẹ Cơ Quân Đào qua đời, Cơ Trọng Minh lại thoắt ẩn thoắt hiện, Hội trưởng Uông và hai anh em Cơ Quân Đào, Cơ Quân Dã dù sao cũng cách nhau một thế hệ nên trừ ngày lễ ngày tết thì cũng rất ít khi gặp mặt. Trước đó vài ngày, Hội trưởng Uông nghe nói phòng triển lãm Tố sẽ tổ chức một cuộc triển lãm tranh của cha con nhà họ Cơ, nhớ ra đã lâu lắm không liên lạc với hai đưa con ông bạn già nên liền gọi điện thoại mời hai anh em đi xem thi đấu thuyền rồng.
Cơ Quân Dã đặt điện thoại xuống, khuôn mặt tỏ vẻ khó xử. Nói thật, cô không phải trẻ con nên thật sự không hứng thú gì với việc đi xem thuyền rồng, chắc chắn đến nơi thì bên bờ sông đã kín người hết chỗ, tâm tình có thoải mái cũng sẽ không còn thấy vui vẻ nữa. Có điều không mấy khi bác Uông gọi điện thoại mời, nếu mình từ chối cũng không tốt. Người đã có tuổi cũng không khác em bé là mấy, mình phải nịnh, phải dỗ, nếu không người ta sẽ không thoải mái, biết đâu lại sinh ra tâm bệnh, vậy thì tội lỗi của mình sẽ lớn lắm.
Vì vậy cô tìm A Thích thương lượng, "Hay là hai chúng ta đi cho phải phép, chắc chắn anh trai em không muốn đi, nhiều người như vậy, bảo anh ấy đi không phải làm anh ấy khó chịu sao?"
A Thích suy nghĩ một chút rồi nói: "Phải để anh ấy đi, cứ yên tĩnh mãi cũng không phải chuyện tốt đối với thể xác và tinh thần anh ấy. Anh thấy anh ấy rất thích Đậu Đậu, nếu như Đậu Đậu muốn xem thì nói không chừng anh ấy cũng có thể gắng gượng đi một chuyến".
Cơ Quân Dã không tin, nói: "Chưa tới mức đó chứ? Nếu là em đi thì em cũng muốn cho Đậu Đậu đi theo, được nghỉ ba ngày cũng không có việc gì làm".
"Chưa từng thấy bà chủ nào rảnh rỗi như em cả, không phải phòng triển lãm vẫn mở cửa sao?" A Thích cười nói.
"Anh trai em mới thực sự là ông chủ, vậy mà có bao giờ hỏi đến câu nào đâu", Cơ Quân Dã cũng cười nói, "Nhà họ Cơ có sống nhờ vào phòng triển lãm này đâu, hơn nữa bán tranh cũng không phải hò hét bận rộn suốt ngày như bán rau".
A Thích nói: "Quân Đào đã thay đổi rất nhiều, anh phải cho anh ấy thời gian. Anh ấy rất có thiện cảm với tiểu thư Thương, lần trước lúc tiểu thư Thương bị Leshy làm cho sợ quá chạy mất anh đã thấy anh ấy đứng cười nhìn cô ấy, đây là chuyện chưa từng xảy ra bao giờ".
"Hoài Nguyệt?" Cơ Quân Dã giật mình hỏi, "Anh trai em thích cô ấy à?"
"Có thể còn không phải là thích nhưng chắc chắn là không bài xích, hai mẹ con đang làm anh ấy thay đổi, anh có thể thấy điều đó. Cho nên, Tiểu Dã à, em cố gắng tìm cơ hội để Quân Đào tiếp xúc với họ nhiều một chút, việc này cực kì có lợi cho quá trình bình phục bệnh tình của anh ấy".
Cơ Quân Dã từ chối cho ý kiến. Hoài Nguyệt và anh mình? Không phải chứ?
Theo cô được biết thì hai người này cũng chưa nói với nhau được mấy câu, anh trai mình còn chưa nhìn người ta mấy lần. Chính mình còn phải nhắc nhở anh ấy vì cái thái độ lạnh như băng đó, một người không bao giờ động lòng với phụ nữ như anh ấy làm sao có thể thoáng cái đã thích Hoài Nguyệt được? Mặc dù ngoại hình Hoài Nguyệt rất đẹp, tính cách cũng dịu dàng tốt bụng, nhưng trước kia trong cuộc sống của anh trai mình cũng đã từng xuất hiện quá nhiều người như vậy...
Bác sĩ tâm lý lúc nào cũng thích chuyện bé xé ra to, Cơ Quân Dã kết luận, cô quyết định ngày mai phải thăm dò anh trai một chút mới được.
Hôm sau, Cơ Quân Dã đến căn nhà liền kề từ sớm, Cơ Quân Đào đang đi từ quán mì về nhà nhìn thấy cô liền hỏi với vẻ kì lạ: "Em đến sớm thế làm gì? Không phải em thích ngủ nướng lắm à?"
Cơ Quân Dã kéo tay anh ta, nói: "Ngày mai là tết Đoan Ngọ, em đến tìm Hoài Nguyệt để hỏi xem cô ấy định làm gì. Không phải cô ấy rất thích cho Đậu Đậu ăn tết sao, chúng ta cùng ăn tết với cô ấy".
Cơ Quân Đào nhìn thoáng qua vườn hoa nhà bên cạnh, hầu như cuối tuần nào Hoài Nguyệt cũng ở đây, vừa đến đã bắt đầu nhổ cỏ tưới nước cho vườn hoa. Trời đã nóng rồi, đất vườn sẽ mất nước rất nhanh, không biết cô ấy có đến đây ở luôn để chăm sóc đám rau dưa này hay không. "Người ta chăm sóc một đứa con đã đủ bận rộn rồi, em còn muốn đến quấy rầy người ta nữa à? Bao giờ thì em mới lớn được?" Dù là trách móc nhưng trong giọng nói lại ẩn chứa ý cười.
Cơ Quân Dã âm thầm chú ý quan sát vẻ mặt anh ta, trong lòng cảm thấy rất ngạc nhiên.
"Ngày mai hiệp hội dân tộc của bác Uông tổ chức thi đấu thuyền rồng tại huyện Ngô Giang, bác ấy gọi điện thoại mời chúng ta đến dự. Huyện Ngô Giang làm công tác bảo vệ môi trường rất tốt, sông núi hầu như vẫn còn nguyên vẹn. Em nghĩ không thể không nể mặt bác ấy được nên quyết định đến bảo Hoài Nguyệt dẫn Đậu Đậu đi chơi một ngày, lần trước anh em mình đã ăn cơm ở nhà người ta, lần này phải có qua có lại mới được".
Thấy hồi lâu Cơ Quân Đào không lên tiếng, Cơ Quân Dã đành phải nói tiếp: "Biết anh ghét nhất là những chỗ đông người nên em đã bảo A Thích lái xe tới đón rồi, 4 người đi là vừa đẹp. Lát nữa em đi nói với Hoài Nguyệt".
Cơ Quân Đào vừa đi lên phòng vẽ trên tầng vừa nói: "Để anh lái xe, xe anh ngồi 5 người cũng không thành vấn đề. Đậu Đậu thì ngồi mất bao nhiêu chỗ chứ. Đã lâu anh không đến Ngô Giang, mấy hôm trước anh lôi một bức tranh vẽ dở ra, đang muốn vẽ thêm vài nét bút nữa".
Cơ Quân Dã vui vẻ nói: "Vậy thì tốt quá, chúng ta ở luôn một buổi tối ở đó đi. Buổi tối ngồi hóng gió sông, ăn cá sông tươi, thêm ít rượu Thổ Thiêu nữa thì còn gì bằng".
Nhìn vẻ chờ mong của em gái, Cơ Quân Đào không nhịn được cười nói: "Nếu em định qua đêm ở đó thật thì phải thông báo cho mọi người để chuẩn bị trước, nếu không đến lúc đó cái gì cũng phải tạm thời đi mua thì phiền phức lắm".
Cơ Quân Dã nghĩ bụng, thông báo cho mọi người? Trừ Hoài Nguyệt thì còn phải thông báo cho ai nữa chứ? Đây vẫn là anh trai mình sao, sao hôm nay lại dễ nói chuyện thế? Chẳng lẽ A Thích nói đúng thật? Anh ấy đi là vì Đậu Đậu hay là vì Hoài Nguyệt? Hay là tâm bệnh của anh ấy đã thật sự biến mất hoàn toàn, bắt đầu hướng tới cuộc sống xã giao bình thường rồi?
Ngày Đoan Ngọ, Lỗ Phong về nhà mẹ từ sớm. Sau khi li hôn với Hoài Nguyệt, tuần nào đến phiên Đậu Đậu về nhà bà nội hắn luôn cố hết sức sắp xếp thời gian để ở bên Đậu Đậu, mặc dù rất ít khi làm được điều này. Buổi tối, Đậu Đậu ngủ với bà nội, mẹ hắn không muốn hắn mang con về nhà mình. Đương nhiên Viên Thanh rất vui vẻ, không nhìn thấy thì càng đỡ ngứa mắt, còn hắn thì vẫn cảm thấy có lỗi với Đậu Đậu, hắn vô thức không muốn để Đậu Đậu nhìn thấy Viên Thanh.
Lúc đầu, hắn với Viên Thanh chẳng qua chỉ là gặp dịp thì chơi mà thôi, nào biết lại tạo thành kết quả như vậy. Nếu biết trước thì kiểu gì hắn cũng không chịu day dưa chút xíu nào với người phụ nữ này.
Nói thật lòng Viên Thanh làm sao mà xinh đẹp bằng Hoài Nguyệt được. Hắn là kẻ từng đi qua vạn khóm hoa, ai xinh đẹp thật ai đẹp nhờ trang điểm chỉ cần liếc qua là biết. Năm đó mẹ mời một đám sinh viên đến nhà ăn cơm, hắn chỉ vừa đi ra đã động lòng với Hoài Nguyệt rồi. Cô ấy ngồi ở đó, tươi sáng như một bức tranh, mấy chàng trai bên cạnh cô đều cố gắng lấy lòng người đẹp nhưng cô ấy vẫn e thẹn như một nụ hoa chưa nở khiến trái tim hắn ngứa ngáy khó chịu.
Hắn là người đàn ông đầu tiên của cô ấy, cái cầm tay đầu tiên, nụ hôn đầu tiên của cô ấy cũng cho hắn nốt, điều này làm lòng hắn tràn ngập thương yêu với cô ấy. Ngày cưới, hắn đã thề sẽ tốt với cô ấy cả đời, để cô ấy có thể vui vẻ hạnh phúc cả đời không phải lo nghĩ. Hắn cảm thấy mình đã làm được, gương mặt ngày càng xinh tươi của cô ấy nói rõ cô ấy hài lòng với hắn, cô ấy cũng chưa bao giờ hỏi hắn làm gì ở bên ngoài. Là luật sư, loại người nào cũng phải tiếp xúc, môi trường nào cũng phải trải qua, gặp dịp thì chơi là chuyện thường ngày ở huyện, chính hắn cũng không biết là mình đang đứng trong hay đứng ngoài những cuộc chơi đó nữa.
Có một lần hắn giúp một công ty thắng vụ kiện bồi thường, ông chủ công ty đó mời khách, dẫn theo chủ nhiệm văn phòng công ty, chính là Viên Thanh. Ngoại hình cô ta bình thường, dáng người không tồi, có thể thấy là một phụ nữ rất hiểu quy tắc trò chơi, hắn thích cùng chơi với người hiểu chuyện như vậy. Viên Thanh nói với hắn là mình có bạn trai đang làm việc ở nước ngoài, khi về nước sẽ cưới, hắn càng yên tâm đến 120%. Hắn đến chỗ ở của cô ta, trong tủ quần áo quả nhiên có treo quần áo đàn ông. Viên Thanh rất chủ động, buổi tối hôm đó hắn rất hưởng thụ, có thể thấy cô ta cũng rất hài lòng.
Hai người duy trì liên lạc kiểu đứt quãng. Một thời gian sau khi sinh Đậu Đậu thân thể Hoài Nguyệt tương đối yếu, hắn không thể muốn làm gì thì làm được. Sau khi bồi dưỡng một thời gian than thể Hoài Nguyệt đã khỏe lại nhưng tối nào Đậu Đậu cũng nhất quyết phải ngủ với mẹ, ai bế đi cũng lập tức khóc như xé vải, vì vậy chuyện vợ chồng cũng bị ảnh hưởng rất nhiều. Rồi sau đó nữa Hoài Nguyệt vừa đi làm vừa chăm con, cô ấy là một người mẹ hết sức tận tâm, mặc dù có bảo mẫu nhưng cô ấy vẫn thích tự lo mọi chuyện ăn uống tắm rửa của con, hắn không nỡ để cô ấy phải vất vả mệt mỏi hơn nữa. Tóm lại là hắn không ngừng tìm lý do bào chữa cho việc ngoại tình của chính mình cho đến một ngày Viên Thanh tìm tới gặp Hoài Nguyệt nói mình đã mang thai con của hắn.
Hoài Nguyệt bế Đậu Đậu khóc lớn, Đậu Đậu trong lòng mẹ cũng hoảng sợ khóc lớn, tiếng khóc thê thảm tuyệt vọng đó làm hắn tan nát cõi lòng. Hắn quỳ trước mặt Hoài Nguyệt xin cô tha thứ, thề rằng mình sẽ không bao giờ làm chuyện có lỗi với cô nữa, nhưng Hoài Nguyệt vẫn lau khô nước mắt nói phải li hôn.
Lỗ Phong dùng tay xoa mặt, lúc có thai được 6 tháng Viên Thanh bị cảm lạnh một trận rất nặng, sốt cao mấy ngày không đỡ, truyền không biết bao nhiêu thuốc kháng sinh. Bác sĩ nói em bé trong bụng có thể sẽ bị ảnh hưởng, vì vậy buộc phải bỏ đứa con. Đây là số mệnh, hắn nghĩ, nếu như trận cảm lạnh này tới sớm một chút thì phải chăng tất cả đều đã khác rồi?
"Còn chưa tới 6 giờ, con đến sớm như vậy làm gì?" Giáo sư Tần kì lạ nhìn con trai, "Hôm nay, Hoài Nguyệt phải mang Đậu Đậu đến Ngô Giang xem thi đấu thuyền rồng, con quên rồi à?"
"Con muốn tự lái xe đưa hai mẹ con đi, 6 giờ đã gọi Đậu Đậu dậy thì sớm quá". Lỗ Phong nói, "Mẹ, mẹ cũng đi cùng đi".
Giáo sư Tần liếc mắt nhìn hắn: "Hoài Nguyệt không nói với con à? Mẹ con nó đã đi nhờ xe giám đốc rồi, 7 giờ 15 đến đây đón Đậu Đậu".
"Không", Lỗ Phong kinh ngạc, "Giám đốc cô ấy cũng đi xem thi đấu thuyền rồng à? Loại hoạt động trẻ con mới thích này thì có người lớn nào thích đi chứ?"
Mẹ hắn không quan tâm, quay người vào bếp nấu bữa sáng. Không lẽ bà còn không nhìn ra tâm tư của con trai mình? Có điều, chưa nói đến việc Hoài Nguyệt không chịu quay lại, kể cả có chịu thì há có thể đuổi Viên Thanh đi dễ như vậy sao? Người đã 37 tuổi rồi mà vẫn còn suy nghĩ non nớt thế. Viên Thanh là một người phụ nữ lợi hại khác hẳn Hoài Nguyệt. Mình và chồng đều đã nghỉ hưu, mặc dù trường học đều mời quay lại giảng dạy nhưng ngoài chuyện tiền nong thì ông bà không thể giúp gì được con trai nữa.
Hiện trường đua thuyền rồng vô cùng náo nhiệt, một lễ đài với mái che nắng đã được dựng lên bên bờ sông Ngô xem như khu khách quý. Vì là hoạt động dân gian nên giới quan chức chính quyền đến rất ít, chủ yếu chỉ có mấy lãnh đạo hội đồng nhân dân và mặt trận tổ quốc đã về hưu nên cũng không có quá nhiều khuôn phép.
Anh em Cơ Quân Đào đến chào hỏi Hội trưởng Uông trước, ông già hết sức vui vẻ mời hai người ngồi trên một lễ đài ngay cạnh lễ đài khách quý có mái che. Cơ Quân Đào nhìn ra sông, xa xa có thuyền rồng đang rẽ sóng mà đi, tiếng hoan hô của đám người vang tận mây xanh nhưng anh ta lại chỉ cảm thấy chán ngắt.
Anh ta nghĩ nhất định là mình đã phát điên rồi nên mới cùng Tiểu Dã đến xem cuộc đua thuyền rồng hỗn loạn này. Hôm qua nhà bên cạnh không có ai, anh ta tới vườn hoa mấy lần nhưng cánh cửa nhà hàng xóm vẫn đóng im ỉm. Anh ta lại đi lên ban công, thậm chí đi lên sân thượng với Tiểu Dã. Cầu thang inox nối hai sân thượng với nhau đã được làm xong từ lâu, Tiểu Dã hưng phấn đi sang vườn hoa sân thượng nhà bên cạnh nói với anh ta: "Anh, chúng ta cũng làm một vườn hoa thế này đi, Hoài Nguyệt nói vừa có thể chống nắng vừa có thể trồng cây được".
"Em không ở đây thì có trồng cũng sẽ chết khô hết". Anh ta vừa nói vừa chỉ mấy cây héo rũ dưới chân. Anh ta cảm thấy hơi tức giận, sao có thể vô trách nhiệm như vậy? Mặc dù chỉ là một cây rau non nhưng nó cũng có tính mạng mà.
"Không phải ngày nào anh cũng ở nhà à? Anh cũng có thể lên tưới nước mà". Cơ Quân Dã nói bất mãn rồi cầm vòi nước cao su Thương Hoài Nguyệt treo trên sân thượng, vặn vòi nước bắt đầu tưới cây, "Cái cô nàng Hoài Nguyệt này làm trò gì không biết, tại sao còn chưa về, rau dưa sắp chết hết cả rồi".
Nhưng đến tối hai anh em cũng không thấy Hoài Nguyệt, nếu Đậu Đậu về thì nhất định sẽ chạy tới gõ cửa sau đó sẽ cất tiếng gọi "chú Cơ" nũng nịu ai nghe cũng mềm lòng.
Anh ta ngượng không muốn đổi ý, sợ Tiểu Dã và A Thích nhận ra thực ra anh ta đi xem thi đấu thuyền rồng chỉ là vì em bé đáng yêu kia. Anh ta đã đồng ý sẽ dạy nó vẽ tranh nhưng vẫn không có cơ hội thực hiện lời hứa. Hiển nhiên em bé đáng thương này thiếu tình thương của bố, thiếu niềm vui được bố dẫn đi du lịch bốn phương, chỉ có mẹ không có bố giống hệt như anh ta thuở bé. Đối với một cậu bé thì đó là một mất mát rất lớn, anh ta hi vọng có thể giúp đỡ được cậu bé này.
"Anh xem kìa, đó có phải Đậu Đậu không?" Tiểu Dã kéo cánh tay anh ta nói hưng phấn, "Mau đưa ống nhòm cho em".
Cơ Quân Đào giơ ống nhòm lên hướng về một bục khách quý khác, quả thật là Đậu Đậu. Cậu bé đang ngồi trên vai một người đàn ông trẻ tuổi cao lớn hưng phấn hoa chân múa tay nhìn thuyền rồng xa xa. Người đàn ông trẻ tuổi kia cười ha ha ngẩng đầu nói gì với cậu bé, sau đó cậu bé liền reo hò rất to, có lẽ là đang cổ vũ cho các đội thi đấu.
Anh ta hạ uống nhòm xuống, không có gì bất ngờ, Hoài Nguyệt đang đứng bên cạnh ngẩng mặt nhìn Đậu Đậu, vẻ mặt tươi cười. Hôm nay cô mặc áo phông màu trắng, tóc buộc đuôi ngựa, kính đen đẩy lên trên trán, nhìn trẻ trung như một sinh viên vừa mới tốt nghiệp. Anh ta thấy cô lấy khăn giấy trong túi xách ra giơ tay đưa cho Đậu Đậu ra hiệu Đậu Đậu lau mặt, Đậu Đậu vặn vẹo tỏ vẻ không vui, người đàn ông đó đưa hai tay lên nhấc Đậu Đậu xuống, đợi Hoài Nguyệt lau mồ hôi cho con trai xong lại thoải mái nâng Đậu Đậu lên đặt trên vai. Hoài Nguyệt nói gì đó với anh ta, anh ta lắc đầu, ra hiệu cho cô nhìn về phía mặt sông.
"Anh, có phải Đậu Đậu không?" Thấy hồi lâu Cơ Quân Đào không lên tiếng, Cơ Quân Dã không nhịn được hỏi.
"Hình như đúng". Cơ Quân Đào đưa ống nhòm cho em gái, "Cũng đủ rồi, anh muốn đi về. Nếu như hôm nay bọn em ở lại đây thì ngày mai anh quay lại đón".
"Không ở đâu, đông người quá, lần sau quay lại sau". Cơ Quân Dã vừa đáp vừa nhìn ống nhòm, "Ơ, người đàn ông này là ai?"
Cơ Quân Đào không nhịn được, nói: "Vậy thì về thôi, dài dòng gì nữa".
Cơ Quân Dã cười nói: "Vừa rồi bác Uông nói để trưa cùng ăn cơm rồi hãy về, em đã nhận lời bác ấy rồi".
Cơ Quân Đào đen mặt nhưng không làm gì được.
Không ngờ buổi trưa ăn cơm lại ngồi cùng bàn với Hoài Nguyệt, Cơ Quân Dã vừa bế Đậu Đậu thơm một chặp vừa nói: "Hoài Nguyệt, hôm qua chúng tôi đợi chị cả ngày định hẹn chị hôm nay cùng đi, không ngờ hôm nay lại gặp bọn chị ở đây".
Hoài Nguyệt cũng rất vui vẻ, cô giới thiệu hai bên: "Kỳ tới chuyên mục của bọn tôi sẽ làm về chủ đề Đoan Ngọ, Hội trưởng Uông bảo tôi tới xem một chút. Đây là giám đốc Trần của chúng tôi. Đây là hàng xóm tôi, Cơ tiên sinh và Cơ tiểu thư, đây là bạn trai cô ấy, Thích tiên sinh".
Trong mắt Trần Thụy Dương lóe lên một tia kinh ngạc nhưng lập tức biến mất, mọi người bắt đầu chào hỏi lẫn nhau. Cơ Quân Dã nói: "Thì ra Hoài Nguyệt làm biên tập, ở tạp chí nào?"
"Giao lưu văn hóa". Đậu Đậu cướp lời đáp, "Mong mọi người ủng hộ!"
Mọi người cười vang, Trần Thụy Dương nói: "Hoài Nguyệt, xem ra anh thật sự phải phát tiền làm thêm cho Đậu Đậu rồi".
Đậu Đậu nói: "Cháu không cần tiền làm thêm, cháu cần ăn cơm".
Hoài Nguyệt trìu mến xoa đầu con trai, cười nói: "Biết làm thế nào được, cái thùng cơm nhà tôi mà. Tiền làm thêm sắp đến tay mẹ rồi mà con lại làm mất".
Đậu Đậu nói với Trần Thụy Dương: "Chú Trần, chú trả tiền làm thêm của cháu cho mẹ cháu được không?"
"Được được được", Trần Thụy Dương cười ha ha, "Tiền làm thêm trả mẹ, tối nay chú mời cháu đến nhà hàng lớn ăn cơm được không?"
"Được", Đậu Đậu vui vẻ nói, "Cháu muốn ăn sườn xào chua ngọt, cà om tương, cả cơm nữa".
Hoài Nguyệt nói nhỏ với Cơ Quân Dã bên cạnh: "Lần nào cũng có ba thứ này, còn nhất định không chịu đổi, đúng là ngốc thật".
Cơ Quân Dã vừa gật đầu cười vừa lén nhìn sắc mặt anh trai, thấy Cơ Quân Đào ngồi đó không hề vui vẻ liền thầm sốt ruột, lại thấy sự lo lắng trong mắt A Thích, cô càng hối hận vì lần này đã tới xem thuyền rồng.
Bàn này vốn có có người của hiệp hội dân tộc và chính quyền huyện Ngô Giang ngồi cùng. Thấy hai bên đã biết nhau từ trước, Hội trưởng Uông nhiều lần nhắc không được câu nệ rồi sau đó vui vẻ đi sang bàn khác để mấy người này lại với nhau. Cuối cùng thì mỗi người một tâm trạng, Đậu Đậu vui vẻ hết cỡ, Hoài Nguyệt không rõ tình hình, Cơ Quân Dã thấp thỏm không yên, Cơ Quân Đào không nói câu nào, A Thích cố gắng chuyện trò vui vẻ với Trần Thụy Dương cho qua bữa cơm.
Chào Hội trưởng Uông rồi cùng đi ra bãi đỗ xe, Cơ Quân Dã nói với Hoài Nguyệt: "Đi cùng bọn tôi về nhà đi, ngày mai đằng nào cũng được nghỉ, hôm qua tôi đã tưới nước cho vườn rau trên sân thượng nhà chị rồi, chị còn không về thì rau dưa sẽ chết khô hết đấy".
Hoài Nguyệt nói nhỏ: "Tôi đã nói với bố Đậu Đậu buổi chiều sẽ về rồi", cô không hề biết Cơ Quân Dã đã biết chuyện mình li hôn nên cảm thấy rất khó xử.
Đậu Đậu chui vào trong lòng mẹ, nói: "Con muốn về với mẹ, con muốn về với mẹ".
Trần Thụy Dương nói với Hoài Nguyệt: "Gọi điện cho bố cháu đi, dù sao hôm qua cũng đã đến đó rồi, sáng mai về sớm một chút cũng được mà".
Hoài Nguyệt do dự một hồi, cuối cùng không đành lòng nhìn ánh mắt khẩn cầu của con trai nên lấy điện thoại ra gọi điện thoại cho Lỗ Phong. Ai biết vừa mở miệng đã bị Lỗ Phong lạnh lùng ngắt lời: "Hoài Nguyệt, em dẫn con đi chơi vui vẻ còn bố mẹ anh thì vẫn chờ cháu trai về ăn cơm, anh là bố nó mà từ 6 giờ sáng đến giờ em không thèm gọi cho anh lấy một lần".
Lỗ Phong chưa bao giờ nói chuyện với cô bằng giọng điệu như vậy, Hoài Nguyệt nhất thời cảm thấy ngạt thở, ngẩn ra một hồi lâu rồi mới nói: "Được rồi, tôi đưa nó về".
Lỗ Phong nhận ra mình nói chuyện hơi quá đáng, định nói vài câu hòa hoãn tình hình nhưng vừa nghĩ đến người đàn ông trẻ tuổi đẹp trai bước từ trong xe ra lúc sáng lại buồn bực không nói nữa.
Hoài Nguyệt ổn định lại tâm tình, quay lại ngồi xuống bên cạnh Đậu Đậu nói với con trai: "Ông nội bà nội và bố đều ở nhà đợi Đậu Đậu về ăn cơm, tuần sau Đậu Đậu lại đến với mẹ được không?"
"Không được không được, con phải đi với mẹ". Đậu Đậu mếu máo sắp khóc, "Con muốn ở với mẹ".
Hoài Nguyệt lập tức đỏ vành mắt nhưng mọi người đều đang nhìn nên chỉ có thể miễn cưỡng ổn định lại tâm tình kéo tay Đậu Đậu đan ngón tay vào tay Đậu Đậu, nói: "Đậu Đậu ngoan, con xem hôm nay đã là thứ ba, ngày mai, ngày kia, buổi tối ba ngày sau mẹ tới đón con về nhà được không?"
Đậu Đậu ôm cổ mẹ khóc ròng nói: "Đậu Đậu không ngoan, Đậu Đậu phải về nhà với mẹ".
Nước mắt Hoài Nguyệt lập tức rơi xuống, cô vừa luống cuống lau nước mắt vừa nói: "Đậu Đậu là em bé ngoan, ngày kia mẹ đến trường thăm con được không?"
Cơ Quân Dã tức giận nhỏ giọng thầm thì: "Cái loại đàn ông gì mà hẹp hòi như vậy, nhường có một ngày cũng không chịu!"
Trần Thụy Dương đi đến bế Đậu Đậu nói: "Đậu Đậu, đàn ông nói chuyện là phải giữ lời, xin phép một ngày chính là một ngày, lần sau nếu như không muốn xa mẹ thì xin phép cả hai ngày, bố không đồng ý cũng không được khóc. Cháu ăn cơm thật tốt vào để còn mau lớn, bao giờ cháu lớn thì có thể muốn ở với ai cũng được".
"Có được ở với mẹ mãi không?" Đậu Đậu lo lắng hỏi, nước mắt vẫn chảy dài trên má.
"Đương nhiên là được", Trần Thụy Dương nói, "Chú đưa cháu về nhà bà nội, không được khóc, cháu khóc thì mẹ sẽ khó chịu. Cháu không muốn mẹ cháu khó chịu chứ?"
Đậu Đậu gật đầu nói với Thương Hoài Nguyệt: "Mẹ, con không khóc nữa, mẹ đừng khó chịu nhé".
Hoài Nguyệt gật đầu lặng lẽ lau khô nước mắt rồi cười với Đậu Đậu: "Mẹ không khó chịu, thấy Đậu Đậu ngoan như vậy mẹ vui lắm".
Cơ Quân Đào nhìn hai mắt đã chuyển thành hơi đỏ của cô, không đành lòng lại quay sang hướng khác.
Cảm thấy hơi mệt mỏi, Cơ Quân Đào xuống vườn hoa tưới nước cho mấy chậu cây cảnh giải sầu.
Mấy chậu cảnh này đều được Cơ Quân Dã bỏ rất nhiều tiền mua về, nào là tùng là bách, cứ sau một thời gian, tất cả đều phải được cắt tỉa lại cho gọn gàng. Kỹ thuật của Cơ Quân Dã không ổn, lần nào cô cũng cắt tỉa đến mức gần như trụi lủi rồi mới dừng tay cho nên mấy chậu cảnh này đã không còn giống như lúc mới mua về.
Anh ta lơ đãng tưới nước, ánh mắt thoáng nhìn qua tường vây. Giàn bầu bên kia đã mọc khá tươi tốt rồi, mặc dù không thể so với vườn cây cảnh bên này nhưng lại khiến người xem cảm thấy rất mát mắt. Lại nhìn tiếp, anh ta phát hiện có một ông già đang chăm sóc vườn hoa nhà bên. Anh ta nhận ra ông già này, ông ta là thợ làm vườn trong tiểu khu. Vì không nhịn được mỗi khi thấy Tiểu Dã tỉa cây, ông ta từng vài lần chỉ điểm cho cô.
Nhìn thấy anh ta, ông già làm vườn bắt chuyện: "Cơ tiên sinh đang tưới cây à?"
Cơ Quân Đào do dự trong chốc lát rồi nói: "Bác chăm sóc vườn rau giúp Thương tiểu thư à?"
Ông già ngẩng đầu lên lau mồ hôi rồi nói: "Thương tiểu thư gọi điện thoại nói có việc không đến được nên nhờ tôi tưới nước giúp, tôi thấy cũng bắt đầu có sâu rồi nên nhân tiện bắt sâu luôn. Cô ấy nhát gan, trước kia cũng toàn phải nhờ tôi bắt sâu giúp".
Cơ Quân Đào a một tiếng, xem ra hôm qua vì buồn chuyện của Đậu Đậu cho nên hôm nay cô ấy cũng không muốn đến chăm sóc vườn rau mà ngày thường vẫn chăm sóc rất kĩ này.
Cô ấy ở trong thành phố một mình làm gì? Hay là gã giám đốc trẻ tuổi kia đang ở bên động viên cô ấy? Nếu như hôm qua Tiểu Dã không nói rằng đã tưới nước cho vườn rau trên sân thượng giúp cô ấy thì hôm nay cô ấy có về đây không nhỉ? Bình thường thấy cô ấy rất thích vườn rau nhà mình, biết đâu khi về đây chăm sóc vườn rau cô ấy sẽ cảm thấy nguôi ngoai. Tiểu Dã thì biết cái gì, cứ thích thì tưới chứ có biết tưới thế là nhiều hay là ít đâu. Anh ta hơi oán trách em gái lắm chuyện, nhỡ đâu tưới nhiều nước quá làm mấy cây mướp của cô ấy úng chết thì làm thế nào?
"Không biết mấy cây mướp trên nóc nhà cô ấy đã dựng giàn chưa", ông già làm vườn lẩm bẩm, "Giờ mà còn chưa dựng giàn thì sẽ muộn mất. Cái con bé này sao lại không về chứ, chủ nhật sau tôi có việc phải về quê, sợ là không kịp về dựng giàn giúp nó rồi".
Cơ Quân Đào muốn nói thực ra có thể đi từ nóc nhà mình qua bên đó nhưng sau một hồi suy nghĩ lại không lên tiếng mà quay người đi về phòng vẽ.
Anh ta vừa nghĩ đến một bức tranh đang vẽ dở.
Đoạn cây khô trong bức tranh được anh ta vẽ từ mấy năm trước, Tiểu Dã nói nhìn quá tuyệt vọng, tràn ngập hơi thở chết chóc nên giục anh ta vứt bỏ bức này nhưng anh ta lại luôn cảm thấy không nỡ. Sự mê hoặc tuyệt vọng mà đoạn cây khô héo rũ đó toát ra phảng phất như nữ thần vận mệnh đang giơ tay vẫy gọi, không có tâm tình như lúc đó thì anh cũng khó có thể lột tả được vẻ bi thương như thế.
Vì vậy, anh ta muốn vẽ thêm một chút màu sắc bên cạnh để tạo nên sự tương phản tuyệt đối, nhất định sẽ tạo ấn tượng rất mạnh đối với thị giác người xem. Anh ta muốn vẽ một mầm cây tươi non nhưng lại cảm thấy không lý tưởng lắm, hiệu quả vẫn cứ kém một chút so với điều anh ta muốn đạt được.
Cỏ non lá xanh hình như đều quá mỏng manh, không thể tương xứng với khúc cây khô đã trải qua bao mưa gió đó, cũng không đủ để xứng với khung cảnh này. Anh ta nhìn chằm chằm gốc cây khô trên bức tranh, trong đầu lại hiện ra đôi mắt đau thương của Hoài Nguyệt khi vừa bế Đậu Đậu vừa khóc. Một đôi mắt đẹp như vậy vốn nên luôn tươi tắn vui vẻ nhưng lại toát ra nỗi thê lương của ngày đông giá rét làm người ta không thể không cảm thấy thương xót.
Cơ Quân Đào cầm bút vẽ ngơ ngẩn một hồi lâu vẫn không tìm được ý tưởng, vì vậy liền dứt khoát quăng bút lái xe đến phòng triển lãm Tố.
Cả buổi sáng Cơ Quân Dã cùng trợ lí xem một loạt tác phẩm của bố tại phòng triển lãm vừa được "Cẩm Tú trai" bồi xong, bận rộn đến mức không buồn ăn trưa.
Nghệ nhân Diệp ở Cẩm Tú trai là người có kỹ thuật bồi tranh có tiếng trong giới hội họa. Vì lần này có không ít tác phẩm quá khổ, giao cho các cửa hàng khác thì không yên tâm nên bố cô sẵn sàng hoãn lại thời gian tổ chức triển lãm tranh để đợi nghệ nhân Diệp đích thân ra trận.
Một nguyên nhân khác khiến triển lãm tranh bị hoãn lại là vì tác phẩm của Cơ Quân Đào vẫn chưa đủ, chưa đạt tới yêu cầu từ một phần ba trở lên của bố cô. Cô không dám thúc giục anh trai quá mức, sợ anh ta nổi cáu lên lại quẳng gánh giữa đường. Vốn anh ta đã không sẵn lòng cùng tổ chức triển lãm tranh với bố, cô phải dùng tình mà cảm hóa, dùng lý mà thuyết phục, vừa đấm vừa xoa than thở khóc lóc mãi mới ép anh ta nhận lời, cô không muốn một việc sắp thành lại bại trong gang tấc. Có điều mặc dù bị trì hoãn nhưng Cơ Quân Đào vẫn đang làm việc theo đúng kế hoạch, nghĩ đến điều này Cơ Quân Dã cảm thấy được an ủi. Lần nay cô tổ chức triển lãm tranh cũng không nhằm đến một mục đích nào khác ngoài việc muốn anh trai có thể trở lại với cuộc sống bình thường.
Lúc Cơ Quân Đào đến thì Cơ Quân Dã vừa dặn dò nhân viên thu lại các bức vẽ để chuẩn bị ra ngoài ăn cơm.
"Anh, sao anh lại đến đây?" Cơ Quân Dã vui mừng hỏi, trong ấn tượng của cô thì số lần Cơ Quân Đào xuất hiện tại phòng triển lãm Tố ngoài ngày thứ hai hàng tuần thì có thể đếm được trên đầu ngón tay, "Đã xảy ra chuyện gì vậy?"
"Không có chuyện gì, hôm nay trạng thái không tốt nên đến đây xem". Cơ Quân Đào nhìn lên tường, bức thư pháp của mẹ đã không còn ở đó, chắc là em gái anh ta sợ anh ta thấy cảnh thương tình, cái con bé Tiểu Dã này đúng là quá cẩn thận.
Cơ Quân Dã nhìn anh ta với vẻ mặt không tin.
Cơ Quân Đào cười nói: "Anh trai em ra khỏi cửa một lần cũng đáng để em thấy kinh ngạc à? Về hỏi A Thích xem bây giờ anh còn có vấn đề gì không?"
Cơ Quân Dã vui mừng nói: "Không có vấn đề gì, không có vấn đề gì, em còn chưa ăn cơm, anh cũng chưa ăn đúng không? Chúng ta đến nhà hàng nào ngon ngon ăn trưa nhé!"
Cơ Quân Đào không thích không khí ồn ào trong nhà hàng nên cau mày nói: "Gọi người ta đưa đến đi, ăn cơm không cần phiền phức như vậy đâu. Anh đi xuống dưới kia xem một chút, không phải em nói mới sắp xếp lại sao?". Dứt lời, anh ta liền đi ra ngoài.
Vị trí của phòng triển lãm Tố nằm gần khu du lịch, cửa phòng triển lãm nằm trên phố Sơn Âm, còn gọi là Phố quán bar, đối diện là viện mỹ thuật, cách đó không xa là viện bảo tàng.
Buổi tối ở đây xa hoa trụy lạc cực kì náo nhiệt, người làm nghệ thuật hay không làm nghệ thuật đều tới quán bar nói chuyện nghệ thuật. Tuy nhiên ban ngày ở đây lại rất yên tĩnh, những cây cổ thụ chọc trời hai bên đường phủ bóng mát xuống suốt chiều dài con phố, cũng chính vì vậy mà con phố này có tên là Sơn Âm.
Chỉ có điều con đường có lịch sử ngàn năm này dù đã được mở rộng tu sửa nhiều lần nhưng vẫn còn xa mới đuổi kịp bước chân phát triển của thành phố. Vì nằm trong khuôn viên thành phố này nên phố Sơn Âm rất chật hẹp, bãi đỗ xe là một vấn đề nan giải. Sau khi thả Hoài Nguyệt xuống cửa phòng triển lãm trước, Đặng Duyên Duyên mới tiếp tục lái xe đi tìm chỗ đỗ xe.
Hoài Nguyệt đi vào phòng triển lãm Tố, vô cùng chán nản vừa chậm rãi dạo bước ở tiền sảnh vừa chờ Đặng Duyên Duyên quay lại. Nhớ lại dáng vẻ Đậu Đậu cố nín không để nước mắt chảy xuống mà chỉ đảo quanh trong viền mắt lúc gần xuống xe hôm qua, cô lại cảm thấy cực kì đau xót.
Bất kể cô đã tìm cách bù đắp như thế nào thì cuộc li hôn vẫn mang đến thương tổn cho con trai mình. Thường nói sau khi li hôn bố vẫn là bố, mẹ vẫn là mẹ, điều này chỉ có thể lừa trẻ con khi nó mới 3, 4 tuổi, sau khi nó lớn lên thì kiểu gì trong lòng nó cũng có một góc tối về việc bố mẹ bỏ nhau. Bây giờ cô chỉ hi vọng sự cố gắng của mình có thể hạ mức tổn thương cho con trai xuống thấp nhất, có lẽ tiếp xúc nhiều hơn với thế giới bên ngoài, xã hội bên ngoài thì tầm nhìn của trẻ con sẽ trở nên rộng mở. Có lẽ, tạo cho con một sở thích hay một niềm đam mê sẽ đánh lạc hướng chú ý của nó. Cũng có lẽ, sau khi có thêm một em bé, nhà họ Lỗ sẽ đồng ý giao Đậu Đậu cho cô nuôi dưỡng.
Không biết vợ mới của Lỗ Phong sinh cho hắn con gái hay con trai, cô nghĩ, Lỗ Phong là người cực kì trọng nam khinh nữ, nếu như cũng sinh con trai thì có lẽ còn có thể thương lượng, nếu không thì chắc chắn sẽ rất khó. Lúc nào đó, mình phải tìm cách thăm dò một chút mới được.
Hơn một năm đã qua từ khi li hôn, hình như người nhà họ Lỗ đang cố gắng che giấu cô tất cả mọi tin tức có liên quan đến vợ hai của Lỗ Phong, sợ cô đau lòng hay là sợ tâm tình của cô sẽ ảnh hưởng đến Đậu Đậu? Cô cũng chẳng muốn suy đoán nguyên do, nếu cô thật sự muốn biết thì không lẽ còn không hỏi thăm được sao? Chẳng qua là cô không muốn biết nên mới như vậy, bằng không với trình độ săn tin của Đặng Duyên Duyên thì có tin tức nào mà cô không tìm hiểu được cơ chứ?
Hoài Nguyệt chậm rãi đi vào trong rồi dừng lại trước một bức tranh.
Đây là một bức tranh sơn dầu có tên là "Cây". Một vùng quê hoang vắng, ẩn sau những đám mây mù là một gốc cây khô dường như đã đứng ở đó cả ngàn vạn năm. Phía sau tầng mây lộ ra ánh sáng màu vàng, màu sắc rực rỡ như thế nhưng lại gợi một cảm giác cô độc. Thương Hoài Nguyệt cảm thấy kì lạ, rõ ràng là sắc điệu ấm áp vì sao người xem lại cảm thấy rét lạnh? Cô không cầm lòng được, bước một bước đến gần bức tranh.
"Xem tranh sơn dầu thì không thể đứng quá gần". Một giọng đàn ông nhẹ nhàng vang lên sau lưng.
Giọng nói rất quen thuộc, Hoài Nguyệt lui ra phía sau một bước rồi quay người lại, không biết từ bao giờ Cơ Quân Đào đã đứng ở phía sau cô.
"Cơ tiên sinh, anh cũng đến xem tranh à?" Hoài Nguyệt cảm thấy hơi bất ngờ.
"Có thích bức tranh này không?" Cơ Quân Đào nhìn bức "Cây" đó, đó là tác phẩm anh ta vẽ từ nhiều năm trước, là một trong số rất ít những tác phẩm tranh sơn dầu anh ta cảm thấy tương đối hài lòng, không biết bị Tiểu Dã tìm thấy rồi mang tới treo ở đây từ lúc nào.
"Đối với hội họa thì tôi dốt đặc cán mai. Hôm nay tôi tới đây là vì cần đi cùng một người bạn". Hoài Nguyệt xấu hổ nói, "Cảm thấy nhìn hơi hơi quen mắt, cảnh như thế này tôi đã từng nhìn thấy ở nước ngoài".
"Ở châu Úc?"
"Ờ", Hoài Nguyệt gật đầu, "Trên đại lục châu Úc có thể thường xuyên nhìn thấy hình ảnh như vậy, một gốc cây nhẵn bóng đứng ở giữa trời đất, không có lá cây, chỉ có thân cây trơ trọi chỉ thẳng lên không trung, xinh đẹp vô hạn, trào dâng vô hạn. Có lúc bạn sẽ cảm thấy quả thực là nó đang nổi giận đùng đùng, mặc dù chỉ là một cái cây khô nhưng bạn lại cảm nhận được sức sống tràn đầy của nó, chứ không phải như bức tranh này". Ánh mắt cô dừng lại trên thân cây tối màu đó, khuôn mặt lộ vẻ mơ màng.
Cơ Quân Đào vô thức đến gần cô, chăm chú nhìn gương mặt dịu dàng của cô, "Bức tranh này tạo cho cô một cảm giác khác à?"
"Tại sao cái cây này lại cô độc như vậy? Đứng giữa ánh sáng chói lọi mà vẫn lạnh lẽo như vậy? Dường như tôi cũng cảm thấy nó đang lạnh đến mức sợ run. Hình như trời đất này không phải ngôi nhà để nó tự do sinh trưởng mà là cái lồng giam cầm nó, nó không có chỗ để trốn tránh, không có nơi để dựa dẫm".
Buổi trưa, người trong phòng triển lãm dần dần về hết, bốn phía cực kì yên tĩnh, Hoài Nguyệt lại vô thức hạ thấp âm thanh một chút.
Muốn nghe thấy rõ hơn nên Cơ Quân Đào lại bước thêm một bước đến gần cô, hai người đứng kề vai nhau.
"Cô cảm thấy nó rất cô độc à?"
Hoài Nguyệt ngẩng đầu nhìn thấy đôi mắt sâu thẳm của anh ta, ẩn trong đó dường như có một loại cảm xúc khó hiểu đang dâng trào.
Cô cảm thấy hoảng sợ, âm thầm tự trách mình lại mắc bệnh nghề nghiệp "khoe chữ" rồi, không biết là câu nào mình nói đã động chạm đến thần kinh của người đàn ông mẫn cảm cực độ trước mặt này.
Cô đỏ mặt nói với vẻ mất tự nhiên: "Tôi không có tri thức hội họa gì, Cơ tiên sinh cứ coi như tôi nói liên thiên là được rồi. Bức tranh này đương nhiên rất đẹp". Có thể là tâm trạng người xem tranh khác nhau nên cảm nhận của họ khi đứng trước một cảnh sắc cũng khác nhau. Chuyến đi châu Úc là hành trình trăng mật của cô và Lỗ Phong, khi đó tất cả những gì cô nhìn thấy đều bừng bừng sức sống.
Cơ Quân Đào điều chỉnh lại tâm tình, mỉm cười nói: "Không phải người phải có tri thức hội họa mới xem được tranh. Thực ra cô rất hiểu hội họa, cô nói chính xác như vậy thì người vẽ tranh nhất định sẽ rất hài lòng".
Hoài Nguyệt từ chối cho ý kiến, người vẽ tranh? Ai biết người ta muốn thế nào chứ?
Cơ Quân Dã xuống tìm anh trai gọi lên ăn cơm, giật mình đứng nhìn cảnh này. Đây là lần đầu tiên anh trai chủ động tới gần một phụ nữ trong vòng nhiều năm như vậy, lúc này anh ta đang đứng bên cạnh Hoài Nguyệt, toàn thân toát ra sự dịu dàng ấm áp. Cô suy nghĩ một chút rồi mỉm cười xoay người đi mất.
Đặng Duyên Duyên đỗ xe xong quay lại thấy Hoài Nguyệt đứng cạnh một người đàn ông cùng xem tranh, cảm thấy rất bất ngờ, cô do dự một hồi rồi mới cất tiếng gọi.
Hoài Nguyệt giới thiệu với Cơ Quân Đào: "Đặng Duyên Duyên, bạn học của tôi. Cô ấy làm ở đài truyền hình, vì sắp phải phỏng vấn một hoạ sĩ nên đến đây học hỏi trước". Cô lại nói với Đặng Duyên Duyên: "Đây là Cơ tiên sinh, chúng tôi là hàng xóm".
Đặng Duyên Duyên cơ bản không nghe rõ lời Hoài Nguyệt. Cô vừa lặng lẽ đánh giá Cơ Quân Đào vừa thầm thán phục, loại đàn ông đẹp như ngọc này đúng là hiếm thấy thật, so với anh ta thì mấy người dẫn chương trình được gọi là minh tinh ở đài truyền hình quả thực đều rất thô kệch. Ngoài nước da trắng xanh thì người đàn ông này quả thực không có một chút tì vết nào, ngoại hình rõ ràng rất xinh đẹp nhưng lại không có cảm giác mềm yếu mà ngược lại còn tỏ ra khí độ bất phàm. Trong lòng cô thầm hâm mộ Hoài Nguyệt, đúng là số đào hoa bất tận, ngay cả một hàng xóm cũng là một gã đẹp trai đến vậy. Cô liền hỏi: "Cơ tiên sinh là họ Cơ nào? chữ cơ có bộ nữ bên cạnh à? Họ Cơ giống hoạ sĩ Cơ Quân Đào đúng không?" (姬, ngoài ra còn nhiều chữ khác cũng có âm là Cơ).
Cơ Quân Đào gật đầu, không hiểu vì sao lại nhắc tới tên mình.
Hoài Nguyệt hiểu ra, nói: "Thì ra anh cũng là họ Cơ này, vậy mà giờ tôi mới biết".
Cơ Quân Đào mỉm cười nhìn cô: "Cô chưa bao giờ hỏi tôi mà".
Đặng Duyên Duyên nói: "Họ Cơ này rất hiếm, ngoài anh chàng Cơ Quân Đào mà chúng tôi đang tìm thì anh là người họ Cơ thứ hai mà tôi biết".
Cơ Quân Đào nghi hoặc nhìn về phía Hoài Nguyệt, không biết vì sao hai người bọn họ lại tìm mình.
Hoài Nguyệt giải thích: "Bố Cơ Quân Đào là ngài Cơ Trọng Minh tiếng tăm vang dội, sắp tới hai bố con nhà họ Cơ sẽ tổ chức triển lãm tranh, đài truyền hình phải tìm vị Cơ Quân Đào này để phỏng vấn, tạp chí tôi làm cũng muốn tìm anh ấy để làm nhân vật trang bìa. Có điều nghe nói anh ấy không bao giờ tiếp nhận phỏng vấn cả".
Cơ Quân Đào nhíu nhíu mày, giờ tay xem đồng hồ rồi nói: "Tôi có việc phải đi trước đây, hai người cứ xem tranh đi nhé". Không đợi hai cô gái trả lời anh ta đã quay người rời đi.
Đặng Duyên Duyên nhìn bóng lưng anh ta, tiếc nuối nói: "Cái anh chàng này nói đi là đi luôn à, sao mà khó tính thế".
Hoài Nguyệt không đồng tình, nói: "Tính tình Cơ tiên sinh vốn vậy mà, chúng ta đi vào xem tiếp đi".
Đặng Duyên Duyên không cam lòng đi tới ghé vào tai cô nhẹ giọng hỏi: "Anh ta làm gì vậy? Đã có vợ chưa? Có bạn gái chưa?"
"Sao thế? Định đá anh chàng đẹp trai làm bên ngoại thương của bạn à?" Hoài Nguyệt trợn mắt nhìn cô, vui đùa: "Tớ cũng không biết Cơ tiên sinh làm gì, có điều hình như còn chưa có bạn gái. Nếu bạn theo đuổi được thì hai chúng ta sẽ trở thành hàng xóm, được thế thì đúng là quá tuyệt".