Chap 29:
Vào nhà thằng Hoàng ngồi chán chê, mỗi thằng vẽ ra một cái ý tưởng "siêu phàm" của mình. Thằng Minh đưa ra một cái bản vẽ cung điện toàn đường ngang với dọc, bị loại ngay vì quá diêm dúa. Anh Sơn nhà ta thì vẽ cái lều quá thấp, tôi vỗ đánh đốp vào gáy nó, chửi:
- Thằng này, cái lều bé tin hin vậy, mày định chỉ để mỗi em hạt mít của mày vào còn cả lớp thì ngủ rừng à?
Thằng Quang ngơ rụt rè ra ý kiến:
- Tao có ý này, hay mình làm nhà trên cây nhỉ, kiểu như phim Mỹ ý!
Cả đám bu vào hội đồng nó, cối, giã, tét đôm đốp vào lưng, chửi:
- Giá Iot lại tăng theo giá xăng rồi!
- Mày định xây cái nhà kiểu gì trong nửa ngày?
- Kiếm cái cây nào đủ to để làm nhà nhét vừa hơn 30 đứa?
Thằng Quang vẫn cứng đầu vặn vẹo:
- Thì mua tre về, sau đó mình chặt ngang cái cây, lấy dây buộc tre lại, sau đó ghép cảng mảng tường với mái vào! Đơn giản!
Lại thêm một trận đòn nữa vì tội ngu tập 2, thằng này nó làm như lấy thóc trong lòng bàn tay không bằng. Tôi xoáy đầu nó, gằm ghè:
- Mày về bổ sung thêm sulin và khoáng chất đi con bò!
Tranh cãi hồi lâu, thằng Hoàng đưa ra bản vẽ của nó. Đúng là con nhà nòi có khác, vẽ chi tiết thế, lại còn căn góc, đo kích thước sao cho bốn cái trụ thật vững nữa. Nhìn cái 4 bản vẽ toàn số, chữ với nét ngang nét dọc mà tôi hoảng. Thằng này sinh ra chỉ có làm kiến trúc, nãy giờ nó mặc kệ cả lũ cãi nhau, ngồi tỉ mẩn đo đạc, nháp, tính toán chỉ để làm 4 cái cột. Xem xong, ngoài thằng Minh với thằng Sơn là gật gù hiểu, còn lại cả lũ tôi ngệt mặt ra nhìn tờ giấy như nhìn vào bản thảo Ả rập. Tôi nói:
- Nếu đã tính toán chi tiết thế này thì lúc đó mình phải đến trước lớp khác, đi chiếm chỗ đất nào tốt để dựng lán. Không vớ phải chỗ mấp mô lồi lõm, san cho phẳng cũng hết bố ngày!
Sau đó, lại tính toán cả giờ đi giờ về, mang theo những gì, phân công ai làm ai chỉ đạo. Xong xuôi thì cũng gần 5h chiều, cả lũ giải tán đi về. Thống nhất là kĩ sư Hoàng chỉ đạo thi công, Hưng, Minh, Sơn, Quang, Tùng lo việc đóng cọc, Quý, Chiến, Tấn lo đào đất.
Về nhà, tôi nằm dài ra, ngẫm nghĩ về những việc cần chuẩn bị cho buổi dã ngoại. Lần trước thấy thằng Việt bảo rằng nhà thằng Dũng mới mở thêm một xưởng gỗ nữa ở khu vực gần Kim Sơn, dạo này nó với thằng Dũng hay xuống đó chơi với trông xưởng. Nhưng tôi đoán là cái chỗ núi mà con Thy bảo là cắm trại đó, chí ít cũng phải cách khu tham quan độ 5-6 cây số, Kim Sơn thuần là đồng bằng, đồi núi đâu ra. Nhưng thôi, đến đó rồi tính sau, cứ biết là đến đó mình kiêm cả nấu nướng cùng bọn con gái nữa, rồi con An lại lau chau chạy quanh chỗ bếp cho mà xem.
Ngày 28 tháng đó, cả lớp đến trường từ lúc 4h30, tháng này trời còn rét, gần sáng rồi mà tối mịt như đêm, tôi sang đón con An sớm, từ lúc 3h sáng. Trời rét căm căm, nhìn lên thấy đèn phòng nó sáng từ bao giờ, tự nhiên lại dậy sớm thế, hình như tối qua cũng hồi hộp không ngủ được giống tôi. Ở dưới, tôi gấp cái máy bay phi lên cửa sổ phòng nó, nó ló đầu ra nhìn, thấy tôi đứng dưới thì vẫy vẫy tay cười rồi chạy xuống. Hôm nay nó mặc áo khoác có mũ, áo bóng chày, đội cái mũ len có đính hai cái tai thỏ cụp, đi giày bệt, quần bò ống côn, trông như đứa trẻ con háo hức đi xa lần đầu. Nó khoác cái balo con thỏ đen to hơn mọi ngày, tôi đoán trong đó chắc toàn là bánh kẹo, nước ngọt với truyện tranh, không biết cái túi thần kì ấy nó chứa được bao thứ. Con An ngồi sau, xát tay chô ấm người lên, xong lại áp tay vào má tôi. Nó tự nhiên hốt hoảng:
- Sau mày lạnh thế hả Hưng? Ăn mặc kiểu gì vậy?
Xong nó tháo cái tai giữ ấm ra, đeo vào cho tôi, chỉnh đi chỉnh lại cho cân rồi hai đứa mới lên đường. Nó vừa ngồi nghịch mũ tôi vừa hát í a, tôi thì lắng tai nghe giọng trong vắt của nó, nhẩm nhẩm theo lời bài hát. Bỗng nhiên, nó rướn người lên trước, ôm vòng ngang người tôi, áp cả người nó vào, xong úp mặt vào lưng, lí nhí:
- Cho tao ôm tý! Lạnh quá, tự nhiên đi sớm thế không biết.
Giây phút nó ôm lấy tôi từ sau, người tôi như có luồng điện chạy qua vậy. Tôi im lặng không nói gì, lẳng lặng đạp xe tiếp, trong lòng thấy hạnh phúc vô cùng.
Dừng xe trước cổng trường con An buông tôi ra, chạy lon ton vào trước. Hai anh xung phong cổng trường chặn nó lại, rọi đèn pin vào mặt, hỏi:
- Tên gì? Lớp nào?
Con An đáp:
- An, lớp 10D2. Khỏi cần hỏi họ tên, cả lớp có mỗi mình em tên An.
Hai anh trực cổng trường kiên quyết hỏi:
- Trình thẻ học sinh ra, tránh việc có người lạ trà trộn vào trường!
Nó luống cuống, quay về phía tôi cầu cứu. Tôi rẽ đến, giơ thẻ mình lên, nói:
- L.T Hưng! Lớp 10D2, xác nhận đây đúng là học sinh 10D2.
Trông thấy tôi, một anh cười cười, bảo:
- Thằng Hưng ở đây mà không nói. Vào! Không thẻ thiếc gì, mất thời gian.
Đi qua chốt cổng an toàn, con An thở phào nhẹ nhõm, quay sang nhìn tôi cười:
- May mà có Hưng ngố. Hôm nay tao đi vội quên mang thẻ!
Tôi cười, bẹo má nó rõ đau. Nó kêu oái oái xong chạy mất. Tôi gửi xe xong vào sân trường, vừa đi vừa ngoái ngang ngoái dọc tìm lũ cùng lớp. Nghe có tiếng con Thảo gọi í ới:
- Hưng ơi! Hưng! Lớp mình này!
Chạy ra chỗ có tiếng gọi, điểm mặt lại thấy cả lũ đã đến gần hết. Nhưng còn hai ông tướng Hoàng với Minh thì không thấy đâu cả, lại cả bốn thằng khuôn vác của lớp nữa chứ. Một lúc sau, thằng Hoàng với thằng Minh đến, vác hai bó to tướng. Tôi hỏi:
- Cái gì đấy?
Thằng Minh thở hồng hộc, đáp:
- Xà beng, xẻng, búa tạ, cưa gỗ. Còn tre với luồng thì chưa thấy đâu cả, hai thằng Tùng với Sơn đang vác đến hay sao ý!
Đưa cho nó chai Sting, nó tu phát hết nửa chai xong đưa cho thằng Hoàng. Thằng Hoàng nhìn quanh, hỏi con Thy:
- Ông xã nhà mày đến chưa?
Con Thy đỏ mặt, quát :
- Mày nói gì cơ?
Cả lũ đứng đó cười ầm lên, con Thy xấu hổ, bắt đứng xếp hàng điểm danh sạch. Đang điểm danh thì thằng Hoàng chỉ tay về phía sảnh, hô:
- Nhà vua đến rồi kìa!
Bọn tôi lố nhố đứng nhìn ra ngoài, thấp thoáng cái bóng cao gầy của thằng Sơn đang vác bó luồng to tướng, đi sau hình như là thằng Tùng. Còn thằng Quang thì đi bên cạnh, vác bó tre. Con Thy vừa thấy ý trung nhân đến thì bỏ luôn vị trí chỉ huy chạy lại hỏi han thằng Sơn, lấy khăn thấm mồ hôi:
- Sơn ơi, mệt lắm không? Uống nước nhé! Ra kia ngồi nghỉ tý đi!
Tôi với thằng Minh chạy lại, tôi đóng làm thằng Sơn, thằng Minh thì khom người xuống cho thấp, nói giọng eo éo, diễn lại cảnh vừa nãy. Thằng Quang ra đến chỗ lớp, vứt bó tre xuống đánh rầm, thở hổn hển:
- Còn chuyến nữa! Cái bạt với dây kim tuyến, giấy, màu vẽ, bút lông các thứ còn gửi ở phòng bảo vệ.
Con hạt mít nghe thấy thế thì nhìn tôi với thằng Minh cười gian xảo, chỉ tay về hướng phòng bảo vệ:
- Minh, Hưng! Ra làm nhiệm vụ nhanh!
Tôi với nó đành ngậm ngùi chạy đi lấy đồ còn thiếu. Đúng là cái mồm làm khổ cái thân, đáng nhẽ cứ im đi không chọc ngoáy đôi trẻ thì có phải giờ nhẹ nhàng rồi không. Hai thằng ì ạch vác tấm bạt, vai đeo lủng lẳng dây kim tuyến xanh đỏ, tay xách thùng sơn. Va quyệt vào mấy người, xin lỗi mãi mới đi tiếp được, mất gần 15' để đi từ phòng bảo vệ ra chỗ xếp hàng.
Hôm nay hóa ra có mỗi khối 10 đi tham quan, các khối khác sẽ đi lần lượt. Càng tốt, đỡ phải tranh giành chỗ lập trại. Thầy Hiệu trưởng thông báo nội quy, hướng dẫn viên nhận lớp xong xuôi, tất cả ra xe ngoài cổng. Giờ lại phải bê ngược đống đồ kia ra xe, xong rồi biết để đâu? Xe bus cất vừa bó đồ dùng là hết, còn đống tre dài ngoằngkia thì… Thật đúng là thân làm tội đời quá. Ra xe, năn nỉ mãi bác tài mới cho cất tấm bạt và bó tre, luồng kia lên nóc xe. Lên xe yên vị, điểm danh đủ sĩ số, xe bắt đầu lăn bánh về hướng Kim Sơn.
Đường dài hơn 130km, xe lắc lư, xóc lên xóc xuống, lắm đứa không chịu được nôn ọe suốt đường đi, may mà tôi đi quen đường dài nên không làm sao, chỉ khổ bọn con gái, mặt xanh nhợt, ủ rũ ngồi dựa vào nhau. Con An ngồi cạnh tôi cũng chẳng khá hơn, hai mắt nhắm nghiền mệt mỏi, nó yếu ớt nói:
- Hưng ơi! Tao mệt lắm!
Tôi ngượng ngùng, cầm lấy tay nó, vỗ về:
- Mệt thì ngủ đi, tựa đầu vào vai tao mà ngủ này!
Con An thấy tôi tự nhiên nắm tay nó thì định rút ra, xong chẳng hiểu nghĩ sao lại để yên cho tôi nắm, ngoan ngoãn dựa đầu vào vai tôi ngủ. Tôi ngả đầu ra ghế, quay sang nhìn trộm nó ngủ. Lúc ngủ nhìn nó đáng yêu quá, khuôn mặt mịn màng, trắng ngần, hàng mi cong vút lim dim nhắm lại, đôi môi hồng hào khẽ mím lại, hơi chu lên như giận dỗi, cái mũi be bé phập phồng hít thở. Tôi khẽ chạm nhẹ ngón tay lên mũi nó, lại cái phản ứng chun mũi lại hắt xì, trông ngộ thật. Hồi lâu, ngồi mãi người tôi cũng mỏi, buồn ngủ, chẳng biết tôi ngủ mất lúc nào, chỉ nhớ má tôi áp lên mái tóc nó, ngửi thấy thoang thoảng mùi hương xao xuyến quen thuộc, rồi tôi từ từ chìm vào giấc ngủ lúc nào không hay.
Nghe láo xáo có tiếng chỉ trỏ, hò reo, tôi mở mắt, ngẩng đầu nhìn ra ngoài cửa kính. Thì ra xe đã đến nơi, nóc nhà thờ đã hiện ra phía xa xa trước mắt. Quay sang nhìn con An, nó đã dậy từ bao giờ, to tròn mắt, nghiêng nghiêng đầu nhìn tôi. Ánh mắt hai đứa chạm nhau, nó đỏ mặt, bối rồi nhìn ra chỗ khác. Chợt nhận ra tay mình âm ấm, tôi nhìn xuống thấy nó vẫn để tay nằm yên trong lòng bàn tay tôi. Cả hai đều im lặng không nói gì.
Xe chầm chậm quanh co qua mấy khúc đường mới vào đến nơi. Chỗ này trước tôi cũng đã từng vào chơi, kiến trúc độc nhất vô nhị là nhà thờ nhưng lại có mái kiểu đình chùa Việt Nam, mang đậm nét Á Đông. Khu nhà thờ rộng vô cùng, bọn cùng lớp cứ vừa đi vừa chụp ảnh, ngước cả cổ xem những hình chạm khắc, tranh trên tường. Lúc đi qua hang đá, chúng nó thi nhau đứng chụp ảnh, chẳng biết có cấm chụp ảnh không mà khi có nhân viên đến yêu cầu ngừng lại, bọn nó vẫn ngang nhiên tạo dáng, cười toe toét, mãi đến khi còi toét toét xua đi thì mới rồng rắn kéo nhau đi chỗ khác. Nhìn quanh quất, thấy ngay thằng Minh với thằng Tùng đang đùa nghịch cạnh hồ có tượng đài chùa, tý nữa thì lớp mất cán sự Toán vì chết đuối, may mà tôi với thằng Sơn lao ra túm lại kịp, không thằng giặc giời kia nó lộn cổ xuống hồ luôn rồi. Ngó ngang liếc dọc tìm con An, tôi phát hiện ra ngay cái chỏm tóc củ hành lấp ló trong đám con gái, nó đang vừa đi vừa ăn khoai tây chiên thì phải, trông từ đằng sau thấy hai cái tai nhúc nhích là biết nó đang nhai rồi. Tôi chạy vọt lên, thò tay vào nhón một miếng khoai của nó, bỏ vào mồm nhai rau ráu. Con An lè lưỡi, chạy tít ra xa, lấy liền ba bốn miếng ăn ngay trước mặt tôi, nghênh nghênh ra vẻ thách thức. Sao nhìn nó lẫm chẫm như đứa trẻ con mà chạy nhanh thế không biết, thoáng cái đã thấy tít đằng xa rồi.
Đi suốt nửa buổi sáng, càng đi tôi càng chán vi đã đi mấy lần rồi, may sao có tiếng loa gọi của thầy Hiệu trưởng, tất cả trở về bãi tập trung, lên xe đến khu cắm trại. Nghe đến đó là cánh con trai tụi tôi đã nóng máu lắm rồi, hăm hăm hở hở chực làm cái trại thật hoành tráng, che lấp đi các trại khác luôn. Đi ngược đường gần 20km mới đến nơi. Hướng dẫn viên phổ biến, nói sơ qua về khu cắm trại rồi chỉ về hướng một dãy đồi liên tiếp nhau, nói cắm trại tại đó. Vừa nghe cau giải tán là lũ con trai 9 lớp kéo ào ào về hướng ngọn đồi, giành giật đất dựng trại. Khung cảnh lúc đó trông chẳng khác nào công thành chiến, kẻ vác tre nứa, người ôm bạt, cầm xà beng, búa tạ kéo ào ào lên đồi. Khu này tôi chưa vào lần nào nên không thuộc địa hình, đành trèo tót lên cây, cầm ống nhòm du lịch quan sát bốn phương tám hướng. Xác định ở phía góc Nam đỉnh đồi có khoảng đất rộng rãi bằng phằng, lại ở trên cao, tôi chỉ tay về hướng đó, ra hiệu cho bọn thằng Hoàng biết đường đi. Các lớp khác ngại leo cao nên chỉ dựng trại ở dưới chân đồi, hoặc trên mấy đỉnh đồi thấp, ít cây, kiểu này đêm về, hơi lạnh nó bốc lên thì bọn dưới thấp chết nhá, còn cả bọn dựng ở chỗ ít cây nữa, đất cứng cây không mọc được thì chúng mày cắm cọc vào mồm nhau à? Cười thầm trong bụng, tôi tụt xuống cây,nhập vào đoàn quân trường chinh ra phía ngọn đồi kia. Chỗ tôi chọn tách biệt hẳn với các lớp khác, lại xa hơn nên lũ con gái kêu trời kêu đất, bọn con trai cũng than mệt, nhất là hai thằng khiêng thùng lạnh giữ thịt cá, rau củ. Thằng Hoàng nhìn tôi đầy tin tưởng, lẳng lặng không kêu than gì, vác xà beng đi về hướng ngọn đồi. Leo lên đến đỉnh, tôi cầm xà beng, dồn sức chọc thử xuống đất xem sao, thấy chỗ thì đất xốp khó vững, chỗ thì đất khô khó đào. Chọc đến nhát thứ hai mươi, tôi mới khoanh vùng được một chỗ đất gọi là được, để chôn cột trụ của lán vào đó. Giờ chỉ còn chờ vũ khí bí mật đến thôi.
Vũ khí bí mật ở đây chính là siêu nhân Dũng cốt đột và Việt phù thủy. Lúc nãy trước khi rời khu tham quan, tôi đã nháy di động gọi thằng Việt rồi, không biết nó thông báo cho thằng Dũng chưa, tầm này trường nó tan học rồi, đi đến khu này mất khoảng mười lăm phút, đáng ra giờ này nó phải đến rồi chứ nhỉ. Trong lúc chờ, tôi bảo bọn thằng Sơn dỡ tre với nứa ra, đo đạc tính xem chặt thế nào cho vừa, vót nhọn sẵn đi. Được lúc thì có một chiếc xe tải đi vào cổng khu dã ngoại, một người xuống nói gì đó rồi đánh xe vào, tôi nheo mắt nhìn kĩ, kia là xe nhà xưởng mộc nhà thằng Dũng thì phải. Vội vàng chạy xuống xem, đúng là nó thật, xe chở theo cả thang, giàn giáo, mang thêm búa tạ, xẻng cuốc. Thằng Dũng từ thùng xe sau nhảy xuống, chạy ra ôm chầm lấy tôi, cười ha hả, thằng Việt mở cửa cabin, bước lại chỗ tôi, ba thằng ôm ghì chặt nhau, đấm thùm thụp vào lưng. Thằng Dũng với chú lái xe khuôn đồ nghề lên trên đồi cùng bọn tôi, thằng Việt đi ngay sau, vai đeo túi đồ nghề quen thuộc. Lên đến đỉnh đồi, bọn lớp tôi ngạc nhiên khi thấy người lạ vào, tôi giới thiệu:
- Đây là Dũng, Việt bạn thân tao. Chúng nó ở gần đây nên tối hôm trước tao gọi điện sẵn nhờ đến giúp lớp mình dựng trại!
Con Thy nhăn nhó, kêu:
- Ơ nhưng mà thầy Hiệu trưởng bảo không được thuê người giúp cơ mà.
Tôi cười to, nhấn mạnh:
- Cái này gọi là NHỜ chứ không phải thuê, có luật thì có lách, thầy không bắt bẻ gì mình được đâu!
Bọn thằng Hoàng làm quen với thằng Dũng, thằng Việt ngay, mới gặp đã nói chuyện như quen lâu lắm rồi, trông thấy vậy tôi mừng khôn tả, cứ lo chúng nó mới gặp nhau thì e ngại, khó làm chung.
Để an toàn, tôi lấy băng đeo ủy viên của mình ra, đưa cho thằng Dũng, còn thằng Việt thì dùng băng ủy viên của thằng Hoàng, bọn lớp khác không thuộc mặt con trai lớp tôi, có nhìn thấy hai thằng cũng chẳng để ý, nghĩ đấy là học sinh lớp tôi, còn mấy thằng như tôi với thằng Hoàng thì chúng nó quá quen mặt rồi, hỏi nhiều cho ngồi luôn vào sổ Nam tào, đứa nào chẳng khiếp. Kế hoạch mình dựng ra quá hoàn hảo, ôi sao tôi phục tôi quá đi mất, nếu như sinh sớm vài trăm năm thì giờ này mình khuynh đảo thế giới rồi, hớ hớ!
Bọn con gái lớp tôi nhìn thấy anh cốt đột to cao vạm vỡ, trội hẳn so với con trai cùng tuổi, lại đẹp trai men lỳ như Josh Duhamel trong Las Vegas thì ré lên, chạy ra nhòm ngó, chỉ trỏ làm ông Thiên bồng nguyên soái nhát gái sợ quá lủi luôn ra chỗ đám con trai. Đồng chí Việt cũng rơi vào cùng cảnh ngộ, nhìn như tài tử Hàn Xẻng, nhưng trái ngược với anh vốt đột, thằng Việt chạy ra tí tởn ngay, ba hoa chích chòe với đám con gái làm bọn nó cười liên tục, tôi thầm nghĩ: " Có khi nào thói háo sắc của mình là nhiễm từ thằng leng keng kia không nhỉ? ". Mãi mới dứt nó ra được khỏi đám vịt bầu, thằng Việt lấy trong túi ra cái la bàn gỗ, thò tay nhổ một sợi tóc của tôi, xâu vào mũi kim, lẩm nhẩm vài câu. Đột nhiên con An thét lên:
- Này, cậu kia làm cái gì thế hả? Sao giật tóc thằng Hưng?
Ba thằng ngơ ngác quay ra nhìn, con An chạy ra, hỏi tôi có đau không. Tôi bảo:
- Đau gì? Đau nào?
Nó ngô nghê:
- Ơ! giật tóc mà không đau à?
Tôi phì cười, bảo bọn nó chỉ đùa thôi, chứ giờ mà nói thằng Việt lấy tóc tôi làm phép thì cả lũ nó cười ầm lên vì mình bốc phét mất. Con An thấy bảo đùa thì thôi, chạy lạch bạch ra chỗ đám con gái ngồi buôn dưa lê. Thằng Việt với thằng Dũng nhìn tôi cười đểu giả: "Nhe he he he he!", lại còn nhai đi nhai lại cái điệu cười đó nữa chứ, tôi biết chúng nó ám chỉ cái gì nhưng không dám vặn lại, không khéo lại thu hút thêm cả anh Minh mama vào chọc ngoáy nữa thì mồm đâu cãi lại chúng nó. Thằng Việt vừa cười, vừa hỏi tôi, mắt nhìn vào la bàn, chân bước theo hướng chỉ:
- Mày đã dò đất sẵn rồi co à?
- Ừ!
- À ghê! Dò không trật phát nào, chọn chỗ này là đúng đấy, đêm không ẩm lạnh, khô ráo sáng sủa, đất cũng dễ đào.
Một lúc sau, cả lớp gọi ba thằng vào ăn trưa rồi nghỉ ngơi lấy sức dựng trại. Bữa trưa nhẹ nên chỉ làm bánh mì, xúc xích ăn tạm, đến chiều mới làm món chính. Lúc đó chắc con An và thằng Dũng tranh nhau ăn mất, nghĩ đến cảnh đó thôi mà tôi cũng đủ rùng mình kinh hãi, không biết cả đám ngồi đây còn được mấy miếng trước sau sự tàn phá của hai con lợn háu ăn kia. Ăn nhanh gọn hết có 20', nghỉ ngơi thêm lúc, đám con trai đứng dậy mỗi đứa một việc, đứa thì đào đất, đứa thì khuôn đất đi đổ. Đào được sáu cái hồ rộng vừa đủ để chôn mỗi hố một cây luồng to làm cột trụ, hố sâu chừng nửa mét, may mà lớp tôi chọn chỗ đất tốt nên dễ đào, vậy mà cũng mất gần tiếng rưỡi mới xong. Đào xong, thằng Dũng với thằng Hoàng lắp giàn giáo, lấy chỗ đứng để đóng cọc cho vững. Tôi hỏi:
- Lại còn đóng thêm nữa à? Tao tưởng chỉ cần vùi đất nén chặt vào là ngon rồi chứ!
Thằng Dũng lắc đầu, nói:
- Vải bạt nó trông vậy thôi, chứ lúc hứng gió nó như buồm, kéo vài cái là đổ cột, phải chôn sâu thêm độ hai chục phân nữa, lèn chặt đất vào, xong chặt tre bó lại, làm mỗi cột thêm một bộ trụ nữa mới đủ vững.
Nghe xong, thằng Hoàng vỗ đùi cái đét, khen:
- Ý ông này y hệt ý tôi! Phải làm thế thì cột mới tán đều lực ra được, không lo bị gãy.
Rồi chúng nó vừa làm vừa tán dóc định luật này định luật nọ, góc rơi bao nhiêu, bao nhiêu,….Nghe hai thằng siêu phàm Lý nói chuyện với nhau, tôi mù tịt chẳng hiểu gì, như vịt nghe sấm.
Dựng xong giàn giáo, mấy thằng hè nhau, ôm cây luồng lên, cắm vào lỗ, trông thế mà nó nặng ra phết, thảo nào mỗi lần vác là thằng Sơn với thằng Tùng vác được có hai cây. May mà chọn cây này cỡ nhỡ, chứ cỡ to chắc đóng đến hết ngày cũng chẳng được bao nhiêu. Hai bộ giàn giáo, mỗi giàn hai đứa đứng trên nên cọc , ba đứa đứng dưới giữ cây luồng cho thẳng với quả dọi. Thằng Dũng với tôi đứng cùng một giàn, bên kia là thằng Quang với thằng Sơn đứng. Mở đầu, thằng Dũng nện nhát búa đầu tiên nghe "Uỳnh" một tiếng rõ to, cây luồng lún xuống hai ba phân là ít, tôi nện nhát sau hết sức mà lún được có tý. Bên kia thằng Quang với thằng Sơn cũng nện hùng hục, chỗ lớp tôi dựng trại, tiếng đóng cọc vang lên không ngớt, bọn lớp khác đi qua xem đều phải trầm trồ nhìn, xì xào bàn tán về cái lán vĩ đại của D2. Nện một lúc chừng hai mươi phút mới xong hai cọc, xuống dưới dịch giàn giáo ra hố tiếp theo đóng tiếp, thằng nào mệt thì thằng dưới lên thay, cứ thế hai bên làm cùng tiến độ với nhau, khoảng hai tiếng mới đóng xong chỗ cọc. Đóng cọc xong thì tôi cũng mỏi rã tay, thở hồng hộc, con An ra đưa tôi chai nước khoáng, tôi ngửa cổ tu một hơi hết sạch. Ngồi dưới nhìn bọn con gái loay hoay làm bếp nhóm lửa chuẩn bị nấu ăn. Công việc dựng lán sao mà gian nan quá, để dựng được cái lán rộng như thế cũng tốn thời gian phết, xong lại còn leo lên đóng mộng cái khung mái để làm chỗ căng bạt nữa, mãi đến tận 4h30 chiều, lớp tôi mới làm xong cái khung lán, chậm nhất khối. Nhưng được cái là tấm bạt thằng Sơn mang đến là cái lều sẵn, chỉ cần phủ lên khung rồi chăng dây đống xuống đất là xong, loay hoay tầm nửa tiếng thì cái lán cũng thành hình, trông hoành tráng, vĩ đại vô cùng, rộng phải ngang với phòng học là ít. To gấp đôi, gấp ba lán lớp khác, nhìn oai như cái nhà hẳn hoi. Buộc dậy, xuống đất rồi đóng cọc tre cố định mất mười lắm phút nữa. Chỉnh sửa xung quanh, chèn gạch đã vào mép lều cho khỏi rắn rết vào, đúng 5h30, lớp tôi khánh thành cái trại hoành tráng nhất khối, rộng rãi thoải mái, lại còn căng thêm chục dây nữa xung quanh, buộc vào mấy gốc cây to cho chắc chắn, có bão về cũng thừa sức vững. May mà hôm nay chỗ lớp tôi làm lán không vớ phải đá tảng nó nằm ngầm dưới đất, không thì đào nửa chừng mà đụng phải một tàng chừng nửa tấn, tấn rưỡi như mấy chỗ khác thì hỏng bét. Đất bazan này đã khó đào thì chớ, lại lắm đã núi vùi lấp.
Quay ra mặt bếp núc, thấy cánh con gái đã đắp xong bếp rồi, nhìn vuông vắn, kiểu như bếp đất của mấy nhà Trung Quốc trong phim ngày xưa , trông thì biết là do thằng Việt bày cho bọn này cách làm đây mà. Con An mặt nhem nhuốc, chạy ra khoe với tôi về cái bếp nó dựng cùng con Thảo, tôi cười, búng mũi nó khen:
- Ham ăn lười làm thế mà cũng làm được cái bếp đẹp nhỉ?
- Mày khen hay bôi bác tao đấy hả?
- Khen! Khen chứ! Tý nữa làm cho mày miếng đầu tiên ăn trước nhé!
Nó cười toe, reo lên :
- Nhớ nhé! Tao ăn miếng đầu tiên đấy!
Đang nói chuyện, bỗng thằng Dũng với thằng Hoàng chạy ra rủ tôi đi chơi, thằng Hoàng lôi trong balo ra hai cái cần câu ghép lại, xong lại mượn thêm thằng Quang cái nữa giống thế, đưa cho tôi với thằng Dũng mỗi đứa một cái, ba thằng vác cần câu, xách xô ra suối. Suối này trong veo, nhưng toàn cá bé tí tẹo, chẳng bõ công ngồi, thằng Dũng dẫn tôi với thằng Hoàng qua một cái dốc, đi thêm quang ngắn nữa thì đến một cái ao cá. Nó len lén nhìn quanh, bảo bọn tôi ngồi xuống nhẹ nhàng, khẽ nói:
- Ao này của thôn 5 đấy, lắm cá cực kì, lại to nữa. Ngồi câu trộm ở đây thì vô tư đi!
Ba thằng lấy mảnh đá nhọn, đào chục nhát đã thấy giun, mỗi thằng xâu một con, thong thả ngồi câu. Cá ở đây bắt dễ hơn tôi tưởng, trình câu gà như tôi còn giật được 3 con, nỗi con 2 cân, thằng Dũng giật được hai con nặng 4 cân rưỡi, thằng Hoàng chưa câu bao giờ cũng câu được 5 con chép con cân rưỡi với một đống rô phi. Chẳng biết thằng này nó làm thế nào mà câu được lắm rô phi thế, tính ra chỗ cá rô còn nặng hơn cả chỗ cá chép nó câu được, may mà mang thừa xô đi, không thì bỏ phí quá. Ngồi thêm lúc, thấy đã gần 6h30 rồi, tôi đành về trước, vì nhiệm vụ của tôi còn là nấu nướng nữa. Xách hai xô cá về trước, tôi mò mẫm đường ra khỏi rừng, vì không nhớ đường cũ nên đành nhắm hướng ánh lửa le lói của lớp tôi mà đi. Về đến lớp, bọn con gái đã thổi cơm gần xong, mấy đứa đang xào thịt bò, bắp cải. Thấy tôi bê hai xô cá về, chúng nó hỏi:
- Cá đâu ra thế?
- Câu trộm ! Hai thằng kia vẫn còn câu tiếp, tối nay đốt lửa trại nướng cá đê!
Chúng nó hò reo ầm ĩ, mấy đứa thấy tôi đến thì nhường bếp, bỏ vào trong trang trí lán. Tôi làm hai món sườn sốt chua ngọt với thịt xào tiêu đen. Con An thấy tôi về thì đứng ngay bên cạnh, mặc kệ lửa nóng.Tôi gắp miếng đầu tiên, thổi phù phù cho nguội bớt, quay ra bảo nó:
- Ạ đi thì tao cho miếng này!
Nó há to , ạ dài, tôi gắp miếng thịt xào bỏ vào miệng nó. Con An mỉm cười, nhắm tịt mắt lại ăn ngon lành, xong lại thò đầu vào đòi ăn nữa, bọn con gái thấy thế thì cười rúc rích với nhau, la ó phản đối, đứa nào cũng đòi một miếng. Có đứa há miệng ạ sẵn. Con An ngại đỏ bừng mặt, tiu nghỉu bỏ vào lán trang trí. Vừa đi vừa lắc lư đầu như con lật đật.
Hôm nay thầy chủ nhiệm cũng xung phong làm món ngô bao tử xào. Lớp tôi xem ra là lớp chuẩn bị ngon lành nhất rồi, xem qua các lớp khác thấy có lớp đang cãi nhau vì không mang nồi, thiếu bật lửa, có lớp thì dựng trại thông minh quá nên đổ, dựng lại, có lớp thì trại bị gió tốc bay mất đang đuổi theo tìm. Chao ôi những con người khốn khổ!
Lúc sau thì thằng Dũng với thằng Hoàng cũng về, thằng Việt, thằng Minh về theo, tay xách ba con gà rừng, thằng Minh cầm về hai con dúi. Bọn nó ồ lên ngạc nhiên, thầy chủ nhiệm hỏi:
- Mấy đứa kiếm đâu ra thế này?
Thằng Minh nhanh nhảu:
- Lúc nãy các bạn chăng bạt thì em với Việt đi vào rừng, thấy có hang dúi nó đào dưới chân đồi, bọn em hun khói bắt luôn hai hang. Còn gà rừng là Việt thả gạo nhử vào rồi úp lưới bắt được ạ!
Thầy cười, khen:
- Gớm thật! Đi săn cơ đấy! Ngày trước thầy cũng hay đi săn lắm, nhưng từ dạo đi bộ đội thì thôi không súng ná gì nữa.
Bọn con gái bảo:
- Hôm nay con trai lại đảm thế! Vỗ tay cho con trai lớp 10D2!
Đám con trai bọn tôi được thể phổng mũi, dù gì thì hôm nay bọn mình cũng làm quá tốt còn gì nữa, nấu nướn gần xong, thằng Sơn với thằng Tùng chạy vào trong lán lấy ra hai chồng ghế nhựa, bọn con gái thì trải giấy báo, xếp bát đũa. Cả lớp ngồi quây quần ăn như đại gia đình, nhưng giây phút thời học sinh đó sao mà quý giá, cả đời tôi cũng không quên được. (Nguồn: TruyenNganHay.Yn.Lt )
Chap 30:
Buổi tối, ăn uống no nê, cả đám ngồi quây quần quanh đống lửa trại, tôi bắc một cái chạc hai bên, xiên que tre nướng cá, cứ ba đứa ăn chung một con, rí rách cả tối. Mở màn, Hoàng đàn bài Triệu đóa hồng, tặng ai thì ai cùng biết rồi đấy. Sau đó là thầy chủ nhiệm đàn, hát bài Huyền thoại mẹ. Đến tôi, mới võ vẽ tập đàn có 3 tháng, cũng đệm bài Pround of you cho con An hát. Giọng hát trong vắt, thuần khiết lại vang lên, cả lớp đồng loạt im lặng nghe nó hát. Nhưng nó hát cả lớp nghe mà sao tôi cứ cảm giác mơ hồ rằng bài hát đó dành cho tôi. Có lẽ tôi đã ngộ nhận quá chăng, hay sự thực là như thế?
Hát hò chán chê, hết đứa này đến đưa kia hát ngêu ngao, mà thảm họa nhất là anh cốt đột, giọng ca Chaien khủng bố cả lớp, đàn thì hay mà sao hát thì như con trâu già rống. Ngồi một lúc, củi cháy gần hết, tôi với thằng Tùng đi kéo về hai khúc cây to, tha hồ đốt, vẩy thêm vài thìa dầu ăn vào, lửa lại cháy bùng lên, nổ lách tách. Đứa nào đứa nấy giờ no toàn cá thịt, rửng mỡ nghĩ ra trò kể chuyện ma. Tôi nháy thằng Việt, nó gật đầu hiểu ý.Sau đó, thằng Dũng bắt đầu kể, còn thằng Việt thì len lén nấp ra sau tấm lưng hộ pháp của thằng Dũng, lấy đồ nghề ra hí hoáy đọc đọc, lén quẳng vào lửa trại một lá bùa, tay bắt quyết nhanh gọn, không ai phát hiện cả. Giọng đọc trầm trầm của nó bắt đầu câu chuyện:
- Năm 53, chiến tranh bom đạn khắp nơi. Làng mình, cách chỗ này độ hai chục cây thôi, nổi tiếng lắm ma nhiều quỷ. Làng có ông Thịnh làm nghề giết mổ lợn, lắm lúc say rượu đánh bừa người nên không ai dám dây vào, ông ý muốn làm gi mặc ông ý. Nhưng sinh nghề tử nghiệp, ông Thịnh giết mạng sinh linh vì tiền thì có ngày bị giết lại. Mấy hôm gần rằm tháng 5, vào hè oi bức, người làng ra cả ngoài hè với bờ đê hóng mát, bao giờ có kẻng báo động lại chạy về. Nhiều người ngồi ngoài đê thấy ông Thịnh dạo này hay giờ bờ sông nói lảm nhảm một mình, ai lại hỏi han thì bị lão trợn trừng mắt đuổi đi. Hàng xóm xung quanh nhà cũng bảo không biết dạo này nhà lão có chuyện gì mà lợn kêu ụt ịt cả đêm, trong khi nhà ông Thịnh đến tờ mờ sáng mới đưa lợn về mổ, còn đằng này giữa đêm tối om om, trong vườn lại cứ có tiếng sục sạo đào bới, tiếng lợn mẹ gọi con. Có người còn quả quyết thấy con lợn to như con trâu, đen sì sì nằm tựa lưng vào tường nhà ông Thịnh…..!
Nghe đến đấy, bọn con gái bắt đầu sợ, nem nép dần vê phía bọn con trai, mấy đứa ngồi cạnh thầy thì túm chặt lấy cổ tay thầy, thỉnh thoảng lại ngoái ra sau xem có gì không. Nó ngừng ngừng lại chút rồi kể tiếp:
- Chuyện con lợn có hay không, chẳng ai dám bảo giả hay thật. Chỉ thấy ông Thịnh càng ngày càng lạ, rồi cũng đóng cửa lò mổ, không làm ăn gì nữa, đêm đêm, mấy nhà xung quanh nghe trong nhà ông Thịnh vang lên tiếng kêu khóc, van vỉ của ông, nhưng hễ cứ ai chạy sang đến đất nhà ông thì tiếng kêu lại thôi, trong nhà có giọng đàn ông quát ra: "Vào vào ăn trộm à?". Độ chục hôm sau khi ông Thịnh đóng cửa lò mổ, như thường lệ, sáng nào bà vợ ông cũng từ nhà dưới lên gọi chồng ăn sáng. Hôm nay bà mở cửa ra thì hét toáng lên, hàng xóm nghe vậy liền kéo cả sang xem có chuyện gì. Nào ngờ, ông Thịnh đã chết ngồi trên ghế từ bao giờ, bên cạnh là con dao mổ lợn be bét máu. Nhưng mà….cái kinh hãi hơn là…. Bụng ông thịnh bị mở banh lòi cả ruột ra ngoài, còn mặt ông thì đã lóc hết da thịt, phơi lên trên đùi, lộ ra xương hàm, xương gò má trắng bóc, hai mắt trợn ngược nhìn thẳng ra cửa!
Bọn con gái kêu ré lên, có đứa sợ suýt khóc, càng giữ chặt đám con trai hơn nữa. Con An sợ quá nhảy tót vào lòng tôi ngồi, hai tay cầm chặt tay tôi, run run sợ hãi. Tự nhiên lại nhảy gọn vào tự nhiên thế nhỉ, nhưng mà tôi lại thích thế, lắm. Mũi hit hít mùi hương quen thuộc thoảng qua, tay thì giữ chặt lấy bàn tay nhỏ bé của nó như muốn che chở. Thằng Dũng thì kể tiếp:
- Sau đám táng mấy ngày, bà vợ cũng tự nhiên lao đầu xuống giếng chết, xác trương phình lên người ta mới biết, vớt lên. Từ dạo đó, đất nhà ông Thịnh bỏ hoang không ai ở, trẻ con cũng chẳng dám bén mảng vào, đêm đêm, thi thoảng nghe tiếng khóc não nề, ai oán ở bên giếng, một người đàn bà tóc bạc trắng, ngồi trên thành giếng khóc. Có vài người bạo lắm, vào hẳn vườn nhà ông Thịnh, thi gan xem ai ở lâu nhất. Một trong số đó là bác tớ, ông là người ở lại cuối cùng và cũng là người ở lại lâu nhất, nhưng cũng là người chứng kiến điều kinh khủng nhất. Lúc chúng bạn đã sợ bỏ ra cổng hết, bác tớ mới từ từ đi ra ngoài, bỗng nhiên gió thổi lay rặng bạch đàn xào xạc, từ trong góc tường có bóng người ục ịch, đen sì sì bước lại gần chỗ bác đứng, bác sợ quá chạy cắm đầu cắm cổ ra cổng, mấy người bạn vẫn còn chờ ở đó, cả đám kéo nhau về nhà sạch. Bác và ba người bạn nhìn lại khu đất lần cuối, ngay lập tức cả hai há mồm kinh hãi, trên ngọn bạch đàn là một bà tóc trắng tinh, xõa dài xuống tận gốc, đứng trên đó khóc rưng rức, tiếng khóc ai oán vang vọng bốn phía, ở trên bờ tường đá, một người to béo nặng nền đang lắc lư đi trên mép tường thằng về chố mấy người, cười khanh khách ghê rợn.
Nghe nó kể đến đây, cả đám im bặt, bỗng nhiên trong bìa rừng xa xa vọng lại tiếng cười khanh khách vang hòa trong gió, xen lẫn tiếng khóc não nề, ỉ ôi kéo dài, gió thổi càng lúc càng mạng, đống lửa bị thổi tạt bập bùng tưởng tắt. Cả lớp gào ầm lên, kéo nhau trốn sạch vào trong lán, riêng có ba thằng tôi, thằng Minh, thầy chủ nhiệm là vẫn ngồi lại. Con An cứng chân không chạy được, ôm chặt lấy tôi, khóc òa lên sợ hãi:
- Á á á! Hưng ơi! Ma! Ma về đấy. Ông Thịnh ở gần đây nên đến giết mình đấy Hưng ơi! Hức hức hức!
Tôi thấy gió thổi thế cũng hoảng lắm, biết là thằng Việt bày trò nhưng vẫn thấy sợ, lạnh toát sống lưng. Chợt nhận ra tay mình chạm phải cái gì mềm mềm, âm ấm, tôi mới nhìn lại. Con An sợ quá nên giữ rịt lấy tay tôi, ghì vào ngực nó lúc nào không hay. Tôi nóng bừng tai, cố rút tay lại mà không được, mới nói:
- An ơi! Tay!
Nó nín khóc, nhìn xuống, thấy tay tôi thế thì nó giãy ra, đánh bùm bụp vào người tôi xong giận dỗi, chẳng nói chẳng rằng, ngứng nguầy bỏ vào trong lán. Ô hay nhỉ? Thế chẳng lẽ mọi lỗi là do tao à? Mày cũng có phần chứ An, tự nhiên lại giận mình, đúng là đồ con gái.
Bạn đang đọc truyện tại wapsite www.TruyenNganHay.Yn.Lt .Chúc bạn online vui vẻ.
Chap 31:
Chuyện kỉ luật tạm êm xuôi, trong trường, những xì xào về tôi cũng lắng dần. Mấy bữa nay chân con An vẫn chưa khỏi, bác sĩ phải nắn xương, bắt hạn chê động chạm đến chân, nếu không sợ thành tật cả đời. Hai ngày đầu, con An ở lỳ nhà không dám đi đâu, tôi sang thăm nó, hỏi:
- Làm sao mà lại nghỉ?
Mặt nó xụ ra, than:
- Ứ ừ không đi học đâu. Nhỡ thành thọt thì làm sao, nhìn xấu lắm.
Con này đúng là quý trọng sắc đẹp hơn cả tính mạng, cơ mà ngẫm cũng đúng, xinh xắn như nó mà không quý trọng thì uổng thật, là mình chắc mình suốt ngày ngắm vuốt với quần áo mất. Động viên nó đi học mãi, nó cứ dùng dằng nửa muốn nửa không. Cuối cùng, tôi quả quyết:
- Mai tao sang đón mày đi học!
- Nhưng mà đi kiểu gì?
- Mai đi sớm hơn thường lệ, cứ chuẩn bị đi, tự khắc có cách đưa mày lên lớp!
Nó không cãi được nữa, gật gật đầu đồng ý. Sáng hôm sau, tôi sang nhà nó sớm, ông anh trai dìu nó đi xuống nhà, lúc lên xe, mẹ nó còn dặn đi dặn lại tôi là đi cẩn thận, lo cho nó giùm bác. Đợi lúc con An ngồi yên vị, tôi mới chầm chậm đạp xe đến trường, trên đường đi tôi cố đi thật chậm, tránh những chỗ xóc, qua chỗ gờ giảm tốc thì tôi xuống xe dắt qua rồi mới lên đi tiếp. Đến trường, gửi xe xong, con An hỏi:
- Thế bây giờ làm thế nào lên lớp, lớp mình học tận tầng 4 đấy?
Tôi ghé lưng lại cạnh nó, ngập ngừng:
- Tao cõng mày lên!
Nó bối rối, mặt đỏ bừng nhìn tôi, lí nhí:
- Thôi! Ngại lắm! Mà cao thế, cõng tao lên xong mày cũng chết mệt!
- Thế đến trường rồi mày định về à?
- Ơ nhưng mà….!!!
- Nhưng nhị cái gì! Lên tao cõng cho nhanh, đang sớm chưa có ma nào đến đâu mà ngại.
- Nhưng mà ngại lắm ý!
Tôi mặc kệ, ghé lưng vào sát nó, giục mãi nó mới chịu để tôi cõng lên. Leo lên đến tầng 3 thì mỏi rã chân, hai cái cặp với một con gấu lười sau lưng, tôi thở phì phò, bước nặng trịch. Con An lo lắng hỏi:
- Thôi mày để tao xuống đi! Tao tự đi được!
Tôi gắt:
- Đi là đi thế nào! Ngồi yên đấy, còn 1 tầng nữa thôi.
Nó ngoan ngoãn không nói gì nữa, tay vòng hờ qua cổ tôi, ngả đầu lên vai. Lúc đi qua cửa lớp, nhìn qua bóng kính, tôi thấy nó đang lim dim mắt, nhoẻn miệng cười. Tôi lẩm bẩm:
- Con ỉn khốn kiếp! Tao sắp chết này, vui lắm ý mà toe với toét!
Vác được nó về chỗ, tôi nhẹ nhàng đặt nó xuống ghế. Xong tôi ra bàn sau nằm bò ra nghỉ, hai chân với vai mỏi tưởng gãy rời. Tranh thủ chợp mắt tý, còn gần nửa tiếng nữa mới trống vào lớp. Vừa thiu thiu được lúc, bỗng nhiên, tôi có cảm giác cái gì mềm mềm, mượt như nhũng khẽ chạm lên mặt mình, mùi hương con gái quen thuộc phảng phất. Mở mắt ra nhìn thì thấy con An đang nghiêng nghiêng đầu chăm chú nhìn mình, tay cầm cái khăn thấm mồ hôi trên trán tôi. Tôi ngước lên, nhìn sâu vào mắt nó, nó tròn xoe mắt nhìn tôi. Rồi nó chợt bối rồi, bẽn lẽn tránh ánh mắt tôi rồi rụt tay lại, quay lên trên ngồi. Thẫn thờ, đơ mất một lúc, tôi nén tiếng thở dài, nhắm mắt ngủ lại. Trống vào tiết, bọn lớp tôi mới ùn ùn kéo lên, nói chuyện rào rào như tổ ong vỡ. Tôi uể oải ngồi dậy, chờ trống vào tiết. Hôm nay đương đầu với 2 tiết Toán, 1 tiết Lý, buổi sáng sẽ dài lắm đây.
Học tiết Lý, thằng Minh ngồi gật gù, ngủ chảy cả nước dãi ra vở, thằng Quang ngồi cạnh thấy thế liền gạt đổ tay chống cằm của nó, mặt thằng Minh úp xuống bãi enzim nó vừa tiết ra. Thằng Minh giật mình tỉnh ngủ, gầm lên:
- Con chó nào….
Được nửa câu thì nó im bặt, nhận ra đang trong tiết học. Thế là đồng chí cán sự Toán được ngồi vào sổ ghi đầu bài, khuyến mãi ra ngoài hành lang đứng cho tỉnh ngủ. Ngay sau đó, thằng Quang cũng bị ra ngoài đứng cùng vì tội ngồi không chú ý học, còn thừa thời gian để soi mói người khác. Nghe tên thằng Quang cũng bị dính phốt, thằng Minh vịn song cửa nhòm vào, vuốt cằm cười:
- Y hỹ hỹ hý hý! Ơ hớ hớ hớ hớ!
Thôi thế là oan gia ngõ hẻm rồi, cầu mong những điều tốt lành cho Quang ngơ.
Sang tiết Sử, chủ quan môn thế mạnh với đã chuẩn bị kĩ bài nên tôi ngồi chỉ có chép bài với nghịch chỏm tóc con An. Đang cuộn cuộn cái bút vào túm tóc lơ thơ trên cái chỏm thì tôi giật bắn người nghe cô Sử gọi tên. Bọn xung quanh nhắc:
- Trả lời cho cô biết nguyên nhân sự nảy sinh chủ nghĩa tư bản ở Tây Âu.
Tôi tuôn liền một tràng:
- Em thưa cô, nguyên nhân là do những cuộc phát kiến địa lý làm nền kinh tế phát triển nhanh chóng, kéo theo đó là nhu cầu về nhân công, mà nguồn nhân công chính là những nông dân mất đất, thợ thủ công, nô lệ.
Nghe tiếng cười rúc rích khắp lớp, tôi vội ngừng tụng, xem vì cái gì mà chúng nó cười, hay là mặt mình có nhọ? Cô Sử cố nhịn cười, bảo:
- Tôi bảo anh ghi chép bài đến đâu rồi mà nghịch tóc chị An, chứ ai hỏi bài đâu mà anh tuôn như nước máy thế. Hồn treo ngược cành cây rồi!
Con Thy lỏn lẻn chêm vào:
- Treo ngược búi tóc mà cô!
Cả lớp cười ồ như muốn vỡ tung ra, tôi ngượng chín cả mặt, con An tai đỏ bừng, cúi gằm mặt xuống, tay đan vào nhau. Suốt cả buổi chúng nó cứ trêu mãi, ra chơi còn xúm vào ghép này ghép nọ, rồi chia hai họ nhà trai nhà gái. Đến khổ với lũ quỷ sứ này.
Cuối giờ, đợi cả trường về gần hết tôi lại cõng con An xuống, đèo nó về. Liền sau đó, ngày nào cũng đến sớm cõng nó lên rồi ỏ lại muộn cõng nó xuông. Chẳng biết từ lúc nào mà tôi lại thấy thích cái cảm giác cõng con An trên lưng, thấy mình có ai đó ở sau che chắn, cảm giác được là chỗ dựa cho một đứa con gái, quen thuộc cái hơi thở nóng ấm, ngượng ngập phả vào sau gáy. Rồi mỗi khi đèo nó về, nó sẽ ôm nhẹ vào eo tôi, ngả đầu tựa vào lưng tôi thật yên tâm. Sau hai tuần, một hôm đi học về, đến trước cổng nhà con An, nó tự dưng nhảy xuống trước, tôi hoảng hổn vội quay ra sau định đỡ, nào ngờ nó đang nhảy tưng tưng như thỏ, nhìn tôi cười. Tôi nổi quạu hỏi:
- Êu! Chân mày khỏi rồi còn bắt tao cõng, bóc lột sức lao động hả?
Nó ton ton chạy ra phía tôi, mặt bụ ra làm bộ đáng thương. Tôi cố giả vờ giận, quay mặt đi. Con An giật giật tay áo tôi, nhõng nhẽo:
- Đi mà! Đừng giận mà! Tao mới khỏi có 3 ngày thôi!
Tôi sửng sốt:
- 3 ngày hả?
Nó cười hì hì, ôm chầm lấy tôi. Tôi ngỡ ngàng chưa kịp phản ứng gì thì nó nói một tràng:
- Nhưng mà tao thích để mày cõng tao lắm. Hưng ngố mà tốt thế, hì hì!
Xong nó buông tôi ra, bất ngờ véo mũi tôi cái xong bỏ nhảy chân sáo lỉnh mất. Tôi thì ngẩn ngơ nhìn nó đang nghênh nghênh cái chỏm tóc củ hành, mở khóa chạy tót vào nhà. Giây phút đó, tôi cảm nhận rõ ràng tim mình đang đập sai nhịp thật rồi.
Mấy hôm sau, tạm gác chuyện đánh trả bọn thằng Vĩ lại, tôi cố tìm sự bình tâm, quyết định đi chơi cùng với con An một buổi. Chỉ khi có tri kỷ bên cạnh, tôi mới thấy bình tĩnh lại được, chỉ cần nhìn nó chỉ trỏ hàng quà bánh, ngồi ngắm nó tham lam ăn như con chuột lang hay nhìn thấy vẻ mặt ngô nghê của nó mỗi khi ngẫm nghĩ xem tôi vừa trêu nó cái gì, chỉ cần vậy thôi là đủ.(Nguồn: TruyenNganHay.Yn.Lt )
Chap 32:
Từ tối hôm thứ sáu tôi đã sang nhà con An, xin với bố mẹ nó trước để cho đi dã ngoại cùng tôi. Cũng hay là hai bác vốn quý tôi như con trong nhà, lại được thêm ông anh trai nó nói giúp nữa nên hai bác tin tưởng để tôi dẫn nó đi chơi. Bác trai nói:
- Hưng ạ! Con An nhà bác nhìn thế thôi chứ nó tồ lắm, ngần này tuổi rồi mà ngây ngô như trẻ con vậy. Nhưng trong đám bạn ít ỏi của nó thì bác thấy cháu là đứa suy nghĩ trước tuổi, làm gì cũng cẩn thận nên bác tin tưởng, giao nó cho cháu bảo vệ. Bác nghĩ bác nói gì cháu cũng hiểu quá rõ, không cần dài dòng nữa! Vậy nhé! Hai đứa đi chơi thì đi đường cẩn thận, chỗ ao hồ thì đừng nghịch ngợm, thấy ở đâu có xô xát thì tránh đi,…
Tôi gật đầu, đáp:
- Dạ vâng ạ!
Chuyện xin phép xong xuôi, lựa ngày chủ nhật là ổn nhất, đi chơi một buổi, chiều thì về. Lần này thử đi xa chút xem sao, tránh khỏi những ồn ào, thị phi nơi phố thị này. Trước khi xin phép, tôi đã chọn địa điểm là một am nhỏ nằm khiêm tốn ở ngoại thành Hà Nội, đôi lúc, người ta tìm đến những nơi tâm linh, hi vọng đặt niềm tin vào một điều huyền bí nào đó hơn là đặt niềm tin ở cái chốn vàng thau lẫn lộn. Con An là đứa duy tâm, nó thích đi đền chùa một cách kì lạ, chọn chỗ này chắc nó sẽ thích.
Về nhà, năn nỉ gãy lưỡi, bố tôi mới chịu cho tôi đi xe máy, lựa chọn trong 3 cái, tôi đi Dream Thái cho lành, vừa khỏe, vừa đỡ gây sự chú ý, đến nơi thanh tịnh như thế không nên làm gì màu mè, hào nhoáng quá. Tối hôm trước khi đi, tôi làm sẵn đồ ăn, làm coi như tàm tạm để sau khi lễ am xong thì ra chỗ cánh đồng lần trước con An chỉ cho tôi. Lên phòng sắp xếp ba lô, tôi đắn đo suy nghĩ mãi rồi cũng bỏ cây côn gấp vào trong, từ sau đợt đi tham quan về, tôi lén đặt làm một cây Tề mi côn chia làm 3 đoạn rời có thể ghép lại với nhau, ngày mai đem theo phòng thân cũng tốt, chỗ đồng không mông quạnh vốn lắm chuyện, có vũ khí sở trường trong tay, chí ít tôi có thể bảo vệ nó an toàn. Từ 10h tối tôi đã leo lên giường đắp chăn ngủ kĩ, cố ngủ chút không mai đi chơi về mệt mỏi lại ốm ra đấy.
Sáng hôm sau, tôi dắt xe ra khỏi nhà từ 6h, sáng bên nhà con An đón nó đí. Tự nhiên hôm nay lại ăn mặc giản dị thế, đúng là đi chùa có khác, không giống con vẹt sặc sỡ hay ngồi sau xe mình mọi khi. Đi chừng nửa tiếng thì đến cái am nhỏ, tôi gửi xe ở một nhà dân cách đó 1km rồi hai đứa mua vàng hương, thanh bông hoa quả, đi bộ vào am. Nhìn kiến trúc thì thấy hình như am này được xây lâu lắm rồi, hàng tường đá rêu phong nhằng nhịt vết vẽ than, mái ngói đỏ ẩm, nham nham vết rêu xanh. Trong am có một cái sân nho nhỏ, một khu vườn cũng nhỏ, trồng vài luống rau với mấy cây chanh còi cọc, trước cửa điện thờ là một đỉnh hương lớn kiểu nhà Nguyễn. Tôi và con An thắp hương, cúi đầu thành kính, khấn lâm râm. Tôi chỉ ước sao cuộc sống cứ yên bình mãi, sáng tôi đi học, chiều chơi lông bông đâu đó, tối ngồi quây quần bên mâm cơm gia đình, bố mẹ hỏi chuyện học hành, thỉnh thoảng đi chơi xa với An thế này, được nhìn nó cười rạng rỡ, nghe giọng hát trong vắt, thuần khiết của nó, vậy là quá tốt rồi. Khấn xong, tôi hé mắt nhìn sang con An, thấy nó vẫn chắp tay, mắt lim dim nhắm lại hi vọng lời ước thành hiện thực. Bất giác, tôi lại liên tưởng tới hình ảnh con thỏ ngồi giã thuốc trên cung trăng trong cổ tích Nhật Bản. Hai đứa thắp hương xong, tự nhiên tiếng gõ mõ đều đều ngưng lại, một giọng nói hiền từ cất lên:
- Thí chủ đã tới tận chốn này tìm Phật. Cớ làm sao lại đi ngay, có gì xin hãy vào đây, lâu rồi am cũng chưa có ai đến viếng thăm.
Tôi và con An rụt rè bước vào, lấp ló ở bậc tam cấp. Một chú tiểu chừng 6- 7 tuổi, cười hì hì, khoe hai cái răng cửa đang thay, đưa tay vào trong, lễ phép:
- Thầy mời hai thí chủ vào ạ!
Khép nép bước vào trong, hiện lên trước mắt tôi là một ông cụ da mồi, râu tóc bạc phơ, mỉm cười độ lượng nhìn hai đứa. Cụ đưa tay mới bọn tôi ngồi, chú tiểu vào châm trà. Tôi e dè chào cụ:
- Con chào thầy ạ!
Con An cũng lí nhí chào theo. Ông cụ bật cười, rót trà cho hai đứa, miệng hỏi:
- Hai vị thí chủ đến am này tức là giữa ta và hai người đã có duyên từ trước. Vậy chẳng hay duyên gì dẫn hai con đến?
Tôi đáp:
- Hôm nọ con đi qua, thấy am thanh tịnh nên dẫn bạn con tới thắp hương, lễ Phật.
- Nhưng trên đường tới đây, có vô số chùa lớn, khách ra vào nườm nượp. Sao con không chọn những nơi đó?
Tôi ngẫm nghĩ hồi lâu, đáp:
- Theo con thì Phật ở đâu cũng là Phật, có lòng thành thì tượng đất cũng là thánh. Còn những nơi đó, những người ra vào nơi đó….
Ông cụ hỏi:
- Những người đó làm sao?
Tôi rụt rè đáp:
- Con nghĩ… đa phần người đến đó là để mua Phật chứ không để lễ Phật!
Ông cụ trầm ngâm, nhắm nghiền mắt suy nghĩ, nói:
- Năm nay con bao nhiêu tuổi?
- Dạ con 16!
Cụ cười hiền, nói:
- Nghe con nói, ta không nghĩ con mới 16 tuổi! Còn cô bé này là gì với con?
Tôi đáp chắc nịch:
- Là bạn thân của con…hệt như tri kỷ vậy!
Con An đỏ bừng mặt, bối rối nhìn tôi xong lại cúi đầu xuống, tay xoay xoay chén trà ngượng ngùng. Ông cụ hỏi lại:
- Vạn lạng hoàng kim còn dễ kiếm
Thế gian tri kỷ thực khó tìm.
Là tri kỷ hay là gì đó hơn cả tri kỷ? Là rõ như năm ngón tay trước mắt, hay là phân vân như ngựa ngừng ngã rẽ?
Tôi giật mình thon thót, nãy giờ ông cụ nói trúng tim đen tôi liên tiếp. Tôi im lặng, không biết đáp thế nào. Cụ cười:
- Là trắng hay đen, tự ngẫm con sẽ rõ! Nhưng đừng bao giờ giả điếc, giả mù con nhé!
Nghe cụ nói, tôi chẳng hiểu gì cả. Ngồi nói chuyện thêm lúc nữa rồi hai đứa từ biệt ông cụ kì lạ để về. Trên đường ra cánh đồng cũ, tôi cứ băn khoăn suy nghĩ mãi về lời nói khó hiều của ông cụ. Một câu nói đó thôi mà gần 5 năm sau tôi mới thấm thía, thấm thía trong đau xót và nỗi hận bản thân.
Ra đến chỗ cái điếm cũ, tôi và con An không ngồi lại ở đó mà đi sâu vào nữa xem có gì mới không. Hóa ra đi sâu vào trong độ gần 1km thì có một cái chòi canh kiểu cổ, chắc có từ thời chiến tranh để dân quân gác đường qua bãi ruộng. Có cả thang leo lên trên nữa. Cái chòi canh cao cỡ tầng rưỡi, ở trên là một khoảng rộng độ 4m vuông, bao quanh là bờ tường cao độ 1m. Vừa đủ chỗ để trải bạt ra ngồi, con An lại lấy trong cái "túi thần kì" của nó ra tấm bạt chi chít hình thỏ với cả rốt. Hai đứa giở đồ ăn ra ăn, xong lại chơi oẳn tù tì, đứa nào thua thì bị sai khiến, con An thua trước, tôi mỉm cười, bảo:
- Hát đi! Bài gì cũng được!
Rồi chỉ chực lúc nó hát là tôi kêu bô lo ba la ầm lên chen vào giữa, chặn họng lại. Cuối cùng nó không thèm hát nữa, bắt chơi lại. Lần này tôi thua, con An cười hì hì, lúi húi lấy ra một cái chăn be bé, trông như chăn trẻ con. Nó túm tay tôi, vòng rộng ra, rúc người vào lòng tôi, chùm cái chăn lên ngang người, bảo:
- Tao ăn no rồi, buồn ngủ lắm. Sai khiến mày làm cái gối cho tao ngủ.
Xong nó xoay ngang xoay dọc, vặn vẹo người mãi, rồi cuộn tròn lại, nhắm mắt ngủ. Đột nhiên nó mở mắt nhìn tôi, chìa bàn tay trắng nõn, kễnh ngón út bé xíu lên, bĩu môi:
- Tao ngủ cấm mày làm gì đấy. Ngồi yên làm gối cho tao! Cơ mà mày phải ngoắc tay thề cơ.
Tôi bật cười, ngoắc tay thề với nó. Con An yên tâm nằm ngủ, điềm nhiên quơ cánh tay phải của tôi bỏ vào chăn, ôm chặt lấy, mắt nhắm tịt, nói:
- Tao mượn nốt cái tay làm gấu bông, sáng này đi tao quên mang Poh của tao rồi.
Tôi lặng yên không nói gì, đợi nó lim dim ngủ, tôi mới ngồi ngắm nó ngủ. Vẫn cái điệu bộ ngủ như con cún con, cái mũi be bé phập phồng hít thở. Định chạm vào xem mũi nó có chun lại không, nhưng thôi, nhỡ nó tỉnh dậy, nổi cơn tam bành thì chết. Đang yên đang lành, nó lại tỉnh dậy, quắc mắt nhìn tôi, kêu:
- Mày quay đi chỗ khác đi. Cấm có nhìn tao chằm chặp như thế, đồ biến thái. Mày nhìn làm tao không ngủ được!
Tôi ngớ người ra, làu bàu:
- Không nhìn thì thôi! Tao thèm vào!
Nói thế thôi chứ thực ra lúc nó ngủ, tôi vẫn liếc trộm nó, nhưng hễ thấy đầu nó hơi ngọ nguậy là tôi vội quay mặt đi hướng khác, mặt tỉnh bơ như không. Ngủ chừng hơn tiếng thì con An tỉnh dậy, nó kiểm tra khắp người, sờ tay lên mặt xem có gì không. Rồi nó bắt tôi dẫn đi chơi. Xung quanh chỗ này chẳng có gì mới cả, chủ yếu toàn là hoa cỏ với đất hoang mọc đầy cỏ lau. Nhìn nó háo hức chạy ra hướng bãi cỏ lau, tôi lại thất xót thương cho số phận một con người tăng động thừa năng lượng. Chắc lúc có mang nó, bác gái nghiện của ngọt nên giờ sinh ra nó hiếu động thế này. Ai đời, người gì mà cứ lon ta lon ton như đứa trẻ, đường đất đã không quen rồi còn thích chạy nhanh, mấy lần suýt tý nữa thì ngã. Tôi đứng xỏ tay túi quần, khệnh khạng rảo bước ngay sau nó, ngoài thì tỏ vẻ bất cần nhưng mà tôi sợ nó ngã lắm, không lúc nào dám rời mắt khỏi con ngẫn này, chỉ sợ vừa quay đi là lại oạch cho cái, nằm lăn ra đấy. Nhưng hình như con An không biết sợ là gì, chạy lăng xăng, rón rén lại gần nhánh cỏ có con chuồn chuồn , cố bắt cho bằng được. Con chuồn chuồn bay từ chỗ này sang chỗ khác, nó vẫn cố đuổi theo. Mãi không bắt được, nó quay sang mè nheo tôi:
- Hưng ơi! Bắt cho tao!
- Ơ hay con này! Để yên cho nó bay! Thế bây giờ có đứa túm cổ mày nhốt lại, mày có chịu không?
- Lè! Toàn bắt nạt tao!
Chán chê, nó lại nghĩ ra trò đi thăng bằng trên đoạn ống nước của máy bơm. Vừa đi vừa cười hí há, thích thú khi đi trọn hai vòng mà chưa hụt bước nào. Nhưng đi đêm lắm có ngày gặp ma, bỗng dưng nó bước hụt, ngã lăn ra, gọi ầm lên:
- Hưng ơi! Tao ngã rồi!!
Tôi hốt hoảng chạy ra xem sao. Nó mếu máo, làm nũng. Tôi gõ cho cái vào chân, cười:
- Có làm sao đâu mà! Dậy đi! Tao chụp ảnh cho mày!
Nó không thèm đứng dậy, ngồi lì ở đấy. Tôi dỗ mãi mới chịu đứng lên. Nó phụng phịu bỏ ra chỗ gốc cây táo dại ngồi, xoay lưng về phía tôi, nghênh nghênh đầu nhìn đi chỗ khác. Đúng lúc đó, tự nhiên có con bướm trắng đậu lên chỏm tóc nó, trông ngộ lắm. Chớp cảnh đó, tôi lấy máy ảnh ra bấm lia lịa, chộp ngay được cảnh hồn nhiên đó. Nghe tiếng tôi cười, nó ngơ ngác quay ra sau, tôi nhân cơ hội đó chụp thêm mấy tấm nữa. Nó chạy ra, giật lấy mảy ảnh xem. Nhìn thấy cái ảnh có con bướm đậu trên chỏm tóc, nó ngô nghê:
- Có con bướm đậu thật hả? Thôi, điềm báo, là điềm báo về người đẹp như tao rồi. Hàm Hương có bướm đậu, tao cũng có con bướm đậu. Là ý trời đây mà. Mày thấy vinh dự khi có bạn là The chosen one không?
Nhưng đến khi nhìn thấy mấy cái ảnh mặt ngơ thì nó dãy đành đạch bắt tôi xóa đi. Tôi ỉ ôi:
- Thôi, giữ lại làm kĩ niệm đi mà!
Nó vẫn không chịu. Tôi năn nỉ mãi, bắt trước nó làm mặt cún con. Nó kinh dị nhìn tôi, đập cho cái vào mặt, kêu:
- Khiếp! Khiếp! Nhìn cái mặt tởm quá, buồn nôn quá! Mày là sự xúc phạm thị giác Hưng ạ!
Tôi gân cổ lên cãi lại, hai đứa chí chóe, đuổi nhau chạy loăng quăng. Mãi rồi con An mỏi chân quá không đi nữa, túm cổ tôi, nhảy tót lên lưng, cười toe:
- Cõng tao đi về đi! Tao không đi bộ nữa đâu, mệt lắm!
Đang mệt bở hơi tai mà nó còn bắt cõng, tôi ngán ngẩm, lặc lè cõng con ỉn ra chỗ gửi xe. Thế quái nào mà trên đường đi, nó ngắt được bông lau, khua khoắng loạn xạ, hò hét:
- Ta là Đinh Bộ Lĩnh! Đang cưỡi trâu tập trận!
Hóa ra nó ám chỉ mình là con trâu à! Tôi cay cú, cứ nhè chỗ lồi lõm mà đi, bước thấp bước cao, xóc nẩy người. Con An kéo má tôi, kêu:
- Đi cẩn thận vào không tao xé nát mặt!
Không còn cách nào chống lại, tôi ngậm ngùi vác nó đi hết gần 2 cây số. Giây phút nhìn thấy bãi để xe, giây phút giải thoát của tôi.
Trên đường về nhà, con An còn mè nheo, hết nghịch mũ tôi lại quay ra hát hò linh tinh. Bỗng nhiên, hình như tôi phóng nhanh quá nên nó sợ ngợ hay sao mà khẽ vịn thật nhẹ vào cạnh hông tôi, im lặng không hát í a nữa.
Kết thúc buổi dã ngoại mini, tôi đưa nó về nhà an toàn rồi chầm chậm đi về. Giờ nghỉ giải lao đã hết, bắt đầu sẽ là những ngày căng thẳng vừa học vừa cân não.