Oan hồn đòi mạng
Vĩnh là một thanh niên trên ba mươi, luôn luôn muốn tỏ ra là một người trí thức. Là một chuyên viên truyền hình, anh được hoãn dịch khi cuộc chiến chưa tới hồi khốc liệt. Tuy nhiên sau cuộc tấn công tết Mậu Thân, Vĩnh bị động viên và nhập ngũ với cấp bậc binh nhì.
Sau ba năm trời lăn lộn trên chiến trường, Vĩnh được biệt phái về đài truyền hình. Hình như Vĩnh lập được nhiều thành tích đáng kể trong quân đội, nhưng anh không bao giờ thổ lộ với ai. Cuộc chiến quá tàn bạo đối với một thanh niên muốn tỏ ra là người trí thức.
Khoảng hai năm sau khi được biệt phái, Vĩnh tâm sự với Khải, một người bạn thân, về ý định viết một quyển tiểu thuyết trinh thám, vì từ hồi nhỏ, Vĩnh vẫn say mê nhân vật thám tử Kỳ Phát của nhà văn Phạm Cao Củng.
Vĩnh nói rằng việc tạo ra các nhân vật rồi đưa họ vào những hoàn cảnh do chính mình tạo ra với những chứng cớ giả tạo nhưng có vẻ hợp lý, có lẽ thú vị hơn là đọc chuyện của người khác và bị hướng dẫn bởi những chứng cớ giả tạo của họ. Anh nói:
- Tôi muốn viết một câu chuyện hoàn toàn bí mật cho tới khi độc giả đọc tới dòng chữ cuối cùng.
Khải hỏi bạn:
- Thế ông đã có ý tưởng gì chưa?
- Có chứ! Trong câu chuyện của tôi, kẻ sát nhân thực ra lại không ra tay giết người.
Khải hơi nhíu mày:
- Ê ê, chỗ này coi bộ hơi lôi thôi rồi đấy! Tại sao đã gọi là kẻ sát nhân mà lại không giết người?
Vĩnh mỉm cười:
- Thế mới hay chứ! Kẻ sát nhân tìm thấy nạn nhân trong tình trạng nguy ngập mà nếu hắn không chịu giúp đỡ, nạn nhân sẽ chết. Hắn đâu có giết tuy hành động của hắn có nhiều yếu tố cấu thành tội phạm... Tuy nhiên trước khi khởi sự, tôi muốn chế ra một loại mật mã rất tầm thường nhưng rất khó khám phá, loại mật mã mà mọi người thường thấy nhưng không bao giờ nghĩ rằng chúng lại được xử dụng để truyền đạt tin tức.
Khải có vẻ suy nghĩ:
- Tin tức... ngắn hay dài?
- Ngắn thôi! Loại tin tức mà bọn tội phạm dùng báo động, hẹn gặp... đại khái như vậy.
Khải nhìn Vĩnh:
- Tôi sẽ suy nghĩ về việc này. Nếu tìm được cái gì, tôi sẽ cho ông hay.
Chỉ hai hôm sau, Khải vui vẻ bước vào căn hộ của Vĩnh:
- Tôi tìm ra được một loại mật mã cho ông rồi!
Vĩnh nhìn bạn với vẻ nghi ngờ:
- Ông thử viết vài ký hiệu xuống xem.
Khải lắc đầu, mỉm cười bí mật:
- Hay ở chỗ là loại mật mã này không cần ký hiệu. Chúng có thể được học thuộc lòng trong vài phút, và sẽ không ai có thể khám phá được, ngoại trừ tay thám tử siêu nhân mà ông đẻ ra trong chuyện.
Rồi Khải nói đùa:
- Ông phải chia ba chục phần trăm tác quyền cho tôi đấy nhá!
Vĩnh gật gù:
- Để coi! Bây giờ ông thử nói xem mật mã của ông là cái gì mà ghê thế!
Khải chậm rãi nói:
- Khi một tên gian muốn liên lạc với đồng bọn, hắn chỉ cần gởi cho tên kia một bộ bài. Hoặc có thể những quân bài của hai ba bộ, tùy theo tin tức dài hay ngắn. Dĩ nhiên những con bài còn lại phải có đủ để tránh nghi ngờ trong trường hợp bị thất lạc.
Vĩnh chau mày:
- Tôi không hiểu ông muốn nói cái gì.
- Dễ quá mà! Chữ Việt mình có 24 mẫu tự, nhưng mình nên dùng mẫu tự Tây phương với 26 chữ trong trường hợp cần dùng những chữ j, w hoặc z. Ông cũng biết một bộ bài có 52 lá, điều này có nghĩa là mỗi mẫu tự được tượng trưng bằng hai lá bài.
- Ông có thể nói rõ hơn một chút được không?
- Thế này nhá, tính theo thứ tự cơ, rô, chuồn, bích thì ách cơ sẽ là chữ a, già cơ sẽ là chữ b, đầm cơ chữ c.... theo thứ tự đó, hai rô sẽ là chữ z. Khi một tên gian trong chuyện của ông muốn báo một tin gì cho đồng bọn, hắn chỉ việc xếp những con bài theo thứ tự...
Vĩnh gật gù thán phục:
- Có lý quá!
Khải nói tiếp:
- Sau khi nhận tin, tên kia sẽ hủy bỏ ngay một cách rất tự nhiên và dễ dàng bằng cách xào bài là xong.
Trong trường hợp bộ bài lọt vào tay phe địch hoặc cảnh sát, ngay khi những người này xem xét những quân bài để tìm dấu tích thì chính họ đã xóa bỏ những dấu tích đó rồi.
Vĩnh đập mạnh tay vào đùi:
- Hết xẩy!
- Ông nên nhớ một điều là một bộ bài thường không đủ vì trong một tin tức nào đó dù thật ngắn cũng có thể có nhiều chữ trùng nhau, bởi thế, mỗi tên gian trong chuyện của ông sẽ có khoảng mười bộ bài để có thể gởi những tin dài cho nhau. Lỡ có ai nhìn thấy những bộ bài này, cùng lắm họ chỉ nghĩ rằng bọn chúng là những tay cờ gian bạc lận mà thôi.
Vĩnh có vẻ hứng khởi:
- Thật là một sự trùng hợp hiếm hoi. Hồi sáng này lão Thân bên thuế vụ mới cho tôi một thùng bài tây mà lão tịch thu được. Để tôi lấy ra coi.
Vĩnh đứng dậy, bước tới cái tủ nhỏ ở góc phòng, mở cửa lấy ra một bọc mười hai bộ bài còn bọc trong giấy bóng kính, đem lại đặt lên bàn:
- Bây giờ tôi thử rút vài quân ra xem theo mật mã của ông chúng sẽ thành chữ gì.
Vĩnh và Khải cùng xé giấy bóng kính ra, mở hộp, đổ mấy bộ bài lên mặt bàn. Vĩnh rút hai quân:
- Bẩy chuồn, ách cơ... là chữ gì?
Khải nói ngay:
- Bẩy chuồn là chữ h, còn ách cơ là chữ a. Ha.
Vĩnh rút thêm bốn lá nữa. Khải coi từng lá một theo thứ tự:
- Sáu cơ... là chữ i, chín rô... chữ s, ách chuồn... chữ o, ách rô... chữ n. Như vậy, sáu lá bài mà ông mới rút là chữ haison, có thể là hai sơn hoặc hải sơn gì đó.
Mặt Vĩnh chợt tái xanh, hai tay run lẩy bẩy, những giọt mồ hôi không biết ở đâu đột nhiên ướt đầm trên trán. Khải nhìn bạn ngạc nhiên:
- Ủa, ông... ông làm sao vậy?
Vĩnh lắc đầu:
- Không... không sao!
Khải nhìn bạn lo lắng:
- Ông có cảm thấy khó chịu hay là... cái gì không?
- Không, tại sao?
- À... thì... sau khi tôi đọc mấy lá bài là hai sơn hoặc hải sơn gì đó, ông có vẻ hốt hoảng thấy rõ, mồ hôi mồ kê chảy ròng ròng làm như mấy chữ này có một ý nghĩa gì rất quan trọng đối với ông.
Vĩnh không đáp, chống hai tay lên bàn đứng dậy, lảo đảo đi tới mở tủ lạnh, lấy chai nước rót đầy ly, uống một hơi rồi nói với Khải:
- Tự nhiên tôi cảm thấy hơi mệt chứ không có gì hết.
Rồi anh cố lấy vẻ tự nhiên, bước tới ngồi xuống đối diện bạn:
- Mật mã của ông hết xẩy. Chắc chắn tôi sẽ xử dụng trong câu chuyện của tôi
....................................
bạn đang đọc truyện tại ecute.wap.sh
chúc bạn online vui vẻ.
................................
Sau buổi tối hôm đó, ngoài những lúc gặp nhau ở truyền hình, mỗi tuần Khải lại tới gặp Vĩnh vài lần xem câu chuyện trinh thám mà Vĩnh dự tính viết đã tới đâu rồi. Tuy nhiên Vĩnh lại bị cái bệnh của các nhà văn mới, nghĩa là rất hăng say khi tìm được một ý tưởng, nhưng khi bắt tay vào việc thì lại không biết mở đầu câu chuyện ra sao.
Vĩnh nói với Khải rằng anh không được khỏe và anh chưa muốn khởi sự cho tới khi cảm thấy đầy đủ phong độ.
Khải cũng thấy Vĩnh có vẻ bệnh hoạn thật, và không hiểu tại sao, lúc sau này Vĩnh uống rượu nhiều quá.
Nói mãi không được, Khải cảm thấy tội nghiệp cho bạn khi thấy Vĩnh có vẻ xuống tinh thần, mặt mày lúc nào cũng bơ phờ hốc hác. Khải nghĩ rằng có lẽ Vĩnh gặp điều gì rất bất thường nên mới thay đổi một cách lạ lùng như vậy.
Anh quyết định tìm hiểu để may ra có thể giúp được gì cho bạn.
Khoảng một tháng sau, một buổi tối Khải tới cư xá Thanh Đa thăm Vĩnh. Bước hết những bực thang tối tăm, vừa lên tới lầu hai, Khải chợt thấy một bóng đen rời khỏi cửa apartment của Vĩnh bước về phía anh. Khải né sang một bên để người lạ mặt đi qua, nhìn theo ông ta bước thật êm xuống những bực thang. Người lạ mặt có một cái gì bất thường khiến Khải cảm thấy xương sống lạnh buốt. Vừa suy nghĩ, Khải vừa bước tới gõ cửa căn apartment của Vĩnh.
Tiếng gõ cửa của Khải được đáp lại bằng một giọng đầy vẻ hoảng hốt của Vĩnh:
- Ai đó? Ai đó?
- À, Khải đây.
Vừa nói, Khải vừa đẩy cửa bước vào. Trong phòng khách, Vĩnh đầu tóc bù rối, đôi mắt đỏ ngầu đang ngồi trước một núi quân bài trên bàn. Khải nói:
- Sao, ông đang làm quen với mấy lá bài để chuẩn bị viết phải không? Hi vọng là tôi không đuổi khách của ông vì khi tôi vừa lên tới lầu hai thì ông ta đã ra khỏi cửa.
Khuôn mặt Vĩnh tự nhiên trắng bệch:
- Khách của tôi?
- Đúng! Một quân nhân.
Vĩnh hừ lớn:
- Quân nhân? Sao ông biết?
- Ông ta bận bộ quân phục tác chiến, dù trong tối tôi cũng thấy rõ. Hình như quân phục Biệt Động thì phải.
Vầng trán Vĩnh nhăn lại, giọng anh đầy vẻ hoang mang:
- Ông ta... coi ra sao?
- Cao lớn. Bộ quân phục có vẻ... không được sạch sẽ lắm, dường như ông ta mới từ mặt trận trở về.
Vĩnh đưa hai tay lên ôm mặt:
- Hừ! Thì ra đó là sự thật! Tôi không bị ảo giác. Tôi không điên vì chính ông cũng thấy. Ông nói đúng, hắn ta vừa trở về từ mặt trận, nhưng đó là mặt trận dưới địa ngục.
Khải nhìn bạn không chớp mắt, trong bụng nghĩ thầm “Chà! Tên này coi bộ không khá rồi!”, tuy nhiên ngoài miệng cố nói một cách vui vẻ:
- Nếu tôi không lầm thì ông đã có những ý tưởng mới cho câu chuyện. Ông đã khởi sự chưa? À, có lẽ chưa vì ông còn đang dợt những mật mã mà tôi sáng chế, phải không? Dứt lời, Khải cất tiếng cười cho không khí bớt nặng nề. Nhưng Vĩnh lừ mắt, gằn giọng:
- Ông không sáng chế cái gì hết! Cái ý tưởng đó được nhét vào đầu óc ông và ra lệnh cho ông đem tới để hành hạ tôi. Tôi luôn luôn tránh né lũ thầy bói, những kẻ nghĩ rằng họ có thể liên lạc được với thế giới bên kia bằng cách... dùng những lá bài. Tối hôm đó, chính ông đã bị thúc đẩy nói ra loại mật mã quái quỉ đó và buộc tôi phải rút mấy lá bài đó.
Trước những lời nói không đâu của bạn, Khải bực bội cười khẩy:
- Ông đừng giả bộ điên nữa! Chính tôi đã nghĩ ra loại mật mã đó và chính ông đã tự tay rút ra mấy quân bài vô nghĩa đó.
Vĩnh nói gần như gào lên:
- Tôi không điên! Mấy quân bài đó không phải là vô nghĩa vì nó là tên của một người mà tôi vẫn cố tránh không nghĩ tới.
Khải sửng sốt nhìn bạn không nói. Vĩnh chợt thở dài:
- Tôi nghĩ rằng có lẽ tôi nên nói với ông tất cả. Bây giờ tôi không cảm thấy hổ thẹn gì nữa vì tôi đang ở trong tình trạng khủng hoảng cùng cực. Khi nào ông ở trong tình trạng khủng hoảng như tôi bây giờ, ông sẽ không còn cảm thấy hổ thẹn gì nữa. Để tôi nói hết cho ông nghe...
...Có lẽ ông đã biết rõ về đời lính của tôi. Tôi chỉ nhập ngũ khi bị động viên. Sau thời gian huấn luyện, tôi bị đưa tới một đơn vị Biệt Động nổi tiếng, và bị đẩy vào một tiểu đội dưới quyền chỉ huy của Hai Sơn.
Hai Sơn là người từ binh nhì lên tới trung sĩ và đã mấy lần bị thương. Không ai chối cãi được rằng hắn ta là một quân nhân can trường, nhưng không ai ưa hắn. Có lẽ vì hắn không biết sợ là gì và thường chế nhạo những kẻ mà hắn gọi là đồ chết nhát.
Không hiểu tại sao hắn lại đặc biệt lưu ý đến tôi. Có lẽ vì vẻ trí thức của tôi. Cũng có thể vì tôi sợ dơ, sợ khó, sợ khổ. Tôi không biết, mà chỉ biết một điều là hắn đì tôi tối đa. Hắn hành hạ tôi khi ở hậu cứ cũng như ngoài mặt trận. ở hậu cứ, hắn bắt tôi làm những công việc nặng nhọc nhất, bẩn thỉu nhất. Ngoài chiến trường, hắn bắt tôi thi hành những nhiệm vụ nguy hiểm nhất. Những ngày quân ngũ của tôi là những ngày địa ngục! Vì hắn! Đáng lẽ tôi đã được biệt phái ngay từ năm đầu, nhưng tôi tin rằng chính hắn đã tìm cách ngăn chặn. Bởi thế, tôi chỉ mong hắn chết, và tôi không phải là người duy nhất mong muốn điều này, có lẽ chỉ ngoại trừ các sĩ quan vì hắn là người luôn luôn tình nguyện nhận lãnh những nhiệm vụ nguy hiểm nhất. Mỗi lần như vậy, hắn luôn luôn bắt tôi đi cùng vì hắn biết tôi rất ghét những việc đó.
Tôi biết hắn đang nghe những gì tôi nói với ông bây giờ, nhưng tôi cóc cần vì tôi chỉ nói với ông một sự thật giữa hắn và tôi. Một đêm, hắn được lệnh dẫn tiểu đội đột nhập đất địch làm công việc trinh sát. Dĩ nhiên hắn bắt tôi đi cùng vì hắn biết tôi rất sợ những công tác như vậy. Xui xẻo cho chúng tôi là có lẽ chúng tôi đã bị địch phát hiện từ đầu, nhưng chúng chờ cho tới khi chúng tôi đi thật sâu vào đất của chúng, chúng mới nổ súng.
Tiểu đội của tôi có tám mạng thì sáu bị bắn gục tại chỗ. Chỉ có hắn và tôi chạy thoát. Biết thế nào cũng bị chúng chặn hậu, trong đêm tối, tôi chạy thẳng vào vùng đất địch trước khi chạy về mé trái, hướng về một cánh rừng già, ngược chiều với hướng về đơn vị.
Trong đêm tối mịt mù tôi bị lạc. Sau khi đi lang thang trong bóng tối hàng tiếng đồng hồ, tôi té xuống một hố bom, đè lên một xác người. Hai Sơn! Nói là xác người thì không đúng vì hắn chưa chết, chỉ bị thương nặng và mất máu. Hắn dặn tôi nhớ kỹ địa thế nơi đó trước khi ra lệnh cho tôi lập tức trở về đơn vị, đưa người tới cứu hắn.
Sau khi được hắn chỉ đường, dù hai chân lết không muốn nổi, tôi cũng phải lập tức lên đường. Tôi không biết ông nghĩ sao về tôi vì sau khi tìm về đơn vị, tôi không nói với ai về Hai Sơn. Lúc đó tôi tự bào chữa rằng việc đưa hai y tá tới cứu hắn quả là một việc làm quá nguy hiểm. Có thể vì máu ra quá nhiều hắn đã chết rồi. Tôi không thể để ba mạng người phải hi sinh vì một xác chết. Tuy ngay hôm sau, một trung đội được lệnh tiến vào đất địch để giải cứu các đồng đội - thực tế là để lượm xác, nhưng không ai đi tới nơi tôi gặp Hai Sơn lần cuối. Mọi người cho rằng hắn đã bị bắt hoặc bị hạ sát.
Một thời gian khá lâu sau khi được biệt phái, tôi hiểu rằng linh hồn cuồng nộ của Hai Sơn vẫn đang tìm tôi, vẫn muốn cho tôi biết về sự hiện hữu của hắn. Vì lý do đó, tôi không bao giờ gặp gỡ những người có khả năng liên lạc với người chết. Nhưng rồi chính ông đã đem hắn lại với tôi bằng những mật mã của ông. Khi tôi rút sáu lá bài và ông đọc thành chữ Hai Sơn, tôi biết rằng tôi không còn hi vọng trốn chạy linh hồn cuồng nộ của hắn nữa. Trong trường hợp đó, tôi muốn biết hắn muốn nói gì với tôi. Và kể từ đêm đó, không đêm nào tôi rời khỏi mấy bộ bài. Tôi liên lạc với hắn.
Vĩnh ngưng lại. Vẻ mặt thật khổ sở. Khải đập tay lên bàn nói lớn:
- Ồ, làm gì có chuyện đó. Ông chỉ bị ám ảnh thôi. Có thể ông suy nghĩ về việc đó nhiều quá.
Vĩnh cười khô khan:
- Nếu ông không tin, ông hãy xào bài đi. Tôi sẽ quay lưng lại, lượm mấy lá bài. Rồi ông dùng mật mã của ông đọc thử xem tôi nói có đúng hay không.
Khải biết rằng cách chữa bệnh ảo tưởng tốt nhất là chứng minh rằng đó chỉ là ảo tưởng. Anh đồng ý:
- Được!
Trong khi Vĩnh quay lưng, Khải vừa xào bài vừa hỏi:
- Ông ta thường nói gì với ông?
Vĩnh lên tiếng với vẻ khó khăn:
- Những gì ông có thể đoán được. Đe dọa, đắng cay, xỉ vả, hận thù... đủ hết. Hắn không muốn ở đó một mình mà muốn tôi cùng tới đó để hắn có người ăn hiếp và hành hạ như xưa. Xong chưa? Tôi sẽ nhắm mắt khi lượm bài và ông đọc từng chữ khi tôi lật ngửa chúng.
Vĩnh rút khá nhiều lá bài và Khải lấy bút ghi vào một tờ giấy những gì những lá bài này “nói” qua mật mã của anh. Viết xong, Khải liếc nhìn và la lên một tiếng hãi hùng vì những chữ do chính tay anh viết là hàng chữ “Mày không chịu tới với tao thì tao tới với mày”.
Mấy hôm sau, người ta thấy Vĩnh ngồi chết trên ghế. Trên mặt bàn ngay trước mặt anh là một núi lá bài. Có lẽ Vĩnh đã biết trước những gì xẩy ra cho anh nên anh đã để lại mấy hàng chữ thật lớn trên bàn, yêu cầu không ai được đụng tới bất cứ vật gì cho tới sau khi Khải tới.
Buổi trưa, trước khi Khải bước vào căn hộ của Vĩnh, một người hàng xóm nói với anh:
- Có lẽ ông Vĩnh chết từ tối hôm qua vì bác sĩ nói rằng người ông ấy đã lạnh. Người ta đã đưa ông ấy đi rồi tuy mọi thứ trong nhà vẫn đâu ở đó. Hình như nửa đêm hôm qua có người tới gặp ông ấy thì phải. Người đó chắc là quân nhân mới từ mặt trận trở về, vì sáng nay tôi thấy mấy vết giầy sô dính đầy bùn trước cửa.
Khải bước vào, tim đập mạnh. Anh nhìn vào một hàng những lá bài lật ngửa. Qua mật mã của chính anh, Khải run lẩy bẩy sau khi đọc hàng chữ: “Mười hai giờ đêm nay. Hai Sơn”.