80s toys - Atari. I still have
Trang chủ

Đọc Truyện Online

Tuyển Chọn Tiểu Thuyết, Tình Cảm Hay Nhất

Thoáng như hôm qua

Bạn đang đọc truyện Thoáng như hôm qua thuộc thể loại truyện ngắn (yêu).

Vô tình, trên một ngã rẽ, tôi thấy tòa khách sạn năm sau khí thế ngất trời, cao vút chọc thẳng vào tầng mây, sau đó, lại thấy Thận Vi. Phục vụ ở cửa khách sạn cẩn thận từng chút một bước theo chiếc xe limousine, cúi người, cung kính mở cửa. Trong xe ngoài anh ra còn có hai người đàn ông trung niên mặc vest, thần sắc trầm tĩnh, ba người bọn họ đang nói chuyện với nhau; anh chỉ mỉm cười gật đầu, dáng vẻ phong độ, nhẹ nhàng. 

Tôi ôm sách nghiêng đầu nhìn anh, tự nhiên có cảm giác ngưỡng mộ. Xem ra ông trời vẫn quan tâm tới anh như trước đây, anh vẫn tuấn tú như xưa, cho dù vẻ ngoài hay khí chất đều vẫn thật xuất sắc, toàn thân toát lên vẻ tự nhiên thánh thoát chỉ có ở những người thành công trong sự phiệp. Cuộc sống của anh giờ chắc chắn rất vừa lòng vừa ý. Trước đây tôi chưa từng có cơ hội thấy anh như vậy, thậm chí còn không thể tưởng tượng nổi. 

Dẫu khí chất chênh lệch xa như vậy, nhưng vẫn chẳng hề ảnh hưởng tới việc tôi chỉ nhìn một cái đã nhận ra anh, điều này khiến bản thân tôi cũng ngạc nhiên. Càng trùng hợp hơn, lúc vừa bước một chân vào trong sảnh khách sạn, anh lại đột nhiên quay đầu sang, nhìn về phía tôi một hồi, sau đó đi tới. Cũng vì thế, tôi đoán, anh đã nhận ra tôi. 

Đang là sáng sớm, đường phố trống trải không người, con phố dài không thấy điểm cuối, tôi hít một hơi thật sâu, cảm nhận chút hương vị trong ký ức. Quanh khách sạn xanh rờn bốn phía, không gian đong đầy mùi cỏ cây tươi mát. Không khí trong lành buổi sớm thường là điềm báo cho một ngày vui vẻ, tôi hy vọng, hôm nay cũng không ngoại lệ. 

Anh đi tới trước mặt tôi, nhìn tôi như tôi vừa nhìn anh lúc nãy, tôi không nói gì, bình tĩnh đón nhận ánh mắt anh, không mở miệng. Cuối cùng, tôi nghe thấy giọng nói trầm trầm êm tai của anh: "Chào em, lâu rồi không gặp." 

Tôi đáp: "Đúng vậy." 

"Đi ăn sáng với anh nhé?" Anh hỏi tôi. 

Tôi gật đầu. Giữa chúng tôi có rất nhiều lời muốn nói, cũng có rất nhiều lời để nói. 

Từ lần cuối tôi thấy anh tới giờ đã qua chín mươi năm. Thời gian thấm thoát thoi đưa, chỉ thiếu có mười năm là tròn một thế kỷ. Quả thực là một quãng thời gian dài, rất dài; dài tới mức chúng tôi đều cho rằng nó sẽ vĩnh viễn không qua đi. Hồi cả hai còn cùng học ở đại học Hoa Bắc, quen nhau yêu nhau, đâu ai nghĩ tới sau một thời gian dài như vậy, hai bên lại gặp lại nhau trong một thế giới hoàn toàn mới mẻ. 

Tôi và Thận Vi tuy là bạn học, nhưng lần đầu tiên gặp mặt lại là ở nhà tôi. 

Đó là cũng là lần đầu tiên tôi mặc đồng phục mới của đại học Hoa Bắc, áo trên màu trắng, quần dưới màu đen, tôi vui vẻ chạy tới phòng làm việc, đang định khoe quần áo mới với anh cả thì phát hiện trong phòng còn có hai người khách. 

Anh cả từ nhỏ đã cưng chiều tôi, không hề để ý tới sự thất thố vừa rồi, mỉm cười giới thiệu. "Đây là em gái thứ tư của tôi, Bách Nghi. Đây là chú Dương và con chú ấy, Dương Thận Vi." 

Tôi nói: "Cháu chào chú Dương, trên tủ nhà cháu có sách của chú đấy." 

Thận Vi nhanh chóng đứng dậy hành lễ: "Tứ tiểu thư, xin chào." 

Anh vừa nói vừa ngẩng đầu lên, đó là lần đầu tiên tôi thấy được dáng vẻ của anh. Cho dù bộ quần áo anh đang mặc rất bình thường, nhưng vẻ nho nhã lễ độ đó còn hấp dẫn hơn so với bất cứ chàng trai nào tôi từng thấy, có gọi là cử chỉ hào hoa cũng chẳng có gì quá đáng. Tôi cảm thấy trái tim như lỡ mất nhịp đập, tới giờ đã nhiều năm trôi qua, nhưng tôi vẫn không cách nào quên được nụ cười của anh, đôi môi hơi cong lên, khóe mắt chân mày đều mang theo ý cười, chỉ trong giây lát, cả gian phòng như sáng rực hẳn lên. 

Khi đó, anh cả tôi là trợ thủ đắc lực của bộ trưởng Trương, trưởng bộ tư pháp trong chính phủ lâm thời, là người đứng thứ hai trong nhà, chỉ dưới cha tôi, trong trí nhớ của tôi, anh cả luôn luôn bận rộn, những người qua lại không giàu thì sang, đón tiếp hai người chẳng chút danh tiếng như vậy có thể coi là ngoại lệ trong ngoại lệ. Sau này tôi mới biết, nhà tôi với nhà họ Dương cũng có quan hệ sâu xa, nghe nói lúc trẻ cha tôi từng phạm tội, nhờ ông nội Thận Vi nên mới tai qua nạn khỏi, vì vậy cha tôi vẫn luôn cảm kích trong lòng, nhiều năm sau khi đã có thân phận địa vị, lại tình cờ gặp được con cháu của ân nhân cứu mạng, vì vậy bèn mời họ tới đây gặp mặt. 



Thoáng như hôm qua



Anh cả tôi nói chuyện với chú Dương, tôi và Thận Vi rời phòng làm việc, tôi ngồi trên xích đu trong vườn hoa, nói chuyện với anh đang đứng cách đó không xa. Tôi nhìn đồng phục và huy hiệu trường của anh rồi hỏi: "Anh cũng là sinh viên trường đại học Hoa Bắc à?" 

Anh gật đầu: "Đúng vậy, tôi đang học năm đầu." 

Tôi càng mừng rỡ: "Trùng hợp quá, em cũng sắp tới học ở đại học Hoa Bắc." 

Anh mỉm cười đáp: "Tứ tiểu thư, sau này chúng ta là bạn học rồi." 

Tôi xua xua tay: "Anh Dương, đừng gọi em là tứ tiểu thư, nghe khách khí quá. Cứ gọi em là Bách Nghi đi. sau này trong trường có chuyện gì mong anh giúp cho." 

Anh ngừng lại một lát, nhìn tôi, rồi mỉm cười: "Được. Bách Nghi." 

Chỉ cần Thận Vi muốn, anh có thể trở thành một người kể chuyện rất giỏi. Chúng tôi quen nhau như vậy. Anh kể cho tôi về thân thế và những chuyện mình đã trải qua. Anh sinh ra trong một gia đình đọc sách, ông nội từng làm chánh sử ở Giang Nam, hồi đó cũng là người có nhiều danh vọng. Cha anh tính cách đạm bạc, sau khi đỗ cử nhân không chịu thi lên tiến sĩ, ở nhà tập trung đọc sách, nghiên cứu lịch sử cổ đại, cũng khá nổi danh trong giới học thuật, tiếc là không giỏi kinh doanh, khiến cho hiện giờ gia cảnh suy tàn. Lúc nói chuyện, vẻ mặt anh lúc ôn hòa lúc phấn chấn nhưng trong giọng nói vẫn đầy khao khát về cuộc sống sau này. 

"Cứ thế cho tới năm ngoái, tôi thi đậu đại học Đài Bắc," Thận Vi vừa nói vừa ngẩng đầu lên nhìn bầu trời, ngạc nhiên nói: "Bọn mình ở đây cả chiều rồi? Thế mà không nhận ra nhỉ." 

Tôi nhớ lúc đó là cuối hè đầu thu, tôi ngẩng đầu lên, chỉ thấy đến dưới trán anh, ánh chiều tàn vàng rực chiếu qua kẽ lá cây, đọng lại trên hàng mi, rơi xuống trong đôi mắt ấy. 

Một thời gian dài sau đó, tôi không ngừng nhớ lại buổi chiều vàng rực đó, nhớ bóng dáng anh khi nói. Đã không còn là trẻ con từ lâu, tôi hiểu vì sao mình lại như vậy.

Tôi theo chân anh bước vào nhà hàng mang phong cách châu Âu. Kiếp này tôi chưa từng có cơ hội bước chân vào phòng ăn cao cấp, nhưng hiển nhiên anh đã tới đây nhiều tới mức quen rồi, bước vào trong phòng ăn tùy ý thoải mái như đi trong phòng khách nhà mình. 

Kiếp trước tôi là con gái của quân phiệt xưng bá một phương, anh là con trai của một học giả gia cảnh sa sút; tới kiếp này thân phận của chúng tôi hoàn toàn đảo ngược. Giờ nhìn anh không giàu cũng sang, còn tôi lại thành như hiện giờ, mái tóc ko dài lắm bỏ xoã sau lưng, mang theo một cái túi lớn đầy những tài liệu và ghi chép, lại do phải thức suốt đêm để vẽ bản đồ, nên chắc chắn trông vừa nhợt nhạt lại vừa thảm hại. 

Nhà hàng Pháp này được trang trí ưu nhã, phong cách lãng mạn; nhìn xung quanh, hoa văn lộng lẫy trải đầy trên trần nhà, những bức hình rực rỡ trên cửa sổ thủy tinh, những bức điêu khắc bằng đồng phong thái ưu nhã, bức tranh cổ vẽ cảnh Paris, vừa mang đầy phong cách của thế kỷ mười tám vừa in đậm khí chất cao quý thần bí. 

Một lát sau, người phục vụ mang bữa ăn tới, tôi không thấy thèm ăn nhưng vẫn uống một ngụm sữa rồi mới mở miệng nói: "Em không ngờ anh vẫn nhận ra em." 

Anh nhìn tôi, ánh mắt như lóe sáng: "Anh cũng không ngờ. Nhưng em nhận ra anh mà. Em còn trẻ vậy, lại mang theo sách bên người, còn đang học đại học?" 

"Vâng." Tôi gật đầu: "Em đang học năm thứ ba ở đại học Bắc Hoa, khoa kiến trúc." 

Anh nhíu mày, không có vẻ ngạc nhiên, xem ra cũng khá thoải mái: "Anh cũng tốt nghiệp đại học Hoa Bắc, bọn mình thật có duyên với trường đại học này, hai kiếp đều học ở đó. Tình cờ mới lên thành sách, câu nói này quả có lý." 

Tôi cũng thấy buồn cười, nâng má từ từ nói: "Nếu đem cuộc đời chúng ta viết thành kịch bàn, dựng thành phim, nhất định sẽ rất đặc sắc." 

"Đặc sắc? Anh cũng không biết." Anh nở một nụ cười thong dong với tôi. "Thẳng thắn mà nói, ngoại trừ những chuyện có liên quan đến em, những thứ khác anh đều không nhớ nổi. Đã từng làm gì, đã từng theo đuổi thứ gì, tất cả đều không nhớ được." 

Khi anh mỉm cười, khóe mắt thoáng hiện chút nếp nhăn nho nhỏ, dẫu rất nông song vẫn là dấu hiệu của tuổi tác. Anh trước mắt tôi, cho dù vẫn mang theo vẻ quyến rũ mê người nhưng dẫu sao cũng không phải là một chàng thanh niên hai mươi tuổi. Đáng lẽ tôi nên nghĩ ra, anh và kiếp trước tuyệt đối là hai người khác nhau, rất khó thấy được vẻ nhiệt tình và đầy hăng hái trước kia giữa vầng trán tương tự đó. 

Tôi ngừng một lúc rồi nói: "Không nhớ cũng đâu có gì lạ, dẫu sao mọi chuyện xảy ra cũng đã lâu rồi." 

Anh mỉm cười tỏ ý tán thành, lễ phép hỏi tôi. "Em có rảnh không, hay kể cho anh chút chuyện trước kia đi? Đương nhiên nếu sáng nay em không bận chuyện gì." 

Sao mà không bận chuyện gì được. Kỳ thi cuối kỳ đã tới gần, tôi còn rất nhiều môn cần ôn tập. Tôi dụi dụi mắt, cố làm cho mình trông tỉnh táo một chút: "Đương nhiên rảnh rồi. Anh đã muốn nghe vậy để em kể." 

"Xin rửa tai lắng nghe." 

"Anh cũng từng học lịch sử, cũng biết Trung Quốc đầu thế kỷ hai mươi ra sao, dân tộc chìm vào biển lửa, nhân dân ăn bữa nay lo bữa mai, nhìn lại thì một đất nước to lớn là vậy bỗng đầy tang thương." Tôi nói, "Những chuyện đó chúng ta đều biết, nhưng sách tiếng Trung cho dù có tả cụ thể đến đâu thì người không tự trải qua thời đại đó rốt cuộc vẫn không cách nào hiểu được, không cách nào tưởng tượng nổi. Giới chính trị, giới quân đội rung chuyển không ngừng, trào lưu tư tưởng mới cũ giao chiến không ngớt, bên này la hét đòi vận động đòi cách mạng; bên kia lại bảo phải theo Tôn Khổng khôi phục nét cổ, khôi phục đế chế. Anh có tưởng tượng được không, toàn xã hội như một thùng sơn đun sôi, tất cả đều lộn xộn." 

Anh chăm chú lắng nghe. 

"Khi đó anh là thủ lĩnh hội thanh niên học sinh, nhóm của các anh bắt đầu bằng việc tự viết văn làm báo, phân tích tình hình thời sự, giới thiệu một số tác phẩm nước ngoài hay cho mọi người, em nhớ tờ báo ấy tên là 'Thế hệ thanh niên', lời mở đầu là do anh viết, cũng khá nổi tiếng hồi ấy. Giờ em vẫn đọc thuộc được đấy." Tôi nhìn anh mong đợi. "Anh còn nhớ không?" 

Vẻ mặt anh, nếu nói là mơ hồ chẳng bằng bảo là ngạc nhiên. Anh lắc đầu. 

"Lúc này, tôi không biết quốc gia ra sao, không biết xã hội như thế nào... Cơ sở lập nên một nước là nhân dân; hy vọng mới của nhân dân, cách giải quyết mọi vấn đề của xã hội đều nằm trong thế hệ thanh niên nước ta. Hạnh phúc của nhân loại, văn minh của quốc gia sao lại để lụi bại dưới tay phường trộm cướp được! Thử xem xem thế giới hôm nay là thiên hạ của ai!" 

Giọng nói trong trẻo mạnh mẽ, tôi nghe tới mức nhập thần, không kìm được, bắt đầu vỗ tay. Trong phòng học trống không, chỉ có hai người chúng tôi, tiếng vỗ tay cũng như dội lại. 

Thận Vi đứng trên bục quay sang hỏi tôi, sắc mặt hơi bối rối: "Sao nào?" 

Tôi lên tiếng khen: "Anh viết đúng là không chê vào đâu, bài viết này vừa có lý lẽ vừa có dẫn chứng, đọc lại rất thuận miệng, chắc chắn sẽ thu hút rất nhiều học sinh." 

Thận Vi lắc đầu, chăm chú nhìn bản thảo, gần như tự nói: "Đoạn này vẫn không tốt, không thể làm lay động người khác được. Tối nay anh sẽ sửa lại, sáng mai đem in." 

Thận Vi, khi anh đã kiên trì thì cho dù có mười con trâu kéo cũng chẳng lại nổi, tôi nghĩ, nếu trở thành tờ báo đầu tiên của đoàn thanh niên đại học Hoa Bắc thì có cẩn thận một chút cũng tốt. 

Thời gian đó ngày nào tôi cũng về rất khuya, cùng Thận Vi viết văn làm báo, chưa nói tới chuyện xắp xếp cho bài bản, chỉ riêng chuyện in ấn đã khiến người ta cực kỳ vất vả rồi. Cả trường đại học chỉ có một máy in chì kiểu cũ, phải đạp bằng chân, nghe nói là máy móc cũ do giáo sĩ truyền giáo mang đến, mọi thứ đều phải thao tác bằng tay, lúc ống đồng ăn còn kêu lên ầm ầm, chỉ hơi không chú ý sẽ bị mực in phun đầy người. 

Mọi gian khổ rồi cũng được đền đáp. Những lời kêu gọi qua câu chữ của chúng tôi đã nhận được hồi âm, tạo thành tiếng vọng cực lớn trong giới giáo dục. Lúc lên lớp, các giáo viên còn khen ngợi Thận Vi, bảo văn của anh "tràn đầy cảm xúc, trong vẻ tự lập lại tràn đầy tình yêu đất nước Trung Hoa"; sau khi tan lớp, rất nhiều bạn học sôi nổi tới hỏi anh, trong đó phần lớn là bạn học nữ. Những cô gái vốn thích Thận Vi giờ lại thăng lên thành sùng bái, lại bị tư tưởng trào lưu phương Tây ảnh hưởng, không cho rằng chuyện "nam nữ thụ thụ bất thanh" giờ còn ý nghĩa gì nữa, dán sát vào anh, quấn quít mãi không rời 

Thận Vi là người khiêm tốn, các bạn học nữ nhiệt tình như vậy khiến anh vừa bất đắc dĩ vừa buồn cười, cuối cùng anh nghĩ ra cách: không giải thích gì thêm, chỉ nắm tay tôi đi vòng một vòng quanh tòa nhà của trường. 

Trong lòng tôi ngoài ngọt ngào ra vẫn chỉ có ngọt ngào, lại không nhịn được hỏi: "Anh có nghe người khác nói thế nào về mình không? Nói anh kết thân với con gái đại tướng Lý, muốn leo lên giới quyền quý." 

Anh nhíu mày, nắm chặt tay tôi: "Lý Bách Nghi là Lý Bách Nghi, liên quan gì tới người khác?" 

Thời gian đó, tối nào tôi cũng mang theo mùi mực về nhà. Tôi len lén đuổi tài xế trong nhà đi, để Thận Vi đưa mình về nhà. Một trăm năm trước ánh trăng cũng sáng trong và hiền dịu như hiện giờ, trong lúc chúng tôi chưa phát hiện đã lặng lẽ rủ xuống, chúng tôi tới đâu, nó theo tới đó, cũng như tôi và anh, vĩnh viễn không rời. 

Có lúc mệt mỏi quá, mệt tới mức không ngóc đầu lên được; Thận Vi cõng tôi, bước từng bước một về. Trên đường rất vắng người, giầy anh giẫm trên những phiến đá trên đường, tạo thành từng tiếng vang rất có tiết tấu, cũng như nhịp tim đập của anh, không nhanh không chậm, dường như đây là âm thanh duy nhất trên thế gian này. Tôi dựa vào lưng anh, quay đầu nhìn khắp bốn phía, bóng đêm âm trầm, những ngôi nhà mờ mịt trong màn đêm lộ ra những đường nét rất khó nhận ra. 

Anh bỗng dưng bước chậm lại, chậm rãi mở miệng nói: "Bách Nghi, em có hối hận khi quen anh không? Anh khiến em vất vả như vậy. Thật ra em muốn gì cha cũng có thể cho em mà." 

"Quen anh là điều tuyệt vời trong cuộc đời em, anh đã cho em rất nhiều rồi," Tôi trả lời từ từ từng câu từng chữ một. "Không chỉ tình cảm, trước khi anh xuất hiện, em được nuông chiều tới mức hư hỏng, chưa từng biết một người phải làm sao mới được coi là chính trực, phải thế nào mới có thể đỉnh thiên lập địa không thẹn với lòng. Gánh vác trách nhiệm với quốc gia dân tộc mới là một con người chân chính, giờ em cảm thấy cuộc đời em hiện tại mới thực sự có ý nghĩa, như ngọn nến được thắp sáng lên." 

Thận Vi không nói gì, tôi cảm thấy thân thể anh hơi run run, bèn hỏi: "Tâm nguyện lớn nhất của anh là gì?" 

Lần này anh trả lời rất nhanh, gần như không cần tự hỏi chút nào: "Anh muốn giúp cho mọi người dân nghèo Trung Quốc đều được hạnh phúc. Và, ở bên em đến già." 

Sống mũi tôi cay cay, ôm chặt cổ anh: "Sẽ vậy, đương nhiên là vậy." 

Thế nhưng câu nói của tôi không thành sự thật. Trên thực tế, mọi chuyện tôi mong chờ nhất trong kiếp trước cuối cùng đều chẳng thành công. Khi sự nhiệt tình của học sinh sinh viên va chạm với nguyện vọng phục hồi đế chế phong kiến của những người đương thời, bi kịch của tôi và Thận Vi mới thực sự bắt đầu. 


Thời đại đổi thay, biến động trăm năm chỉ như một cái chớp mắt. 

Giờ chúng tôi ngồi trong phòng ăn Tây, nói với nhau câu được câu không. Anh không nói nhiều, luôn giữ trạng thái lắng nghe. Mây trắng nơi chân trời cuộn thành một khối, lơ lửng ở đó, trông rất đặc biệt. 

Tôi nói: "Có lúc cảm thấy mình trong ký ức kiếp trước thật ngốc nghếch. Thế nhưng lúc nào em cũng nhớ lại. Ấn tượng lúc đầu không sâu, rất mơ hồ, chẳng khác nào xem một bộ phim trắng đen đã quá hạn sử dụng, về sau những chi tiết nhớ lại ngày càng nhiều. Ví dụ như con đường hồi đó, hai bên đường đều trồng cây ngô đồng, cứ mỗi mùa thu lá lại rụng xuống từng mảng từng mảng, vang lên sàn sạt. Còn cả sân vườn nhà em, cảnh tượng lúc em cầm bút lông luyện chữ, cả căn phòng nhỏ in báo nữa, chỉ có mỗi một cái cửa sổ, lại đặt ở góc trên bức tường." 

"Em cũng chẳng thay đổi gì," Anh quan sát tôi một lúc: "Anh nhớ em thích mặc đồ trắng, rất thích cười, đánh dương cầm rất hay, cho dù anh có ở đâu em cũng luôn ủng hộ anh." 

Ánh mắt tôi chìm xuống, lại ép mình ngẩng đầu lên đùa: "Hả, hóa ra anh nhớ nhiều đến vậy, em có nên cảm thấy vinh hạnh không đây?" 

Anh uống một ngụm cà phê, mỉm cười với tôi: "Cảm giác em tạo cho anh vẫn chẳng khác gì trước đây, hôm nay anh chỉ nhìn một cái đã nhận ra em cũng vì cảm giác quen thuộc đó. Chỉ nhìn em một cái nhưng anh lại nhớ lại rất nhiều chuyện, cho dù dáng vẻ em đã thay đổi, nhưng anh lại có cảm giác như thấy được linh hồn em, chắc đây gọi là thể hồ quán đỉnh." 

(Thể hồ quán đỉnh(醍醐灌顶): dịch nghĩa tưới sữa tươi lên đầu, trong phật giáo Phật giáo có nghĩa là: truyền thụ trí tuệ; giúp người triệt để giác ngộ hay chợt có giác ngộ) 

Tôi lập tức sửng sốt, khổ đau khó tả trào dâng trong lòng, lại không nói nổi một lời. Lúc này bồi bàn đưa lên một vài món tráng miệng, anh đẩy chiếc bánh nhỏ trên bàn tới trước mặt tôi, nói: "Em ăn thử xem. Bánh của quán này cực kỳ nổi tiếng, nghe nói các cô gái rất thích." 

Mặc dù không thấy thèm ăn, nhưng anh đã giới thiệu vậy, tôi vẫn cầm miếng bánh lên nếm thử, gật đầu nói: "Cũng không tồi." 

Anh lại hỏi tôi: "Giờ em ra sao?" 

Tôi xoay xoay cốc cà phê trong lòng bàn tay, nói: "Cũng khá ổn, cuộc sống cũng như những sinh viên bình thường. Đi học, làm bài tập, vẽ sơ đồ, làm thí nghiệm... Bốn điểm trên một đường thẳng. Không khô khan nhưng cũng chẳng thú vị." 

Anh tán thành: "Nếu đem hiện tại ra so với năm đó, thật chẳng khác nào thiên đường. Cứ như đổi sang một thế giới hoàn toàn khác vậy." 

Tôi cúi đầu nhìn cổ tay anh, không tự chủ được, hỏi: "Anh còn nhớ những đau đớn mình phải chịu sau đó không? Giờ em không dám nhớ lại nữa." 

Anh cười, trong chớp mắt đó tôi như nhìn thấy anh hồi trước. Anh duỗi tay ra, vỗ vỗ lên mu bàn tay tôi, trấn an tôi như anh cả: "Thật ra cũng tốt, chỉ có một số ngày u ám hơn so với những ngày khác một chút, nhưng không đến nỗi hoàn toàn tuyệt vọng. Lại nói, chuyện này cũng không liên quan gì đến họ. Em cũng biết đấy, đấu tranh về tu tưởng văn hóa thường không tách rời khỏi những chuyện bí mật của chính trị. Đây là đặc điểm của thời đại mới cũ giao nhau. Còn về phần sau đó, đám sinh viên bọn mình bị bắt vào tù, đấy là chuyện không thể tránh khỏi. 

Tôi cắn môi: "Em vẫn thấy có lỗi với anh. Nếu không phải do anh cả và cha..." 

"Đừng nghĩ nhiều quá. Chuyện kiếp trước đã xa giờ lắm rồi, tới mức có thể coi như chuyện của người khác được." 

"Em biết." Tôi nghiêng đầu, ánh mắt ngừng nơi nắng sớm nơi chân trời. "Em biết." 

"Hóa ra là em." 

Chúng tôi ngồi với nhau lâu như vậy, giờ tôi mới thấy khuôn mặt anh lộ vẻ chân động. Anh bình tĩnh nhìn tôi, nói: "Anh thường mơ một giấc mơ giống nhau, có người đọc sách bên tai anh, tuy không thấy rõ khuôn mặt lắm nhưng từng câu từng chữ lại rất rõ ràng, giờ nhớ lại mới thấy giọng nói trong mơ quả không khác giọng em là mấy." 

Tôi chỉ mỉm cười, cảm thấy khóe mắt xon xót. Hóa ra, rốt cuộc tôi vẫn có chỗ nơi đáy lòng anh. Có câu này của anh, đã đủ rồi. 

Người tới ăn sáng trong quán cà phê càng lúc càng nhiều. Ánh nắng sớm xuyên qua khung cửa sổ thủy tinh chiếu xuống, tôi không nhịn được nheo mắt lại. 

Có điều chỉ trong mười phút ngắn ngủi, liên tục có người qua chào anh. Anh cũng thong dong bắt chuyện với từng người quen một. Trên người anh hiện giờ vẫn mang theo mị lực chưa từng có của kiếp trước. Kiếp trước anh cũng rất cuốn hút, có điều phần lớn là vì vẻ ngoài cùng khí chất luôn phấn đấu vì mục tiêu của người trí thức, kiếp này anh là một người thành công trong sự nghiệp, rực rỡ như ánh mặt trời gai mắt lúc này, đầy vẻ nhiệt tình và tự tin, khi trò chuyện anh luôn mỉm cười, thần sắc chắn chắn kiên nghị đây là mị lực chỉ có ở những người đàn ông cực kỳ chín chắn. 

Tôi hỏi anh: "Anh bận à? Anh trở lại làm việc của mình đi, em cũng về trường đây." 

Anh xua tay: "Đừng vội, vẫn còn chút thời gian. Em kể tiếp đi." 

Tôi ngừng một chút rồi nói: "Sau khi anh khỏi bệnh, bèn về trường học. Cha không cho em đi học nữa. Em ngày nào cũng bị giam trong nhà. Ba tháng sau, em ra nước ngoài cùng Phương Trọng Lương, sau này không gặp lại nữa." 

Dưới ánh mặt trời sáng trong, tôi thấy anh nhíu mày: "Không phải. Sau đó chúng ta còn gặp nhau một lần nữa. Lúc trên đường, anh trong đội ngũ sinh viên biểu tình, em đứng ở ven đường vẫn tay với anh, anh đi xuyên qua dòng người tới tìm em, thế nhưng lại không thấy em đâu. Sau này mới biết em đã ra nước ngoài." 

Tôi hạ ánh mắt xuống, cố mỉm cười nói: "Có lẽ có chuyện như vậy thật, em không có ấn tượng. Nhiều lúc ký ức của con người lại có sai lầm, hai ta quả thực đã ở bên nhau một thời gian nhưng những gì nhớ được lại không giống nhau. Huống chi còn là chuyện trong kiếp trước?" 

Anh chỉ mỉm cười, có vẻ muốn nói lại thôi, cuối cùng chỉ nở một nụ cười chân thành. "Quả thực vậy." 

Tôi cầm cặp đứng dậy: "Cám ơn cà phê và bánh của anh. Em phải đi dây." 

Anh tiễn tôi ra ngoài quán, sau đó gọi xe taxi, mở cửa xe cho tôi. Đang lúc tôi nhấc chân định lên xe, anh lại đột nhiên ôm lấy. Tôi cảm thấy gò má xát vào mình, giọng anh trầm trầm ấm áp: "Bách Nghi, gặp lại sau." 

"Gặp lại sau." Tôi ngẩng đầu lên nhìn anh, khẽ nói: "Có điều, Thận Vi, em đã không còn là Lý Bách Nghi từ lâu rồi." 

Anh mỉm cười lắc đầu, đưa tờ danh thiếp vào tay tôi: "Anh cũng không còn là Dương Thận Vi kia nữa rồi. Kiếp trước chúng ta cùng chờ kiếp sau, rốt cuộc cũng được như ý nguyện. Nếu có gì cần giúp em cứ tới tìm anh." 

Tôi mỉm cười gật đầu, bước lên xe. 

Xe đi nhanh như gió cuốn, tôi không quay đầu lại. Cho dù có thấy sao chúng tôi cũng chẳng thể trở lại như lúc trước. Tôi nhắm mắt lại, ném tấm danh thiếp ra ngoài cửa sổ xe. Kiếp trước, chúng tôi là người duy nhất của đối phương; còn kiếp này, chỉ là một khúc nhạc đệm nho nhỏ không đáng kể trong cuộc đời người kia mà thôi. Giờ anh là ai đâu liên quan gì tới tôi, tôi là ai, với anh cũng chẳng quan trọng gì. Tôi sẽ không liên lạc với anh, cho tới một lần tình cờ gặp nhau khác, cũng có thể kiếp này sẽ chẳng gặp lại nhau, đâu ai biết được. 


Ngày đầu xuân, gió lùa vào thùng xe vừa ấm áp vừa đầy thiện ý, thổi tới mặt tạo thành cảm giác ấm áp như trong giấc mộng. Suy nghĩ của tôi lại đầy hỗn loạn, giả như cứ xuân về hoa nở lại tính là một năm, vậy thời gian đã lại trôi qua một năm rồi. 

Thật ra sao em lại không nhớ chứ. Người không nhớ rõ là anh. 

Em vẫn nhớ, là anh nói cho em tuyến đường biểu tình, là anh hẹn em gặp nhau trên đường, là anh bảo không gặp không về, vĩnh viễn không được mất đi hi vọng; 

Em vẫn nhớ, đó là một vụ bỏ trốn thất bại, mới rời nhà được nửa tiếng đã bị cha phái người bắt lại, sau đó là những ngày giam cầm không thấy ánh mặt trời dài dằng dặc; tới khi em được ra ngoài lại nhận được tin anh bị bắn chết trong cuộc biểu tình kia; 

Em vẫn nhớ, anh là người đã không giữ lời hứa trước, bỏ đi trong lúc em còn chưa biết mọi chuyện ra sao, em ruồng bỏ mọi thứ thuộc về chúng ta, cùng sang châu Âu với Phương Trọng Lương, nhưng rốt cuộc vẫn không lấy anh ấy, vì em còn yêu anh; em nghĩ, cứ tiếp tục như vậy, một mình cả đời, đâu phải không sống tiếp được; 

Em vẫn nhớ khi chiến tranh chống Nhật, em vận chuyển thuốc men về nước, chỉ xoay người lại đã thấy tên anh trên danh sách tướng sĩ tử vong trong trận chiến gần nhất z anh cả nói: trong đợt biểu tình hai mươi năm trước thật ra anh chưa chết, có điều, để cắt đứt ý định của em, anh hai và cha mới nói dối như vậy. 

Em vẫn nhớ mình đã nhận di vật của anh từ tay tướng quân Ngô, chỉ là vài đồng tiền ít ỏi, vài bộ quần áo, cả một tấm ảnh dẫu đã trắng bệch nhưng vẫn được gìn giữ rất tốt, trên ảnh là hình em đang mỉm cười rạng rỡ; 

Kiếp trước em đã tham dự lễ tang của anh hai lần, em bị anh lừa hơn hai chục năm, em vì anh mà cả đời không lấy chồng, uất ức lâm chung, anh nói đi, anh nói đi, anh lấy gì đền bù cho em? 

Em nghĩ, câu trả lời của anh vẫn chẳng thay đổi: kiếp sau, anh đem cả kiếp sau đền bù cho em. 

Đáng tiếc, cuối cùng anh vẫn chẳng đền được cho em. 


THE END.