Cuối tháng, tôi thuộc như in thực đơn của nhà hàng xóm: cơm rang – mì tôm- cơm rang. Còn tôi, cũng chẳng khá khẩm hơn. Ngày ở nhà với mẹ, có bữa ăn cơm rau, cũng có bữa chỉ chan nước mắm, rắc muối vừng ăn cũng hết bát cơm. Chưa hôm nào có khái niệm “bỏ bữa”. Thế nhưng, từ ngày là sinh viên, bỏ bữa với tôi là chuyện thường.
Sáng dậy muộn, vội vàng đánh răng rửa mặt và khoác cặp sách lao ra khỏi nhà cho kịp giờ. Tối, người mệt và không muốn nấu ăn, tôi ngồi máy tinh 1 lát và cũng ôm bụng đói đi ngủ.
Những ngày cuối tháng, ví trống trơn, hệ số bỏ bữa của tôi còn nhiều hơn. Cũng như hôm nay, lên tường nhà treo statut trên Face thông báo cho bạn bè. Đứa cười nói lười. Đứa xua tay kêu sâu ngủ. Đứa than bài hát Why, Why,… Chúng nó đâu biết rằng trong ví mình chỉ còn có 1 nghìn 500 đồng.
Vừa hôm trước 1 đứa bạn đăng ảnh bát canh rau ngót với 2 quả trứng luộc lên Face và chú thích: Những ngày đói… Ngẫm ra nó còn hạnh phúc hơn mình. Cuối tháng, hết tiền, mình ôm cái bụng đói đi ngủ: Ngủ để quên đói…
Cô bạn thân hồi cấp 3 giới thiệu cho tôi vào làm gia sư cho chị của nó. Gọi điện thoại hẹn, chị hẹn tôi: 7h tối, vì lúc đó chị mới cho cháu ăn và tắm rửa xong. Chiều hôm đó, vừa nghỉ học, tôi bắt bus lên thẳng Cổ Nhuế. Hai chặng xe bus giờ tan tầm, chen lấn mãi mới lên được xe 13, vừa đi được 2 bến xe thì chú tài xế cười: “Khách thông cảm, muộn giờ nên xe quay đầu”. Thế là xong, cuốc bộ 2km mới vào đến nhà chị Tâm – người thuê tôi làm gia sư.
Lần đầu tiên đi làm gia sư hồi hộp như lần đầu đi học, tôi đã phải dừng lại trước cổng nhà học sinh hít thở thật sâu rồi bước vào. Biết tôi là sinh viên báo chí, chị Tâm quý lắm. Không chỉ thế, tôi còn là đồng hương của chồng chị, may quá chị làm tôi bớt hồi hộp hơn.
Cậu học sinh của tôi học lớp 5. Vì chiều cao của tôi khá khiêm tốn nên nó cũng cao ngang ngửa tôi. Nhìn thấy tôi nó đã chạy ra lấy tay đo: “Con cao gần bằng cô này” nói rồi thằng bé cười típ mắt thích thú. Ngày đầu, tôi chưa muốn dạy nó luôn. Ngồi trò chuyện, khảo sát lại kiến thức xem nhóc này kiến thức ở “tầm nào”. Chú bé tên Việt, khá thông minh nhưng lại lười vô đối. Vì lười nên kiến thức của nó cũng chỉ ở tầm căn bản, Toán còn đỡ chút, môn Văn thì thôi rồi…Biết gặp “đối thủ khó trị”, tôi nhăn mặt cười: “mỗi tuần cô dạy con 2 buổi, 1 buổi học văn, 1 buổi học toán, cố gắng mà học”.
Nghe tôi nói, thằng nhóc nhe răng sún ra cười: “Có cô rồi, con lo gì học nữa. Bài nào không làm được con hỏi cô”. Tư tưởng bá đạo của thằng nhỏ làm tôi không dám cười, lấy mặt nghiêm nghị lại, tôi nhắc nó: “Việc học là của con, cố gắng mà học. Con hư là cô đánh đấy, mẹ Tâm bảo cô dạy con mà hư là cô cứ trị thẳng tay”. Nghe vậy thằng nhỏ cũng rờn rợn, đôi mắt liếc nhìn tôi, tay với cuốn sách giáo khoa Tiếng Việt 5…
20h45, tôi xin phép ra về. Vội vàng ra bến xe bus, tôi không rời mắt khỏi đồng hồ: “Đừng nhỡ xe bus nhá”. Mong ước của tôi chẳng thành sự thực khi đợi 15 phút xe bus vẫn bặt tăm. Lần đầu tiên đi tối như vậy, tôi thấy rờn rợn. Xung quanh vắng lặng như tờ, 2 bên là đồng ruộng, tiếng gió rít, tiếng côn trùng râm ran. Chưa biết làm thế nào, bỗng có 1 chị đi ngang qua tôi, được vài bước chị ta ngoái lại.
-Hết xe bus rồi em gái, em đi ra đường phạm văn đồng mà bắt xe khác
Chị ta nhỏ nhẹ nói. “Cùng đường đấy, đi với chị không?”. Lúc ấy, tôi chẳng nghĩ gì, đi theo chị ta luôn. Được cái tôi cũng “nhiều chuyện” nên cả đường 2 chị em rôm rả nói cười, không còn thấy sợ nữa.
Ra bến xe bus, đợi mãi cũng không có xe 27. 22h, vừa mệt, vừa đói, tôi gọi cho cô bạn gần đó. “Ta vào nhà mi ngủ nhờ nhá. Nhỡ xe bus không có xe về Hà Đông rồi”. 15 phút sau, cô bạn đi xe đạp ra đón tôi.
Về đến phòng nó, tôi nấu gói mì tôm ăn rồi kể cho nó nghe về cậu học sinh của tôi. “Vậy ra là cô giáo rồi à… Dậy tôi mí cô…” Cô bạn nhìn tôi cười châm chọc. 23h, tôi và cô bạn đi ngủ.
Ngày đầu tôi làm cô giáo…