Cuộc đời con người giống như một cái cân: một bên là ham muốn, một bên là tình yêu. Khi mà bàn cân tình yêu vẫn còn trống không, thì đành phải kiếm thứ khác đặt vào để giữ cho cán cân được thăng bằng.
Tôi mua một chậu hoa.
Một hôm đi qua sạp hàng hoa ven đường, nhìn thấy một cây tiên nhâu cầu nhỏ nằm giữa những cây hoa đang nở rộ. Tiên nhân cầu chỉ bằng quả trứng gà, vừa nhỏ vừa xấu, trông chẳng hề bắt mắt, cô đơn tịch mịch đừng giữa những cây hoa khác. Đột nhiên trong lòng trào dâng một cảm giác thê lương khó tả, cảm thấy nó rất giống mình, bèn dừng lại hỏi mua. Ông chủ là một nông dân trồng hoa hiền lành chân chất, thật thà nói cho tôi biết: cây tiên nhân cầu này đã có một lỗ nhỏ, chỉ sợ chẳng bao lâu sau sẽ biến thành lỗ to. Tôi đang hơi do dự thì chợt như cảm thấy cây tiên nhân cầu đang ra sức nháy mắt làm hiệu với mình: "Này ! Mua tôi về chăm sóc đi !" Thế là vẫn quyết định mua về, đặt tên cho nó là Kim Hổ.
Mang Kim Hổ về nhà, đặt trên sân thượng. Ở đấy nhiều ánh sáng, không khí mát lành. Tôi kê một chiếc ghế, ngồi bó gối, chăm chú quan sát nó. Kim Hổ có một vẻ đẹp thanh nhã trầm mặc, và vẻ kiêu ngạo trời sinh giống như loài tiên nhân chưởng trong sa mạc. Nó có màu xanh nhàn nhạt, không xanh quá, cũng không nhạt quá, nhưng đủ để tạo nên một ấn tượng tươi mát trong mắt người nhìn. Toàn thân Kim Hổ mọc đầy những gai nhọn, vừa kiêu ngạo vừa hào hùng bi tráng, phảng phất như đang nói: "Muốn nắm giữ tôi là không thể đâu, trừ phi là hủy diệt tôi đi. Có điều làm vậy anh có còn là đàn ông nữa không ?" Nghĩ tới đây, tôi thở dài một tiếng, cảm thấy hạnh phúc hơn nhiều.
Chỉ cần không có chuyện gì, là tôi lại lên sân thượng ngồi ngắm Kim Hổ thật lâu. Một động vật và một thực vật cứ lặng lẽ nhìn nhau, dốc lòng ra với nhau. Những lúc vô cùng muốn tìm người nói chuyện, cũng thầm oán trách Kim Hổ chỉ là một cái cây. Có điều lâu rồi, ngược lại còn nhận ra một lạc thú khác: nói chuyện với Kim Hổ cho tôi một không gian tưởng tượng lớn hơn rất nhiều.
Giống như Che Guevara hồi trẻ đi khắp Nam Mỹ, đã nhắc đến biển thế này: "Biển lớn lúc nào cũng là người bạn thân thiết, một người bạn thân thiết luôn lắng nghe tất cả những gì bạn nói nhưng không bao giờ tiết lộ bí mật, đồng thời cũng là một người bạn lúc nào cũng có thể cho bạn ý kiến, bạn có thể dựa theo trí tưởng tượng của mình mà giải thích những âm thanh mà biển cả phát ra."
Kim Hổ cũng là một người bạn như vậy.
Trước mắt, tôi rất cần một người bạn như thế.
Có lần tôi cũng mang Kim Hổ đến quán bar. Nhưng ở đó không khí không tốt, khói thuốc mù mịt, lo lắng vết thương trên người nó bị ác hóa, nên lại vội vàng mang về.
Nếu Lông Mi ở đây thì tốt quá, tôi cũng sẽ đối xử với em tốt như thế.
Thỉnh thoảng cũng nghĩ như vậy.
Lại là nửa đêm.
Bì Tử bận rộn ra ngoài làm ăn, Trà Sữa đi xem liveshow của Lưu Nhược Anh với cô gái đầu trọc. Quán bar chỉ còn mình tôi với Quán Đầu và mấy nhân viên phục vụ. Tôi đứng trong quầy bar giúp Quán Đầu rửa ly, vừa ngẩng đầu lên xem "Friends", thỉnh thoảng lại bật cười vì những chi tiết hài hước trong phim. Quán Đầu mặt trơ khấc như gỗ, chỉ biết cúi đầu rửa ly, lâu lâu mới lướt mắt qua màn hình một thoáng, điệu bộ rất thờ ơ.
Tôi nhớ lại cái thời cùng ở chung với mấy người bạn nữa, hoàn cảnh cũng không khác gì trong phim là mấy. Ấn tượng sâu sắc nhất là một lần có một cậu bạn đến chơi, vừa vào đã ôm bụng đòi đi nhờ toilet. Mọi người nói chuyện một lúc thì quên luôn cậu ta, cùng ra ngoài ăn cơm, ăn xong lại rủ nhau đi xem phim, xem xong về nhà thấy cậu bạn kia vẫn đang ngồi trong toilet. Thì ra trong ấy hết sạch giấy, lại không gọi được ai, đành phải ngồi đuỗn mặt ra trong đó.
Cậu bạn ấy chính là Bì Tử. Nghĩ lại chuyện ấy, tôi không nén nổi một nụ cười hạnh phúc.
"Ít nhất mình cũng còn có bạn bè." - Tôi tự an ủi mình như vậy.
Một lát sau thì có nhân viên phục vụ ra gọi tôi, nói có người muốn tìm ông chủ.
Tôi nghi hoặc bước tới, trên chiếc sofa kê cạnh cửa sổ có hai cô gái lạ mặt đang ngồi.
Cả hai cô đều ăn mặc kiểu trí thức văn phòng. Sơ mi lụa bó eo kiểu tây, váy mini jupe, bít tất lụa màu sắc hài hòa, toàn thân từ trên xuống dưới đều là hàng hiệu, bên cạnh là chiếc xắc tay nhỏ đắt tiền, trên cổ đeo những sợi dây chuyền đắt giá. Một cô mặt mũi vui tươi, còn một cô lại rất u uất. Cô gái có vẻ mặt u uất dựa vào vai cô gái vui vẻ, không ngừng thở ngắn than dài.
Trên bàn có hai chai vang pháp, một chai đã cạn, một chai còn một nửa. Cả hai cô gái đều đã ngà ngà say, nhìn tôi chăm chú, rồi lại cười cười, cứ như là có một bí mật gì đó mà chỉ mình tôi là không biết vậy.
- Giám đốc Bì Tử của mấy anh đâu ?
Cô gái buồn rầu hỏi.
- Đi vắng rồi.
- Nghe nói ở đây được người ta gọi là quán bar có thể "ủ ấm" cho người ta đúng không ?
Cô gái có nét mặt vui tươi phá vỡ bầu không khí im lặng.
- Chỉ là nghe nói thôi.
- Trên tường không phải có dán áp phích đấy sao ?
Cô gái chỉ tay vào tờ quảng cáo của Bì Tử.
Tôi chỉ biết nhún vai cười cười.
- Thực ra cũng chẳng có gì, đều là người lớn cả rồi. Bạn tôi vừa thất tình, tâm trạng buồn bực, muốn đến đây tìm đàn ông, kết bạn thôi. Đáng tiếc là đêm nay chẳng có ai nhìn vừa mắt cả.
Cô gái kia đốt một điếu thuốc, vừa hút thuốc vừa ôm tay, động tác thành thục lão luyện, trông rất đẹp mắt. Vừa hút thuốc cô vừa vỗ nhẹ lên trán như muốn làm cho mình tỉnh táo lại phần nào. Hai cô gái này tuy đã say, nhưng vẫn không mất đi những thói quen tao nhã phải mất một thời gian dài mới có được.
Tôi nhíu mày, tỏ ý hỏi xem có thể giúp gì được hai cô không ?
- Đêm nay chỉ có mình anh là được được một chút, vậy nên phạt anh phải ngồi đây nói chuyện với chúng tôi.
Cô gái có nét mặt vui vẻ nói đùa, kiểu nói đùa rất thiện ý.
Tôi chẳng tỏ vẻ gì hết.
Một bầu không khí lưỡng lự bao trùm lấy chúng tôi.
Lúc này trong loa vang lên bài "New York City" của Norah Jones.
Norah Jones và Peter Malick hợp tác tạo ra một bài hát đậm sắc Blue, cảm giác tiết tấu rất mạnh, âm sắc rất tuyệt. Hai cô gái lắc lư theo tiếng nhạc, lâu lâu lại rủ tôi cạn ly, không khí trở nên ấm áp hơn rất nhiều.
Hai cô gái này một người là di dân Canada, một người định cư ở New Zealand. Chắc là ở nước ngoài chơi chán rồi, cả buổi cứ than thở nước ngoài chán, chẳng có cái quái gì, ngoài tự do ra thì chỉ có bệnh AIDS, đành di dân trở lại về Trung Quốc, mong mỏi tìm được người đàn ông thích hợp. Ai ngờ mấy năm nay trong nước cũng thay đổi quá nhiều, quan hệ nam nữ cũng hỗn loạn chẳng kém gì phương Tây. Hình như là họ có vẻ rất thất vọng với đàn ông trong nước.
- Ở nước ngoài cũng hỗn loạn thế à ?
Tôi nhớ lại những lần đi du lịch nước ngoài trước đây của mình.
- Đàn ông nước ngoài trước khi kết hôn thì hoang đàn, nhưng kết hôn rồi thì rất thành thật, đặc biệt là rất giữ nguyên tắc. Còn đàn ông trong nước thì bất kể là kết hôn rồi hay không, cũng vớ vẩn như nhau hết, không thể chấp nhận được.
Cô gái có nét mặt vui vẻ tổng kết.
- Chính xác. Không thể dựa dẫm vào đàn ông trong nước được, trước khi kết hôn thì là cướp, sau khi kết hôn thì là trộm.
Cô gái u uất dường như đã rất thấm thía điều này.
- Chẳng những không dựa dẫm được về mặt tình cảm, lại còn phải tìm đủ mọi cách để giữ chân họ lại bên mình nữa chứ.
Cuộc đối thoại chẳng mấy chốc đã biến thành một buổi "đấu tố" phê phán đàn ông. Tôi đành ngồi im bên cạnh, quyết định không mở miệng.
- Họ chẳng biết yêu, lại không hiểu đàn bà.
- Đàn ông bây giờ thật khiến người ta thất vọng, ai nhìn được thì không có cảm giác, mà có cảm giác thì lại chẳng thuận mắt.
- Cuộc đời cũng thật vô vị. Nước ngoài chán, về nước cũng chán, tình nhân chán, yêu đương cũng chán, kết hôn lại càng chán. Giờ tôi chỉ muốn chết, mà lại chẳng dám chết.
Hai cô gái không phải lo ăn lo mặc, cuộc sống ở mức cao trong xã hội mà cũng có nhiều phiền não vậy sao ? Chẳng biết cái thế giới này đang có vấn đề gì nữa.
Norah Jones bắt đầu hát tuyệt tác bất hủ "Don't know why". Hai cô gái ngâm nga hát theo, cuối cùng thì cũng thở phào nhẹ nhõm được rồi. Một cô gái bắt đầu kể chuyện hôm đi xem live show của Norah Jones, chuyện này thì tôi rất ngưỡng mộ.
- Chắc là yêu cầu của hai em cao quá chứ gì ?
Tôi cười cười, cuối cùng cũng xen vào một câu.
- Không cao, chỉ muốn tìm một người đàn ông khiến mình thỏa mãn thôi. Mel Gibson hay Lương Triều Vĩ thì không dám mơ rồi, chỉ cần thật lòng với bọn em là được. Nhưng mà biết tìm ở đâu bây giờ ? Đàn ông tốt chết hết cả rồi.
Cô gái có nét mặt u uất ngửa đầu lên thở ra những vòng khói tan biến trong không trung.
Hai chai rượu vang dường như đã lôi hết sạch những lời oán trách mà hai cô gái giấu trong lòng ra ngoài. Các cô cứ tiếp tục đối thoại như vậy đến tận nửa đêm, rồi mới lắc lư chuệnh choạng ra về.
Thấy bọn họ say quá, tôi không yên tâm, đành đỡ họ vào xe, hỏi xem nhà ở đâu, nhưng không thấy ai trả lời. Quay đầu lại, thì thấy cả hai đã dựa vào nhau ngủ mất rồi. Đành thở dài một tiếng. Lật cái xắc nhỏ ra, cũng may mà tìm được một tấm thẻ nộp tiền quản lý, lái xe đến địa chỉ ghi trên đó, là một tòa chung cư cao cấp.
Hai cô gái vẫn chưa tỉnh. Tôi đành mở cửa xe, đốt một điếu thuốc rồi bật máy nghe nhạc trên xe lên nghe Ravi Shankar chơi đàn Sitar, miệng ngân nga theo tiếng nhạc, cứ thế hút gần hết bao thuốc. Cuối cùng hai cô gái cũng tỉnh lại, sột sà sột soạt ở băng ghế sau, không ngừng nấc ợ lên, mùi rượu nồng nặc khắp cả xe. Tôi tay trái một cô, tay phải một cô, đỡ họ xuống xe. Có lẽ hai cô gái này thường xuyên uống say về muộn nên bảo vệ đã quen mặt, còn nhiệt tình giúp tôi đưa họ vào thang máy, ấn hộ nút, ánh mắt nhìn tôi vừa ám muội lại vừa ngưỡng mộ, cái thứ ánh mắt quái dị khiến toàn thân người ta phải nổi cả da gà. Đúng lúc cửa thang máy khép lại, tôi mới lừ mắt nhìn anh ta một cái.
Căn hộ của hai cô gái khá lớn, đồ đạc rất đầy đủ.
Tầng hai mấy, từ đây có thể ngắm cảnh đêm toàn thành phố.
Hai cô gái lần lượt vào toilet, lần lượt đi tắm, rồi lần lượt uống nước lạnh. Giờ mới tỉnh lại, họ nhìn tôi, rồi lại nhìn nhau, bật cười khúc khích. Tôi chẳng biết làm sao, cũng đành ngây ngô cười theo. Một cô gái ngồi xuống bàn trang điểm chăm chú bôi bôi trát trát, không ngừng xoa lên mặt mình đủ loại kem và phấn, những động tác cứ lặp đi lặp lại làm tôi nhớ lại cảnh Charles Chaplin vặn ốc vít trong phim "Modern Times". Một cô thì bật tivi lên xem, mới được một lát đã làu bàu nói không có gì thú vị, ném điều khiển đi rồi chui vào toilet, mãi chẳng thấy ra. Tôi nghiễm nhiên bị bỏ quên, ngồi đấy cũng ngại mà đi cũng ngại, cảm giác thật khó chịu.
Thấy bên cạnh vứt một quyển album ảnh đang mở, tôi bèn nhặt lên xem cho đỡ buồn. Toàn là ảnh đàn ông, ánh sáng rất mờ, hình không được rõ nét lắm cứ như là ảnh chụp trộm vậy. Hầu hết toàn là các cậu trẻ tuổi xinh trai, số ít hơn là những người có vẻ đã trưởng thành, trông rất phong độ, cá biệt có một hai người tuổi cao hẳn hoặc thấp hẳn so với những người khác. Tôi lật từng trang một, kinh ngạc nhận ra có một trang là ảnh của Bì Tử, bèn rút ra xem thử, thấy phía sau viết mấy hàng chữ:
Nghề nghiệp: chủ quán bar
Quốc tịch: Trung Hoa đại lục
Tướng mạo: Đẹp trai
Chiều cao: vừa phải
Da: được
Kích thước phần dưới: hạng trung
Thời gian làm tình: lâu
Có lên đến cao trào không: gần được
Bình luận: sản phẩm hạng ưu
Đọc xong mấy hàng chữ đó, tôi vội vàng đứng dậy chạy ra khỏi cửa.
Cuộc đời con người giống như một cái cân: một bên là ham muốn, một bên là tình yêu.
Khi mà bàn cân tình yêu vẫn còn trống không, thì đành phải kiếm thứ khác đặt vào để giữ cho cán cân được thăng bằng.
Cái thứ này tất nhiên là những va chạm xác thịt. Con người luôn khát vọng có được tình yêu, nhưng lại luôn luôn chỉ có được xác thịt của đối phương.
Tôi đang dằn vặt suy nghĩ thì Bì Tử bước vào.
- Có gì mới không ?
Cậu ta vứt cặp xuống, gọi một ly vodka, vỗ vai tôi hỏi theo thói quen.
- Sản phẩm hạng ưu.
- Cái gì mà sản phẩm hạng ưu ?
- Cậu là sản phẩm hạng ưu.
Tôi cười cười nói.
Bì Tử không hiểu gì nhưng cũng cười cười. Cậu ta có việc phải đi xã giao, chỉ qua gặp tôi một lát, uống cốc rượu rồi đứng dậy đi luôn.
Còn lại một mình, tôi chỉ biết không ngừng nốc rượu, cảm thấy mình chẳng khác gì một cái cống thoát nước, thì gì cũng đổ vào được, cuối cùng không cần bận tâm lo nghĩ cũng tự động tiêu hóa bài tiết ra ngoài hết sạch.
Một cô gái ôm một chú chó Chihuahua bước vào, ngồi bên quầy bar.
Cô gái hình như rất quen với Quán Đầu. Gọi một chai bia Knight và một bát bỏng ngô. Bia thì mình uống, còn bỏng ngô thì đút cho chó ăn, con chó thì cứ ăn từng hạt từng hạt một, có vẻ rất khoái chí. Chó Chihuahua ăn bỏng ngô à ? ... Mọi người đều tròn mắt lên nhìn cô gái và con chó kỳ lạ.
Cô gái này mặc một chiếc T-shirt rất to, đầu tóc buông xõa. Người không cao lắm, nhưng chân thì rất dài, nhìn cứ đong đong đưa đưa. Gương mặt búp bê nhìn rất dễ thương. Cho chó ăn chán, cô ôm nó vào lòng vuốt ve, ngước mắt lên xem phim, rồi bốc bỏng ngô đưa lên miệng. Ăn được mấy hạt, cô quay sang nói với Quán Đầu cái gì đó, rồi lại tiếp tục ăn. Một lúc sau thì đứng dậy qua chỗ tôi hỏi mượn mấy đĩa CD về nhà, tôi gật đầu đồng ý.
Trong quán cũng có khá nhiều người quen cô gái này, được một lúc lại thấy có người ra bắt chuyện. Nhưng lần nào cô cũng chỉ đáp cho qua chuyện, rồi cúi đầu nựng nịu con chó cưng, không buồn để ý tới họ nữa. Mấy anh chàng kia cũng biết điều, lặng lẽ trở về chỗ ngồi. Có người cũng rất hài hước, bị chủ nhân cự tuyệt liền cúi xuống mời con chó uống rượu. Con chó nhỏ sủa "oắc oắc" hai tiếng, còn cô gái thì bật cười khúc khích, đứng dậy ra ngồi cùng bàn với anh ta. Có lẽ tại nói chuyện không hợp nên chỉ được một lúc cô gái đã trở lại quầy bar, ngồi ăn bỏng ngô, uống bia, ngước đầu xem phim. Thỉnh thoảng lại quay sang nói với Quán Đầu cái gì đó, Quán Đầu lần nào cũng gật gật gù gù, không nói gì.
Quán bar đóng cửa.
Xuống nhà, con phố đông đúc giờ đã lạnh tanh, bao nhiêu phồn hoa náo nhiệt giờ rút sạch như nước thủy triều.
Tôi thở dài, chuẩn bị ra chỗ để xe thì liếc thấy trên ghế dài ven đường có một cô gái đang ngồi, trong lòng ôm chú chó nhỏ. Bước lại gần. Chính là cô gái lúc nãy trong quán bar, cô nàng vừa lắc lư đầu nghe nhạc trong headphone vừa vuốt ve cái đầu nhỏ nhắn của con chó, tay kia cầm điếu thuốc, miệng lẩm bẩm bài "Luyến Luyến Phong Trần". Bên cạnh để một chai bia đã uống hết quá nửa. Tôi ngồi xuống cạnh đó, rút thuốc ra hút, nghe cô ngân nga.
Cô gái liếc thấy tôi, nhìn một lúc như để nhận mặt, rồi cười cười. Tôi cũng mỉm cười đáp lại.
- Cám ơn anh cho mượn đĩa.
Cô gái tháo tai nghe xuống. Hai má đỏ hây hây, xem ra cũng đã uống không ít.
- Thích nghe không ?
- Cũng được. Không phải thích lắm, nhưng cũng chẳng có gì khác mà nghe cả.
Tôi cười cười. Cô gái tháo một bên tai nghe xuống, mò mò tìm tai tôi, rồi cẩn thận nhét vào trong.
Nghe một lát, tôi mới chợt nhớ ra Lão Lang đã từng tới quán bar của mình. Lần đấy anh ta tới thành phố này tham gia một buổi đại nhạc hội, tiện thể ghé qua chơi. Đúng lúc ấy tôi đang ngồi ôm ghita hát, Lão Lang thấy vậy cũng lên hát chung mấy bài. Trong đó có một bài chính là "Vincent" , cả hai đều không thuộc lời, cứ vừa hát vừa nhìn nhau cười trừ.
- Nghe nói anh vừa đi Đôn Hoàng về phải không ? Quán Đầu kể đấy. Anh ta hay nhắc đến anh lắm, cứ bảo không có anh, quán bar cứ thiếu đi cái gì ấy. Em cũng đi Đôn Hoàng rồi, chẳng thấy gì hay quả. Về sau đến chơi hồ Ca Nạp Tư ở Tân Cương còn thú vị hơn nhiều.
Thế là chúng tôi bắt đầu nói chuyện về miền Tây. Cô gái lấy ví tiền ra, khoe một tấm ảnh chụp trên sa mạc. Tấm ảnh làm tôi nhớ đến Trát Ba, trong lòng không khỏi dâng lên một cảm giác chua xót.
- Hồi trước ngày nào em cũng đến quán bar của mấy anh, dạo này thì ít rồi.
Tôi dùng ánh mắt và nét mặt để hỏi em tại sao.
- Nói ra anh đừng cười nhé. Dạo trước em cũng quen vài người ở đây, mấy lần say rượu, đầu óc không tỉnh táo, bị họ chiếm đoạt. Chỉ vì một chút xung động nhất thời mà khiến em về sau rất hối hận. Em sợ sẽ gặp phải chuyện tương tự như vậy, nên đành tránh, không đến quán nữa.
Có lẽ vì hơi quá chén, nên cô gái nói rất thẳng thắn. Có điều chỉ mới ngà ngà say, nên sự thẳng thắn ấy chẳng hề đáng ghét chút nào, ngược lại còn rất đáng yêu nữa.
- Xem ra em sống rất vui vẻ đúng không ?
- Ư ! Không vui cũng phải nghĩ cách cho nó vui chứ. Với lại bây giờ đã có quá nhiều người không vui rồi, mình tham gia với họ làm gì ? Trên đời này còn nhiều chuyện thú vị lắm, thử nhiều thì sẽ phát hiện ra thôi.
Cô gái càng nói càng lắc mạnh, suýt chút nữa thì ngã xuống đất.
Tôi vội đỡ dậy, cô gái ôm chặt chú chó, nhìn tôi cười cười, rồi đổi tư thế, tiếp tục nói:
- Hồi trước đến quán bar là vì chán quá. Kiếm đàn ông là vì nhận ra quán bar cũng chán òm. Nuôi chó cũng bởi vì phát hiện ra đàn ông còn chán hơn.
Vừa nói cô vừa đong đưa hai chân, hững hờ thở hắt ra một tiếng:
- Bây giờ em sống một mình, chẳng nghĩ đến chuyện phiền phức gì hết, chuyện gì cũng nhẹ nhàng, vui vẻ lắm !
- Thế ban ngày em làm gì ?
- Đi làm, bán quần áo !
Cô cười cười đáp.
- Bán quần áo ?
- Ư. Thì cũng phải kiếm tiền nuôi thân chứ, dựa vào đàn ông thì còn ra thể thống gì nữa ? Em đang bán hàng thuê cho người ta, ở bên chợ đối diện kia kìa, hôm nào anh rảnh thì qua chơi, gian hàng ngay cạnh nhà vệ sinh ấy, dễ tìm lắm.
Tôi vui vẻ gật đầu đồng ý.
- Còn đi học không ?
Tôi lại hỏi.
- Sắp tốt nghiệp rồi, đang làm luận văn. Sau đó thi IELTS, chuẩn bị ra nước ngoài.
- Sao cứ thích ra nước ngoài thế ? Ở trong nước không phải cũng rất tốt sao ?
- Trong nước tốt mà, cái gì cũng tốt. Chỉ trừ một điểm: cái gì cũng giả dối hết, giống quán bar ấy.
Nói xong cô ngẩng đầu lên nhìn trời, vẻ mặt tràn trề thất vọng.
Hai người chúng tôi chìm vào im lặng, không biết nên nói gì, làm gì.
Tôi có một tật xấu.
Lúc ghi số điện thoại của người khác, tôi không thích ghi họ tên, mà chỉ thích ghi lại đặc điểm của họ. Ví dụ có cô gái thích ăn bỏng ngô, thì tôi ghi là cô Bỏng Ngô, có cô thích nghe Vương Phi, thì tôi ghi vào là cô Vương Phi, có anh chàng thích ngoáy mũi, thì ghi thành anh Ngoáy Mũi.
Cứ vậy đấy.
Thỉnh thoảng giở sổ điện thoại ra xem những cái tên loạn xạ ngầu ấy, tôi lại không khỏi bật cười. Nhưng mà cũng không thể trách tôi được, quán bar đông khách như thế, chỉ nhớ tên mà không nhớ đặc điểm thì chẳng ghi còn hơn.
Trong cuốn sổ của tôi, cái tên hay nhất có lẽ là: anh Đánh Rắm Trộm . Anh chàng này lần nào đến quán cũng len lén ra ngoài, đánh rắm một cái, xóc xóc quần rồi lại quay vào uống tiếp.
Cái tên dài nhất là: Cô da đen tóc hơi dài thích hút thuốc ngoại Bì Tử giới thiệu thỉnh thoảng mới đến . Bởi vì cô gái này quả thực là chẳng có điểm gì nổi bật, nên tôi đành phải chọn một cái tên dài dằng dặc như vậy.
Có lần quen một cô gái miệng rất rộng. Bèn len lén ghi vào sổ là "Cô Miệng Rộng", không ngờ bị cô nàng phát hiện, nhìn tôi cười khúc khích. Cô gái này rất thích cười, mỗi lần cười là chỉ nhìn thấy toàn miệng là miệng. Cô hay ngồi ở góc tường, hai tay bó gối, chân gác lên bàn, đầu dựa vào tường, lặng lẽ hút thuốc, gương mặt rất hờ hững.
Quen một thời gian mới biết cô nàng mới du học Anh về, tạm thời chưa muốn đi làm, nên cứ lang thang khắp nơi.
Một hôm đến quán thì thấy Cô Miệng Rộng đang giở một cuốn sách tiếng Pháp.
- Học tiếng Pháp à ? Chuẩn bị đi Pháp chắc ?
Tôi lại gần bắt chuyện.
- Đi Anh đã đủ khổ lắm rồi, đi Pháp làm gì nữa. Tại nhàn rỗi quá, chẳng có gì giải buồn, đành học xừ nó tiếng Pháp vậy. Tiếng Pháp nghe hay đấy chứ !
Nói xong cô nàng liền hát cho tôi một bài hát tiếng Pháp, hình như tên là "Je M' appelle Helene" thì phải, đầu cô vẫn dựa vào tường. Cô gái này có một đặc điểm khác nữa là, chỉ cần ngồi thì đầu nhất định phải dựa vào tường, cứ như sợ tường đổ sập xuống vậy. Tôi lại len lén viết thêm một dòng chú thích trong sổ điện thoại: "Cô Miệng Rộng Đầu Dựa Vào Tường".
Tôi lại chạy ra bật một bài hát tiếng Pháp có phong cách tương tự, tên là "Le Vie En Rose". Cô gái có vẻ rất vui, kéo tay tôi hôn nhẹ một cái lên má, nụ hôn kiểu chỉ mang tính chất bạn bè thuần túy thôi, đầu vẫn dựa sát tường. Chúng tôi nói chuyện điện ảnh Pháp. Cô Miệng Rộng rất thích phim "The Big Blue" của Luc Besson, còn bắt trước tiếng sóng biển rì rào thổi vào mặt tôi nữa, dáng vẻ nhìn rất đáng yêu. Tôi nhắc đến Jean-Luc Godard thì cô ngáp dài một cái, nói không thích.
Rất hay có đàn ông đến mời cô Miệng Rộng uống rượu, nhưng lần nào cô cũng chỉ cười cười rồi từ chối. Gặp phải người nào dai quá, cô nàng lại ôm lấy cánh tay tôi, ra vẻ thân mật, làm anh chàng kia đành tiu nghỉu về chỗ ngồi.
Một khoảng thời gian sau đó tôi không gặp lại cô Miệng Rộng nữa.
Một lần lái xe đi trên phố, thấy cô đeo một cái ba lô to, để tóc xõa đang bước nhanh trên vỉa hè. Chiếc áo khoác mỏng, mái tóc dài bay phất phơ trong gió thu, cùng với gương mặt nhàn nhã ung dung, trông đặc biệt hấp dẫn.
- Đi học tiếng Pháp hả ?
Tôi dừng xe lại chào hỏi.
- Nghỉ lâu rồi, chán rồi, thầy giáo đẹp trai người Pháp về nước là em bỏ học luôn. Giờ đang học piano.
Cô xóc xóc lại cái túi trên lưng, rồi chỉ tay vào một ngõ nhỏ gần đấy.
- Piano ? Giải buồn à ?
- Ư ! Chán muốn chết, tìm thứ gì đó làm cho vui. Lần trước anh có nhắc đến mấy khúc nhạc dành riêng cho Piano của Mozart đúng không ? Em muốn thử tự đàn xem thế nào.
Nói xong, cô vẫy tay chào tôi rồi chạy vào ngõ, thoáng một cái đã không thấy đâu nữa.
Lần sau gặp cô, là ở sân tenis. Cô Miệng Rộng mặc đồ chơi bóng, để lộ cặp chân dài trắng muốt, đang vung vợt một cách vụng về. Liếc thấy tôi, cô nàng liền chạy ngay tới.
- Đang đánh bóng chày hả ?
Tôi đùa đùa hỏi.
- Người ta mới tập thôi mà, anh dám trêu em hả ?
Vừa nói cô nàng vừa cầm vợt đập khẽ lên đầu tôi.
- Piano thì sao ? Học xong rồi à ?
- Xong đâu, bỏ lâu rồi, đàn đau cả đầu. Không thấy em đang tập tenis đây hả ?
Một thời gian khá lâu sau đó không gặp lại, cứ như là cô nàng đã biến mất rồi vậy. Rồi đột nhiên cô lại xuất hiện ở quán bar. Vẫn ngồi một mình ở góc tường, hai tay bó gối, đầu dựa tường, lặng lẽ hút thuốc, nét mặt có thêm một chút u uất buồn bã, trông già đi đến mấy tuổi. Cô mặc một cái áo len to, hình như đã gầy đi không ít, chiếc áo trông rộng thùng thình.
- Không chơi tenis nữa à ?
- Không, đổi thứ khác rồi, giờ đang yêu đương.
- Chúc mừng nhé !
Tôi đưa tay nắm lấy bàn tay nhỏ nhắn của Miệng Rộng, bàn tay lạnh buốt.
- Có gì mà chúc mừng chứ. Không phải tình yêu, là tình nhân. To hơn em một giáp, là một ông già, có vợ rồi.
- Tại sao không thử yêu thật lòng một lần xem ?
- Thử rồi, toàn là bọn trẻ con, không biết trân trọng, lần nào em cũng dùng nước mắt "xử lý" hết rồi.
- Đàn ông già thì biết trân trọng à ?
- Không biết nữa, nhưng ít nhất ông ta cũng biết chiều chuộng. Ông ta rất thương em. Giặt đồ cho em này, giúp em làm cơm này, gội đầu cho em nữa, đêm về thì kể chuyện dỗ dành em, đến khi nào em ngủ say ông ấy mới về nhà.
Cặp mắt cô ươn ướt, quay đầu áp má vào tường, len lén đưa tay lên dụi dụi khóe mắt.
- Vợ ông ta thì sao ?
Tôi hỏi thẳng luôn vào vấn đề.
- Ông ấy cũng rất thương vợ, ông ấy thương cả hai, chăm sóc cả hai. Vì vậy em mới nói ông ấy là một người đàn ông tốt. Ông ấy cũng khó xử, thế nên em rất thương ông ấy, lúc nào cũng mong ông ấy được hạnh phúc, ít nhất là hạnh phúc hơn em.
Nói xong lại thở dài não nuột.
Tôi không biết nói gì. Cả hai ngồi trầm mặc một lúc, đều không biết nên nói gì, tôi lưỡng lự một lúc rồi đành đứng dậy để cô lại một mình.
Có một người đàn ông lạ bước tới mời Miệng Rộng uống rượu. Cô chỉ đưa ly lên cụng nhẹ, rồi chẳng buồn nhìn đối phương lấy một cái. Người kia lại yêu cầu được ngồi bên cạnh, Miệng Rộng bèn dịch người lại sát tường thêm một chút. Đối phương ngồi xuống là bắt đầu thao thao bất tuyệt lảm nhảm gì đó, Miệng Rộng hờ hững nghe mà chẳng lọt tai, chỉ áp mặt vào tường, tựa hồ như đang lắng nghe những âm thanh ở bên kia bức tường, nét mặt đờ đẫn ủ rũ. Chốc chốc cô lại lấy điện thoại ra, hình như muốn nhắn tin cho người đàn ông già kia, chỉ là lần nào cũng ngần ngừ do dự, rồi lại lắc đầu thở dài bỏ máy xuống.
Quản bar đồng thời cũng là một chiếc đồng hồ đo chỉ số tình cảm xã hội. Muốn cảm nhận được một cách sâu sắc cái gọi là lòng người ấm lạnh thay thói đời thất thường, thì cứ nhìn cường độ, góc độ, tư thế, ánh mắt, thời gian ôm nhau hay chia tay của các cặp nam nữ trong quán rượu là biết ngay. Hành vi tụ rồi lại tan một cách ơ hờ này của những cặp nam nữ vốn chưa từng quen biết, chính là vật liệu chính để xây nên ngôi cao ốc tích tụ những nỗi buồn của cuộc đời trong lòng tôi.
Quán rượu giống như một rạp hát, mỗi ngày đều diễn đủ các màn của vở diễn cuộc đời.
Tôi là ông chủ của cái rạp hát đó, đồng thời cũng là một khán giả trung thành, thỉnh thoảng cũng bôi trát hóa trang lên làm diễn viên nghiệp dư.
Trong quán rượu, người ta bỏ tiền ra để thu về trải nghiệm. Còn tôi thì bán trải nghiệm lấy tiền.
Cuộc đời con người là một tấm gương biết nói dối. Có rất nhiều khách ở quán tôi, ban ngày đi làm là cái người ở trong gương đó, tối đến quán mới là người ở trong nội tâm của chính mình.
Thử tượng tượng một người: ban ngày làm việc trong văn phòng ở các tòa nhà cao tầng, thái độ nghiêm túc đứng đắn, cư xử lễ độ lịch sự, gặp phải chuyện bực mình trong công việc thì đều lặng lẽ nhẫn nại, chưa bao giờ lớn tiếng với ai, trước mặt cấp trên lại càng lễ độ nhũn nhặn, nhẫn nhịn không biết bao nhiêu chuyện bực bội. Nhưng khi đêm về, thì lại uống say khướt trong quán bar, nói năng phóng túng, bao nhiêu bực dọc trong lòng đều lôi ra hết sạch, nôn mửa hết những thứ đã nhẫn nhịn nuốt vào ban sáng ra quán. Quán Bar biến thành một thứ giống như trạm thu mua phế phẩm, chuyên môn thu nhận những điều bất mãn không vui của con người ban ngày.
Ở quán bar, bạn có thể nhìn thấy, có thể thưởng thức một bộ mặt khác của mỗi con người ... bộ mặt ẩn giấu ở một nơi sâu thẳm, mặt trời không chiếu tới được, mà phải dùng rượu, bóng đêm và sự khiêu khích mới có thể khiến người ta để lộ ra nó.
Quán bar là một phòng phẫu thuật. Nhiều khi tôi có cảm giác mắt mình đột nhiên biến thành một con dao phẫu thuật cực kỳ sắc bén, tách rời thân thể từng con người, lấy linh hồn của họ ra, những linh hồn nhuộm đầy máu khiến người ta phải kinh sợ.
Từ sau khi Lông Mi bỏ đi, tôi thường ngồi bên quầy bar nghĩ ngợi lung tung như vậy.
Cảm giác ấm áp mà em mang đến cho tôi giờ cũng đã theo em lìa xa, trôi sạch toàn bộ. Đầu óc tôi chỉ còn lại một khoảng trống rỗng, thân thể lạnh toát như tảng đá.
Tôi giống như một con cá đang tìm kiếm dòng chảy ấm áp và bạn tình cho mùa đông. Dòng chảy ấm áp thì đã bơi qua, bạn tình đột nhiên biến mất, không có được thứ gì. Chỉ đành mang theo một chút hồi ức ấm áp ít đến mức đáng thương, hoang mang quay trở lại bờ sông lạnh giá.
Tuy lạnh, nhưng dù sao cũng vẫn là bờ.
Dù sao cũng có những đồng loại khác.
- Chúng ta là đồng loại.
Một hôm, có một cô gái đã nói với tôi như vậy.
Phảng phất như cô đã bước vào lòng tôi, đi một vòng lớn, nhìn quanh nhìn quất, rồi lại bước ra vậy.
Cảm giác ấy khiến tôi không khỏi bồi hồi xúc động.
Tri âm hiếm gặp. Chẳng mấy chốc chúng tôi đã trở thành bạn.
Cô gái ấy tên là Mặc Mặc. Thực ra thì Mặc Mặc không còn là một cô gái nữa rồi, mà phải gọi là một người đàn bà mới đúng, cũng gần ba mươi rồi chứ ít ỏi gì. Thế nhưng cả dáng vẻ động tác cử chỉ lẫn thân hình gọn gàng mà đầy đặn của Mặc Mặc lại khiến người ta không thể nhận ra tuổi của cô. Có lẽ đây chính là sự giải thích cụ thể cho sự ngoan cường của sức sống.
- Ánh mắt anh nhìn người ta cứ như một con dao phẫu thuật đang giải phẫu ấy.
Mặc Mặc nhìn tôi, thổi ra một vành khói.
- Chuyện này liên quan gì đến chuyện chúng ta là đồng loại ?
- Tôi học ngoại khoa, hiểu mấy thứ này rõ lắm.
- Cô cũng thường giải phẫu à ?
- Người, thế thôi. Sợ phải nhìn thấy những gì xấu xí lắm. Có lẽ cứ nên thiên về chuyện thưởng thức những gì tốt đẹp thì hơn.
Mặc Mặc nói chuyện lúc nào cũng đơn giản mà sâu sắc như thế. Đây là đặc điểm nổi bật của đàn bà đã đi qua quá nửa tuổi thanh xuân. Chúng tôi nói chuyện với nhau giống như đánh bóng chuyền vậy, qua qua lại lại, mỗi người một câu, càng nhanh càng thấy thích thú.
Từ đó trở đi, chỉ cần Mặc Mặc ngồi ở quầy bar, là tôi đều cố làm cho ánh mắt của mình trở nên ấm áp tới hết mức có thể.
Tính cách Mặc Mặc hệt như cái tên của cô vậy.
Cô thường lặng lẽ ngồi ở quầy bar, lặng lẽ ngồi trên sofa, ôm gối nhìn màn hình tivi, lặng lẽ nhìn ra cửa sổ hút thuốc, lặng lẽ bước vào hay lặng lẽ ra về, lặng lẽ khóc hay lặng lẽ cười. Mặc Mặc uống được rất ít, nhưng hình như rất thích uống. Thông thường cô chỉ uống một chút là đã say, sau đó một là nằm trên ghế ngủ, hai là được đàn ông đưa về, mỗi lần là một người khác nhau, không ai quen mặt.
Mặc Mặc là một người đàn bà rất thẳng thắn, thẳng thắn đến độ hầu như không cần úp úp mở mở điều gì.
Tôi nghi ngờ điều này có liên quan đến nghề nghiệp của cô. Giải phẫu thì cần phải chính xác và đi thẳng vào vấn đề.
- Anh có quan hệ với bao nhiêu cô rồi ?
Đây là câu đầu tiên mà Mặc Mặc chính thức hỏi tôi.
- Nhiều.
- Từ góc độ y học mà nói, mười trường hợp trở lên được xem là nhiều rồi, đúng không ?
Tôi thường bị những câu hỏi của Mặc Mặc dồn vào góc tường, đành phải giả bộ ngây ngô.
- Kết cấu sinh lý ai chẳng như nhau, sao còn phải đi cùng với những cô khác nhau làm gì ?
- Kết cấu sinh lý khác nhau chứ.
Cuối cùng tôi cũng tìm ra một cơ hội phản kích.
Tôi đưa mắt nhìn quanh, rồi lấy trong quầy bar ra hai chiếc ly giấy, đưa cho Mặc Mặc, ra hiệu cho cô nàng sờ thử bên trong. Sờ một lúc, quả nhiên cô nàng đã nhận ra các đường vân bên trong hoàn toàn khác biệt. Mặc Mặc chúm miệng phả vào mặt tôi một làn khói, coi như trừng phạt.
- Thì là kết cấu sinh lý tương tự nhau vậy, đã tương tự nhau rồi thì sao cứ phải cần nhiều cô khác nhau ?
Mặc Mặc đổi cách đi vào vấn đề.
- Tính cách khác nhau.
Tôi thành thật trả lời.
- Thế nào rồi cũng gặp một người mà mình thích nhất chứ.
- Ừ.
- Vậy thì có thể kết thúc rồi đúng không ?
Tôi nhấp một ngụm whiskey, nghĩ ngợi một lúc, rồi ngẩn người ra vì không biết phải trả lời thế nào.
Bật đĩa "Praha, tình yêu của tôi" lên xem.
Chợt nhớ lại một câu nói của Milan Kundera: "Ve vãn tán tỉnh chẳng qua chỉ là một lời hứa không được đảm bảo."
Tôi không biết mình và Mặc Mặc nói chuyện với nhau thế này có gọi là ve vãn hay không nữa. Xét về mặt mục đích thì có lẽ không phải, thế nhưng cảm giác rung động khe khẽ như bị dòng điện áp thấp chạy qua trong lúc nói chuyện lại không khỏi khiến tôi hoài nghi điều đó.
Hai người cứ "ve vãn" nhau như vậy, nhưng rồi cũng chỉ đến thế mà thôi.
Chúng tôi chỉ lời qua tiếng lại, giống như đang diễn tập "ve vãn" nhau, không hề dính dáng đến thực tiễn. Điều này làm tôi nghĩ mãi mà cũng không hiểu. Đặc biệt là khi đối mặt với tuổi xuân hừng hực đang ở cái thời nở rộ của Mặc Mặc và ham muốn mãnh liệt đang say ngủ ở nơi sâu thẳm trong lòng tôi.
Có lẽ tại người trong quán bar đều biết mối quan hệ "anh em" này, nên tôi và Mặc Mặc nói chuyện với nhau càng thoải mái, chẳng ngại ngần gì hết. Nhiều khi, đang ngồi bên quầy bar thì nghe có tiếng Mặc Mặc gọi:
- Quản Ngai, tối nay đưa tôi về nhà được không ?
Lúc quay ra thì đã không thấy người đâu, tựa như cô đã biến mất trên đời này vậy. Một lát sau nhìn thấy, thì cô nàng đã khoác tay người đàn ông khác ra về mất rồi.
Tôi chỉ đành cười cười, tiếp tục cúi đầu uống rượu.
Có lúc Mặc Mặc và cả đám bạn ngồi trên ghế sofa nói chuyện, thỉnh thoảng tôi cũng ra ngồi chơi, tham gia mấy câu. Những lúc ấy, Mặc Mặc thường rúc người ngồi co ro trên ghế, nấp giữa đám bạn, lặng lẽ hút thuốc. Lâu lâu mới lên tiếng tranh luận vài câu, còn đâu đa phần thời gian đều chỉ ngồi im lặng.
Mỗi lần thấy tôi ngồi xuống bên cạnh, cô nàng lại hỏi:
- Quản Ngai, không muốn tôi hả ?
Lần nào tôi cũng chỉ nhẹ nhàng trả lời:
- Mùa hè này không động cỡn nữa !
Sau đó cả hai cùng cười phá lên, cười một cách thực sự thoải mái, cảm giác quái dị nhưng rất ấm áp.
Thời gian trôi đi thật nhanh.
Mới nhoáng một cái, thời gian đã như bị ai trộm mất, mùa hè đã hết, mùa thu lại lặng lẽ kéo về.
Tôi phát hiện ra điểm này là nhờ quần áo của các cô gái đến quán bar. Những bộ đồ mùa hè mỏng dính đã mau chóng được thay bằng áo nhung áo len ấm áp, trên đôi chân xinh xắn của các cô bắt đầu đi vào những đôi boot đủ loại, càng làm nổi bật lên vẻ quyến rũ không gì sánh được của tuổi xuân tràn trề nhựa sống.
Quán bar dường như đã trở thành một chiếc nhiệt kế. Muốn biết thời tiết thay đổi thế nào, chỉ cần nhìn cô gái đầu tiên đi vào quán là tự nhiên sẽ biết ngay.
Quản bar đồng thời cũng là một chiếc đồng hồ đo chỉ số tình cảm xã hội. Muốn cảm nhận được một cách sâu sắc cái gọi là lòng người ấm lạnh thay thói đời thất thường, thì cứ nhìn cường độ, góc độ, tư thế, ánh mắt, thời gian ôm nhau hay chia tay của các cặp nam nữ trong quán rượu là biết ngay. Hành vi tụ rồi lại tan một cách ơ hờ này của những cặp nam nữ vốn chưa từng quen biết, chính là vật liệu chính để xây nên ngôi cao ốc tích tụ những nỗi buồn của cuộc đời trong lòng tôi.
Lông Mi giờ ở đâu ? Đây dường như là một câu hỏi không có lời đáp, muốn biết cũng không thể nào biết được, điều ngày ngược lại khiến tôi cảm thấy thư thái đi đôi phần.
Mặc Mặc ở ngay trước mắt, lặng lẽ chất đống những thê lương buồn bã trong lòng tôi, vì thế nên càng lúc càng nặng nề.
Trong quán rượu, nhìn Mặc Mặc quấn tròn trong chăn, thấy cô uống rượu, thấy cô say, thấy cô bị đàn ông đưa đi. Thỉnh thoảng lại lảo đảo bước tới, nép vào bờ ngực không chút ấm áp của tôi, cảm nhận cái gọi là sự quan tâm của bạn bè một cách khiên cưỡng, rồi lại lảo đảo đi ra.
Mỗi lần Mặc Mặc ôm người đàn ông khác đi ra khỏi quán, trong lòng tôi không hiểu sao lại nhói đau lên một cái.
Chỉ một cái thôi. Không có cái thứ hai.
Cái tuổi xung động ấu trĩ giữa đường thấy chuyện bất bình chẳng tha ấy đã qua lâu rồi.
Tôn trọng người khác, đầu tiên chính là tôn trọng cách sống của họ. Cho dù là họ đi tìm đường chết cũng được, chỉ cần họ thật sự muốn, thì vẫn phải tôn trọng.
Một hôm, tôi và Hoa Hồng ngồi vừa đàn vừa hát bài "Hotel California".
Một người bạn chơi nhạc của Hoa Hồng cũng đến, anh chàng này chơi trống rất tuyệt. Ba người đang chơi say sưa thì Mặc Mặc đi qua trước mặt tôi, đứng cũng không vững, tôi vội vàng đỡ lấy.
Mặc Mặc ngẩng đầu lên, có lẽ tại nhìn thấy một gương mặt quen thuộc nên cô lại gục xuống, để mặc cho tôi ôm chặt.
Tôi đã quá quen chuyện này, đành kéo một chiếc ghế, đặt cô nàng ngồi lên đó, rồi tiếp tục chơi đàn.
- Đổi bài gì mới mới đi !
Mặc Mặc đột nhiên hét lên:
- Chán muốn chết ! Ngày nào cũng đàn cái bài này, đổi bài nào mới hơn đi. Tôi thích nghe bài nào mới cơ, thích đàn ông mới cơ !
Anh bạn chơi trống liền bật cười phá lên. Tôi và Hoa Hồng đưa mắt ái ngại nhìn Mặc Mặc, không biết nên làm sao cho phải. Điện thoại của cô nàng reo lên, nhưng Mặc Mặc cứ để đó, không buồn nghe.
Chẳng bao lâu sau thì có tiếng bước chân huỳnh huỵch vang lên, tiếng bước chân của một người đàn ông vững chắc trầm ổn.
Quả nhiên, một người đàn ông cao lớn sải chân bước tới, ngây người ra nhìn Mặc Mặc một lúc rồi cúi xuống sờ trán, áp mặt vào mặt cô.
Mặc Mặc hình như đã rất quen thuộc với vòng tay, với gương mặt với mùi toát ra từ cơ thể người đàn ông đó. Cô ôm chặt lấy cổ anh ta, chưa mở mắt đã òa lên khóc rất thương tâm.
Hai người họ ôm nhau một lúc lâu. Người đàn ông lau sạch nước mắt trên mặt Mặc Mặc, rồi đỡ cô đứng dậy, liếc nhìn chúng tôi mấy cái, sau đó quay người đi ra.
Tiếng bước chân chắc chắn khỏe mạnh đi xa dần, rồi biến mất.
Tôi ngồi thần người ra, chăm chú nhìn vào nơi họ từng ngồi, một lúc thật lâu.
- Cuối cùng cũng được tình yêu ôm đi rồi phải không ?
Chợt cảm thấy vui thay cho Mặc Mặc.
Đây vẫn không phải là kết cục của câu chuyện về cô gái có tên Mặc Mặc.
Ngày hôm sau, Mặc Mặc lại ngồi thu mình trong chiếc sofa dành riêng cho cô trong quán bar. Tôi bước lại gần, ngồi xuống bên cạnh, nhìn cô rồi mỉm cười.
- Tối qua uống say quá, sau đó tôi làm gì vậy ? Làm sao mà về được nhà ?
Cô hút một điếu thuốc, vẻ mặt ngây thơ như đứa trẻ.
Tôi ngớ người ra mất một lúc. Nhìn dáng vẻ thật sự nghiêm túc của cô, tôi không khỏi bật cười. Cuối cùng thì cười phá lên, cười ngặt nghẽo đến lúc không thở được mới thôi.
- Anh vẫn chưa trả lời tôi đấy ?
Mặc Mặc ngây ngô nhìn tôi hỏi.
- Suýt chút nữa thì cô về được nhà.
Tôi chỉ biết nhún vai trả lời như vậy.
19.
Tất cả mọi người đều đang cầm một chiếc thước, cẩn thận đo đắn giữa lợi ích của mình và người khác, cố gắng tìm kiếm một điểm thăng bằng cho cả hai.
Câu chuyện ở quán bar là chuyện của đàn ông và đàn bà. Cũng như câu có hoa có lá vậy.
Tôi đã kể rất nhiều chuyện về các cô gái, nhưng lại bỏ sót mất một mảng lá xanh lớn.
Cần phải kể chuyện về các anh chàng nữa. Kể về những chiếc lá. Những chiếc lá ngoan cường mạnh mẽ hơn hoa, không dễ úa tàn như hoa.
Đàn ông thậm chí căn bản không úa tàn, mà họ chỉ dần dần khô héo.
Có một anh chàng như vậy.
Anh ta thích nằm bò ra quầy bar, hút thuốc liên tục, ngắm nhìn đủ các hạng người ra vào quán bar, rồi lặng lẽ hút thuốc, không nhiều chuyện cũng không nhiều lời, thỉnh thoảng mới lên tiếng nói gì đó với Quán Đầu. Tôi cũng hay ngồi ở quầy bar, lâu lâu rồi tự nhiên cũng thành quen biết. Không ai biết anh ta làm nghề gì, nhưng vì mỗi lần nói chuyện anh ta thường hay chêm vào mấy câu tiếng anh, nên mọi người liền gọi luôn anh ta bằng cái tên tiếng anh Kevin, còn tên tiếng Trung là gì thì chịu không ai biết.
Kevin thích uống whiskey, còn thích pha thêm nước ngọt vào, mùi vị quái quái. Mỗi tối anh ta đều uống hết nửa chai nhỏ, hút hết nửa bao thuốc, đúng một giờ sáng thì đưa tay xem đồng hồ, sau đó đứng dậy ra về. Biết được thói quen này, thời gian vừa tới là Quán Đầu liền lên tiếng nhắc nhở:
- Kevin, đến giờ rồi kìa !
- Vợ chẳng có yêu cầu gì cả, chỉ muốn mình về nhà trước một giờ thôi.
Kevin ngượng ngùng giải thích.
Kevin trông rất đàn ông, hơn ba mươi tuổi, tính tình hòa nhã, không nôn nóng cũng không chậm chạp, rất được các cô gái ưa thích. Anh ta còn có một sở thích, đó là mời các cô gái uống rượu. Bất kể là quen hay không quen, chỉ cần ngồi cạnh là anh ta sẽ mời người ta uống rượu. Cứ thế quen dần, về sau các cô gái đi một mình đến đây đều thích ngồi cạnh anh ta. Được mời rượu chỉ là một chuyện, chủ yếu nhất là có thể nói chuyện với anh ta để giải buồn. Như đã nói ở trên, Kevin rất đàn ông, rất có cảm giác an toàn, đương nhiên cũng có cả một phần kích thích trong đó nữa. Dần dà không biết từ lúc nào Kevin cũng bị kéo vào những chuyện tình một đêm ở quán bar. Mới đầu anh ta lúc nào cũng một mình đi về đúng giờ, về sau thường là dẫn các cô gái khác nhau về trước một giờ, sau nữa thì bắt đầu dẫn các cô gái lạ đến quán bar. Cuối cùng thì chỉ cần bước chân vào quán, là lập tức có người bổ vào lòng anh ta, vô cùng thân mật.
- Kevin, đến giờ rồi kìa !
Quán Đầu có ý tốt nhắc nhở.
- Sorry , nói trước với vợ rồi, về muộn nửa tiếng được.
Kevin cười cười nói.
- Ngày nào cũng đến quán bar thế này, vợ không có ý kiến gì à ?
- Of course ! Có điều làm công tác tư tưởng tốt, nên vợ nghĩ thông rồi, mà cũng quen rồi !
Một thời gian sau, thời gian về nhà của Kevin lùi lại thành hai giờ sáng, nghe nói là phải dùng điều kiện chiều nào cũng đi dạo phố với vợ để đổi lấy.
- Vợ quan trọng vậy sao không ở với cô ta nhiều hơn một chút ?
Tôi hỏi.
- Vợ chồng bao nhiêu năm rồi, tay trái sờ tay phải, ở nhiều càng chán thôi.
- Vậy làm sao thể hiện sự quan trọng của vợ với mình được ?
- Vợ cũng quan trọng như mạng sống của tôi vậy. Nếu trời có sụp xuống, người duy nhất mà tôi liều mạng cứu, ngoài cha mẹ ra thì chính là vợ. Gửi gắm cả đời mà.
Nhìn mặt Kevin có vẻ rất nghiêm túc.
- Thế sao còn đi với các cô gái khác ?
Trà Sữa xen miệng vào hỏi một câu.
- Hai chuyện khác nhau mà, vợ là tất cả, tôi có thể mang tất cả những gì của mình cho vợ hết, ngoại trừ tự do ra. Dù sao thì con người ta sống ở đời cũng phải vui vẻ mới sống được chứ, tôi không cản vợ tôi vui vẻ, vợ tôi cũng không ngăn cản tôi được vui vẻ. Quan hệ hôn nhân của chúng tôi là loại quan hệ vững chắc nhất hiện nay đấy, OK ?"
Kevin cười cười nói.
Một lần, tôi đã thấm thía được sức mạnh ẩn tàng trong lời nói của Kevin.
Hôm ấy trời có bão, gió rất lớn, đèn trang trí quảng cáo bên ngoài quán bar đều bị thổi bay hết.
Kevin đang ôm một cô gái ngồi ở quầy bar nói chuyện vui vẻ thì một nhân viên phục vụ đi tới, nói bên ngoài có người tìm. Kevin liền chạy ra, một lát sau thì cười tít mắt bước vào, tay cầm một chiếc ô.
- Ai mang ô cho anh đấy ?
Cô gái tò mò hỏi.
- Wife, thấy trời nổi gió, không yên tâm nên mang tới.
Kevin cười cười nói.
- Wife ? Bà già mặt vàng đó hả ? Nghĩ cũng chu đáo nhỉ ?
Cô gái buột miệng nói đùa.
Chỉ nghe "choang" một tiếng, Kevin ném chiếc ly trên tay xuống đất, mặt sầm lại, nhất định đòi cô gái xin lỗi vì đã gọi vợ anh ta là "bà già mặt vàng" cho bằng được.
Cô gái giật bắn mình, không hiểu ra làm sao, ngơ ngác một lúc rồi khóc toáng lên. Cũng may là có Trà Sữa chạy ra an ủi một phen.
- Thế nào cũng được, nơi không được nói xấu vợ tôi.
Kevin hậm hực nói.
Lâu lâu không thấy Kevin xuất hiện ở quán. Lúc gặp lại thì anh ta đã là cha của người ta rồi. Thì ra là vợ anh ta sinh, Kevin ở nhà chăm sóc hai mẹ con.
- Cảm giác làm bố thế nào ?
- Giống như nuôi thú cưng ấy.
Anh ta cười cười theo thói quen rồi trả lời.
- Làm bố rồi vẫn đi cưa gái à ?
- Chuyên đi cưa cẩm các cô thích đàn ông già như tôi thôi.
- Không ở nhà chăm con à ?
- Có vợ rồi. Với lại gần mực thì đen ! Tôi không muốn ảnh hưởng đến sự phát triển lành mạnh của thế hệ sau."
Tôi thường bắt gặp Kevin ôm các cô gái khác nhau uống rượu, thỉnh thoảng lại móc ví ra, ngắm nhìn ảnh đứa trẻ trong đó rồi lắc lư lắc lư mỉm cười đắc ý. Cảnh này làm tôi chợt thấy bồi hồi cảm xúc.
Tất cả mọi người đều đang cầm một chiếc thước, cẩn thận đo đắn giữa lợi ích của mình và người khác, cố gắng tìm kiếm một điểm thăng bằng cho cả hai.