Teya Salat
Trang chủ

Đọc Truyện Online

Tuyển Chọn Tiểu Thuyết, Tình Cảm Hay Nhất

Tên em là bệnh của anh

Thực ra Cơ Quân Dã không cần lo Cơ Quân Đào sẽ không tự nhiên vì lúc này Đậu Đậu đang cực kì hào hứng kéo Cơ Quân Đào đi tham quan phòng của cậu. 

Trên nền nhà là các loại xe đồ chơi đủ loại kiểu dáng, từ máy ủi, cần cẩu đến xe tăng xe đua, loại nào cũng có cả. Đậu Đậu nằm bò xuống nền nhà khởi động từng chiếc cho Cơ Quân Đào xem. Cơ Quân Đào ngồi trên chiếc ghế nhỏ của Đậu Đậu, mặc dù không nói gì nhưng ánh mắt lại toát ra vẻ rất hứng thú. 

Cơ Quân Dã đứng ở cửa, lẳng lặng nhìn một lát rồi lại lặng lẽ lui ra ngoài. Anh trai quả thật cũng nên lập gia đình rồi, có một em bé rồi từ từ sẽ cảm nhận được sự vui vẻ của cuộc sống, nói không chừng căn bệnh cũng sẽ khỏi hoàn toàn. 

Hoài Nguyệt đeo tạp dề nấu nướng trong bếp, Cơ Quân Dã không giỏi món này nên chỉ đứng bên cạnh tán gẫu với cô. 

"Chị Lỗ, hôm nay chồng chị không có nhà à?" Cô nhớ lại, hình như trước giờ mình cũng chưa bao giờ thấy nam chủ nhân. 

"Tôi họ Thương, Thương Hoài Nguyệt, gọi tôi là Hoài Nguyệt là được rồi". Hoài Nguyệt vừa múc thức ăn trong nồi ra vừa nói: "Thỉnh thoảng tôi và Đậu Đậu lại tới đây nghỉ cuối tuần". Vì vẫn chưa thể coi là thân quen nên Hoài Nguyệt không hề muốn kể chuyện mình đã li hôn với người khác, càng không muốn Đậu Đậu là một em bé đáng thương trong mắt người khác. 

"OK, vậy chị gọi tôi là Tiểu Dã nhé, anh tôi cũng gọi tôi như vậy. Hoài Nguyệt, chị bao nhiêu tuổi rồi?" Tính cách Cơ Quân Dã rất tùy tiện, cơ bản không để ý rằng Hoài Nguyệt không hề trả lời câu hỏi của mình. 

"29". 

"Còn ít hơn tôi một tuổi". Cơ Quân Dã cười nói: "Chắc trước đây chồng chị theo đuổi chị rát lắm nên mới kết hôn sớm như vậy". 

Hoài Nguyệt cười nhạt: "Cũng không sớm lắm mà". 

Lúc cô kết hôn, Đặng Duyên Duyên đã mắng cô máu chó ngập đầu: "Lần đầu tiên yêu đã đánh bạc cả đời mình vào rồi, vừa ra khỏi cổng trường sẽ bước vào cuộc sống hôn nhân, chỉ có mấy con ngốc mới làm như vậy". 

Khi đó cô còn không phục: "Người mình nhìn trúng đầu tiên mới là tốt nhất. Bạn đi mua quần áo, lượn đi lượn lại mãi nhưng cuối cùng còn không phải vẫn trở lại mua bộ quần áo bạn thấy thích đầu tiên đó sao?" 

Sau đó, cô mới biết hôn nhân không phải quần áo, quần áo có chọn sai cùng lắm ném vào trong tủ là xong, hôn nhân chọn sai thì chính mình sẽ trở thành bộ quần áo bị ném vào trong góc tủ đó. 25 tuổi đã kết hôn, ngay cả thế giới bên ngoài như thế nào cô cũng không kịp nhìn một lượt, quả thật là quá sớm, quá ngốc. 

"So với chị thì tôi đúng là bà cô già rồi, gái ế gái ế! Nhìn thấy Đậu Đậu đáng yêu như vậy tôi cũng muốn cưới chồng rồi". Cơ Quân Dã cảm thán nói, "Có một em bé như vậy thật tốt, chồng chị nhất định cũng đẹp trai lắm!" 

Hoài Nguyệt dừng lại một chút rồi gật đầu, "Rất nhiều người đều nói rằng ngoại hình Đậu Đậu tương đối giống tôi. Có cần ra vườn hái ít đậu tằm ăn không?" 

Mỗi tuần cô mới trở về căn nhà liền kề này một lần. Trong tủ lạnh không hề có đồ ăn, may là buổi sáng có bà nông dân đi bán gà nhà mình nuôi, nghĩ đến chuyện Đặng Duyên Duyên suốt ngày la hét đòi ăn gà hầm cô làm nên đã mua một con. Nếu không bỗng dưng có thêm hai người đến ăn cơm thì thật sự sẽ không đủ ăn. Dù sao cô cũng xấu hổ không muốn ra ngoài mua thêm thức ăn khi có khách đến nhà, thôi thì hái thêm ít đậu ăn tạm cũng được. 

"Tốt tốt tốt, đậu vừa hái xong mùi vị luôn rất khác biệt". Cơ Quân Dã nói: "Để anh trai tôi mang Đậu Đậu đi hái đi, hai người đó có vẻ chơi rất hợp nhau đấy!" Chẳng mấy khi Cơ Quân Đào chịu vui vẻ chơi với trẻ con như vậy, Cơ Quân Dã cũng có tính toán của riêng mình. 

Hoài Nguyệt nghĩ đến lọ Bách Ưu Giải nhìn thấy trên bàn trà nhà Cơ Quân Đào hôm đó nên cũng gật gật đầu hiểu ý. Vì anh trai, cô em gái này cũng coi như là đã nghĩ đủ mọi cách rồi. Chỉ có điều mình sai khiến khách đến nhà như vậy hình như không ổn lắm, cứ để Cơ Quân Dã lên tiếng có lẽ sẽ tốt hơn. Cô còn đang suy nghĩ thì Cơ Quân Đào đã bế Đậu Đậu đi xuống tầng dưới. 

Thấy Đậu Đậu ôm cổ Cơ Quân Đào rất vui vẻ, Hoài Nguyệt không khỏi cảm thấy chua xót. Lỗ Phong luôn bận, thời gian ở bên con trai ít đến mức đáng thương. Mặc dù Đậu Đậu có sự thương yêu của ông bà nội và mình nhưng rốt cục nó vẫn là một đứa bé, cũng đến lúc cần có sự yêu thương chăm sóc của bố rồi. Thấy cậu bé thích chơi với Cơ Quân Đào như vậy Hoài Nguyệt chợt cảm thấy hơi hận Lỗ Phong. 

"Đậu Đậu xuống đi, chú bế lâu sẽ mệt đấy". Thấy Đậu Đậu có vẻ không tình nguyện, Hoài Nguyệt lại dỗ dành: "Giúp mẹ ra vườn hái đậu tằm được không? Cô Cơ muốn ăn đậu Đậu Đậu hái!" 

Nghe vậy Đậu Đậu lập tức trượt từ trên người Cơ Quân Đào xuống, vừa kêu tốt vừa chạy vào bếp lấy một cái rổ đi ra rồi kéo tay Cơ Quân Đào đi ra ngoài, "Chú Cơ cũng đi đi, cô giáo nói yêu lao động mới là bé ngoan". 

Cơ Quân Đào ngoan ngoãn để cậu bé kéo ra ngoài, quay lại nghiêm túc hỏi Hoài Nguyệt: "Cần hái bao nhiêu?" 

Cơ Quân Dã bên cạnh nói: "Hái nhiều một chút, Hoài Nguyệt, lát nữa tôi mang một ít về nhà để tối ăn được không? Đậu nhà chị ngon quá". Quan trọng hơn là Cơ Quân Đào chơi với Đậu Đậu vui vẻ như vậy, cô hi vọng họ có thể chơi với nhau thêm một lát. Mặc dù vẻ mặt anh trai vẫn trầm tĩnh trước sau như một nhưng Cơ Quân Dã vẫn nhìn thấy ánh sáng từ đáy mắt anh ta. 

Cơ Quân Đào nhìn em gái với vẻ trách cứ, tại sao lại tự biên tự diễn trong nhà người ta như thế chứ. 

Hoài Nguyệt thì lại thích loại tính cách hào sảng của Cơ Quân Dã này, rất giống Đặng Duyên Duyên, cô cười nói: "Nếu như Cơ tiên sinh không sợ vất vả thì cứ hái hết cũng được, sang tuần sau là đậu sẽ già hết, ăn không ngon nữa". 

Đây là lần đầu tiên Cơ Quân Đào hái đậu. Anh ta không hề biết thì ra một cây đậu có thể ra được nhiều quả như vậy, từng chùm từng chùm từ gốc đến ngọn nhìn rất thích mắt. Cơ Quân Đào muốn ngắt chùm đậu xuống khỏi thân cây nhưng làm thế nào cũng không đứt được cuống đậu. Đậu Đậu đứng bên cạnh rất có trách nhiệm chỉ đạo anh ta: "Chú Cơ, ngắt như vậy không được đâu, chú cứ xé xuống bên dưới là được". 

Anh ta thử một chút, quả nhiên không vất vả gì đã ngắt được một chùm, liền hỏi: "Đậu Đậu giỏi thật đấy. Ai dạy cháu vậy?" 

"Mẹ cháu. Mẹ còn nói lúc hái phải bóp quả đậu một chút, nếu thấy mềm thì không được hái vì quả đó vẫn còn chưa lớn". Đậu Đậu cầm tay Cơ Quân Đào bóp đậu, bàn tay trắng nõn mũm mĩm rất mềm rất mềm. Cơ Quân Đào thương yêu chỉnh lại chiếc mũ lưỡi trai về phía trước cho Đậu Đậu sợ cành lá đậu tằm làm bị thương mặt cậu bé. Đậu Đậu quay sang cười với anh ta rất vui vẻ. 

"Bình thường Đậu Đậu thích ăn cái gì nhất?" Cơ Quân Đào nghĩ thầm, hai anh em mình đến ăn chực nhà người ta thì ít nhất cũng phải mua thứ gì đó cho con người ta mới không bất lịch sự. 

Đậu Đậu nghiêng đầu nghĩ hồi lâu rồi nói: "Cơm". 

Cơ Quân Đào bật cười, "Còn gì nữa?" 

"Sườn xào chua ngọt mẹ nấu". 

"Còn gì nữa?" 

"Cà om tương mẹ nấu". 

"Còn gì nữa?" 

"Hạt dưa mẹ rang". 

Cơ Quân Đào cảm thấy bất lực, lại hỏi: "Còn đồ ăn vặt? Đậu Đậu thích ăn loại quà vặt gì? Sô cô la thì sao?" 

"Cháu không ăn sô cô la, mẹ mới thích ăn sô cô la". Đậu Đậu nghiêm trang nói, "Cháu không ăn quà vặt, mẹ nói trẻ con ăn quà vặt không ăn cơm sẽ không cao được, con trai phải cao thì mới xinh trai. Cháu thích ăn cơm". 

Cơ Quân Đào đành phải nói: "Đậu Đậu đúng là một bé ngoan, thế bình thường cháu thích đồ chơi gì?" 

"Chơi ô tô", Đậu Đậu nói, "Cháu có hơn một trăm cái xe, mẹ nói có thể mở triển lãm rồi, sau này không được mua thêm nữa, lãng phí quá". 

"Ngoài ô tô cháu còn thích cái gì nữa?" Cơ Quân Đào hầu như sắp bị đứa bé này đánh bại rồi, gặp một đứa bé đao thương bất nhập như thế khiến anh ta quả thực không biết phải làm thế nào. 

"Còn thích vẽ tranh nữa". Đậu Đậu nói, "Chú Cơ, lần sau cháu mang tranh cháu vẽ tới cho chú xem, cháu để ở bên nhà bà nội hết rồi". 

Cơ Quân Đào vui mừng hỏi: "Thật sự thích vẽ tranh à? Thích vẽ kiểu gì?" Hỏi xong chính anh lại cười trước, một em bé nhỏ như vậy, chẳng lẽ còn phải hỏi nó thích tranh sơn thủy hay là tranh sơn dầu? 

"Thứ sáu ở trường, bọn cháu thường vẽ nhà, vẽ hoa, vẽ mặt trời, cháu còn vẽ cả mẹ đứng ở cửa nữa. Lý Gia Dĩnh nói cháu vẽ không giống nhưng cô giáo lại khen cháu, cho cháu hai lá cờ năm sao". 

"Lát nữa chú cũng vẽ cho cháu một bức tranh được không? Đậu Đậu thích vẽ cái gì?" 

Đậu Đậu suy nghĩ một chút rồi nói: "Vẽ hái đậu được không?" 

"Được!" Cơ Quân Đào khẽ thở phào một hơi. 

Mặc dù hai bên không phải rất quen thuộc nhưng nhờ có Đậu Đậu nên bữa cơm này rất thoải mái vui vẻ. Đậu Đậu vừa ăn vừa nói không dừng miệng chút nào. Hoài Nguyệt không hề ngăn cản cậu bé, thậm chí trong lòng cô còn hết sức biết ơn anh em nhà họ Cơ, vì trong nhà có khách nên Đậu Đậu tỏ ra cực kì vui vẻ. 

Cơ Quân Dã thấy Đậu Đậu ăn rất nhanh, cứ một thìa cơm lại một thìa thức ăn liền nói: "Cô thấy có những bạn nhỏ không chịu ăn gì cả. Mẹ phải bưng bát cơm dỗ dành, con chạy trước mẹ chạy sau rất là vất vả. Đậu Đậu tự ăn cơm giỏi thật, cũng không làm rơi hạt cơm nào cả". 

Hoài Nguyệt nhìn con trai bằng ánh mắt trìu mến, cô đưa tay lau vệt nước canh bên miệng cậu bé rồi nói: "Bình thường Đậu Đậu của chúng ta không ăn quà vặt gì, lúc đói chỉ ăn cơm thôi. Khi còn bé bón cơm cho cháu nếu trong thìa nhiều thức ăn mà ít cơm một chút thì cháu nhất định sẽ không ăn, chỉ la hét đòi ăn cơm, nhất định phải bón thêm một thìa cơm trắng mới chịu nghe". 

Cơ Quân Đào nhớ tới cuộc đối thoại với Đậu Đậu khi nãy, nghĩ thầm quả nhiên là như vậy, anh ta không khỏi mỉm cười nhìn Đậu Đậu đang ngồi đối diện. 

Hoài Nguyệt gắp một miếng gà hầm vào bát Đậu Đậu rồi nói tiếp: "Buổi tối mà đói thì cháu cũng luôn đòi ăn cơm chứ không giống những em bé khác chỉ cần vài cái bích quy hay bánh mì ăn tạm cho đỡ đói là được. Có lúc trong nhà không còn cơm nguội, ông nội bà nội cháu sốt ruột đến mức phải sang nhà hàng xóm xin cơm. Đúng là một cái thùng cơm nhỏ. Tôi cũng lo cháu nó ăn nhiều quá lại béo, may là cháu được di truyền gien ăn mà không béo". 

Cơ Quân Dã nhìn Hoài Nguyệt mảnh dẻ thanh tú, nói: "Tôi hâm mộ chết đi được, tính tôi thích nhất là ăn đồ ngon uống rượu ngon, nhưng cứ ăn vào là béo ngay, mà đã béo là béo mặt làm hại tôi cứ ăn thoải mái một bữa lại phải ăn đói hai ngày. Tôi thường nói nếu mà đổi được cho anh tôi thì tốt thật, đàn ông có béo một chút cũng không sao nhưng anh ấy thì cứ gầy như vậy. Hoài Nguyệt, hôm nay chị nấu ăn ngon như vậy, ngày mai tôi lại phải nhịn đói để giảm cân rồi". 

Hoài Nguyệt hé miệng cười, nói: "Có thể chị đã quen ăn uống bên ngoài nên thỉnh thoảng ăn bữa cơm nhà nấu sẽ cảm thấy lạ miệng, nếu bữa nào cũng ăn thì lại thấy chán ngay". 

Cơ Quân Dã nhìn đồ ăn trên bàn, gà đất hầm, cà om tương, sốt đậu phụ nấm và đậu tằm xào, lại nhìn bát cơm đen trên tay mình, cảm thán nói: "Chồng chị đúng là may mắn, riêng bát cơm đen này đã có nhiều gia vị như vậy rồi. Đậu Hòa Lan, dưa muối, dăm bông, măng sợi, nhìn đã thấy ngon miệng rồi. Chị còn ít hơn tôi một tuổi mà sao lại biết nấu bao nhiêu món như vậy nhỉ". 

Hoài Nguyệt dừng lại một chút rồi nói: "Thực ra trước đây tôi cũng không biết nấu mấy món này, sau khi sinh Đậu Đậu mới để ý học nấu ăn vì muốn để cháu được ăn ngon một chút. Tôi còn để ý đến những ngày lễ tết, muốn cho cháu biết thêm một chút, được thể nghiệm thêm một chút, như vậy cuộc sống của cháu sẽ vui vẻ hơn". 

Cơ Quân Dã gật đầu, "Hoài Nguyệt, chị đúng là một người mẹ tốt". 

"Tấm lòng của người làm mẹ đều giống nhau mà". Hoài Nguyệt ngại ngùng cười cười, ánh mắt ấm áp nhìn con trai với vẻ cưng chiều. 

Cơ Quân Đào nhớ tới mẹ mình, bà cũng từng nhìn mình với ánh mắt như vậy, đẹp như vậy, dịu dàng như vậy. 

Đậu Đậu ăn cơm xong rất nhanh, cậu bé nhảy xuống ghế đi lấy bút chì và giấy vẽ trong cặp sách ra mang tới bên cạnh bàn trà nhìn Cơ Quân Đào ăn cơm với vẻ chờ mong. 

Cơ Quân Đào ăn không nhiều, có điều lại ngại không muốn buông đũa trước, vừa thấy dáng vẻ của Đậu Đậu liền hiểu rõ ý cậu bé. Anh ta vẫy tay với Đậu Đậu, nói: "Nào, để chú vẽ tranh cho cháu". 

Cơ Quân Dã giật mình nhìn anh trai, Cơ Quân Đào vờ như không thấy, nói với Hoài Nguyệt: "Hôm nay đúng là mạo muội, tạm thời không nghĩ ra có thể tặng Đậu Đậu thứ gì, tôi vẽ cho cháu một bức tranh vậy". 

Hoài Nguyệt gật đầu nói: "Đậu Đậu rất thích vẽ tranh, trên tường nhà bà nội toàn là các tác phẩm của cháu, may là ở đây cháu còn chưa vẽ lung tung khắp nơi". Cô không hề để ý chuyện Cơ Quân Đào nói sẽ vẽ tranh cho Đậu Đậu, bởi vì chính cô cũng thường cùng vẽ tranh với Đậu Đậu. 

Cơ Quân Đào cẩn thận đặt tờ giấy vẽ lên trên đầu gối, chỉ vài nét bút đã hoàn thành một bức tranh đen trắng. 

Đậu Đậu bên cạnh há hốc miệng, Hoài Nguyệt đi tới nhìn, bức tranh này là "Đậu Đậu hái đậu", tuy chỉ có vài nét bút nhưng dáng vẻ Đậu Đậu lại nổi bật trên tờ giấy, thần thái hết sức sinh động khiến mọi người cảm thấy còn giống hơn cả ảnh chụp. Hoài Nguyệt không khỏi cảm thán: "Thì ra Cơ tiên sinh vẽ tranh tốt như vậy!" 

Cơ Quân Đào cười nhạt nói: "Cho Đậu Đậu chơi thôi mà. Đậu Đậu thích không?" 

Đậu Đậu ra sức gật đầu nói: "Thích, chú Cơ, chú vẽ đẹp y như cô giáo Ngô của cháu". 

Nghe vậy Cơ Quân Dã lập tức sặc một ngụm canh, hồi lâu sau mới bật ra được một câu: "Đậu Đậu, cháu đúng là biết cách khen người khác đấy, hôm nay chú Cơ nhất định sẽ rất vui vẻ!" 

Cơ Quân Đào không thèm để ý đến lời chọc ghẹo của em gái, mỉm cười nhìn Đậu Đậu, "Lần sau chú dạy cháu vẽ tranh được không?" 

Đậu Đậu lại ra sức gật đầu làm ba người lớn không nhịn được cười. 

Lúc về đến nhà Cơ Quân Dã không nhịn được nữa cất tiếng cười to: "Công tử Quân Đào danh chấn giới hội hoạ lại được khen vẽ đẹp như cô giáo trường mầm non. Anh, có lẽ đây là lời bình kinh hãi người đời nhất anh từng nhận được từ trước tới giờ, nhỉ?". 

Xem ra không chỉ là Đậu Đậu mà ngay cả bà mẹ kia cũng không biết đại danh của Cơ Quân Đào, nhìn thấy hai chữ Quân Đào anh trai đề trên bức tranh theo thói quen mà cũng không chút động lòng. Đúng là thú vị. 

Chiều thứ hai, Cơ Quân Đào có lịch giảng dạy tại Viện mĩ thuật. Vì một thời gian dài ngủ không ngon nên buổi sáng anh ta thường dậy muộn, thông thường thì phải ăn xong bữa sáng kiêm bữa trưa rồi mới đến trường. Số lần đã đến phòng triển lãm tranh vào buổi sáng như hôm nay quả thực là cực kì ít ỏi. 

Cơ Quân Dã đang cầm cốc ngồi uống cà phê đen trợn mắt nhìn anh trai một hồi lâu mới phản ứng lại được. Cơ Quân Đào cau mày nói: "Uống nhiều cà phê đen như vậy không sợ dạ dày không chịu được à? Nếu buồn ngủ quá thì về ngủ đi". 

"Sắp mở triển lãm tranh đến nơi rồi, có bao nhiêu là việc cần làm. Vất vả lắm mới thuyết phục được bố mang các tác phẩm bố vẽ mấy năm nay ra, không thể để lần triển lãm này thất bại được". Cơ Quân Dã vừa tìm cốc pha trà cho anh trai vừa nói, "Hôm qua đến quán bar Vân Vân, đã lâu không đến nên về muộn một chút, hơn ba giờ sáng mới ngủ. Hôm nay mắt sưng hết cả lên, đúng là hối hận". 

Cơ Quân Đào buồn cười nhìn cô một cái, "30 tuổi rồi mà cứ như mới 3 tuổi ấy, anh thấy lo thay cho A Thích, sau này vợ kêu con khóc không biết nó sẽ sống thế nào được. Trưa nay, anh hẹn nó cùng đi ăn cơm, nhân tiện bàn luôn chuyện cưới xin cho xong". 

Cơ Quân Dã lắc đầu liên tục, nói: "Em với A Thích đã thống nhất rồi, anh còn chưa cưới thì bọn em cũng sẽ không cưới. Nếu anh thương em không muốn em thành gái già thì tìm một bà chị dâu về cho em đi". 

Cơ Quân Đào nhấp một ngụm trà, trầm mặc nhìn một bức thư pháp trên tường văn phòng chằm chằm: "Dã độ vô nhân châu tự hoành". Không có kí tên nhưng anh ta có thể nhận ra đó là chữ của mẹ, nho nhã mềm mại, chữ cũng như người. Mẹ để lại không nhiều thư họa, tất cả đều được anh ta cất kỹ trong phòng vẽ. Nhưng đây là lần đầu tiên anh ta nhìn thấy bức thư pháp này. 

"Bố kẹp trong các tác phẩm đưa ra triển lãm lần này mang tới đây". Cơ Quân Dã nhẹ giọng nói, "Phòng triển lãm này là tâm huyết của mẹ, em muốn giữ lại một tác phẩm của mẹ ở đây. Lát nữa em dặn người treo nó lên trong văn phòng anh". 

"Anh cũng chẳng mấy khi đến đây, cứ treo ngoài này đi. Bức thư pháp này mẹ viết bao giờ?" Cơ Quân Đào hỏi. Mấy năm cuối cùng, mẹ bị bệnh trầm cảm hầu như không động đến bút, nhưng qua bút pháp có thể nhận ra đây là một tác phẩm thời kì sau. 

"Em đã hỏi bố rồi nhưng bố không nói". Cơ Quân Dã lén liếc mắt nhìn anh trai. 

Tác phẩm tiêu biểu "Trừ Châu tây giản" của nhà thơ đời Đường Vi Ứng Vật viết: "Chỉ thương nhánh cỏ sống bên khe, trên cây có chim vàng anh hót. Xuân triều mang mưa xuân đến muộn, bến hoang không người đò quay ngang". Cả bài thơ mượn cảnh tả tình, có thẻ cảm nhận được lòng dạ không màng danh lợi và tâm trạng buồn bã của thi nhân. Có điều, khi viết câu này thì tâm tình của mẹ như thế nào? 

Cơ Quân Đào sầm mặt không nói gì, trong lòng ngổn ngang như tơ vò. 

"Anh, nhân tiện hôm nay anh đến đây thì xem xem mấy bức em chọn giúp anh thế nào. Anh thấy nên để cùng tranh của bố hay là..." Thấy sắc mặt anh ta không vui Cơ Quân Dã vội dừng lại. 

"Em muốn làm thế nào thì làm". Hiển nhiên Cơ Quân Đào không hề để ý. 

Nếu không phải Cơ Quân Dã cứ nhất quyết yêu cầu thì anh ta sẽ không đồng ý tham dự lần triển lãm tranh này. Bố anh ta, Cơ Trọng Minh đã chìm đắm trong giới hội hoạ vài chục năm, là một nhân vật hết sức quan trọng trong giới hội hoạ. Bây giờ ông ta từ từ lạnh nhạt với giới hội hoạ nhưng ngoại giới lại càng đổ xô vào săn đón các tác phẩm của ông ta, có thể nói tấc giấy tấc vàng. Lần triển lãm tranh này đã hấp dẫn rất nhiều nhà đầu tư, đồng nghiệp và những người yêu thích quốc hoạ trong và ngoài nước. 

Lúc đầu, Cơ Quân Dã nảy ra ý định tổ chức triển lãm tác phẩm của cha con nhà họ Cơ tại phòng triển lãm này nhưng cả hai cha con đều đồng thanh phản đối. Sau đó, không biết Cơ Quân Dã làm thế nào thuyết phục được bố, nhưng điều kiện duy nhất Cơ Trọng Minh đưa ra là tác phẩm của Cơ Quân Đào phải chiếm một phần ba trở lên. Cơ Quân Đào biết ý bố là muốn dìu dắt mình nhưng trong nội tâm anh ta không hề muốn nhận được loại dìu dắt này. Mấy năm nay, chuyện duy nhất anh ta muốn làm chính là vứt bỏ lối vẽ của bố, tránh ra càng xa càng tốt. 

"Làm sao mà có thể mặc kệ hết mọi việc như vậy được? Đừng quên nhé, phòng triển lãm này là mẹ để lại cho anh đấy, em chỉ quản lý giúp anh mà thôi". Cơ Quân Dã không vui, nói, "Cho dù lúc đầu em mặt dày ép anh mang tác phẩm của anh ra nhưng anh cũng không thể thật sự đứng nhìn một mình em vất vả như thế chứ. Mấy ngày nay em đã già hơn bao nhiêu rồi đấy, da dẻ cũng khô hết cả rồi". 

Mấy năm nay, Cơ Quân Đào vẽ tranh thường thường bỏ dở nửa chừng, các tác phẩm càng vẽ càng u ám. Khi đó cô nói phải mạo hiểm một lần làm triển lãm tranh để ép Cơ Quân Đào đưa ra trạng thái của mình, buộc anh ta thoát ra khỏi trạng thái không tự tin sau một thời gian dài mắc bệnh trầm cảm. Vốn kiên quyết không đồng ý nhưng sau khi nghe vậy, bố cô đã đồng ý không chút do dự. Cô biết mặc dù nói là đã thoát khỏi hồng trần nhưng trong lòng bố trước sau vẫn lo lắng cho Cơ Quân Đào. 

Thấy em gái nổi giận, Cơ Quân Đào chỉ cúi đầu uống trà không nói. 

Ông ngoại anh ta là phú thương Singapore, dù rất nhiều con cái nhưng lại chỉ có mẹ anh ta là con gái nên bà luôn được nâng niu như hòn ngọc quý trên tay, cầm kỳ thi họa môn nào cũng tốn rất nhiều tiền mời thầy giỏi hết lòng chỉ bảo. Trong một lần về nước du lịch mẹ anh ta đã gặp Cơ Trọng Minh, khi đó mới lộ tài năng trong giới hội hoạ. Tài tử giai nhân vừa gặp đã yêu, viết nên một đoạn giai thoại trong giới văn nghệ sĩ. 

Ai ngờ bản tính tài tử phong lưu trăng gió khắp nơi, nền giáo dục truyền thống của gia đình được tiếp nhận từ thuở nhỏ đã gò bó mẹ anh, cả đời bà đều cố gắng duy trì một loại giả tượng hai vợ chồng vẫn quý nhau như khách, dùng loại giả tượng này lừa gạt con cái, lừa gạt bố mẹ anh em, thậm chí lừa gạt cả chồng mình. Cho đến khi bà tự sát vì bệnh trầm cảm thì Cơ Trọng Minh mới vừa kinh hoàng vừa hối hận không thôi nhưng tất cả đều đã quá muộn. 

Phòng triển lãm này do ông ngoại đầu tư xây dựng, ý định ban đầu là để con gái vốn yêu thích thư họa được ngắm nhìn mỗi lúc nghỉ ngơi, không ngờ cuối cùng lại trở thành cọng rơm cứu mạng giúp mẹ trốn tránh hiện thực và khép kín nội tâm mình. Đặc biệt là sau khi con bà đã trưởng thành thì hầu như bà đã dồn toàn bộ tâm huyết vào đây nên cũng rất có danh tiếng trong giới thư họa. 

Sau khi mẹ qua đời, phòng triển lãm được mang tên anh ta, anh ta không thích kinh doanh cho nên trước giờ vẫn do Cơ Quân Dã lo liệu. Cơ Quân Dã không hề theo truyền thống gia đình, cô học đại học ngành quản lý kinh tế, trong tay cô phòng triển lãm cũng phát triển rất tốt. Anh ta biết thực ra em gái chỉ tận tâm vì mẹ mà thôi, nếu không một gia đình như gia đình họ, trong nhà có rất nhiều tranh cổ, các tác phẩm của bố, di sản của mẹ, còn có cổ phần công ty của mấy ông cậu mà ông ngoại đã tặng, cho dù có tiêu xài mấy đời cũng không hết. Một cô gái như cô cần gì phải vất vả như vậy. 

"Được rồi được rồi, đừng có xịu mặt xuống nữa. Em không nên nổi cáu thế, anh là Cơ Quân Đào, nếu đám fan nữ của anh đó biết em bắt nạt anh thì chắc chắn sẽ không bỏ qua cho em". Cơ Quân Dã cười cười cầm chiếc cốc trên tay anh trai mang đi lấy thêm nước. 

Chính cô cũng không biết vì sao, rõ ràng anh trai hơn mình nhiều tuổi như vậy nhưng trong lòng mình vẫn luôn có cảm giác thương hại anh ta. Từ nhỏ mỗi khi cô chơi đùa thì anh ta vẫn lẳng lặng vẽ tranh, mỗi khi trên người cô đầy mồ hôi và bùn đất thì anh ta vẫn sạch sẽ thơm tho. Cô biết anh ta từng khóc thầm rất nhiều lần nhưng trước mặt mẹ, anh ta vĩnh viễn giữ được nụ cười điềm đạm. 

Trước kia cô luôn nghĩ, nếu như anh ta không phải anh trai mình thì cô nhất định sẽ còn yêu anh ta điên cuồng hơn các cô gái thầm thương trộm nhớ anh ta, vì sự tài hoa của anh ta, vì sự dịu dàng của anh ta, thậm chí vì cả sự đau khổ của anh ta. Sau đó cô mới biết, có lẽ anh thật sự không phải anh trai của chính mình. 

Một ngày khi cô được 17 tuổi bố cô đã mang cô đi dự tang lễ của một phụ nữ, ông nói với cô người đang nằm trong quan tài kia là mẹ đẻ của cô. Trong lễ tang, cô đột nhiên không thể không nghĩ đến việc rốt cục mình có phải con đẻ của bố không. Trong cái nhà này, mặc dù bố cô thường không ở nhà nhưng mẹ và anh trai đều luôn rất thương yêu cô khiến cô chưa bao giờ nghi ngờ mảy may gì về huyết thống của mình. 

Tuy nhiên chân tướng làm cô hoang mang, cô vội vã muốn chứng minh cho hai mẹ con này thấy mình và họ không phải không có quan hệ gì. Cô ép bố cô đi làm xét nghiệm huyết thống, bố cô do dự. Vì bố do dự nên cô càng hoang mang, càng sốt ruột, cuối cùng bị cô ép quá nên bố cô rốt cục cũng đồng ý. 

Đó là lần đầu tiên cô thấy mẹ nổi giận với bố, cũng là lần duy nhất. Người mẹ vẫn luôn xinh đẹp và thanh nhã lúc đó quần áo còn không chỉn chu đã chạy từ trên tầng xuống vung tay cho bố một bạt tai: "Tiểu Dã là con nhà họ Cơ chúng ta, không cần chứng minh. Đứa con tôi tự tay nuôi lớn từ bé, tôi chứng minh là quá đủ rồi". 

Cô khóc nức nở trong lòng mẹ, từ đó khăng khăng một mực làm con gái bà, làm em gái Cơ Quân Đào. Một người mẹ, một người anh bao dung và lương thiện như vậy là may mắn người khác có tu mấy đời cũng chưa chắc đã có được. 

Cơ Quân Dã ngồi xuống sofa bên cạnh Cơ Quân Đào đưa tay giúp anh trai chỉnh lại mấy sợi tóc rối. Chuyện cô không thể tha thứ cho mình nhất trong cuộc đời này chính là chuyện mẹ tự sát. Khi đó cô và A Thích đang giai đoạn mặn nồng tình chàng ý thiếp, nhân lúc mẹ ngủ trưa cô trốn ở trong phòng nấu cháo điện thoại, không ngờ đúng lúc đó mẹ đã nhảy từ trên lầu xuống. 

Đứng trước di thể của mẹ, nhìn Cơ Quân Đào với mặt ngoài bình tĩnh nhưng trong mắt lộ rõ sự tuyệt vọng và sụp đổ, cô lấy hạnh phúc cả đời của mình để thề phải thay mẹ chăm sóc anh trai cho thật tốt. Cũng chính hôm đó cô và A Thích đã ước định, trước khi chị dâu vào cửa thì hai người quyết không kết hôn. 

Bây giờ cô đã nhìn thấy rạng đông, vì lần triển lãm tranh này Cơ Quân Đào đã lấy lại được hứng thú và lòng tin. Vẽ mới cũng được, hoàn thiện những bức dở dang cũng tốt, dù sao cũng đã bước được một bước dài. Cô còn đòi hỏi gì nữa chứ? Mẹ ở trên trời chắc cũng sẽ rất vui. 

"Anh, mấy hôm trước vẽ ngày vẽ đêm chắc anh mệt lắm rồi đúng không? Có cần ra ngoài giải sầu không?" 

Cơ Quân Đào lắc đầu: "Thức đêm suốt thì cũng mệt thật, nhưng giờ dạy ở trường không thể muốn nghỉ thì nghỉ được". Anh ta đột nhiên nhớ tới cảnh Thương Hoài Nguyệt và Đậu Đậu nơm nớp lo sợ tới nhà thăm mình hôm đó và cảnh Thương Hoài Nguyệt ngẩn người nhìn chằm chằm lọ thuốc trên bàn. Lúc đó, mình đã một ngày một đêm không ngủ, dáng vẻ chắc chắn rất ủ rũ, chắc là người ta đã coi mình như người bệnh thần kinh rồi. 

"Đã biết là anh không nỡ xa đám nữ sinh của anh mà". Cơ Quân Dã trêu chọc, "Đi, đi xem hai học trò đó của anh, hôm nay cả hai đều đến đây. Cô bé tiểu Cẩm đó ngoại hình thật là xinh đẹp, tràn ngập sức sống, quả thực là một ngọn lửa. Em thấy cô ấy đến làm thuê chỉ là để tiếp cận anh thôi, điều kiện gia đình rất tốt mà nhất định phải đi làm thêm, không phải đã quá rõ ràng rồi sao? Anh chẳng mấy khi đến đây nên rõ ràng là nó thất vọng lắm. Thế nào, có cảm giác gì không?" 

Cơ Quân Đào nghiêm mặt nói: "Càng nói càng không ra gì. Nếu thật như vậy thì lập tức cho cô ấy nghỉ việc đi". 

Thấy anh ta tức giận, Cơ Quân Dã không dám nói đùa nữa, nhớ tới một việc khác, cô vội nói: "Hai ngày trước Vân Vân hỏi em, cô ấy có người bạn mới khai trương nhà hàng, muốn có một bức tranh của anh để treo ở tiền sảnh, không biết anh có thể..." 

"Thích bức nào ở triển lãm lần này thì mua bức ấy là được". Cơ Quân Đào lạnh nhạt liếc cô, "Phòng triển lãm không duy trì được nữa hay sao mà ép anh phải làm việc vất vả như vậy?" 

"Đương nhiên là người ta muốn mới anh vẽ riêng cho một bức". Cơ Quân Dã khó xử nói: "Chẳng mấy lúc Vân Vân nhờ vả, nể mặt cô ấy đã dành tình cảm cho anh ngần đấy năm, anh chịu khó một chút đi. Nếu không cô ấy sẽ cho rằng anh ghen nên không chịu vẽ cho người ta! Nếu thật sự như vậy thì kể ra cũng vui". 

Thấy em gái cười bí hiểm, Cơ Quân Đào thở dài: "Hỏi một chút xem người ta muốn vẽ cái gì, anh xem có tìm được bức vẽ dở nào hoàn thiện nốt hay không!" 

Cơ Quân Dã gật đầu, "Anh, phong cách của anh cách phong cách của bố càng ngày càng xa, cũng càng ngày càng tốt, một ngày nào đó anh sẽ vượt qua bố". 

"Tiểu Dã, những thứ này đều là hư vô, có vượt qua hay không cũng không có ý nghĩa gì". Cơ Quân Đào cô đơn nhìn xuống dưới lầu thấy cô học trò tiểu Cẩm của mình đang đứng trong đại sảnh chào tạm biệt một đôi vợ chồng tới mua tranh. Anh hơi giật mình, cảm thấy người đàn ông đó nhìn có vẻ quen mắt. 

Tiểu Cẩm đưa chân khách về quay lại thấy thầy giáo đang đứng trong đại sảnh thì cực kì vui mừng, cô chạy tới lễ phép chào nhưng không nỡ quay đi, nghĩ đến hai vợ chồng vừa về đó liền tìm được câu chuyện làm quà: "Thật sự chưa từng thấy người phụ nữ nào khó tính như vậy, lúc thì muốn mua chữ, lúc thì muốn mua tranh, lúc thì thích sơn dầu, lúc lại thích quốc hoạ. Em thấy chồng chị ta có vẻ cũng không chịu nổi chị ta, đứng bên cạnh mấy lần định hút thuốc lá nhưng đều bị tiểu Trần ngăn lại". 

Cơ Quân Dã vỗ vỗ vai cô nói: "Đã làm ở đây hơn một năm rồi, còn chưa từng thấy loại người thích học làm sang à? Làm gì mà kích động thế!" 

Tiểu Cẩm lén liếc nhìn Cơ Quân Đào, đỏ mặt nói: "Chẳng qua là em tức quá thôi. Chồng chị ta thích bức "Ánh trăng" đó của thầy Cơ nhưng người phụ nữ đó lại nổi cáu nói năng vô lễ, tiểu Trần cũng tức giận đến mức định đuổi chị ta ra ngoài". 

Cơ Quân Đào không nhớ nổi mình có tác phẩm treo ở đây bao giờ, nghi hoặc quay sang phía em gái. 

Cơ Quân Dã vội cười cầu tài: "Em lấy từ trong phòng tranh của anh ra, cảm thấy cũng không tồi. Dạo này không có nhiều quốc hoạ cao cấp, bức đó tốt xấu cũng có thể treo lên được. Người này đúng là thật tinh mắt, bức họa đó không lớn, treo trong phòng sách thì rất hợp. 

Cơ Quân Đào không hề để ý, trong phòng vẽ của anh ta có bao nhiêu bức chính anh cũng không rõ. Lúc hứng lên thì vẽ vài nét, lúc hết hứng thú lại ném sang một bên. Từ khi mắc bệnh trầm cảm, nhiệt tình đối với hội họa trong lòng anh giảm xuống rõ rệt. Giờ đây, mặc dù bệnh tình đã ngày càng chuyển biến tốt nhưng anh vẫn rất ít khi coi trọng thứ gì. 

"Người phụ nữ đó nhất định không chịu lấy, sau đó mua một bức tranh sơn dầu của thầy Trương", tiểu Cẩm tức giận nói, "Không hiểu mắt mũi kiểu gì!" 

"Tiểu Cẩm!" Cơ Quân Dã bất mãn ngắt lời, "Bức tranh nào được đưa vào phòng triển lãm của chúng ta cũng đều là tranh tốt, chú ý đến cách dùng từ của cô!" 

Tiểu Cẩm le lưỡi cười rồi lại lén nhìn Cơ Quân Đào. 

"Người phụ nữ đó là vợ ông ta à?" Cơ Quân Đào đột nhiên hỏi. Anh ta đã nhớ ra, người đàn ông này là bố của Đậu Đậu, buổi chiều chủ nhật trước anh ta nhìn thấy người này lái xe tới đón hai mẹ con nhà hàng xóm đó. Đậu Đậu gọi bố rất to, bà Lỗ tên là Thương Hoài Nguyệt kia cười tít mắt cùng con trai ngồi lên xe. 

"Đương nhiên là vợ, em còn nghe thấy ông ta gọi điện thoại cho bạn, hình như phải dẫn vợ tới dự tiệc". Tiểu Cẩm đáp, thấy ngạc nhiên vì thầy giáo mình lại thấy hứng thú với quan hệ vợ chồng của người ta hơn cả với tác phẩm của chính mình. 

Cơ Quân Đào a một tiếng, quay sang xem mấy bức tranh trên tường. Cơ Quân Dã cũng cảm thấy kì lạ, vừa há mồm định hỏi, thấy sắc mặt anh ta lạnh lùng liền biết điều ngậm miệng lại. 

Tiểu Cẩm không nghĩ tới buổi chiều hôm sau người đàn ông gọi là Lỗ Phong kia lại đến. Ngoại hình người đàn ông này cũng sắp sánh kịp thầy giáo Cơ của cô rồi, chỉ có điều bình thường thầy Cơ luôn tỏ ra nhún nhường, đằng sau sự mềm mỏng đó rõ ràng là sự xa cách. 

Ở trường, cô thuộc top 3 hoa hậu giảng đường, không cần nói đến các bạn học nam mà ngay cả các giáo viên đứng lớp bất kể ít tuổi hay nhiều tuổi âm thanh lúc nói chuyện với cô đều sẽ vô thức nhỏ nhẹ mềm mại hơn vài phần. Họ đều là người làm nghệ thuật, tâm tình lãng mạn thương hương tiếc ngọc chưa bao giờ thiếu. 

Cô tận dụng ưu thế tự nhiên của mình rất tốt, lúc có thể lười biếng thì cũng lười biếng một chút, dù sao nhà cô cũng có một công ty quy mô không nhỏ. Bố mẹ cô không hề trông chờ con gái sẽ có thành tựu lớn gì trên phương diện nghệ thuật, chỉ hy vọng có thể mượn nghệ thuật để tăng thêm vài phần vốn liếng cho hôn nhân tương lai của cô mà thôi. Cô biết bố mình đã âm thầm bỏ ra không ít tiền mới giúp cô vượt qua được nội dung năng khiếu khi thi đại học, sau khi vào trường học, thành tích của cô ở nội dung chuyên ngành cũng rất tầm thường. Vốn cô cũng không để ý lắm, nhưng cuối năm thứ nhất Cơ Quân Đào đến lớp giảng bài, cô lập tức đã mê mẩn thầy giáo của mình, quả thực đã đến mức ăn không biết ngon ngủ không yên giấc. 

Gia thế, điều kiện, danh tiếng trong giới hội hoạ và ngoại hình đẹp trai nho nhã của Cơ Quân Đào khiến anh ta đi đến đâu cũng có vô số người theo đuổi. Những cô bé đam mê nghệ thuật đó cũng mạnh dạn và cuồng nhiệt khi theo đuổi tình yêu, tỏ tình giữa công chúng cũng có, gửi gắm tình ý trong tranh chữ cũng có, nghe nói còn có người tuyệt vọng đến độ phải tự sát vì sự lạnh lùng của anh ta. 

Tiểu Cẩm không dám làm chuyện như vậy, tranh của cô không lọt vào mắt anh ta, mà cô cho rằng tỏ tình nơi công cộng là loại phương thức tỏ tình có xác suất thành công thấp nhất. Còn tự sát? Đó không phải tự nhiên nhường lại cơ hội cho người khác sao? 

Một ông chú của bạn học tiểu Trần từng là đồng sự của A Thích, bạn trai Cơ Quân Dã, sau đó A Thích đứng ra mở phòng khám tâm lý. Sau khi biết thông tin này, Tiểu Cẩm đã dùng trăm phương ngàn kế lôi kéo tiểu Trần cùng đến phòng triển lãm làm thêm, nói cho dễ nghe là phải mở rộng tầm nhìn, tích lũy kiến thức. Từ lâu, trong lòng tiểu Trần đã thầm mến người đẹp, nay được đúng ý nguyện nên chẳng bao lâu đã hoàn thành nhiệm vụ người đẹp giao cho. 

Cô âm thầm đắc ý hồi lâu nhưng sau khi đến đây làm lại hơi thất vọng vì thầy Cơ rất ít khi đến phòng triển lãm, mà có đến cũng chẳng nói được lấy một vài câu. 

Bình thường trừ chiều thứ hai lên lớp thì hầu như cô không nhìn thấy bóng dáng thầy Cơ bao giờ, qua Cơ Quân Dã cô được biết thầy giáo đã chuyển nhà, hiện nay thầy thường ở căn nhà liền kề, địa chỉ cô đã thuộc làu từ lâu nhưng khổ nỗi vẫn không tìm được cơ hội. Bây giờ người đàn ông gọi là Lỗ Phong này lại đưa cơ hội đến trước mặt cô. 

"Ngài yên tâm, nhất định sẽ đưa tới và treo đàng hoàng cho ngài vào sáng thứ bảy". 

Tiểu Cẩm nhận một tờ giấy A4 Lỗ Phong đưa cho, trên đó là sơ đồ phòng sách rất tỉ mỉ, vị trí sẽ treo bức tranh được đánh dấu rõ ràng, trên dưới trái phải bao nhiêu cm nhìn là thấy ngay. Cô nghĩ thầm, chính xác là giấu vợ tặng má hồng tri kỷ rồi. Ông ta quan tâm đến người này như vậy, rõ ràng là quan tâm hơn bà vợ khó tính khó nết kia nhiều. Ông ta còn nhiều lần dặn dò phải treo tranh lên luôn, chắc là vì không nỡ để giai nhân phải vất vả, tiểu Cẩm không khỏi tò mò đó là một người đẹp như thế nào. Nhìn đến địa chỉ, bất ngờ lại là khu Kim Đô, nhà số 28B. Nhà thầy Cơ chính là số 28A, vậy chẳng phải là cạnh nhau sao? Tiểu Cẩm vui như mở cờ trong bụng, không nhịn được mỉm cười ngọt ngào với Lỗ Phong. 

Lỗ Phong bị nụ cười của cô làm ngây ngất một hồi lâu mới hồi phục tinh thần lại, vừa rút danh thiếp ra vừa nói: "Làm phiền cô, hôm nào cho phép tôi mời cô đi ăn cơm để cảm ơn được chứ?" 

"Đương nhiên là được. Tôi cảm ơn Lỗ tiên sinh trước". Gương mặt tiểu Cẩm vẫn tỏ ra rất ngây thơ nhưng cô vừa nhìn bóng lưng Lỗ Phong vừa nghĩ thầm, đã ăn trong bát còn trông trong nồi, vậy mà vẫn còn không biết đủ, đúng là kém xa thầy Cơ của mình. 

Đúng lúc đó Cơ Quân Dã đi ngang qua, thuận miệng hỏi: "Tại sao người này lại quay lại đây?" 

Tiểu Cẩm nói qua quýt: "Ông ta lại đến mua bức "Ánh trăng" đó của thầy, yêu cầu cuối tuần đưa đến nhà". 

Cơ Quân Dã nhếch miệng nói: "Bức tranh sơn dầu đó to thế mà ông ta còn tự mang đi được, bức này nhỏ hơn nhiều lại yêu cầu đưa hàng đến nhà, cái ông này đúng là loằng ngoằng". 

Tiểu Cẩm cười cười áp đến gần nói nhỏ: "Hình như là tặng một người phụ nữ khác". 

"Đừng nói liên thiên". Cơ Quân Dã cau mày, may là Cơ Quân Đào không có ở đây, nếu anh ta biết bức tranh của mình sẽ được treo trong phòng một cô bồ nhí thì anh ta không đánh chết mình mới là lạ. "Em và tiểu Trần đi đưa hàng đi, mấy hôm nay đang thiếu người làm". 

Chỉ mong có vậy, tiểu Cẩm gật đầu, nghĩ thầm phải đợi đến gần trưa mới mang đi, như vậy có thể cùng ăn trưa với thầy giáo một cách hợp lí nhất. 

Thứ bảy, Cơ Quân Đào tìm được một tác phẩm đã gần hoàn thành trong phòng vẽ, anh lật xấp tư liệu xem một lát cảm thấy cũng không tồi nên định tranh thủ hoàn thiện bức tranh này. Đã nhận lời Vân Vân rồi thì phải vẽ xong sớm cho người ta mới được. 

Hôm nay, anh ta không ăn sáng, sắp đến trưa anh ta dọn dẹp một chút rồi chuẩn bị đến quán ăn nhỏ ở cổng tiểu khu ăn bát mì, nhân tiện thả lỏng cơ cổ đã căng cứng một chút. Mở cửa ra, anh rất ngạc nhiên khi thấy tiểu Cẩm và tiểu Trần đang đứng ngoài cửa. 

Vừa nhìn thấy anh ta tiểu Cẩm đã vui vẻ nói: "Thầy Cơ, quả nhiên là thầy ở đây. Lần trước em nghe cô Cơ nhắc đến địa chỉ này nhưng còn không dám khẳng định là đúng, hai bọn em do dự hồi lâu mà vẫn không dám gõ cửa". 

Cơ Quân Đào khẽ nhíu mày gần như không thể phát hiện, hỏi: "Tại sao hai đứa lại đến đây?" 

Tiểu Trần vội nói: "Bọn em đến đưa tranh, mấy ngày hôm trước một khách hàng đã đặt mua, dặn buổi sáng hôm nay đưa đến. Sáng nay tiểu Cẩm có chút việc nên đi hơi muộn, bọn em đang định đến chỗ thầy ăn chực bữa cơm đây". 

Cơ Quân Đào nói thoải mái: "Tôi cũng đang định ra ngoài ăn, đi thôi, muốn ăn cái gì?" 

Tiểu Cẩm cười nói: "Khu nhà liền kề cao cấp như vậy nhất định có không ít nhà hàng, thầy Cơ, thầy dẫn bọn em đến nhà hàng nào cao cấp nhất đi". 

Cơ Quân Đào nói một cách khó xử: "Không biết nhà hàng nào cao cấp nhất, hay là để thầy gọi điện hỏi Tiểu Dã một chút". 

Thấy vẻ nghiêm túc của Cơ Quân Đào, tiểu Cẩm lập tức thấy ấm áp trong lòng, cô tiến lên một bước nói: "Thầy Cơ, người ta nói đùa thôi mà, cứ đến nhà hàng nào bình thường thầy vẫn đến là được, để bọn em được biết bình thường thầy ăn uống như thế nào". 

Cơ Quân Đào không quen với việc có phụ nữ quá gần mình, anh ta nhíu mày lui ra phía sau một bước, tiểu Cẩm không hề biết chuyện này, lại tiến lên một bước nói: "Thầy Cơ, cậu bé nhà hàng xóm của thầy xinh thật, lại nói chuyện rất hay, đáng yêu cực kì". 

Cơ Quân Đào dừng lại xoay người hỏi: "Hôm nay hai đứa đưa tranh đến nhà bên cạnh à?" 

"Đúng vậy, chính là bức 'Ánh trăng' đó của thầy", tiểu Trần nói, "Lúc đầu người phụ nữ đó còn không chịu nhận, nhất định bắt bọn em mang về. May mà tiểu Cẩm nhanh trí lén gọi điện thoại cho vị Lỗ tiên sinh kia. Lỗ tiên sinh lại nói chuyện hồi lâu với cậu bé đó qua điện thoại, cuối cùng cậu bé nói thích bức tranh đó nên mẹ cậu mới miễn cưỡng đồng ý cho bọn em treo bức tranh trong phòng sách. Người phụ nữ này tuyệt đối là loại ngu ngốc không biết gì, bức tranh đáng giá như vậy mà lại không muốn nhận". 

Cơ Quân Đào không vui nhìn cậu một cái. 

Tiểu Cẩm biết đây là thầy giáo không thích tiểu Trần ăn nói thô lỗ, vội nói: "Người phụ nữ này nhìn qua có vẻ rất có văn hóa, em đoán không phải cô ấy không thích bức tranh đó là có thể là đang giận dỗi Lỗ tiên sinh. Thầy nghĩ xem, vị Lỗ tiên sinh kia đã bỏ ra nhiều tiền mua tranh của thầy như vậy mà chính mình lại không dám mang tới, còn phải nhờ con trai thuyết phục giúp cô ấy mới chịu nhận, đúng là cô ấy biết điều hơn vợ ông Lỗ kia nhiều". 

Tiểu Trần thầm thì: "Đã làm bồ nhí còn làm cao gì chứ". 

Tiểu Cẩm nói: "Có điều ngoại hình người phụ nữ này quả thật xinh đẹp hơn bà Lỗ kia nhiều, thảo nào Lỗ tiên sinh còn không nỡ để cô ấy phải đóng đinh trao tranh nữa, nhất định phải yêu cầu bọn em tự tay treo tranh lên cho cô ấy". 

Tiểu Trần khinh thường, nói: "Phụ nữ bao giờ chả thích hư vinh, có đối xử tốt với cô ấy đến mấy thì cuối cùng cũng không thể công khai, chỉ tiếc cho một cậu bé xinh như vậy". 

Tiểu Cẩm gật đầu nói: "Đúng thế, em còn chưa từng thấy cậu bé nào xinh trai hơn nó, đúng là nó đã tập trung được tất cả ưu điểm của hai người bọn họ". 

Cơ Quân Đào không nói câu nào mà chỉ nghe hai học trò bàn tán mỗi người một câu, nhớ tới cậu bé đáng yêu kia, nhớ đến đôi mắt sáng ngời trong suốt kia trong lòng cảm thấy rất khó chịu. Bây giờ nhớ lại, hôm đó thực ra Thương Hoài Nguyệt vẫn tránh né không nói đến chồng mình, cũng không chịu thừa nhận mình là bà Lỗ, thì ra lại là quan hệ bí mật. 

Cơ Quân Đào tiễn hai học trò về rồi chậm rãi đi về nhà mình, trong đầu nghĩ lại cảnh Đậu Đậu cầm một túi đậu đứng ngoài cửa nũng nịu nói muốn tặng quà cho mình, giống hệt một tiểu thiên sứ làm người ta không nỡ từ chối. Một em bé đáng yêu như vậy mà tại sao mẹ nó lại nhẫn tâm bắt nó phải mang một thân phận bất minh cơ chứ. Sau khi lớn lên biết rõ tất cả mọi chuyện này thì nó sẽ có cảm giác như thế nào? 

Anh không quên được ánh mắt sợ hãi của Tiểu Dã khi cô khóc lóc đòi kéo bố đi làm xét nghiệm huyết thống năm 17 tuổi, càng không quên được vẻ mặt càng ngày càng cô quạnh trống rỗng của mẹ trong suốt thời gian vài chục năm. Người phụ nữ đó, cô ta có nghĩ rằng những gì mình đang làm bây giờ vừa thương tổn một người phụ nữ khác lại vừa thương tổn đến chính con mình hay không? 

"Cơ tiên sinh ăn cơm rồi chứ?" Hoài Nguyệt đang chăm sóc vườn rau, thấy Cơ Quân Đào đi tới cô chào hỏi một câu có lệ. Đậu tằm đã sắp già rồi, hôm nay sau khi hái hết chỗ còn lại, nhân lúc Đậu Đậu ngủ trưa cô ra vườn nhổ hết mấy gốc đậu để trồng một ít bầu và bí đỏ. 

Cơ Quân Đào lạnh nhạt đáp lời rồi bước thẳng lên bậc thềm. 

"Cơ tiên sinh, xin chờ một chút". Hoài Nguyệt gọi anh ta lại, xách một túi đậu tằm tới đưa cho anh ta qua bức tường vây, "Vừa hái sáng nay, là lứa đậu cuối cùng năm nay đấy". 

Cơ Quân Đào chần chừ một hồi lâu rồi mới đi đến nhận lấy chiếc túi, nghiêm nghị cảm ơn một tiếng rồi đi vào nhà không quay đầu lại. 

Hoài Nguyệt hơi sững sờ, mặc dù có thể thấy người hàng xóm này không phải một người thân thiện nhưng từ sau khi mọi người cùng ăn cơm thì lần nào gặp mặt đều rất khách sáo, có lúc còn dừng lại nói chuyện với Đậu Đậu, tại sao hôm nay vẻ mặt lại lạnh lẽo như vậy? Xem ra anh ta bị bệnh trầm cảm thật, không muốn tiếp xúc nói chuyện với người khác, đây chính là triệu chứng rõ ràng nhất của bệnh trầm cảm. 

Cô thở dài, những người ở khu nhà liền kề này đều là loại người không phú thì quý, ở bên ngoài có bao nhiêu đỏ mắt ghen tị nhưng ai biết lúc đóng cửa lại thì cũng vẫn mỗi nhà mỗi cảnh không khác gì bên ngoài. 

Cô lại nhớ tới bức tranh Lỗ Phong đưa tới buổi sáng. Anh ta còn nhớ hôm nay là sinh nhật cô, những năm trước đều là quần áo trang sức và một bữa tiệc trong ánh nến, bây giờ đã chia tay lại càng cố tỏ ra phong nhã. Mặc dù mình không hiểu gì về hội họa nhưng cũng có thể thấy bức tranh đó không phải là loại được họa sĩ vẽ cả mớ để lừa người nước ngoài đó. Lại để ý đến vẻ mặt kinh ngạc của hai người tuổi trẻ đưa tranh đến khi thấy mình không chịu ký nhận, đặc biệt là cậu bé kia còn tỏ rõ vẻ khinh thường mình có mắt mà không nhìn thấy Thái Sơn, cô biết bức tranh này nhất định rất có giá trị. 

Có điều bây giờ cô là gì của anh ta chứ? Giấu vợ đi tặng quà sinh nhật cho mình sao? Thời gian đúng là giỏi châm chọc người ta, hình như hết thảy đều đã đảo lộn. Cô đứng bần thần suy nghĩ, ánh mặt trời chói chang chiếu lên người cô nhưng đáy lòng cô vẫn cảm thấy lạnh buốt. 

Cơ Quân Đào đi thẳng vào phòng bếp, tiện tay ném túi đậu đó vào thùng rác.