Chào mừng ngày nhà giáo Việt Nam 10/11
Bụi phấn kia ơi, sao buồn tênh chẳng rơi trên bục giảng năm xưa, không vương lại trên mái tóc thầy pha sương để con biết được thầy vẫn đến lớp môi ngày. Nhưng bụi phấn trắng mỏng tang, nhẹ tênh phải chăng đã theo làn gió cuối thu bay miên man trong chiều mưa bụi ấy.
Thầy ơi, con đã bước qua cái tuổi thơ ngây, khờ dại của tháng năm học trò, xa thầy, xa những trò đùa một thời dấu yêu-để hôm nay chỉ còn là hoài niệm xa xăm trong con. Bây giờ con đã là cô sinh viên năm 3 với những suy nghĩ, lo lắng và cả những bộn bề cho cuộc sống xa nhà. Ở nơi xa, hình ảnh một người thầy hiền từ, giản dị vẫn luôn hiện hữu trong trái tim bé nhỏ của con.. Một người thầy - một quân nhân mà suốt đời con kính trọng. Chiến tranh qua đi không những cướp đi hạnh phúc thời trai trẻ mà còn để lại trong con người thầy một vết thương chưa lành, mỗi khi trái gió trở trời nó lại đau nhức nhối.
Thầy ơi, con vẫn muốn gọi tên thầy như cái ngày đầu tiên con gọi tiếng thầy thật ấm áp ấy. Ngày ấy của 6 năm về trước, vào một buổi sáng mùa thu trong xanh, nắng nhẹ nhàng đậu lại bên song cửa, gió miên man hàng phượng vĩ xanh rờn, cô học trò nhỏ bỡ ngỡ giữa một không gian rộng lớn, xa lạ. Con bước vào cấp 3 với nhiều cảm xúc lẫn lội, tất cả dường như đều mới tinh tươm. Nhút nhát, lạc lõng con chọn cho mình vị trí cuối hàng để đứng. Đôi mắt con đưa nhìn xung quanh thấy ai cũng xa lạ, thầy cô bạn bè làm con thấy sợ thầy ạ. Con không dám ngước nhìn lên trên, chỉ khi nghe một giọng nói trầm ấm, đều đều với bài đọc diễn văn thật ý nghĩa con mới ngửa mắt lên trông.
Hình ảnh một người thầy đã già, dáng người nhỏ bé, đôi mắt thầy dường như mờ đi sau cặp kính. Ở gương mặt của thầy toát lên vẻ đẹp nhân hậu, bao la. Phút giây đó cho đến bây giờ con vẫn nhớ như in, như cái ngày nào con là một cô bé non nớt. Con thấy lòng mình bỗng dưng tươi mát hơn khi nghe thầy nói sẽ chủ nhiệm lớp chuyện Văn của khối 10. Thật hạnh phúc và vui sướng, mặc dù con chưa biết thầy là người như thế nào nhưng ấn tượng về thầy đã cho con niềm tin để tin vào điều đó. Một mình lủi thủi cuối hàng, nghịch chiếc lá bàng vừa rơi rụng xuống sân, bỗng một giọng nói cất lên:
-Sao người bé thế này mà lại ngồi hàng cuối cùng thế ?
Là thầy, là thầy thật, con bối rối không biết nói như thế nào, ấp úng mãi mới nói được chữ :
-Dạ…Dạ…em…
Lần đầu nói chuyện với thầy, lần đầu nhìn thẳng vào mắt thầy, vừa run vừa vui thầy ạ. Như vậy đó thầy nhỉ…kỉ niệm đầu tiên về thầy là buổi tựu trường đáng nhớ nhất đối với con. Có những thứ nhỏ bé, bình dị nhưng đôi khi lại là điểm bắt đầu cho một cuộc sống phải không thầy? Điểm thi môn Văn của con cao nhất lớp nên được bầu làm lớp phó học tập, vì thế càng được gặp thầy nhiều hơn, hiểu thầy nhiều hơn. Ngày đầu đến lớp, ai cũng ngạc nhiên trước cách ứng xử của thầy đối với học trò. Thân thiện, dễ mến, hiền hậu, nhiệt tình. Con thấy mình thật may mắn khi được làm cô học trò của thầy.
Năm ấy, lần đầu tiên con đi học xa như vậy, nên đôi khi con thấy mệt mỏi thầy à. Thời tiết vào mùa đông với những cơn mưa bất thường kéo theo từng đợt gió mùa khiến mấy cô cậu học trò tím tái hết cả mặt. Con đường đi đên lớp lầy lội đất với bùn, bánh xe đứa nào cũng dính đầy sỏi. Đã nhiều lần con bắt gặp thầy đạp xe đến trường trong những ngày mưa gió như vậy, chiếc xe đạp màu xanh cũ kĩ, dáng thầy nhỏ bé ghì lưng đạp đi giữa buổi chiều ngược gió ấy. Lòng con bỗng dưng đứng lặng mỗi lần nhìn thấy gương mặt ướt đầy nước mưa vẫn còn chưa kịp lau khô trên mặt thầy.
Dạo ấy, thầy gầy đi rất nhiều, mặt nhợt nhạt và đôi khi thầy con dừng dạy giữa chừng vì cơn ho kéo dài. Thầy đã gìa rồi. Vâng. Con vẫn chỉ nghĩ thế thôi thầy à! Một ngày, hai ngày trôi qua không thấy thầy đến lớp. Con thực sự rất lo lắng, ngồi học mà cứ ngóng ra ngoài của lớp xem thầy có đến không. Nhưng chờ mãi vẫn không thấy bóng dáng thầy. Con và lớp trường hỏi địa chỉ nhà để đến thăm thầy. Con đường vào nhà thầy không ngờ lại ngoằn nghèo,khúc khuỷu đến như vậy. Lại không phải đường bê tông mà là đường đất bui bay mù trời, cỏ dại mọc ven đường dày như nêm. Trời cứ mưa lâm thâm suốt khiến con và Lan suýt ngã mấy lần. Nhà thầy ở cuối con đường đất dẫn ra đồng lúa, ngôi nhà màu xanh dương đã cũ, trước cổng là hai cây bưởi xum xuê lá. Không khí vắng lặng đến lạ thường. Con cất tiếng gọi :
- Thầy ơi! thầy có ở nhà không ạ! Chúng con đến thăm thầy ạ!
Một lúc sau cánh của từ từ mở ra. Ôi! Tim con thắt lại, hai đứa đứng lặng một chỗ mà không nói nên lời. Con không tin nổi vào mắt mình nữa. Sao thầy tiều tụy, xanh xao đến như vậy. Bỗng dứng một làn gió lùa vào mắt khiến một giọt nước bé tý rơi xuống. Vẫn nụ cười hiền hậu ấy, thầy khẽ nói:
- Thế nào cô học trò nhỏ, mới có hai hôm không gặp thầy mà nhớ thầy đến rơi nước mắt vậy à ?
Vẫn ấm áp, dịu dàng nhưng con thấy lòng mình buốt giá.
-Dạ …Dạ…con đến thăm thầy ạ!
-Đến thăm thầy mà hai đứa bây định đứng ngoài sân à, vào nhà đi khỏi lạnh.
Thầy vẫn gọi thân mật như vậy với học trò. Hai đứa bước vào bậc thềm rêu phong phủ đầy, những sạch sẽ lắm. Con vẫn không nghĩ đây là ngôi nhà của một giáo viên dạy giỏi, giản gị, mộc mạc, nếu không nói là thiếu thốn. Căn nhà quá neo người, con nhìn quanh để tìm cô nhưng không thấy đâu. Lấy can đảm con hỏi thầy:
-Thầy ơi, cô đi đâu à thầy?
Ánh mắt thầy thoáng buồn nhưng miệng vẫn cười :
-Thầy sống một mình con à!
Một mình. Một mình…Choáng váng, chết lặng, cổ họng con như bị một bàn tay vô hình bóp chặt. Trong đầu con cứ day dứt câu hỏi ấy. Thầy sống một mình suốt bao nhiêu năm sao? Con thầy mình ích kỉ, vô tâm quá. Con đã không quan tâm đến cuộc sống riêng tư của thầy. Con thật đáng trách phải không thầy. Thầy ơi, con xin lỗi. Đến hôm nay, lần đầu tiên, chúng con mới nghe thầy kể về quá khứ nhiều đau buồn của thầy. Thầy lớn lên giữa bom đạn chiến trường, khi đất nước cần thanh niên nhất thời đứng lên, thầy xếp bút nghiên lên đường vào miền Nam chống giặc.
Khi chiến tranh đi qua thầy trở về quê hương làm nghề giáo. Thầy mang trong mình vết thương của chiến tranh, mảnh đạn vô tình ấy cắm sâu vào cột sống. Thầy bảo khi thời tiết thay đổi ở cột sống lại đau nhức nhối. Nhưng cũng từ đó thầy đánh mất đi tuổi thanh xuân, người con gái thầy yêu thầm lặng đã theo đò sang ngang khi thầy đang ở chiến trận.
Thầy ơi, lúc ấy con mới hiểu không phải thầy ốm bình thường mà thầy đau vì quá khứ, vì chiến tranh tàn nhẫn kia không chịu rời bỏ thầy. Con thương thầy nhưng con không biết làm thế nào. Thầy vẫn khen những trang viết của con giàu cảm xúc nhưng mà một câu an ủi thầy con cũng không thốt lên được. Con thấy hổ thẹn với thầy nhiều lắm.
Thầy sống một mình, hằng ngày vẫn đến trường đúng giờ mà không lời than vãn. Lặng lẽ. Âm thầm. Miệt mài mang chữ đến cho chúng con. Nhưng đám học trò vô tư trong sáng nào đâu có hiểu cho nỗi lòng thầy. Suốt 3 năm gắn bó với thầy, con xem thầy như người cha thứ hai, luôn quan tâm, hỏi han, động viên con học tập. Con thấy yêu thêm những lời thầy giảng, yêu môn Văn mà mọi người vẫn bảo khô khan. Những kì thi căng thẳng là chướng ngại vất khó khăn nhất với chúng con.
Ở trong đội tuyển tỉnh môn Văn, thầy dành cho con một sự quan tâm đặc biệt hơn, chu đáo hơn. Con là đứa học trò cứng đầu, học theo hứng, đôi khi làm thầy buồn lòng nhưng thầy vẫn nhẹ nhàng với con như vậy. Con lên đường xuống thành phố thi học sinh giỏi, thầy đã nắm tay con và đưa cho con một lá bùa hộ mệnh. Thầy nói nó sẽ mang lại tự tin và may mắn cho con. “Thành công nằm ở trong tay mình con nhé, hãy nắm giữ nó thật chặt”. Con vẫn nhớ mãi lời nói ấy. Nhưng vì một vài thiếu sót mà con đã làm buồn lòng thầy. Kì thi đó con đã trượt. Con đã khóc rất nhiều, xin lỗi thầy nhưng thầy vẫn nhẹ nhàng, ôn tồn nắm lấy đôi vài gầy đang run lên trong tiếng nấc :
- Đời người ai cũng có thất bại con à, nhưng từ thất bại đó con phải học cách đứng dậy. Như thế mới trưởng thành được. Cố gắng lên nhé !
Con đã cố gắng để thi vào đại học, ước mơ làm nhà báo luôn nung nấu trong con, nhưng không dám nói với thầy. Hôm đó trời không mưa nhưng hanh khô, con và thầy đến sớm nhất lớp, thầy bảo:
- Minh à, đến lúc con phải xác định cho mình một conn đường để đi, một ước mơ để sống và phấn đấu.
- Dạ! Con biết thầy ạ!... Con …con …
Thầy thấy con có tố chất làm giáo viên dạy văn. Với tâm hồn nhạy cảm, biết rung động trước cuộc sống, say mê nghiệp văn, con sẽ làm tốt đó. Con biết thầy muốn hướng con đi theo nghề cao quý ấy. Nhưng con lại không thích sư phạm. Con thích chạy nhảy, đi nhiều và con đã đăng kí thi vào Học viện báo chí tuyên truyền. Thầy chỉ nhẹ nhàng an ủi:
- Thầy tôn trọng quyết định của con, cố lên nhé !
Nhưng con biết thầy buồn vì điều này. Con đã không nghe lời thầy. Ngày con nhận giấy báo đậu đại hoc, người đầu tiên con nghĩ đến là thầy, người mang đến cho con kiến thức, kinh nghiệm sống. Con đạp xe một mạch đến nhà thầy, con đường tự nhiên thấy ngắn hơn mọi ngày. Thấy con, thầy xúc động ôm con vào lòng và con nhận ra khóe mắt thầy đỏ hoe. Thầy khóc ư ? Ôi thầy…
-Chúc mừng con nhé! Cô học trò yêu quý của thầy.
Đôi mắt thầy sâu kín, buồn thăm thẳm. Thầy lo cho con về con đường con sắp đi.
-Con gái đa cảm vất vả lắm con à. Nhưng thầy tin vào con, tin vào sự lựa chọn của mình. Con hãy làm theo lí trí của mình nhé ! Thầy sẽ chẳng thể ở bên con chỉ bảo con mỗi ngày được nữa. Nhưng thầy vẫn luôn theo dõi bước con đi.
Nắm tay thầy thật lâu, con mới nói được một câu:
-Thầy à! Năm nay thầy cũng đã nhiều tuổi rồi, sức khỏe thầy lại không tốt, thầy nên nghỉ hưu sớm đi thầy ạ.
-Uhm, năm nay thầy cũng về nghỉ hưu con à…già đi nhiều rồi, để cho thế hệ trẻ chúng con tiếp bước chứ.
Học đại học xa nhà, xa thầy, xa những thứ thân quen, con lại bắt đầu với nhiều điều mới mẻ, như 6 năm về trước con gặp thầy. Hà Nội là nơi con ấp ủ bấy lâu nay nhưng bước chân ra đây con thấy xa lạ, lạc lõng quá. Sân trường ngày xưa con gặp thầy giờ đây lại lớn thêm rồi thầy à. Con đã khóc rất nhiều, con sợ mình sẽ gục ngã trước dòng đời nổi trôi. Những lúc như vậy con ước mình được bé lại để lắng nghe lời thầy kể…
Ai về bến cũ sông xưa
Tìm cho em với câu thơ của thầy
Xin đừng ngược những vần quay
Để cho kỉ niệm đong đầy tháng năm…
Năm đó, con được nghỉ ngày Hiến chương nhà giáo, lòng háo hức về nhà khiến con vui lắm. Xa thầy mấy tháng mà trông thầy gầy đi rất nhiều, thời gian trôi đi vội vàng đến như vậy sao, tàn nhẫn đến như vậy sao. Thầy khen con trưởng thành lên nhiều, con về thầy xúc động không nói nên lời. Nhưng có cuộc vui nào lại không tàn, hội ngộ rồi chia ly. Con lại hành trình ra thủ đô theo đuổi ước mơ của mình với nhiều lo toan hơn.
Thầy vẫn bảo rằng thời gian không đứng đợi ai bao giờ, con nên nắm giữ nó để hiểu rằng cuộc sống luôn cần sự kiên nhẫn. Con nhớ mãi cái ngày đó, cô sinh viên năm hai vội vã về quê với nhiều niềm vui, năm nay con được học bổng và con đã đoạt giải ở cuộc thi “Nét bút tri ân” viết về lời tri ân thầy cô. Chuyến xe hôm ấy chạy nhanh hơn, lòng con háo hức chờ giây phút gặp thầy để khoe với thầy. Nhưng cái giá lạnh của năm nay dường như tê tái hơn, gió lùa qua khung của ướt buốt lạnh đôi bàn tay. Về tới ngõ, mẹ vội vã bảo:
-Minh à, con nhanh chân đến nhà thầy Kha đi con, thầy đang hấp hối…
Nghẹt thở khi nhận được tin trời đánh ấy. Thực sự lúc ấy con không còn biết mình phải làm gì nữa, mọi thứ đảo lộn.
-Thầy ơi…Thầy…Thầy đợi con thầy ơi, con có nhiều điều muốn nói với thầy lắm, thầy đợi con nhé…
Tiếng khóc vỡ òa ra từng mảnh, làm sao con có thể nhặt nhanh, tìm lại được những giọt nước mắt khi đã đánh rơi ấy. Thầy đã về bên kia, thầy không đợi con về để nói lời vĩnh biệt. Thầy ốm đã hai tháng nay mà con không hề hay biết. Con vẫn là đứa học trò vô tâm như vậy. Thầy đã ra đi giữa con mưa chiều lặng lẽ rơi ấy. Sống một đời thầm lặng và thầy cũng ra đi theo cách thầy đã sống. Có phải chăng thầy đi tìm gặp người con gái một đời thầy vẫn yêu, vẫn chờ…
Thầy ơi! Con vẫn muốn gọi tên thầy mãi, như cái ngày đầu tiên con bẽn lẽn nhìn thầy. Năm nay, gần đến ngày Nhà giáo Việt Nam rồi thầy ạ. Nhưng con không còn cơ hội để tặng thầy bó hoa Ly tươi thắm thầy vẫn thích nữa. Con nhớ thầy nhiều lắm thầy ơi…
Con vẫn nợ thầy một ước mơ… ước mơ ấy con mãi mãi nợ thầy.
Con không đi theo con đường thầy hướng nhưng con sẽ cố gắng đi thật tốt con đường mình đã chọn…Con sẽ khắc ghi lời thầy nói: “ Lựa chọn cho mình một con đường đi đã khó nhưng đi như thế nào trên con đường ấy lại không dễ dàng”.
Con xin gửi lời tri ân gửi đến người suốt một đời con mãi mãi khắc ghi.