Xa nhà, chẳng bị bố mẹ quản thúc sát xao, thỉnh thoảng buồn buồn, thất tình,… mấy đứa con gái nhóm tôi lại đem nhau đi rượu ốc…
“Tối nay đi làm về, đi rượu ốc với tôi nhá” cô bạn thân gọi điện thông báo lịch. Nó mời rượu, tôi chẳng giật mình làm lạ, chắc nó lại cãi nhau với người yêu.
Vẫn quá rượu ốc quen thuộc, chắc tôi mòn dép ở quán này mất. Chị chủ quán không cần hỏi mà mang ra 2 bát ốc với chai Voska nửa lít. Tôi cười nhăn nhó: “Sao chi biết”. “Cái con bé này, sao chị không hiểu chúng mày, lại cãi nhau với người yêu chứ gì” chị vỗ vai tôi. Tôi đỏ mặt tía tai vâng một câu rõ dài.
Thú thực, chưa bao giờ tôi nghĩ mình lại đi rượu ốc. Vốn dĩ, ở quê chỉ quen mỗi bữa cơm bố tôi mang ra cốc rượu nhỏ ngồi nhâm nhi để khai vị bữa ăn. Con gái không được uống rượu bia, vậy nên lúc nào vui lắm, bố tôi mới cho phép chị em tôi uống 1 chút bia. Tôi lại là đứa không thích bia, nhấp một ngụm là biết ngay: mặt đỏ phừng phừng, tai nóng và ruột cồn cào.
Bia tôi không quen uống nhưng rượu thì lại có thể. 1 cốc bia không xong nhưng nửa lít rượu mới làm tôi thấy phê phê. Không phải tôi hư đâu nhé. Cũng không biết tại sao mình uống được rượu. Nói vậy, chứ chẳng mấy khi tôi uống. Về quê Tết nhất, cỗ bàn, tiệc tùng tôi cũng tìm cách mà chối.
Chỉ khi đi học, đứa bạn thân buồn nó rủ tôi mới đi cùng. Họa chăng có ngày tôi rủ nó đi là vì công việc, sếp hiểu nhầm tôi nói tôi không ra gì “ăn cháo đá bát”, đứa bạn tôi chơi thân ngày nào “chơi tôi 1 vố rõ đau”, hất tôi ra khỏi chỗ đó nó vui lắm đấy… Giải thích mãi ông sếp không nghe, đi xe về nhà mà tức tối, tôi gọi anh bạn đi uống rượu cùng.
Tưởng rằng, say rồi sẽ không còn bực tức nữa, say rồi sẽ chẳng phải nghĩ ngợi. Nhưng không, người xưa nói “nâng chén tiêu sầu, càng sầu thêm”, uống rượu về tôi không thể ngủ được, càng nghĩ càng tức, càng ức.
Giờ thấy các chị em sinh viên nữ nhà mình rượu chè cũng nhiều quá. Rượu không tốt cho sức khỏe, dù mượn rượu giải sầu cũng “vừa tầm” thôi nhé. Đừng ai nói rằng “con gái không được uống rượu”, chỉ là không muốn uống mà thôi. Đôi khi trốn đi nhấm nháp nỗi buồn bằng rượu với cô bạn thân thấy tội lỗi mà vẫn phải đi. Vì nó buồn, không khuyên được, thôi thì đi cùng nó cho có phong trào.
Giáp Tết, thi xong, học xong và được nghỉ dài dài, những sinh viên “thích phiêu bạt” như nhóm tôi lại có cái thú “về nơi rừng rú” chơi cho biết. Dạo này, thấy các bạn đi cũng nhiều, ngày nào lượn lờ Facebook của lớp cũng thấy vài đứa ghi nhật ký: Cao Bằng ngày nắng gió, Về với biên giới,… mà thèm đi. Cái bệnh “muốn đi” của mình lại được dịp nổi hứng.
Nhớ lại ngày này năm trước, hoa đào hoa ban nở rộ cả 1 vùng Sa Pa. Lần đầu tiên được đi xa như thế, về Sa Pa chẳng có đường nhựa phẳng lì như Hà Nội, chẳng có đèn điện. Những con đường mấp mô đá sỏi, những đoạn đường ngậy mùi đất bùn. Đôi giầy đi trên chân cũng bỏ ra đi cho đỡ vướng, tôi đưa chân chạm đất, cảm giác lành lạnh, tê tê. Rồi thì chân bước cũng quen. Những bước chân đi trên nền đất Sa Pa mà tưởng đâu đang ở quê mình, đang được chăn trâu, cắt cỏ, tung tăng như thuở còn bé xíu.
Nói là đi phượt chứ cũng chẳng có kế hoạch nào. Buổi tối trước khi đi, chúng tôi đã hẹn hò nhau chuẩn bị cho thật chu đáo. Nào là khăn giấy, bánh mì, lương khô, nước, thuốc, bàn chải, kem đánh răng,… Mấy tên con trai nhìn con gái chúng tôi viết viết, tính tính mà hét lên: “Xin mấy bà, đi chơi mà làm như đi lấy chồng ấy” Bọn con gái nhìn mấy “ông bạn già” bằng ánh mắt “muốn nhảy vào đánh cho 1 trận”, tôi chống tay, hất hàm: “Không có bọn con gái lắm chuyện như chúng tôi, mấy ông lại không chết rét, thiếu thốn ấy, lúc đó lại kêu hậu phương ơi tiếp tế, nhá”. Cả nhóm lại cười ầm ĩ.
Dự định cho chuyến đi Hà Giang lần này, chúng tôi quyết định đi xe máy. Đi xe máy hít ít nắng, gió, bụi của đất trời những ngày vào Tết. Mấy ngày nay, miền Bắc lành lạnh lại thêm mưa phùn khiến khung cảnh càng đẹp hơn.
Cái xe của bạn Hoa đi cùng đã “hết đát” nên cọc cạch mãi. Nhất là lúc qua đèo ở Sa Pa, còn có 3 km nữa mà không đi nổi vì nó hỏng xích. Vậy là mấy tên con trai được dịp trổ tài sửa chữa. Sau 1 hồi mầy mò của các chuyên gia “nghiệp dư”, cái xe cũng đi được. Nhìn mấy đứa nhem nhuốc dầu nhớt, bọn con gái chúng tôi ôm bụng cười “Phượt đấy”.
Gần 1500 km mà phóng xe máy đi, nghĩ lại cũng thấy tự hào quá, chúng tôi nhìn nhau cười. Sa Pa kìa, lại những ngày sống vui giữa núi rừng, hoa ban đó, hoa đào cũng nở nhuộm thắm sắc đỏ. Tết về rồi. Đâu đó tiếng chày giã gạo đều nhịp, tiếng khèn rộn ràng gọi Tết về