Tôi chưa bao giờ nói với Tiểu Khả những lời như tthế. Nhưng, tự sâu thẳm đáy lòng mình, tôi dường như đã rất nhiều lần thốt ra câu nói đó.
Phải, 3 năm trước khi tôi quyết định rời xa em, vứt bỏ em vào tận sâu trong một góc của linh hồn mình, xem thứ tình cảm nam nữ giữa tôi và em "như chưa từng tồn tại".....thì đó cũng chính là lúc tôi mang trái tim mình bỏ vào huyệt sâu, đính kèm một lời hẹn ước mà tôi đã mặc định cho kiếp sau của mình "kiếp sau anh sẽ cưới em".
Tôi không thể cưới Tiểu Khả (tất nhiên). Ba năm trước, chẳng phải tôi đã biết rất rõ hay sao. Tôi biết rõ nên mới bỏ em, đi xây hạnh phúc (con gái tôi đã 2 tuổi rồi còn gì). Tôi biết rõ nên mới run lên từng hồi, gọi tên em một cách khó nhọc, cay xè.
Em ngồi bên khóm hoa, miệng vẫn không ngừng "Chỉ ngốc chút thôi.....Có thích không....Chỉ ngốc chút thôi". Em hỏi trời, hỏi lòng hay trách tôi? Ở nơi đó, bầu trời vẫn xanh như thế, gương mặt em vẫn tinh khiết như thế, mùi hương trà sữa tỏa ra từ khóe môi em vẫn ngọt ngào như cái thuở tôi vụng về bộc lộ bản năng của một thằng đàn ông – hôn nhẹ vào môi em. Trời vẫn xanh; lòng em vẫn trắng; chốn cũ vẫn là chốn cũ – tinh khôi, trong trẻo; chỉ có lòng tôi là thay đổi. Tôi không còn là "anh Hạo" có thể cho em một cái quẩy khi em đói, một ly trà sữa khi em khát. Hay nói đúng hơn, "anh Hạo" mà em từng "không thể rời xa" đã chết từ ba năm trước.
Ba năm trước, tôi không thể cưới em. Liệu rồi ba năm sau có thể không khi mà em chỉ là một bệnh nhân Đao, còn tôi lại là một kẻ đã có gia đình? Gia đình? Bất giác tôi cảm thấy sợ hãi hai từ này. Ba năm trước, tôi đã vì nó mà chấp nhận làm "kẻ di trú" trốn chạy khỏi em, khỏi trái tim mình.
Tôi thở dài, đưa tấm lưng rộng đang run lên vì xúc động về phía em, hướng mắt nhìn chân trời sâu thẳm. Trời xanh trong, đẹp đến tê tái lòng người "Tiểu Khả! Tôi yêu em"
"Anh Hạo có thích Tiểu Khả không? Anh thích Tiểu Khả nên mới hôn Tiểu Khả, đúng không?"
Ba năm trước, em đã từng hỏi tôi như thế. Ba năm sau, vẫn cái nhìn tinh khôi toát ra từ đôi mắt trong đến nỗi không thể trong hơn, vẫn đôi môi thơm ngọt mùi hương trà sữa mấp máy những ngôn từ quen thuộc trong ký ức nhỏ bé, em lại một lần nữa làm tim tôi quặn thắt. Tôi xoay người theo bản năng; nhìn chăm chăm vào cái thân hình gầy còm như que củi của em.....Cay xè.....
- "Tiểu Khả, đi theo anh Hạo"
(Tôi cố nén tiếng nấc, thả hai chữ "anh Hạo" trong nghẹn ngào; đăm đăm chờ phản ứng của em, chỉ mong em nhớ tôi như trong ký ức em từng nhớ – dù nó chẳng ngọt ngào)
-"Anh Hạo?"
(Ngơ ngác).
- "Tiểu Khả rất thích anh Hạo"
(Mỉm cười).
- "Ngốc quá"
- "Chỉ ngốc chút thôi"
- "Đi theo anh"
2. Tôi là người không tin vào định mệnh. Nhưng có một điều (dù không tin), tôi vẫn phải thừa nhận, đó là: Tiểu Khả tìm đến cuộc đời tôi như một định mệnh. Định mệnh luôn thích trói buộc người khác. Mà đã là trói buộc thì cho dù có trốn chạy cũng vô ích. Nếu hỷ, nộ, ái, ố của đời người đã được định sẵn trong tương lai thì đối mặt là cách duy nhất.
Tôi nắm đôi tay gầy như que củi của em, dẫn em đi từ chiều cho đến sẩm tối, đi hết đọan đường này đến đọan đường khác vẫn không tìm được chỗ nghỉ chân cho em, cho tôi và cho cả cái định mệnh đang trói buộc trước mắt.
Tôi là một thằng đàn ông tồi.
Có lẽ không chỉ đêm nay mà cả ba năm về trước, tôi vẫn "tồi" như thế. Tôi yêu em nhưng cũng yêu gia đình mình. Em nhìn tôi, hỏi tôi có thích không; tim tôi quặn thắt. Chút lửa u minh còn nhen nhóm trong lòng khiến tôi hiểu tôi cần em. Bây giờ, khi em ngoan ngõan, lặng lẽ đi theo sau tôi; chờ tôi định đoạt cho cái tương lai mờ ảo mà chính tôi cũng không nhìn thấy chân trời, tôi lại không biết đối mặt như thế nào với gia đình mình, với Đinh Vĩ và với cả em. Lại hẹn em kiếp sau chăng? Điên rồ.
Tôi cố nặn hết mớ trí tuệ có được trong đầu mình để suy nghĩ xem có cách nào vẹn cả đôi đường: không làm tổn thương một ai mà cái chính là để Tiểu Khả không phải đi lang thang khắp nơi thế này. Nói thì dễ, làm thì khó, tôi dường như đã xài hết mớ chất xám tích tụ trong đầu suốt 28 năm qua vẫn không tìm ra được cách vẹn toàn, mang Tiểu Khả về thì gia đình tan nát; để Tiểu Khả lại thì lòng tôi không cho phép. Suy cho cùng, Tiểu Khả cũng vì tôi mà đến nông nỗi. Đang loay hoay, chợt tôi nhìn thấy một khách sạn đối diện. Chậc....cho Tiểu Khả ở đó trước, còn mọi chuyện tính sau vậy. Cô nhóc cũng mệt rồi.
-"Tiểu.....Em không mang giày à?"
Gật đầu.
-"Ngốc quá"
-"Chỉ ngốc chút thôi"
-"Đi theo anh"
-"Đau"
Mải lo chạy theo cái suy nghĩ (có thể nói) là cuồng nhiệt của mình, tôi cứ thế lôi em đi mà không để ý thấy chân em không mang giày, cứ thế chạy theo tôi suốt mấy con đường. Khi tôi nhìn lại thì chân em đã bong tróc, máu và máu cứ thế tướm ra trên đôi bàn chân trắng ngần của em. Ấy thế mà tôi còn định lôi em đi tiếp, băng qua kia đường vào khách sạn. Nếu em không khẽ chau mày la đau, có lẽ tôi cũng không bế thốc em lên, cứ thế xăm xăm vào khách sạn mất rồi.
Tôi thuê cho Tiểu Khả một phòng trong khách sạn, băng bó vết thương cho em, dặn dò em mọi thứ thật kỹ càng. Tiểu Khả tuy là bệnh nhân nhưng lại rất ngoan, em im lặng nghe tôi dặn dò rồi gật đầu ngoan ngoãn đợi tôi chỉ thị. Tiểu Khả vẫn như thế, vẫn sùng bái tôi như thần thánh, cái cảm giác thỏa mãn của một vị anh hùng – tôi lại một lần nữa nếm trải. Tôi không biết trong mớ từ điển hỗn độn của một đứa bé như Tiểu Khả có khái niệm tình yêu hay thứ gì đó đại loại như tình cảm nam nữ hay không, duy có một điều mà tôi biết rất rõ, đó là: trong thế giới của em chỉ có duy nhất một mình tôi. Còn trong thế gới của tôi có quá nhiều: gia đình, bạn bè, người thân, Tiểu Khả, và có cả bản thân tôi.....nếu gộp lại tất cả thì chính tôi cũng không biết em nằm nơi đâu trong thế giới xô bồ của mình. Kiếp trước chúng ta có nợ nhau? Là em nợ tôi hay tôi nợ em?
Sau khi thu xếp mọi thứ cho em xong xuôi, tôi quay người ra khỏi khách sạn, đón một chiếc taxi về nhà; chuẩn bị đối mặt cho cái định mệnh đang trói buộc tôi phía trước.
Tiểu Khả, không cần biết kiếp trước là em nợ tôi hay tôi nợ em. Nhưng nếu như kiếp này, định mệnh trói chặt buộc chúng ta phải đối mặt thì hãy để mọi thứ ràng buộc đó đuợc trả lại đúng vị trí của nó ngay ngắn vững vàng. Tôi không muốn đợi kiếp sau vì chính tôi cũng không biết sau khi qua cầu Đại Hà, uống Mạnh Bà canh, em có còn nhớ tôi.........
-"Anh về rồi à?"
-"Sao em còn ở đây, không vào phòng ngủ?"
-"Em đợi anh về? Sao hôm nay anh về trễ thế?"
-"Uhm....công ty có chút chuyện nên anh ở lại làm"
Gật gù.
-"Anh đói bụng không?"
-"Anh ăn rồi. Anh mệt quá, muốn ngủ"
Xoay người...
-"Anh Hạo..."
-"Gì?"
-"Anh có gì muốn nói với em không?"
-"Không"
Khi tôi về đến nhà thì thần đêm cũng bắt đầu đi ngủ, chút ánh sáng bình minh cũng đã hé rạng. Tòan thân mệt mỏi, tôi quăng mình lên giường một cách nhanh chóng, vội vã như thể ngày hôm nay là ngày cuối cùng thần ngủ ghé thăm vậy.
Một ngày khá vất vả với những xáo trộn của cơn lửa lòng, nghĩ lại cũng thấy giật mình, không ngờ hôm nay tôi lại can đảm đến thế – đối diện với cái sự thật mà mình đã trốn chạy suốt ba năm qua: tôi yêu Tiểu Khả. Ngày mai tôi sẽ nói hết sự thật cho vợ mình biết. Bất kể ra sao, tôi vẫn chấp nhận. Cay đắng hay ngọt ngào cũng do tôi chọn. Tôi phải đối mặt. Tôi tự nhủ lòng mình như thế rồi bắt đầu vẽ ra trong đầu mình đủ thứ viễn cảnh tronng tương lai mà tôi đã mặc định sẵn, dự tính để dành cho kiếp sau của mình nhưng giờ mọi thứ đã khác, cái tương lai đó dường như gần hơn rất nhiều. Mải mông lung với những suy tưởng của mình, tôi đã không để ý tấm ga trải giường hôm nay đột nhiên thơm hơn, mềm hơn nhiều so với ngày thường. Tôi đưa tay nắm chặt rồi mân mê, mân mê rồi nắm chặt tấm ga trải giường – một cảm giác hạnh phúc khó tả trải ngập lòng. Tôi còn vợ, còn gia đình...còn rất nhiều. Nhưng còn Tiểu Khả?
"Tiểu Khả rất thích anh Hạo"
Phải, Tiểu Khả chỉ còn mình tôi. Tôi khẳng định rồi lịm dần, lịm dần vào giấc ngủ; tay vẫn còn mân mê tấm ga trải giuờng như thể đang mơn trớn với cái hạnh phúc của mình.
Cuối cùng thì sáng hôm sau cũng đến. Không biết là đêm dài hay đêm ngắn, chỉ biết lòng tôi giờ đầy lửa. Tôi muốn mau chóng kết thúc mọi chuyện nhưng lại sợ kết thúc rồi lại không còn được hưởng cái cảm giác ở nhà rồi đi làm, đi làm rồi về nhà....bình yên, ấm êm với vợ và con, tận hưởng cái lạc thú của đời. Tôi là một thằng đàn ông chẳng ra gì – tôi thừa nhận. Nhưng âu đó cũng là lẽ thường của đàn ông (à không – phải nói là con người) mới đúng chứ. Tham lam, ích kỷ, có một đòi hai, phong tình, lãng tử....đều là những ngôn từ "cao quý" nhất khi tả về tôi. Có một gia đình ấm êm – ai không muốn. Nhưng ngọn lửa u minh trong lòng cứ âm ỉ như thế thì làm sao nén? Thế mới thấy, lòng người vốn khó lường. Có khi chật hẹp với những ích kỷ "bình dân" nhưng cũng có khi tưởng như chật hẹp lại sâu rộng biết bao. Khi đã sâu rộng rồi thì lại sâu rộng đến nỗi chật hẹp. Như tình yêu mà tôi dành cho Tiểu Khả, những tưởng là sâu rộng nhưng suy cho cùng cũng chỉ là thứ tình cảm nhỏ nhen chật hẹp. Khi tôi buông cái nhỏ nhen ấy đi, lại thấy lòng mình sâu rộng hẳn, muốn ôm lại em, ôm lại trái tim mình thì lại chợt nhận ra lòng mình vốn quá chật hẹp: không chứa nổi em trong cái gia đình ba người của mình.
3. Cuộc sống cứ thế tiếp diễn; tôi vẫn là tôi, gia đình vẫn là gia đình, và Tiểu Khả vẫn là Tiểu Khả. Vâng, tôi chưa hề hé răng với vợ của mình bất cứ điều gì về em. Tôi vẫn sống sung túc trong gia đình mình, vẫn vui vẻ ấm êm bên vợ hiền con thơ. Suy cho cùng, tôi vẫn là thằng đàn ông ích kỷ, nhu nhược. Nhưng tôi cũng không tệ hại đến nổi lôi em ra trong cái ký ức yên bình rồi bỏ mặc em tự sinh tự diệt trong mớ hỗn độn của lòng người, lòng xã hội. Tôi thuê cho Tiểu Khả một căn nhà nhỏ cũng khá tiện nghi, gần chốn cũ. Tôi cũng thuê một người giúp việc để tiện chăm sóc cho em khi không có tôi bên cạnh. Tôi bắt đầu sống cuộc sống hai quê hương: ban ngày đi làm, tiện đường ghé thăm, kẹo bánh cho em. Đến chiều thì về nhà sung túc bên gia đình. Thứ bảy là ngày "đi công tác" cùng em tung tăng khắp con đường, nghe em mè nheo "anh Hạo". Chủ nhật, tôi trở lại cuộc sống bình yên với gia đình. Cuộc sống của tôi cứ thế tiếp diễn chẳng rõ là bình yên hay bão tố, nhưng cứ hưởng thụ cuộc sống như thế này mãi, dần dà tôi cũng quen dần. Cái ý định trả nợ hết kiếp mà tôi đã từng mang giờ không biết bị tôi vứt xuống tận xó xỉnh nào.
Tôi là một thằng đàn ông xấu.
Nếu Tiểu Khả không phải là cô bé ngờ nghệch cứ thích mân mê cái ký ức nhỏ bé đó thì mém chút xíu nữa tôi đã tưởng mình là một đại gia chính hiệu: sáng cơm chiều phở mất rồi.
Đã có lần tôi từng nghĩ sẽ chấm dứt cuộc sống thế này (nếu Tiểu Khả không bị bệnh). Cuối cùng tôi cũng chỉ là một gã đàn ông bình thường: không vượt qua cái ý nghĩ trốn chạy nhưng vẫn không chịu buông tay ấy. Tôi đành phó mặc mọi chuyện cho định mệnh vậy, muốn ra sao thì ra. Tôi tin định mệnh rồi cũng sẽ tìm cho tôi một cách giải quyết thỏa đáng (nếu định mệnh đã mang Tiểu Khả đến cuộc đời tôi).
Im lặng đôi khi là một cách hay khi bạn không còn cách nào. Nhưng cách hay nào cũng phải được mua bằng một cái giá đắt, và tất nhiên tôi cũng không ngoại lệ. Chỉ có điều, tôi không ngờ nó lại đến quá sớm.
Dạo gần đây, vợ tôi cứ có vẻ khang khác, hay nhìn tôi nghi hoặc, còn hay hỏi tôi có gì muốn nói với cô ấy không. Điều tệ hại hơn là đã lâu rồi tôi chưa đụng được vào người cô ấy. Ngủ bên vợ mà chẳng được làm gì ngoài việc ngủ thì chẳng thằng đàn ông nào chịu (đặc biệt là thằng đàn ông "thực sắn tính dã" như tôi). Ấy thế mà tôi nhịn được cô ấy suốt gần cả năm trời (mém chút nữa tôi đã tưởng mình là thánh nhân). Cũng bởi "có tật giật mình" với mặc cảm tội lỗi, nên dù lòng nóng hơn lửa tôi vẫn phải nhịn. Cô vợ tôi ngày càng cau có hơn, luôn thích nhìn ngang liếc dọc chồng mình, có khi thì bóng gió đông tây: hết nói chuyện cô bạn thân lấy chồng không hạnh phúc lại kể chuyện báo chí đưa tin hai hậu một vua này nọ...những lúc như thế, tôi chỉ biết im lặng thầm nhủ cô ấy tiền mãn kinh (mặc dù bây giờ việc đó đối với cô ấy là còn quá sớm). Phụ nữ thời đại chẳng biết là tốt hay xấu, chỉ biết là rất phiền. Tôi khẳng định rồi tự mỉm, cười khà khà tự an ủi chính mình.
Cái giá mà tôi phải trả thật sự đến sớm.
Không biết là vợ tôi đến tìm Tiểu Khả hay Tiểu Khả đến tìm vợ tôi mà ngay sau khi tôi đi công tác về, vừa bước vào nhà đã thấy một cảnh tượng đủ để gia đình tôi nát vụn: Tiểu Khả miệng vẫn bi bô mấy câu xưa cũ, tay còn cầm kẹo ngồi cạnh vợ tôi. Khỏi phải nói nhiều, nhìn cảnh này cũng đủ tiên đoán trước việc gì sẽ xảy ra tiếp theo. Vợ tôi sẽ nổi điên lên bắt tôi chọn lựa gia đình hay Tiểu Khả, rồi khi ấy cũng như ba năm trước tôi sẽ phải buông tay Tiểu Khả để bắt đầu một cuộc sống con người cũ – tâm tư mới. Và rồi tôii cũng phải hẹn em một kiếp sau khác hay lại bắt em mòn mỏi thêm ba năm nữa? Nếu cứ ba năm rồi ba năm như thế, tôi cũng không chịu nổi nói chi là em, là vợ tôi, con tôi.
-"Em đã định im lặng chừa cho anh đường lui, đợi anh nói sự thật cho em biết. Nhưng em đã đợi anh một năm rồi. Em mất dần kiên nhẫn rồi".
-"Và em đã đến tìm cô bé?".
-"Không. Sáng nay người giúp việc bên nhà đó gọi tìm anh nhưng không gặp. Con bé đần độn này đi tìm anh và bị lạc.....em mới tìm về".
-"Tôi không đần độn. Tôi chỉ ngốc chút thôi".
Tiểu Khả xen vào câu chuyện của vợ chồng tôi với vai trò của một nhân vật chính.
-"Anh xin lỗi".
-"Anh không còn từ nào khác sao? Tôi đã từng hỏi anh rất nhiều lần có gì muốn nói với tôi không. Anh luôn im lặng. Anh có biết tôi ghét bộ mặt tội lỗi đó của anh tới chừng nào không? Anh...."
Như một sự kìm nén tích tụ lâu ngày đến khi được dịp vỡ òa thi nó cứ thế tuôn ra mỗi ngày một nhiều hơn, nặng nhọc hơn và....đau đớn hơn. Tất cả sự đau đớn đó được vợ tôi tích tụ và thả xuống bằng một cái tát tai như trời giáng trên mặt tôi.
-"Hôm anh đưa cô ta đến khách sạn, tôi đã biết sẽ có ngày này. Bốn năm trước, tôi đã dùng gia đình trói buộc anh. Nhưng rồi bốn năm sau....Tôi mệt mỏi quá rồi. Anh muốn làm gì, tùy anh. Tôi không muốn níu kéo anh để rồi phải chịu thêm mấy lần bốn năm nữa. Cái tát lúc này coi như anh trả cho tôi chút lòng tự trọng cuối cùng vậy".
Mọi chuyện diễn ra một cách nhanh chóng, gọn lẹ hơn tôi tưởng. Vợ tôi bây giờ đã khác bốn năm về trước, không khóc lóc, không níu kéo, không trói buộc....cứ thế lặng lẽ dắt đứa con gái của tôi đi khỏi nhà. Tôi cũng không buồn níu kéo, vì tôi biết đó là định mệnh.
Tôi không thể cưới Tiểu Khả. Tôi biết và...vợ tôi cũng biết. Thế nhưng, Tiểu Khả đã vì tôi mà ra thế này. Tôi không thể bỏ mặc em. Tôi biết và vợ tôi cũng biết. Vậy thì níu kéo nhau làm gì? Đôi khi cách giải quyết thế này cũng tốt.
Tôi sa sầm mặt, ngồi phịch xuống ghế, cố lấy lại hơi thở. Vợ con tôi đi rồi, để lại một mình tôi trong căn nhà trống trải với một màn đêm tịch mịch, không thấy chân trời. Tôi tự nhủ lòng mình, mọi choáng ngộp rồi sẽ qua đi, tất cả rồi sẽ trở lại đúng vị trí của nó (dù có sứt mẻ).
Tiểu Khả ngồi cạnh tôi, đầu lúc lắc, mái tóc xõa che gần hết gương mặt không thể nói là đẹp hay xấu, đôi mắt đờ đẫn, miệng mấp máy những ngôn từ xưa cũ cùng tôi đón nhận một đêm dài......
4. Sống thì vẫn sống
Vợ con tôi đi rồi, còn tôi thì vẫn phải tiếp tục sống. Chỉ khác biệt là lần này tôi ở cùng Tiểu Khả. Tiểu Khả vẫn như thế; vẫn luôn thỏa mãn với một ly trà sữa khi khát, một cái quảy khi đói; vẫn thích nói mấy câu ngốc nghếch nhưng ra vẻ đầy triết lý như "Gió cứ thổi mãi là muốn giúp mưa tìm thấy mẹ"; vẫn thích mấp máy mấy câu xưa cũ.
Tiểu Khả vốn ngoan theo cách của một đứa trẻ và trong sáng theo cách của một linh hồn trắng trong không bụi bặm. Bốn năm trước cũng vậy, bây giờ cũng vây – em luôn khiến người ta yêu thích một cách kỳ lạ. Nếu Tiểu Khả không phải một cô bé đần độn thì mém chút nữa tôi đã lầm tưởng Tiểu Khả là người sẽ đi theo mình suốt cuộc đời, mém chút nữa tôi đã quên mình đã có vợ và một cô con gái.
Bệnh tình của Tiểu Khả ngày một nặng. Trước đây, dù Tiểu Khả bị bệnh những vẫn có thể nhận ra tôi là anh Hạo. Còn bây giờ, khi tôi âu yếm vuốt lại mái tóc bị rối của em hay giúp em sửa sang lại gương mặt lấm lem thì em lập tức hoảng sợ hét toáng lên "tôi muốn tìm anh Hạo, anh Hạo". Cô bé không biết tôi là ai, chỉ xem tôi xa lạ như những con người khác. Còn anh Hạo của em thì mãi chìm trong ký ức sâu vô tận hoặc dã anh Hạo đó đã chết, linh hồn của "anh Hạo" đã được em chôn vào tận huỵệt sâu của linh hồn mình, lấy chút ký ức vụn vặt của mình phúng viếng cho huyệt sâu không lạnh.
Tôi của bây giờ? Không phải là thằng đàn ông "thực sắc tính dã", cũng không còn là kẻ tham lam thích sống hai bờ hạnh phúc. Đối với Tiểu Khả – tôi yêu. Nhưng đồng thời cũng không cho phép mình yêu. Đối với vợ con, tôi nhớ như một phần trách nhiêm. Nhưng đồng thời cũng không cho phép mình quên. Khoảng thời gian này, tôi phải khó nhọc lắm mới khiến cho Tiểu Khả bớt sợ tôi và ngoan ngõan nghe lời tôi. Thế nhưng, bẵng đi một khỏang thời gian; em lại quên mất tôi là ai; khiến tôi mỗi khi dỗ dành em đều phải kèm trong miệng mình mấy từ "nghe lời anh Hạo". Chẹp, nhiều lần như thế riết rồi tôi cũng mụ mị không biết cái tên Hạo có phải là tên của mình không hay là tôi đã mượn nhầm của ai rồi.
Đàn ông xấu thể nào cũng phải lộ diện.
Tôi gắng gượng một thời gian bên cạnh Tiểu Khả, lại thấy mình không đủ sức "ban phước lành" cho em như tôi từng nghĩ. Thế mới biết nỗi khổ của bác sĩ và cái gọi là y đức. Bác sĩ luôn có lòng kiên nhẫn với bệnh nhân của mình. Nhưng tôi thì không phải bác sĩ. Tôi thừa nhận mình không phải đàn ông tốt nhưng cũng không tồi tới nỗi thấy chán ghét Tiểu Khả hay hối hận cho việc làm của mình. Bỏi suy cho cùng, Tiểu Khả cũng vì tôi mới ra nông nỗi. Thế nhưng, bạn biết không khi ngọn lửa u minh trong lòng bạn bùng phát mạnh mẽ thì dù bạn có chấp nhận nó hay không ít nhiều nó cũng làm phỏng bạn. Tôi bây giờ chính là như thế – tôi đang bị lửa u minh làm phỏng không có đường ra. Hay là đi tìm Đinh Vĩ? Phải, chỉ có tìm Đinh Vĩ thì mọi chuyện mới kết thúc. Nghĩ tới đây tôi lại bắt đầu lo lắng. Trước kia, Đinh Vĩ nhiều lần đến tìm tôi vì cô em gái của mình. Tôi tìm cách trốn chạy. Giờ tôi lại tìm Đinh Vĩ vì chuyện này. Liệu có được không.
Khi câu chuyện đi tìm Đinh Vĩ của tôi chưa kịp thực hiện thì màn kịch mà tôi dựng lên, tranh đóng vai chính rốt cuộc cũng đã hạ màn một cách tốt đẹp. Và điều bất gờ là người hạ màn vở kịch "kiếp trước – kiếp sau" này lại chính là em – Tiêu Khả.
Ở cạnh Tiểu Khả rất vui nhưng đôi khi cũng lắm mệt mỏi. Tôi lại không phải là thằng đàn ông tốt. Tôi mang ý định đi tìm Đinh Vĩ nhờ thu xếp mọi chuỵên nhưng rồi cũng.....không biết là nhu nhuợc hay can đảm từ bỏ ý định đi tìm Đinh Vĩ. Thế còn vợ con tôi?
Tôi loay hoay không biết tính sao đành vứt bỏ hay cất tạm cái ý nghĩ chẳng rõ là minh hay u của mình vào hẻm hóc tâm hồn.
Tiểu Khả vào phòng tìm tôi khi tôi đang miên man thả bổng mình. Cô bé không biết gọi cửa (dù tôi nhiều lần đã dạy). Tiểu Khả rất ngoan luôn nghe lời tôi dạy, luôn biết làm theo những thứ tôi dạy cho cô bé không sai một ly. Thế nhưng chỉ mỗi việc vào phòng phải gõ cửa là cô bé không biết làm. Nhiều lúc tôi không biết là cô bé không biết làm hay cố tình không làm vì chúng tôi là người một nhà nên không cần khách sáo (tôi từng dạy cô bé người một nhà nên không cần khách sáo). Có lẽ cô bé có phần hiểu nên áp dụng chăng.
- "Tiểu Khả phải đi"
- "Cô nhóc này, tối thế này còn muốn đi đâu"
- "Không biết. Tiểu Khả phải đi thật xa. Giống như mưa đi tìm mẹ. Bay xa, bay xa...."
Tôi phì cười, dỗ dành em bảo em ngủ sớm mai sẽ đưa em "mưa đi tìm mẹ". Em chỉ lúc lắc đầu nhìn tôi, giơ tay múa chân định phân bua gì đó nhưng không nói được chỉ biết mấp máy lập lại mấy ngôn từ đó rồi thở một cách mệt nhọc, đi về phòng.
Tiểu Khả, nếu em là mưa đi tìm mẹ thì ai sẽ là gió thổi mãi để mang em đi? Có phải tôi không?
Là Đinh Vĩ. Anh mang vai trò một người anh trai, kéo em gái mình khỏi sân khấu kịch mà tôi dựng lên, tự tại làm một cơn mưa.
Sáng nay, theo thói quen trước khi đi làm, tôi ngó vào phòng xem cô bé dậy chưa. Thấy cô bé còn ngủ, tôi cũng không tiện gọi dậy, giao em lại cho người giúp việc. Không hiểu sao hôm nay khi tôi ra khỏi cửa, cô bé cứ luyến tiêc níu áo tôi nói mãi mấy câu tối qua. Tôi dỗ dành em, vô tư hứa với em chiều về sẽ đưa em đi dạo, uống trà sữa như mọi lần mà không hề biết em mãi là cơn mưa bay xa, bay xa......
Người giúp vịêc gọi điện cho tôi bảo Tiểu Khả lại đi lạc. Tôi mắng cô giúp việc một hơi (dù biết lỗi này không ở cô). Tôi mệt mỏi, lo lắng chạy khắp các nẻo đường – nơi Tiểu Khả có thể đến. Tôi chạy tới tê chồn đôi chân không còn sức gượng dậy. Bất giác thấy mình thật có lỗi. Tiểu Khả, em ở đâu?
Nhà Đinh Vĩ? Phải, nhà Đinh Vĩ là nơi cuối cùng và duy nhất tôi có thể tìm.
Đến nhà Đinh Vĩ. Vắng tanh. Không một bóng người. Cậu bạn của tôi, dù có trách tôi cũng phải cho tôi biết cậu có mang Tiểu Khả đi không?
Số điện thoại Đinh Vĩ không liên lạc được. Đinh Vĩ, cậu giở trò gì vậy?
Tôi tìm kiếm em liên tục một tuần lễ dài trong vô vọng. Đôi lúc mệt mỏi, tôi thấy mình thật tệ hại. Từng có rất nhiều nhưng cũng buông bỏ rất nhiều.....
Nhiều tháng sau đó, tôi không nhận được tin tức gì từ em. Mệt mỏi, tôi nhiều lần tìm về chốn cũ. Không gặp em. Có lẽ em đã bay thật xa.....
Tôi cầu may lần nữa, gọi vào số Đinh Vĩ. Tiếng nhấc máy khô khốc đủ khiến tôi vừa vui vừa chột dạ, sốt sắng hỏi:
- "Đinh Vĩ, là cậu phải không? Tiểu Khả....."
(Tôi nghẹn lời)
- "Đừng tìm nó nữa. Tôi đã định không nói gì với cậu nhưng tôi không độc ác như cậu nên mới mở lại số điện thoại này để nói cậu biết đừng phiền Tiểu Khả. Chào cậu"
- "Đinh Vĩ! Tôi......"
Tiếng gác máy khô khốc. Đinh Vĩ nói đúng. Tôi là thằng đàn ông vừa xấu vừa ác độc. Nếu Tiểu Khả không gặp tôi hoặc dã tôi không lôi em trở lại sau ba năm cách biệt có phải tốt hơn không. Cũng may là Đinh Vĩ không đấm vỡ sọ tôi, không moi tim gan tôi ra xem, không giải quyết rắc rối này theo cách của một thằng đàn ông; chứ nếu không tôi đã chết tươi rồi. Mà nếu như Đinh Vĩ có dùng nắm đấm để gải quyết thì có lẽ tôi cũng chấp nhận bởi lẽ đàn ông xấu cuối cùng cũng phải lộ diện.
Nhiều năm sau đó, dù con gái tôi cũng đã mười tuổi tròn, dù tôi cũng đã có lại một gia đình như cũ (dù có sứt mẻ) thì tôi vẫn không sao hiểu được tại sao Đinh Vĩ lại tìm được đến chỗ tôi và Tiểu Khả, Đinh Vĩ vội vàng đưa em đi đâu? Thật mơ hồ. Có khi nào vợ tôi cũng biết chuyện này hay chính cô ấy là người đạo diễn đọan hạ màn này? Khó hiểu.....
Tôi nghe được một vài lời đồn: có người nói Tiểu khả giờ đang sống rất tốt, được chăm sóc rất chu đáo. Cuộc sống của em dần trờ lại bình thường – có lẽ là hạnh phúc (đương nhiên đối với một bệnh nhân như em), cũng có người nói Tiểu Khả đã chết. Em bệnh bẩm sinh thế nên việc ra đi của em là điều tất yếu.
Mưa.....
Hôm nay gió quá lớn, tôi ngồi trong nhà, ấm cúng bên cô vợ hiền và đứa con gái nhỏ nhưng vẫn còn thấy lạnh. Trời rét câm. Mưa xối xả trút xuống mái nhà vang tiếng rất lớn tựa hồ như tiếng kêu bi thống của ai đó ai óan giữa đêm tịch liêu. Mưa hôm nay nặng hạt và lớn như trận mưa năm đó. Chỉ có điều khác là trận mưa này không có cô gái mình ướt sũng đứng trước nhà tôi, miệng run cầm cập "em đến tìm anh Hạo" như năm nào.
Tiểu Khả không phải là người của thế giới này. Em là tiên nữ, là ma nữ, là thiên thần, là ác quỷ.....nói chung là cái gì đó ở thế giới khác. Thế giới này không thuộc về em. Em phải đến nơi thuộc về em.
Tiểu Khả, nếu em là mưa đi tìm mẹ thì ai sẽ là gió thổi mãi để mang em đi? Có phải tôi không?