Chap 11:
Kéo dài gần tiếng nữa thì buổi khai giảng mới kết thúc, tôi nhẹ nhõm bước ra lấy xe, gì chứ chỉ vài hôm là chìm thôi, mình biết cái kiểu tin đồn này mà. Đang dừng xe ở ngoài cổng trường định rẽ ngược chiều phóng luôn ra bờ sông Hồng ngồi cho xả hết cái cục tức ngày hôm nay. Bỗng nhiên tôi nghe có tiếng láo xáo sau lưng, rồi có tiếng hô hào lên đi lên đi, chưa kịp ngoài đầu nhìn thì tự nhiên yên sau trùng mạnh xuống, may mà mình đi địa hình chứ không đổ luôn xe. Tôi nóng máy, gân cổ lên quay lại xem đưa khốn kiếp nào còn bày trò trêu mình nữa. Nhưng tôi dịu lại ngay, bởi người ngồi sau xe là Trang, hai má đang ửng hồng vì ngượng, mắt ngấn nước, giận dữ nhìn tôi. Tác giả của vụ này chính là thông gia hai nhà A4 và D2, chúng nó cậy số đông, đùn đẩy em Trang về phía tôi rồi hai con bé lớp đó bế bạn đặt lên yên sau xe tôi. Đã thế chúng nó còn không đi ngay, cứ lố nhố đứng đó, chúng mày chờ cái quái gì không biết nữa. Sau lưng tôi, Trang khẽ giật giật áo, lạnh lùng bảo:
- Đi đi! Không chúng nó nghĩ ra trò khác giờ.
Tôi nghe xong thì cắm đầu cắm cổ đạp một mạch về hướng bãi bồi lần trước tôi ngồi làm mẫu cho Trang vẽ, bỏ lại sau lưng tiếng chúc đểu của bọn quỷ sứ hai lớp, mà nghe loáng thoáng có cả giọng léo nhéo của con An :
- Hưng ơi! Trăng mật vui vẻ Hưng ơi!
Mãi cũng tới chỗ cũ, tôi vừa dừng xe là Trang đã nhảy xuống, ra đứng khóc thút thít ở một góc. Tôi ngớ người ra, chẳng biết sao lại khóc nhỉ? Cứ chạy ra dỗ dành rồi hỏi :
- Ấy sao thế? Làm sao tự nhiên lại khóc?
Đúng là khó hiểu thật, mình càng hỏi thì lại càng khóc to. Bỗng dưng Trang mím chặt môi, cầm cả bảng vẽ đánh bồm bộp vào vào vai tôi. Đang đánh thì bảng vẽ bằng gỗ fooc nên gãy, thế là quảng bảng vẽ, nắm tay đấm vào ngực tôi, hét : " Nhá! Nhá ! Nhá Nhá…………!" Nắm tay bé tí mà đấm vào người tôi đau thế. Nhưng tôi mặc, lặng yên để cho em đấm, mãi không thấy tôi có phản ứng gì, Trang chạy ra chỗ khác ngồi thụp xuống, lại khóc ngon lành. Tôi thì như thằng ngố, dỗ dành đủ kiểu mà Trang không nín, tôi mới ngồi xuống bên cạnh, cố cười nhăn nhở hi vọng làm em ý vui lên. Nào ngờ em ý thấy mình cười thì thôi không khóc nữa, mắt rưng rưng nhìn thẳng vào mặt tôi. Trông mặt tôi cứ nhăn nhăn nhở nhở, Trang không nói nữa, ngồi im không khóc, nhặt sỏi đá xung quanh ném vào tôi. Tôi thì cứ ngồi nhìn ra sông, mặc cho em muốn đánh hay ném gì, giờ có khi động vào lại khóc thêm ra, tôi sợ nhất là nước mắt con gái. Hồi lâu, bỗng dưng im ắng hẳn, không thấy đá ném nữa, tôi lén quay sang nhìn. Trang thôi không khóc nữa, giờ ngồi bó gối nhìn tôi chằm chặp, thấy tôi nhìn sang vẫn cứ ngồi im nhìn tiếp. Hết buổi hôm đó, chỉ có nhìn nhau rồi tôi đèo Trang về, ngồi sau xe , em lấy ngón tay khoanh khoanh vẽ gì đó vào lưng tôi, có lúc lại khẽ cười khúc khích, nhưng vừa cười thành tiếng là im bặt luôn. Sao con gái đứa nào cũng sợ con trai thấy mình cười thì phải?
Về đến nhà Trang, thì ra nhà nàng ở đây, một ngõ nhỏ trong lòng Hà Nội, trước nhà có một giàn hoa giấy. Mình đi qua bao lần mà không biết, chẳng rõ Trang có biết trước đây ngày nào cũng có một thằng tôi sáng nào cũng đi giao báo khắp khu này không nhỉ? Lúc xuống xe, Trang ngập ngừng chào tôi rồi mở cổng đi luôn vào nhà. Tôi thì lại lặng lẽ đạp xe về, ngày hôm nay sao mà lắm chuyện xảy ra quá. Mọi thứ cứ rối tung hết cả lên, hệt như cảm xúc của tôi. Cảm xúc mới này là gì vậy?
Tối hôm đó, làm bài xong, tôi lại nằm vật ra giường, nhắm mắt tưởng tượng lại khuôn mặt của Trang lúc hờn dỗi, càng nhìn càng thấy yêu kiều, dễ thương. Khuôn mặt ấy, mang một nét quyến rũ đàn ông ẩn trong cái tinh nghịch, hồn nhiên, da em trắng như tuyết, đôi mắt long lanh, nghịch ngợm, mái tóc bồng buông nhẹ xuống xuống bờ vai thon thả, nhưng đôi mắt kia lại ngấn lệ nhìn tôi, trách móc điều gì đó. Như một ma lực hút hồn tôi, khiến tôi vẩn vơ nhung nhớ mãi…
Thế rồi, một hình ảnh khác lại chen vào trong tâm trí tôi, là Ngọc Anh nhẹ nhàng, trong sáng tựa thiên thần, nụ cười bẽn lẽn thắp sáng cả tâm trạng u tối nhất của tôi, rồi cái mi nhẹ lên má như lời hẹn bỏ ngỏ.
Giữa hai người con gái, cảm xúc tôi thật khó diễn tả, khi thì ào ạt, thoáng đến thoáng đi khác chi cơn sóng. Khi thì nhẹ dịu, vương vấn mà thấm sâu tận trong tim, cái tĩnh lặng khiến tôi chìm vào trong yên bình, thanh thản. Một khiến tôi nhớ nhung, vừa vui buồn lẫn lộn với chút xót xa, ngộp thở khi nhớ về. Một khiến tôi có cảm giác bình yên đến vô tận, cứ nhẹ nhàng thấp thoáng trong tâm hồn tôi như một cánh bướm trắng. Tôi biết chọn ai?(Nguồn: TruyenNganHay.Yn.Lt )
Chap 12:
Cái suy nghĩ phân vân lựa chọn giữa hai người con gái của tôi, càng nghĩ càng rối như tơ vò, nhưng càng nghĩ thì tôi lại càng thấy nó ngớ ngẩn. Đúng là mình hoang tưởng rồi, người ta chỉ cười, nói chuyện với mình vài câu mà mình cứ làm như thề non hẹn biển không bằng! Đã là gì của nhau đâu, cớ sao lại cứ băn khoăn nặng lòng với ai? Nhưng, tim tôi lại cứ đập loạn nhịp mỗi khi nghĩ về hai người con gái đó, làm gì cũng thấy bâng khuâng, xao xuyến nhớ nụ cười bẽn lẽn, nhớ cái dáng người ngộ nghĩnh ôm tấm bảng vẽ. Cảm giác này là sao đây, chưa bao giờ tôi có cảm giác thế này cả?
---------------------------------------------------------------------------------------
Vào tuần học mới, hôm nào đến lớp tôi cũng bị bọn quỷ sứ đứng chờ sẵn ở cửa lớp trêu chọc. Thằng Minh cán sự Toán thì giả giọng ẻo lả, ôm ấp thằng Hoàng :
- Anh Hưng à! Em nhớ anh nhìu lém, sao mấy hôm nay ảnh chẳng qua lớp em thế?
Xong nó cười hé hé, nhìn chỉ muốn bẻ răng rồi bắt nó nuốt hết cho răng đó, sao cho chừa cái điệu cười ấy thì thôi! Rồi đúng như tôi dự đoán, thấy trêu tôi mãi mà tôi không phản ứng gì lại thì chúng nó bắt đầu chán và không muốn trêu nữa, mọi chuyện lại lắng xuống như chưa bao giờ xảy ra. Tôi ngoài mặt thì lạnh mà trong bụng như mở cở, chỉ muốn hét to lên:
- Chết chúng mày chưa bọn rỗi việc? Tưởng trêu bố mà dễ á! Chấp, chấp hết! Hế hế hế!
Tuần đầu tiên của năm học đối với tôi khá là dễ dàng, ngoại trừ ba môn Toán- Lý- Sinh ra thì những môn khác tôi đều xung phong lên bản đỡ đạn cho cả lớp, đàng hoàng rước điểm 10 chói lọi về chỗ trong con mắt thán phục của các thần dân lớp 10D2. Ôi cấp 3 hóa ra sướng hơn tôi tưởng, bài về nhà không, tổ trưởng truy bài không, cán sự lớp thì cùng một bè với lũ ham chơi như tôi, trong lớp thì thoải mái luyện Byakugan với các bạn nữ xinh xinh. Đúng là thiên đường nơi trần thế mà.
Dạo này con An cũng bắt đầu có chút động tĩnh, mỗi khi tôi lên bảng trả bài thì ở dưới nó xụ mặt ra vẻ khó chịu lắm, nhất là giờ Văn khi tôi lên đọc thuộc và trả lời câu hỏi phụ, nó lại càng tức, mặt quạy cọ, đỏ ửng lên, cầm cái bút chọc chọc liên tục xuống mặt bàn. Không hiểu con bé này có não có vấn đề gì không nữa, mặt mũi xinh xắn, hàng hot nhất nhì lớp mà lại có tính trâu buộc ghét trâu ăn, quái thật. Nhưng phải nói rằng nó học Toán- Lý- Anh rất giỏi, cứ đến giờ có ba môn đó là nó giơ tay liên tục, át cả bọn cán sự như thằng Minh, thằng Hoàng. Chỉ khổ hai anh cán sự nhà ta, ngồi ngáp ruồi cả buổi chẳng có ma nào hỏi đến, cảm giác như phần tử thừa thãi của lớp học.
Sáng thứ sáu của đầu tuần tháng 10, sau gần tháng học chính, lớp tôi cũng dần xóa bỏ khoảng cách, e ngại của buổi đầu năm mà chơi với nhau thoải mái. Cứ đến giờ ra chơi thì bọn con gái túm năm tụm ba chuyện trò xì xầm, còn con trai thì chạy xuống cantin bổ sung chút năng lượng cho 5 tiết học, vài đứa chơi đá cầu, vài đứa ngồi ghế đá nói chuyện tán dóc với nhau. Hồi đó, lớp tôi là trùm của cả khối về sự ham chơi, còn lập hẳn một hội chơi Half Life, cứ chiều đến là tụ tập lại quán net nhà thằng Tùng cán sự Hóa chơi, lắm khi rủ cả lớp khác chơi solo ăn tiền. Lớp tôi lợi thế là có sân nhà và quỹ thời gian rộng rãi hơn hẳn học sinh ban A nên có vô số thời gian để luyện tập bắn lên tay, thằng biết nhiều chỉ thằng biết ít, đi đấu khác lớp thì thắng tỉ lệ 80%, mỗi buổi ăn tiền cược phải đến gần 300k, lắm khi hào phóng bao luôn cả đội bạn đi ăn bù để thắt chặt tình thâm giao hai lớp, chơi vui là chính, tiền là chủ yếu. Nhưng cái gì cũng có mặt trái của nó, hội con trai lớp tôi vì ham mê điện tử mà mấy đứa sinh ra nghiện, tối nào cũng mò ra quán luyện tập, sáng đến lớp lờ đà lờ đờ, chẳng còn tinh thần học với ngắm gái nữa, tình hình học tập sa sút hẳn, mới có nửa tháng mà có 6 chiến sĩ ôm trứng về nhà rồi, cứ tiếp diễn thế này chắc phụ huynh cho dẹp hội ăn chơi mất.
Sáng ngày hai đầu tuần sau, tôi đang đứng trực nhật thì con An lù lù đi vào lớp, lúc đi qua tôi, nó quăng một câu:
- Ngưu tầm ngưa mã tầm mã. Toàn một bọn học dốt, đú đởn chơi với nhau, làm mất cả điểm thi đua của lớp!
A con này láo thật, chủ tịch hội ăn chơi đang xóa bảng mà nó dám ngang nhiên xúc phạm vào niềm tự trọng của một "gêm thủ", tôi bực mình quẳng cái giẻ lau xuống bàn, ra chỗ con An. Thấy tôi hằm hằm đi tới, nó coi cứ như không, điềm nhiên ngồi lấy sách vở ra ôn lại bài. Tựa tay vào thành bàn, tôi hất hàm hỏi :
- An! Sao từ đầu năm tới giờ cậu cứ thích gây sự với người khác thế nhỉ? Chẳng lẽ cậu không còn việc gì khác để làm à? Chuyện chúng tôi học hành ra sao chúng tôi tự giải quyết, điểm thi đua lớp mất là do nhóm làm thì nhóm sẽ cố hết sức để bù lại. Cậu nói bóng nói gió tôi thì tôi mặc kệ nhưng hễ tôi còn nghe thấy cậu nói một câu xúc phạm đến mấy thằng bạn tôi thì cứ giờ hồn, thằng Hưng này không chỉ biết văn đâu. Con gái con đứa, chẳng có tí thùy mị nết na nào, vừa sáng ra đã chọc ngoáy người khác!
Con An dửng dưng trước lời đe dọa của tôi, thản nhiên ê a đọc thuộc bài. Càng nhìn tôi lại càng cáu, bỏ luôn ra khỏi lớp, xuống xếp ghế chuẩn bị giờ chào cờ.
Nguyên buổi đó, con An cứ im lìm, không tỏ vẻ gì là e ngại cả, vẫn cứ giơ tay lên bảng liên tục, coi chuyện hồi sáng giữa hai đứa chỉ là trò dọa nạt vớ vẩn. Tôi ngẫm nghĩ lại thì thấy buổi sáng mình cũng là quá đáng thật, dù sao thì nó cũng là con gái, mình nặng lời quá vậy e rằng làm nó tổn thương.
Lúc đi học về, khi tôi đang dắt xe ra cổng thì bỗng thấy Trang đang tung tăng chạy ra chỗ mình. Cô nàng nhón người ngồi gọn lên yên sau xe, cười toe bảo tôi:
- Cho mình đi nhờ về nhé. Hôm nay bố mẹ mình về quê đột xuất không báo trước, giờ chẳng tìm ai đưa về được cả.
Tôi trố mắt nhìn nhưng vẫn lặng yên đèo Trang về, gì chứ đèo gái còn chê thì đúng là mình ngu thật, làm xe ôm bất đắc dĩ thật nhưng cứ thế này thì làm nữa cũng được. Trên đường về, hai đứa đi ngược chiều với con An, chợt Trang vẫy vẫy tay chào, con An cũng vẫy tay chào lại. Tôi ngạc nhiên hỏi:
- Trang quen nó à?
Trang đáp:
- Hồi trước bọn mình học chung cấp 2, An tốt lắm, làm lớp trưởng gương mẫu, năng nổ hoạt động tập thế, lại có lắm anh lớp trên để ý nữa.
Tôi cười hỏi:
- Thế cậu thì không có anh lớp trên nào để ý hả?
Trang đấm vào lưng tôi cái rõ đau, xong lại ngượng nghịu đáp:
- Tớ xấu thế này, nghịch phá thế này thì ai thích cho được. Năm cấp 2 thì An là thần tượng của tới đấy, nhưng không rõ vì sao mà lên cấp 3 An lại thay đổi đến thế. Ít liên lạc với lớp cũ, cắt tóc ngắn, không còn vui vẻ hòa đồng như trước nữa.
Mải nói chuyện, về đến trước của nhà Trang lúc nào không hay. Cô nàng rủ tôi vào nhà uống nước cho đỡ mệt đã rồi về sau, hôm nay bố mẹ Trang đi vắng nhà hết nên không ngại người lớn đâu. Tôi vội kiếm cớ từ chối vì mình con trai, người ta con gái, nhà không có ai mà mình lại vào, hàng xóm họ biết được thì chẳng ra sao cả. Trước lúc tôi về, chợt Trang gọi giật, níu níu tay tôi lại:
- Ê ê ê này! Chờ chút đã.
Nói đoạn Trang rút trong cặp ra một cây kẹo mút xoắn xoắn nhiều màu, to đùng, gài vào trước ghi-đông xe , rồi đột nhiên véo mũi tôi, cười hì hì :
- Trả công cho anh tài xế đẹp trai đấy. À mà cho tớ véo mũi cái, nhìn mặt cậu ngố ngố hay lắm ý.
Xong Trang chạy tót vào trong nhà, lúc tôi chuẩn bị đạp xe đi thì tự nhiên cô nàng thò mặt qua ô hoa gạch trên tường, vẫy vẫy tay chào tôi:
- Quên mất không chào tạm biệt, cậu đi về cẩn thận nhá. Rất vui vì được làm bạn với cậu!
Tôi vuốt tay lên vành vũ, gật đầu cười chào lại rồi mới đi về. Cô nàng nghịch ngợm này hay thật, mới gặp mà khiến mình thấy thật gần gũi, dễ mến. Sau đó, cả đoạn đường về nhà, tôi cứ vừa đi vừa cười như thằng điên, mấy người đi đường còn ngoái lại nhìn cái mặt nhăn nhở của tôi, không biết tại sao mà thằng kia trông yêu đời thế.
Chap 13:
Vừa về đến nhà, tôi đụng ngay bố tôi ở cổng, ông nhìn định hỏi tôi sao về muộn, nhưng khi mắt vừa đưa xuống thấy cái kẹo sặc sỡ cắm trên ghi-đông xe thì bố tôi lại cười ha hả, xoa đầu tôi khen:
- Thế mà làm bố lo mãi, thằng này khá thật, mới đầu năm học đã có quà rồi. Thôi vào ăn cơm đi, mẹ đang chờ, tý nữa bữa cơm bố con ta nói chuyện tiếp.
Tôi lên phòng thay đồ rồi xuống ăn cơm mà trong lòng như ngồi trên chảo rang. Bố tôi kẻ với mẹ về cái kẹo mút kia, rồi sau đó thì lại bảo tôi hơn cả bố, năm lớp 10 đã có đối tượng rồi, con hơn cha là nhà có phúc. Nhưng sau đó, chủ yếu toàn là bố kể về quá trình cưa đổ mẹ trong suốt 3 năm ròng rã.
Buổi chiều, còng lưng làm hết chỗ soạn Văn và tụng xong đống công thức Toán, tôi tự thưởng cho mình bằng một vòng đạp xe dạo quanh, hôm nay thử đi vào mấy ngõ nhỏ nhỏ xem có thông sang đường khác được không. Tôi có sở thích đi dò đường ở Hà Nội, nhiều lúc đi cả buổi cũng chỉ dò thêm một ngõ mới, một đường tắt mới. Cái cảm giác thích thú khi được luồn lách trong những con ngõ nhỏ, hơi ẩm lạnh tỏa ra từ những bức tường rêu phong, khi đi vào trong một cái ngõ, tôi như tách rời hẳn với một Hà Nội ồn ã, xô bồ, có thể từ từ đạp xe nhẹ nhàng, sống chậm lại và suy tư một chút.
Bữa trước, lúc tránh tắc đường tôi có đi qua một cái ngõ bé tí nhưng lại thông vào một khu dân cư rất rộng, có cả một công viên nho nhỏ cho người già và trẻ con trong khu ra chơi nữa. Hôm nay tôi nhất quyết phải vào trong đó khám phá thêm nhưng ngã rẽ khác.
Thả hồn vào trong những suy ngẫm về cuộc sống xung quanh, tôi đi chầm chậm hết cả chiều dài của con ngõ sâu hun hút, đến tận khu dân cư bên trong. Lặng yên ngắm nhìn những ngôi nhà cổ kính với dàn hoa trước hiên, với những chậu cây xi măng trồng lay lắt bên bờ tường, cảm thấy thật hạnh phúc khi nhìn hai bà cháu nhà nọ đang tập đi xe đạp. Đi tiếp vào thì tới công viên nhỏ, trong công viên này thì lại khác hẳn với những công viên tôi thường thấy. Không có hàng quán, không có thanh niên tản bộ hay sinh viên ngồi học bài, cả khu công viên nhỏ chỉ có vài cái xích đu, một ô nhà cầu trượt trong góc và hai mái nhìn như đình vọng phong. Tôi từ từ dựng xe, hít một hơi thật sâu và đi sục sạo những ngõ ngách trong cái công viên này. Bất chợt, lọt vào mắt tôi là hình ảnh một đứa con gái tóc ngắn, mặc áo phông quần ngố đang nằm vắt vẻo trên mái của cái nhà cầu trượt, nhìn thẳng lên tán lá xanh rì. Là con An đanh đá hay gây khó dễ cho tôi mà. Nhưng sao lúc này nhìn trông nó hiền quá, hệt như một chsu mèo con lười nhác nằm đó. Khe khẽ nhón chân định leo lên trên nóc, chợt tiếng cát, vụn vang lên lạo xạo dưới đế giày tôi, con An thò đầu nhìn xuống, trông thấy tôi đang cố leo lên, nó xì dài một tiếng, ngán ngẩm:
- Chỗ này mà cũng mò vào được à? Mà có biết leo không đấy, chới với lại lộn cổ ra đấy thì không ai đền đâu nhớ!
Xong nó nằm trên đó, chống cằm xem tôi leo lên. Nghe giọng điệu con An có chua ngoa nhưng xem ra nó không có vẻ gì là khó chịu khi thấy tôi ở đây cả, lúc tôi bật người leo nốt rìa mái để lên nóc, còn đang cào cào chân tìm chỗ bám thì tự nhiên con An chìa tay ra cho tôi nắm lấy, rồi kéo tôi lên mái. Bàn tay con gái nhỏ bé và mát thật, nhìn bán tay thuôn nhỏ nằm gọn trong bàn tay dài chữ Mộc của tôi, cố kéo tôi lên, tự nhiên mọi ác cảm trước đây của tôi về con An bỗng tan biến hết cả.
Ở trên mái, tôi nằm dài ra bên cạnh nó, còn nó thì như không quan tâm đến sự hiện diện của tôi, vẫn lặng im nhìn lên tán lá. Tôi cũng nhìn theo, thỉnh thoảng lại ngó sang nhìn lén con An. Khuôn mặt cau có, ngạo nghễ trên lớp giờ chỉ còn là một khuôn mặt đang nheo nheo mắt nhìn lên tán lá, phảng phất một cái gì đó yếu mềm, trốn tránh ẩn sau mái tóc cắt ngắn, bộ mặt thản nhiên trước mọi chuyện kia. Lúc này, trông con An hiền lắm, chẳng biết do khung cảnh tĩnh lặng xung quanh tạo nên hay là do cái ngang bướng của nó đã phủi mất hoàn toàn trong nơi bí mật này?
Phá vỡ sự im lặng giữa hai đứa, tôi cất tiếng hỏi:
- An này!
Nó đáp bâng quơ:
- Gì thế?
- Cho mình xin lỗi chuyện hồi sáng nhé. Mình nặng lời quá.
- Tưởng cái gì. Đã qua thì cho qua luôn đi. Đàn ông con trai gì mà nhớ lâu thế!
Tôi thở phào nhẹ nhõm, dè dặt hỏi nó:
- Nghe nói hồi trước An rất nổi ở trường cấp 2 phải không? Sao tự nhiên lên cấp 3 lại khác thế?
Chợt con An ứa nước mắt, nó quay mặt đi chỗ khác, lau vội giọt nước mắt bất chợt kia, giọng nghẹn lại mà cố bình thản, đáp:
- Chẳng sao cả. Từ nhiên thích thế thôi! Mà đừng xưng hô mình tớ thế nữa, gọi mày tao đi cho dễ nghe!
Tôi ngồi bật dậy, nhìn thằng vào mắt nó, hỏi:
- Có chuyện gì khó nói cứ trút hết ra đi. Còn hơn là giữ mãi trong lòng. Mình…Tao với mày là bạn bè mà, chia sẻ bớt đi chút nào hay chút đó.
Nó ngồi dậy, ngạc nhiên hỏi tôi:
- Là bạn hả? Bạn kiếm dễ vậy hả?
Tôi đáp:
- Nếu mày muốn!
Con An bặm môi, rồi giọng nhỏ xíu, kể ngắt quãng:
- Năm lớp 9, bố mẹ tao có xích mích. Hai ông bà chuẩn bị ly dị nhau, đơn kí hết cả rồi, chỉ còn chờ ngày ra tòa nữa thôi. Tao chẳng biết gì về chuyện đó, chỉ đột nhiên một bữa cơm tối nge mẹ tao hỏi: "Bố mẹ không ở được với nhau nữa. Con định theo ai?" Tao không tin vào tai mình, hỏi đi hỏi lại mấy lần mới biết tao không nghe nhầm, bố mẹ tao sẽ ly dị thật!
Nước mắt nó lại lăn dài trên má, nó lấy cổ tay cố chùi đi nước mắt. Cúi gằm mặt xuống, nghịch nghịch mấy viên sỏi, giọng nghẹn đắng kể tiếp:
- Tao bị sốc nặng. Học hành sa sút hẳn, giữa kì 2 thì mất chức cán bộ lớp, điểm số cũng tụt dốc nhanh chóng. Những đứa trước hay đi cùng tao, giờ thấy tao không nổi tiếng trong trường nữa, không còn xe đưa xe đón, bố mẹ cung phụng cho nhiều tiền nữa thì bỏ tao sang xun xoe với con khác. Nhìn xung quanh mình tao nhận ra chẳng có ai là bạn hết, chỉ toàn lũ cơ hội. Chán chường, tao uống thuốc ngủ tự tử nhưng bố tao phát hiện kịp, đưa đi bệnh viên rửa ruột nên cứu được. Hai ông bà sau cái đợt chăm tao nằm trong viện, nhận ra là còn yêu nhau lắm nên không xé đơn, lại ở bên nhau. Coi như tao uống thuốc không uổng.
Sau vụ đó, tao ra viện, cố lấy lại điểm sô, lại được cung phụng như trước, lúc đó bọn xun xoe kia lại quay lại đi bên cạnh tao. Nhưng tao chẳng còn tin ai nữa, chửi thẳng mặt chúng nó rồi hôm sau tao cắt tóc ngắn, đem mớ tóc đã cắt đên lớp quẳng vào mặt một con, bảo: " Tao với chúng mày chắc cũng chẳng hơn mớ tóc này đâu. Thích thì cắt, thích thì để, nhưng tóc cắt rồi thì đừng có nối lại!" Rồi tao cạch mặt luôn chúng nó còn chúng nó đi khắp khối bêu xấu tao. Lên cấp 3, tao vẫn để tóc tomboy như nhắc nhở bản thân rằng đừng tin ai cả, không có bạn bè thế đâu.
Nói xong, hai mắt con An đã đỏ hoe, nó im lặng không nói gì nữa, tôi cũng im lặng. Một lúc, tôi bảo nó:
- Thử tin ai đó một lần nữa đi. Có tao này, tao làm bạn mày! Dù có chuyện gì thì mày cứ biết rằng sau lưng mày luôn có thằng Hưng này.
Nó nhìn tôi hồi lâu, cắn chặt môi, rồi thở dài đáp:
- Được. Từ giờ tao và mày là bạn nhé. Ngoéo tay thế nào!
Nói đoạn, nó đưa bàn tay bé nhỏ ra, chìa ngón út ra, tôi móc ngón út mình vào ngón út nó, cười bảo:
- Thề nhé. Làm bạn tốt suốt đời!
Con An đột nhiên cười rạng rỡ, lần đầu tiên tôi thấy nó cười. Một nụ cười thật đẹp, nụ cười của lòng tin và hi vọng vào tình bạn mới.
Bạn đang đọc truyện tại wapsite www.TruyenNganHay.Yn.Lt .Chúc bạn online vui vẻ.
Chap 14:
Tình bạn giữa tôi và con An thật là kì lạ. Đến một cách tình cờ, từ một khoảng lặng của cuộc sống, đời tôi có hai hồng nhan tri kỉ, người thứ nhất là Ngọc Anh và người thứ hai là An. Có những chuyện mà khi nói với những thằng bạn thân như Việt, Dũng lại không được, vậy mà khi chia sẻ với hai người con gái đó, tôi lại thấy nhẹ nhõm vô cùng. Tới tận bây giờ tôi vẫn chẳng hiểu tại sao.
-----------------------------------------------------------------------------
Sáng của đầu tuần sau, bọn bạn cùng lớp cứ ngạc nhiên mắt chữ O mồm chữ A khi thấy tôi và con An không còn trong tình trạng chiến tranh lạnh nữa mà lại tí tởn trêu đùa, hỏi bài nhau. Thằng Hoàng lựa lúc con An về chỗ, túm áo tôi hỏi:
- Mẹ cha mày! Trông tẩm ngẩm tầm ngầm mà ghê thật. Đã có em Trang sẹc xi bên A4 rồi giờ lại thêm cả An hấu, mày tính đi chơi thì mỗi tay ôm một em à? Mà sao mày cưa nó nhanh thế, mới vài hôm trước còn…
Tôi vội gạt đi, mắng át nó:
- Bậy nào thằng này. Tao chơi với nó như bạn bè, cũng như tao chơi với bọn mày thôi. Ba hoa chích chòe nhiều, con An mà biết thì mày cứ chuẩn bị tinh thần ăn liên hoàn guốc nhé!
Thằng Hoàng thôi không nói nữa, ngồi đằng sau tôi nó cứ tủm tỉm, vuốt cằm lẩm bẩm:
- Ờ hớ! Bạn bè …bạn bè. Giờ thì anh đã hiểu!
Bỏ mặc mấy câu xỏ xiên của nó, tôi ngồi im cố tụng nốt chỗ công thức toán vào đầu, nơm nớp sợ đến giờ Lý sẽ dính đòn lên bảng làm bài. Ngồi thêm độ 5' thì thầy Lý lừ lừ tiền vào lớp, "sát khí đằng đằng, trong tay cầm sổ Nam tào chỉ chờ điểm tên đoạt mạng". Đúng là ghét của nào trời trao của ấy, thầy Tính vừa giở sổ ra thì gọi:
- L.T Hưng, lên bảng làm bài 4.11
Đau khổ vác quyển vở bài tập lên bảng, tôi cố đi thật chậm, từ từ cầm viên phấn gõ đánh cạch lên mặt bảng, ngán ngẩm nghĩ đến cảnh ôm con 2 to tướng về chỗ, mất đi hình tượng Hưng trùm sò ăn chơi của lớp. Ôi số phận sao nỡ dồn người anh hùng vào chỗ chết! Nhưng đúng là trong cái rủi có cái may, đang ngồi dạy bỗng nhiên có thầy giám thị hỏi gì thầy nên thầy đi ra hành lang nói chuyện. Nhân lúc đó, ở dưới lớp, có tiếng thằng Hoàng nhắc :
- Tính quãng đường bằng nửa tích gia tốc rơi với bình phương thời gian, cộng tích Vo với thời gian.
Như được khai sáng, tôi tự động nhớ ra công thức cả bài. Thư thái viết số, bấm máy tính lạch cạch, sau 5 phút đã hiên ngang về chỗ. Thầy Tính đi vào đúng lúc tôi bước về, thầy đeo kính lên, săm soi bài giải, xong búng tay đánh chóc, quay xuống bảo thư kí lớp:
- Thủy, ghi sổ Hưng 10 điểm hệ số 1!
Chao ôi! Lần đầu tiên mình được một điểm 10 môn Tự nhiên, còn gì hạnh phúc hơn nữa, may mà có cứu tinh Hoàng biến thái, nếu không chắc giờ này anh hùng xanh cỏ rồi. Đến 3 tiết sau, có Văn-Văn-Hóa, tôi lên bảng đỡ đạn cho hội ăn chơi được giờ Văn, đến giờ Hóa thì cô gọi trúng ngay thằng Quốc cổ cò. Thôi thế là hỏng bét, đại ca này vốn chí hướng tại quán game, lại dốt đặc cán mai môn Hóa, thêm phát đạn này nữa thì thành trì của hội sụp đổ chỉ còn là vấn đề thời gian. Bài này tôi làm rồi nhưng nhắc kiểu gì mới được, Quốc cổ cò nghễnh ngãng còn hơn bà nội tôi, từ bàn 3 mà nhắc chắc gì nó nghe được, chữ tác đánh chữ tộ thì sướng. Cô Hóa thì lại cứ ngồi rà mắt nhìn khắp lớp, anh nào ho he cái là cho đi cọ nhà vệ sinh. Vậy nên giờ đó, Quốc cổ cò sụt sùi bê quả trứng cò về ấp, thêm cái bản kiểm điểm chữ kí phụ huynh nữa.
Giờ về, tôi với thằng Hoàng tụ tập bọn con trai lại, bàn cách cải thiện tình hình học tập, chứ cứ tiếp diễn thế này thì chẳng còn đâu mà điện tử nữa. Thằng Hoàng mở đầu:
- Học hành thế này là không ổn rồi. Bố mẹ mà biết là ngủ đường hết, từ chiều nay, chia ra thành các nhóm. Nhóm nào yếu Xã hội thì do thằng Hưng phụ trách kèm cặp, bồi dưỡng. Nhóm nào yếu Tự nhiên thì sẽ chia ra do tao, thằng Minh phụ trách. Hẹn 3h chiều tụ tập ở nhà tao. Có ai ý kiến gì không!
Cả lũ đồng thanh "Không!", vì một tương lai điện tử thả phanh, ăn hàng không cần tính.
Kế hoạch học nhóm tiến triển rất tốt, chỉ trong một tháng mà cả lũ đi lên trông thấy, lớp không bị trừ điểm thi đua, hội ăn chơi thì rước về toàn điểm 7,8. Phụ huynh mát lòng mà chủ hàng quà cũng mát dạ, cả hội lại trở về với tiêu chí "Chơi chơi nữa chơi mãi!", nhưng giờ còn phải giữ vững điểm số nữa nên thời gian ra net cũng ít hơn trước. Dù sao thì việc học vẫn hàng đầu, còn hai năm nữa là vượt Vũ môn rồi, không lo sớm, đợi nước đến cổ mới nhảy thì nhục mặt.
Dạo này, tôi với Trang thân mật hơn hẳn, đèo nhau về thoải mái, không sợ lời trêu đùa của lũ bạn nữa. Chẳng biết tự bao giờ mà nghiễm nhiên tôi với em lại trở thành một cặp. Cứ chiều chủ nhật, tôi rút khỏi đội bắn CS, cùng Trang ra bãi bồi sông Hồng chơi, có hôm thì dạo quanh mấy khu phố cổ, có hôm thì vào Kim Đồng, Tiền Phong. Tôi nhớ những buổi chiều đầu đông, cùng Trang ngồi ở bên bờ sông Hồng, gió từ sông thổi lạnh mắt. Tôi ngồi xếp bằng, bên cạnh em, thích thú xem em vẽ lại cảnh sinh hoạt một xóm chài lúc chiều muộn, vẽ lại cầu Long Biên, hay đơn giản chỉ là ngắm em mặc áo sù sụ như con gấu bông, dang tay cười tươi đứng giữa thảm hoa cải vàng nhẹ, tóc mai bay phất phơ trong cái gió lạnh khô của mùa đông, nụ cười của em như xua tan đi cái lạnh gió sông đang thấm vào da thịt tôi. Lúc đi về, Trang ôm nhẹ vào eo tôi, tựa đầu vào lưng như tránh cái gió lạnh đang thổi lúc chiều muộn, những lúc như thế, tôi chỉ ước bờ vai mình rộng hơn để có thể che chắn hết những cơn gió đông thổi rát mặt kia, để Trang ngồi ngoan ngoan trong sau xe tôi, tựa đầu vào lưng tôi mà khe khẽ hát một bài vu vơ nào đó.
Càng về mùa đông lạnh, lòng tôi lại càng bâng khuâng, xao xuyến đến khó tả. Mỗi khi nhìn lên nền trời âm u xám xịt của mùa đông, nghe tiếng lá bàng cuốn theo gió kêu lẹt xẹt trên mặt đường, hay khi bất chợt nghe một tiếng rao bánh giò giữa đêm đông, cảm xúc đó lại trỗi dậy trong lòng tôi. Có một lần, lúc tôi với con An ngồi chơi ở trên nóc cầu trượt, tôi ngồi co một chân, còn con An thì nằm dài ra, gối đầu lên tay nhìn lên nền trời men sứ. Đang ngồi chuyện phiếm, tự dưng tôi dừng lại và ngắm kĩ khuôn mặt nó. Con An đẹp, thật sự là rất đẹp. Nó mặc một chiếc áo len cổ lọ, quần bò ống côn, quàng một cái khăn len to đan chi chít hình monokuro, chỉ hở mỗi khuôn mặt thanh tú, trắng tái vì lạnh, đôi mắt đẹp lung linh, cái mũi cao đang cố hít hít để thở qua lớp len quấn quanh. Tôi mỉm cười, thò tay búng một cái vào mũi nó, nói:
- Cho tao nghịch phát. Nhìn mặt mày vừa xinh xinh lại ngộ ngộ, trông như con gấu trúc ý.
Nó cười hí há, ngồi dậy, xuống nền, cúi mặt ngang ngang xuống rồi ngẩng sang hỏi tôi :
- Thế á! Thế mà giờ này vẫn chưa có người yêu này. Ai như anh Hưng coolboy, có hotgirl Trang sẹc xi, rồi cả một đống người hâm mộ nữa. Chẹp chẹp, số đào hoa thật.
Tôi bật cười to, dang một tay định quàng lên vai nó,đùa:
- Chưa có người yêu hả! Cho một vé này.
Nó vênh mặt lên, gạt tay tôi ra:
- Èo! Không thèm. Chị đây có mà trai theo hàng đàn, chẳng qua không thích thôi.
Hai đứa cười hồn nhiên, chợt con An nhặt một cái lá bàng đỏ rực, lấy ngón tay đục hai cái lỗ rồi nhìn xuyên qua đó, bảo:
- Mày có thích mùa đông không Hưng? Còn tao thì thích đông lắm, được mặc toàn đồ đẹp này, tối ngủ ấm ơi là ấm. Nhưng chán mỗi cái sáng ra phải dậy sớm đi học. Mày không biết thì thôi, mỗi buổi sáng đi học là một lần tao đấu tranh tư tưởng đấyQ
Tôi gật gật đầu đồng ý, hỏi nó:
- Ê An! Mày có thích nghe sáo không?
Hai mắt nó sáng lên, chớp mắt hỏi tôi:
- Mày biết thổi à. Thổi đi, thổi đi! Cho tao nghe với!
Tôi mỉm cười, lấy trong ba lô ra cây sáo mới mua, ngượng nghịu gãi đầu, bảo:
- Tao mới tập thôi, mà tao lại mù nhạc lý nữa. Nên tao cứ cảm xúc thế nào thì thổi tự do vậy, nghe thì đừng có chê nhá, tao dỗi đấy.
Nó bĩu môi, lè lưỡi, phẩy phẩy tay:
- Dài dòng quá. Thổi thì thổi anh đi, có gì cũng không phải lo, tim tao tốt lắm, không dễ gì nghe xong mà đau tim tỏi luôn đâu.
Tôi đưa cây sáo lên ngang miệng, lấy hơi, tay bấm lần các lỗ trên thân sáo. Lúc đó, cảm xúc trong lòng tôi là một cảm giác lạ của mùa đông, nhưng lại đan xen với chút gì đó thật ấm áp, dịu nhẹ. Chẳng biết tiếng sáo mình thôi ra thế nào, tôi cứ thoải mái thổi bằng cả trái tim và tâm hồn mình, nhắm hờ mắt để chìm sâu vào trong cảm xúc. Thi thoảng, mở mắt ra, tôi nhìn thấy con An đang lim dim mắt, lắng tai nghe tiếng sáo, người hơi đung đưa theo nhịp sáo. Thổi xong, tôi nhẹ nhàng hạ cây sáo xuống, con An vẫn lim dim mắt đung đưa người, tôi kéo nhẹ tai nó, bảo:
- Con ngẫn! Tao thổi xong rồi, mày ngủ lúc nghe tao thổi sáo đấy hả. Đúng là xúc phạm người nghệ sĩ mà.
Nó mở mắt, ngơ ngác nhìn tôi, chợt cười cầu tài, nói:
- Hì! Xin lỗi mày nhá. Tao tập trung nghe quá nên hết lúc nào không biết. Mày thổi bài gì mà hay thế?
Tôi đáp:
- Có thổi bài gì đâu. Tao mù nhạc lý, lại mới tập nên chẳng nhớ bài nào cả. Chỉ bấm nốt theo cảm giác thôi. Nghe thế nào ?
Con An nghếch đầu nhìn lên trời, ngón tay trỏ khẽ chạm chạm vào môi, cau mày nghĩ. Xong nó quay ra bảo tôi:
- Nghe như cảm giác không tên, chứa cả âm thanh, mùi hương, hình ảnh, amng cái gì đó rất đông. Nhưng lại có một cảm giác ấm áp nhẹ nhen lên. Tao chỉ nhận xét được có thế thôi. Còn lại mải nghe nên chịu.
Tôi sửng sốt nhìn nó, sao nó lại nói trúng tâm trạng tôi thế chứ. Nhận thấy cái nhìn của tôi, nó liếc nhìn nghiêng nghiêng, trỏ tay vào tôi, cười :
- Á à! Trúng tim đen rồi nhá. Cảm xúc của người đang yêu. Ố là la.
Tôi cười trừ, hỏi:
- Sao mày biết rõ ý tao thế?
Nó lại vênh mặt lên, tự hào:
- Chuyện. Tao bạn mày lại không biết mày chắc.
Đúng là hoàng kim vạn lạng còn dễ kiếm, thế gian tri kỉ thật khó tìm. Tôi còn kiếm đâu ra người thứ hai hiểu rõ tâm sự thầm kín trong lòng tôi như con An được nữa, nhất lại là một hồng nhan tri kỉ như nó. Khẽ đấm nhẹ vào vai nó, tôi nói như một khẳng định :
- Mày đúng là Tử Kỳ của tao, An ạ !
Nó cười toe, bẹo má tôi, đáp:
- Không tao thì còn ai vào đây nữa. Nói thừa. (Nguồn; TruyenNganHay.Yn.Lt )
Chap 15:
Tôi mà con An ngồi chuyện trò quên cả thời gian, lúc trời tối rồi nó mới hoảng hốt chạy về nhà cho kịp giờ cơm. Mà con này quái thật, hành xử như con trai mà lại sợ tối, nhà ngay gần đấy mà lúc đi qua cái ngõ cứ líu ríu ngồi sau xe, úp mặt vào lưng tôi, chốc chốc lại hỏi:
- Hưng ơi! Qua cái ngõ chưa? Bao giờ đi hết thì bảo tao tao mới dám mở mắt ra.
Đưa nó về nhà an toàn, lúc cô giúp việc nhà nó đang mở cửa chờ nó vào thì tôi chợt chỉ tay lên cuộn ống nước treo ngang cành cây, bảo:
- An ơi rắn kìa mày!
Nó ré lên, chạy tót lên bậc tam cấp, xong thò đầu nhìn ra cửa, thấy đấy chỉ là ống nước, nó lừ mắt nhìn tôi, ngúng nguẩy đi vào.
Hôm đó, tôi về muộn hơn mọi ngày, bố mẹ tôi hỏi sao đi về muộn, thấy tôi ấp úng trả lời, bố nháy mắt với mẹ:
- Về muộn là về muộn, tôi với bà lại hỏi nhiều làm gì nhể? Thôi, thằng Bin lên tắm rửa thay quần áo rồi xuống ăn cơm, hôm nay mẹ nấu bò sốt tiêu đen đấy.
Nghe tới món khoái khẩu, tôi phóng vọt lên tầng 3, tắm rửa thay đồ với tốc độ ánh sáng, xong trượt trên thành lan can xuống tầng 1. Vừa vào phòng ăn, tôi đã sà ra mâm cơm, hít hà cái mùi thịt bò quện với hạt tiêu thơm nồng, định thò tay nhón một miếng. Mẹ tôi nhéo tai, bắt rửa tay kĩ hẵng ngồi ăn đàng hoàng. Hôm nay mẹ nấu bao nhiêu món ngon, tôi ăn liền 4 bát mới khề khà xoa bụng, ì ạch leo lên gác 3 học bài.
Tôi học phải nói là đại lãn vô cùng tận, trong 1 tiếng đã xong hết cả bài tập, soạn bài cũng ngon lành cành đào rồi,lại trở về với máy tính thân yêu đây, không biết tối nay có ai onl yahoo không? Chán thật, chẳng có ma nào onl. Mai được nghỉ đến cuối tuần cho 12 thi cử gì đấy, vậy mà chẳng có đứa nào chơi tối nay cả. Thôi ngồi đọc Sherlock Homes vậy. Ngồi đọc được phần ba quyển thì tự nhiên tôi bị buzz liên tục, giở ra xem thì toàn là bọn cùng lớp, hết đứa này đến đứa khác rủ tôi đi chơi. Tôi bảo chúng nó lên blog lớp, có gì thì bàn hẳn hoi. Tranh cãi mãi, đứa thì ủng hộ CS muôn năm, đứa thì ủng hộ đi chơi quanh Hà Nội,… Tôi thử đưa ra ý kiến :
- Từ giờ đến cuối tuần còn nghỉ hơn 3 ngày, thứ 2 tuần sau nghỉ công đoàn thêm 1 ngày. Mình thừa thời gian để chuẩn bị một chuyến dã ngoại ra ngoại thành chơi.
Nghe đến "đi chơi xa", chúng nó ủng hộ ầm ầm. Con Thy với thằng Sơn thì càng ủng hộ tích cực. Gì chứ đôi này "tình trong như đã, mặt ngoài còn e" lâu rồi, chuyến này lớp tôi làm mai cho đôi trẻ vậy, sau này chuyện có thành thì đám ông tơ bà nguyệt lốc nhốc này cũng có công to đấy chứ.
Cãi cọ ỏm tỏi trên blog, cuối cùng con Thy phân lớp ra thành 2 nhóm trai với gái. Nhóm trai thì đi trước ngày mai, dò đường sẵn với quan sát chỗ nào tốt có thể ngồi cả lớp được, còn đám con gái sẽ đi dò… hàng ăn ngon, bổ, rẻ. Sáng hôm sau, tôi xin phép trước với bố mẹ sẽ không về ăn cơm trưa, cùng nhóm thằng Hoàng, thằng Quý, thằng Minh đi ra khu ngoại thành, dò cả ngày cũng chẳng tìm ra chỗ nào ra hồn, chỗ gần thì rõ đông người cắm trại, chỗ gần với thiên nhiên thì lại quá xa. Cuối cùng chốt lại là ra Bát Tràng, chơi bời, nặn gốm chán rồi đứa nào mua gì thì mua.
Sáng thứ bảy, hẹn trước ở cổng trường, lớp tôi tập trung được 30 mạng, còn lại vì bố mẹ không cho đi hoặc bận học thêm học nếm gì đấy nên không trốn được. Đúng 6h30, cả lớp bầu đoàn thê tử kéo nhau đên Bát Tràng. Hôm nay rét ngọt, đi xe đạp cho nóng người vậy. Mới đi có già 5 cây số, bọn con gái đã lắm đứa nhõng nhẽo, hỏi liên tục đến nơi chưa, còn bao lâu nữa, mỏi chân rồi. Con An ngồi sau xe tôi, hết nghịch mũ áo tôi nó lại ngắt một cành cây nào đó bên đường, chốc chốc gõ vào vai tôi, vừa cười vừa hô:
- Nhong nhong, tra, nhong nhong. Đi nhanh nữa lên nào ngựa ơi, tí nữa tao cho ăn cỏ xịn. La lá la là là!!!
Đáng lẽ người ngồi sau xe tôi giờ này phải là Trang mới đúng, nhưng tôi sang rủ, cộng với Trang xin bố mẹ mà vẫn không được. Thế là ngồi sau xe tôi giờ là con "đẻ nhầm" quậy như quỷ sứ. Đi hết quãng đường 14 km, cuối cùng bọn tôi cũng tới Bát Tràng, làng nghề gốm sứ nổi tiếng của Hà Nội. Vừa vào làng, bọn con gái nãy còn than mệt giờ líu ríu đi hết chỗ này đến chỗ khác, ở đây bán nhiều sản phẩm từ gốm thật, tha hồ cho chúng nó chọn. Cánh con trai bọn tôi thì lọ mọ đi gửi xe, xong mới quay lại tập trung đàn vịt bầu kia. Con Thy lớp trưởng hét léo nhéo:
- Tất cả tập trung, chuẩn bị điểm danh sĩ số lớp.
Một, hai, ba, bốn,…. Hai chín hết. Nghe "hai chín hết", con Thy hoảng hốt kêu điểm danh lại, vẫn là hai chín nhân. Quái lạ, một đứa nữa rơi rụng đâu rồi? Cả lớp bấm nhau, im lặng không nói gì về cái sai sót ngớ ngẩn của con Thy, nó điểm danh mà quên không đếm chính mình, nên mới có 29 đứa. Trong lúc lớp tôi đứa thì giả vờ lo lắng, đứa thì tủm tỉm cười, riêng thằng Sơn định nói thì bọn tôi kéo ra sau, bịt mồm lại. Bên trên, con Thy sợ xanh mặt, đếm đi đếm lại vẫn 29, chị hạt mít nhà ta nhảy loi choi, đếm lại thêm lần nữa vẫn y như thế. Nó quay vòng vòng như Doraemon, lo lắng không biết "đứa bị lạc" kia đâu. Bỗng dưng nó thút thít chực khóc, cuối cùng là òa lên như đứa trẻ con. Thằng Sơn vội lên dỗ dành cho nó nín, vỗ về:
- Ơ ơ, đừng khóc, đừng khóc mà, vẫn đủ 30 đứa mà, không thiếu đứa nào hết.
Con hạt mít càng khóc to hơn, nó mếu máo:
- Sơn đừng an ủi tớ làm gì. Hứ hứ hứ… tờ làm lớp trưởng…vô…vô…trách…nhiệm..hứ hứ hứ. Biết ăn nói..hứ hứ… sao với bố mje đứa bị lạc giờ…hứ hứ!
Bọn lớp tôi chạy ra dỗ mãi nó mới nín, đếm lại, nhưng vẫn 29, thế là lại mếu mếu chực khóc. Thằng Sơn hớt hải:
- Ây ây ây! Còn chưa đếm chính Thy mà, nên không đủ 30.
Nó ngơ ra, ngẫm nghĩ một lúc, rồi lại cười toe toét, vỗ vỗ đầu:
- Hì hì, quên mất. Thế mà lo mãi.
Cả lớp tôi thấy thế thì cười ồ lên rồi rồng rắn kéo nhau đến xưởng gốm.
Bọn con gái kì cục thật, mới khóc xong đã lại cười được, mưa nắng thất thường, chẳng biết đâu mà lần.
Xưởng gốm này hôm qua lúc đi dò đường bọn tôi đã thỏa thuận với chú chủ trước, chồng tiền đầy đủ để hôm nay lớp tôi đến nặn gốm, gửi lò nung xong đem về. Trước khi chọn, tôi mà thằng Hoàng đã phải ngồi quán nước gần nửa ngày trời, nghe ngóng tin tức xem xưởng nào đắt xưởng nào rẻ, xưởng nào chủ dễ tính, xưởng nào hướng dẫn khách đầy đủ mới dám chọn xưởng này. Đợi mọi người ổn định, chú chủ giới thiệu sơ qua về lịch sử làng nghề Bát Tràng, lịch sử gia đình chú nối đời làm gốm, hướng dẫn bọn tôi những công đoạn cơ bản để nhào nặn ra một sản phẩm hoàn chỉnh. Nhìn thì dễ nhưng lúc làm mới thấy khó, có đứa rưới ít nước, đất sét khô quạch, đặt lên bàn xoay không tài nào nặn nổi, có đứa thì rưới nhiều nước quá, cục đất nhão nhoét ra, lúc xoay tít thì vừa thành hình chút đã đổ ụp xuống hoặc bắn ra xung quanh. Tôi đợi chúng nó làm hỏng xong lượt đầu rồi mình mới rút kinh nghiệm nặn. May mắn làm sao, cái tôi nặn lại vừa đủ nước, nhẹ vuốt một cái lên là cái ca uống nước dần dần thành hình, phen này tôi quyết phải nặn một món quà thật đẹp tặng Trang. Nặn xong cái thân, tôi loay hoay gắn tay cầm cho cái ca khổng lồ của mình, bở hơi tai mới gắn được cái tay cầm méo mó vào, tôi vuốt vuốt, nặn nặn cho nó thuôn tròn, rồi nhẹ nhàng nhấc khỏi bàn gốm, đem đi đợi nung. Lúc về chỗ, tôi thoải mái ngồi nhìn bọn cùng lớp đang chật vật sáng tạo nghệ thuật. Bên phía thằng Sơn, nó đang dồn toàn bộ tinh thần để nắn một cái chậu xương rồng hình trái tim, mà đúng hơn là hình trái quái dị. Chắc ku cậu định tặng chị Thy hạt mít. Thằng Hoàng với thằng Minh thì đang hợp tác nặn một cái bình hoa khổng lồ, nhưng bọn nó quá say sưa tạo dáng cho cái bình hoa mà quên mất không có thằng nào luồn tay vào để tạo cho bình hoa có một cái ruột rỗng, thành ra nó trở thành một cái cục đất có hình bình hoa. Nhận ra sai lầm, hai thằng chửi nhau, thằng này chửi thằng kia ngu học tốn cơm, thằng kia chửi thằng này sao não để dưới đít à mà không biết luồn tay vào lúc nó giữ đáy,…. Mải mê nhìn những người khốn khổ đang lấm lem cao lanh, cãi nhau ỏm tỏi vì tác phẩm, chợt có một cái gì quất phát vào gáy tôi. Tôi nghiến rặng quay phắt ra sau, gặp ngay cái mặt nhơn nhơn của con An, nó chắp tay sau lưng, hơi cúi người xuống, nghiêng nghiêng mặt hỏi tôi:
- Ê thằng bất tài! Sao mày ngồi không thế? Chắc lại không nặn được cái gì ra hồn nên ngồi xem lớp trổ tài chứ gì?
Tôi vênh mặt lên, khoát tay:
- Chuyện nhỏ. Anh đây đã làm xong từ đời nào rồi, đang chờ nung. Còn mày làm gì rồi mà lông bông ra đây phá phách?
Nó chỉ tay về phía gốm chờ nung, bảo:
- Xì! Tao ra đây chơi nhiều rồi, nặn hơi bị nghề đấy. Tao nặn một bộ ấm trà cho bố tao rồi.
Tôi ngạc nhiên, hỏi:
- Có thật không đấy hay lại một tấc đến giời?
Nó gõ phát nữa vào đầu tôi, cười:
- Tao thèm vào lừa mày. À hay là tao với mày nặn chung một cái đi!
Chẳng đợi tôi đồng ý, nó chạy biến ra chỗ lấy đất, lựa lựa rồi khệ nệ bê về một cục đất to tướng, đặt đánh ịch xuống bàn xoay. Nó quát tôi:
- Ngồi đần mặt ra đấy à? Dậm bàn xoay đi, cầm cái gáo lên tưới nước vào.
Tôi quạu mặt, chân vừa dậm, tay cầm cái gáo dứ dứ lên định bổ vào đầu nó, quát giả:
- Con này láo. Mày dám ra lệnh cho đại ca hả? Đánh cho to đầu giờ.
Múc gáo nước lên, tôi từ từ tưới vào cục đất cao lanh cho đến khi con An bảo dừng. Hai bàn tay thuôn nhỏ của nó, nhẹ nhàng miết, vuốt quanh cục đất sét, từ từ biến cục đất vô tri mang hình dáng của một cái bình hình trụ. Vừa làm, hai mắt nó long lanh, chăm chú nhìn vào khối đất, miệng mím lại, thè ra đầu lưỡi bé tí ở bên khóe môi, tập trung vào công việc. Tôi ngẩn ngơ nhìn nó, chợt nó giục:
- Thò tay vào để tạo cái ruột đi kìa, tay tao bé quá khó vuốt cho nó đều. Nhanh nhanh lên!
Tôi luống cuống thò tay vào trong cái ruột bình bé tí con An vừa miết ra, nhè nhẹ ấn tay xuống rồi vuốt ngược lên cho cái thân bình dài ra. Lúc xoa tay quanh thành bình, mấy lần tay tôi chạm nhẹ vào tay con An. Bàn tay con gái thuôn nhỏ, lem nhem đất cao lanh, phủ lên trắng bóc, nhìn khó mà nhận ra đâu là tay nó, đâu là cao lanh nữa, chắc tại nó trắng quá. Những lần lướt qua tay con An, tôi lại thấy ngượng nóng bừng tai, còn nó vẫn mặc nhiên, coi như không. Nặn mãi phải đến hơn nửa tiếng mới xong cái bình, con An ngồi nặn thêm một cái nắp nữa rồi gửi vào chỗ lò nung. Tôi hỏi :
- Mày nặn cái bình gì mà nhìn quái dị thế?
Nó vừa rửa tay, vừa đáp:
- Quái cái đầu mày í. Cái bình đấy bao giờ tô vẽ, tráng men, nung hoàn chỉnh. Tao với mày sẽ viết một giao kèo làm bạn mãi mãi, rồi đóng dấu, kí tên bỏ vào đấy. Rồi chôn cái bình đó ở một nơi bí mật. Sau này, khi tao với mày già lụ khụ rồi, tao với mày sẽ dẫn con cháu nhau ra chỗ cái bình, đào lên, cho chúng nó xem giao kèo, rồi con cháu tao với mày sẽ lại làm bạn của nhau, cứ thế, cứ thế mãi.
Tôi bật cười vì sự lo xa của nó, đúng là con gái hay mơ mộng thật, kể cả đó là một đứa con gái "đẻ nhầm" như con An.
Cả lớp sau khi gửi xong gốm, kéo nhau về Hà Nội, rồi ra Tràng Tiền ăn kem, lại kéo đi ăn kem rán, xong lại rủ nhau đi ăn bún bò, nem chua rán. Lúc cả nhóm tách nhau ra, những đứa nhà xa thì có bọn con trai hộ tống về, tôi thì đèo con An về. Nhưng đang đi thì tự nhiên mưa rơi lích rích, buốt cả mặt. Đang mùa đông mà sao lại có mưa thế này nhỉ? Mặc kệ, tôi cứ phăm phăm đi tiếp. Thêm lúc nữa thì một cơn mưa đổ ào ào xuống, lạnh thấu xương. Tôi vội vàng phóng xe lên vỉa hè, đảo mắt nhìn quanh xem còn nhà nào mở cửa không. Chỗ bọn tôi đang đi là khu xưởng cho thuê, đêm người ta đi về hết, tối om om, ánh sáng duy nhất là từ đèn cao áp bên đường. Trú tạm dưới mái hiên của một xưởng cắt nhôm kính gì đấy, tôi với con An rét run cầm cập, hai hàm đánh vào nhau lốc cốc. Tôi tập võ, lại quen sương gió từ hồi bé leo trèo ở quê không sao, nên cũng chỉ hơi lạnh, nhìn sang con An thì thấy nó rét tái nhợt mặt, thở dốc cố làm cho ấm người lên. Đưa tay ra ấn thử vào cái áo nó đang mặc, tay tôi sũng nước.Thôi đúng rồi, con này mặc cái áo bông xốp thế, nó hút nước nhanh, tích nước lại, không khéo áo len các thứ mặc bên trong cũng ngấm nước hết cả rồi. Tôi bảo nó:
- An, cởi áo ra!
Nó kinh hãi nhìn tôi, lắc đầu quầy quậy:
- Mày điên à, thằng biến thái? Đang lạnh chết đây, mà cởi ra ngại lắm.
Tôi quát:
- Mày xem, áo mày ngấm nước mưa sũng ra kia kìa. Không cởi ra, nước nó cứ ủ như thế, mày viêm phổi thì bỏ mẹ mày.
Nó lí nhí:
- Nhưng mà mày con trai, tao con gái, ngại lắm. Với lại cả hai đứa đều ướt hết rồi, lấy đâu ra quần áo mà thay?
Tôi cúi xuống, lục trong ba lô ra được cái áo len với cái áo khoác có mũ của tôi, lúc nãy, đạp xe nóng qua nên tôi cởi ra cất vào trong ba lô, may mà chưa ướt. Tôi đưa hai cái áo ra, bảo:
- Có hai cái này thôi. Mày mặc tạm đi, không nước mưa, gió nó thổi lạnh thế này, mày lại yếu nữa, chịu sao nổi.
Nó đỏ bừng mặt, cúi đầu:
- Ơ. Nhưng mà tao ướt hết cả áo trong lẫn áo ngoài rồi, cởi thì phải…phải cởi ra hết. Tao ngượng lắm.
Tôi cũng thấy ngượng chín cả mặt, mặt đỏ lựng lên, cố nói:
- Mày cứ yên tâm thay đi, tao quay ra mặt đường, chăng cái áo bông lên che cho mày. Tao không nhìn đâu!
Nó ngẫm nghĩ, dè dặt nói:
- Mày hứa nhé, không nhìn nhé. Nhớ đấy
Tôi gật đầu chắc nịch:
- Tao không nhìn, thay đi nhanh lên.
Nó giơ bàn tay trắng nhợt ra, chìa ngón tay út, run run:
- Ngoắc tay thề đi tao mới tin.
Tôi ngoắc tay, thề. Xong nó lùi lại, tay khẽ lần bấm lách cách cúc cái áo bông. Chợt nó dậm chân, bảo tôi:
- Mày quay đi, tao ngượng lắm. Nhớ không nhìn đấy.
Tôi quay mặt ra ngoài đường, rõ là. Mới có cái áo bông ngoài thôi cũng ngại, tí nữa chắc nó khử mình luôn cho không nhìn được quá. Đang đứng, bỗng con An dúi cái áo bông vào tay tôi, bảo:
- Mày hứa rồi đấy. Chăng lên che cho tao đi, đứng im đấy.
May mà giờ này đường vắng lắm rồi, khu này đêm đến lại ít người qua lại, nếu không thấy một thằng con trai đang đứng đây chăng áo, lại có đứa con gái lúi húi đằng sau, người ta hiểu lầm thì xong luôn danh dự một đời.
Cái tĩnh lặng tôi vốn rất thích mỗi khi về đêm, giờ lại khiến tôi muôn xua nó đi thật nhanh. Trong cái tĩnh lặng đó, từng âm thanh nhỏ nhất cũng trở nên rõ ràng đến rùng mình. Sau lưng tôi, tiếng cúc kéo lạch cách, tiếng kéo phéc- mơ- tuya, tiếng sột soạt vang lên, thỉnh thoảng giọng nói lí nhí của con An lại khẽ nhắc:
- Hưng ơi mày che kĩ vào nhé. Nhớ đừng có nhìn lén nhé Hưng ơi!
Một thằng con trai mới lớn, giờ phải đứng cạnh một đứa con gái phổng phao đang thay đồ sau lưng mình, khó chịu làm sao. Cả người tôi nóng bừng bừng muốn bốc hỏa, tựa như không còn biết đến cái lạnh đang thấm vào nữa. Trong đầu tôi, như có một giọng nói vang lên:
- Quay ra sau đi Hưng ơi. Cơ hội thế này còn gì. Chỗ này không có ai, mày có nhìn lén cũng chẳng ai hay. Chỉ có trời biết, đất biết, mày biết, con bạn mày biết. Mà nó là bạn mày, nó dễ dàng bỏ qua cho mày thôi, nhìn chút thôi, có sao đâu.
Tôi gần như xuôi theo cái ham muốn đang trỗi dậy. Nhưng khi cổ tôi hơi nhích chút, tôi lại nhớ đến cái ngoắc tay thề, nhớ đến ánh mắt tin tưởng của con An dành cho tôi. Tôi hoảng hốt, tự hỏi mình đang nghĩ gì thế này, đứa con gái kia là bạn thân của mình cơ mà, nó đã bỏ qua tất cả, sẵn sàng tin tưởng một thằng mới gặp đầu năm như mình, chịu bước ra khỏi vỏ bọc bất cần đời kia, cớ làm sao mình phụ lòng nó được chứ. Tôi quay thẳng mặt ra ngoài, nhắm tịt mắt, coi như điếc như mù. Bỗng có tiếng lí nhí :
- Hưng ơi. Tao thay xong rồi. Mày quay lại đi. Đứng mãi thế mưa nó hắt ướt hết mất.
Tôi vào, đưa áo cho con An cất vào ba lô nó. Nhưng nó không cất mà lại tiến ra cửa định che cái áo lên. Tôi ngạc nhiên:
- Mày làm cái quái gì đấy?
Nó ngơ ngác:
Thì tao che cho mày này, mày không thay à? Nước nó ngấm vào chết!
Tôi mỉm cười:
- May còn hai cái áo đấy thì mày mặc rồi còn gì nữa. Mà tao có ướt nhiều đâu mà cần áo.
Nó tiến lại, tay túm nhẹ lên ngực áo tôi, vắt ra gần nửa ca nước. Nó bảo:
- Thế này mà không ướt nhiều à! Mày mặc cái áo khoác này vào đi.
Nói đoạn, nó cầm phéc mơ tuya định cởi cái áo ra. Tôi vội ngăn lại, vỗ ngực tự hào:
- Mày coi thường tao thế. Tao tập võ từ năm lớp 7, về quê thì bạ đâu ngủ đấy, tắm mưa như cơm bữa, có làm sao đâu. Mày con gái, mặc 2 cái này là không đủ rồi, nhưng bần cùng thì mới chịu vậy thôi, chứ còn cái nữa tao cũng đưa nốt chô mày.
Nó chợt rơm rớm nước mắt, sụt sịt:
- Tao cảm ơn. Thằng bạn tốt của tao
Tôi lau nước mắt nó, cười xòa:
- Vẽ chuyện. Bạn bè phải giúp nhau chứ không thì bạn bè cái mẹ gì nữa! Cố lên chiến hữu, tý nữa mưa tạnh, tao hộ tống mày về nhà
Nó chợt đỏ bừng mặt, bảo:
- Mày cởi cái áo ướt ra đi rồi ngồi xuống.
Tôi thấy lạ nhưng cũng làm theo, con An lấy trong balo ra một cái khăn len, quàng lên vai tôi, rồi nó thu người lại, rúc vào ngực tôi. Tôi nóng rực cả người, định đẩy nó ra, nó kéo tay tôi ôm vòng vào người nó, nói :
- Tao có áo rồi không làm sao, mày ôm tao thế này thì nó truyền nhiệt vào, máy cũng đỡ lạnh. Nhưng mà cấm cõ nghĩ lung tung đấy, chỉ vì bất đắc dĩ mới phải làm thế này thôi.
Giờ tôi mới để ý rằng con An nhỏ bé hơn tôi tưởng rất nhiều, cả về hình dáng lẫn tâm hồn. Nhìn nó nhỏ, mặc cái áo dài, rộng thùng thình của tôi như bơi trong đó, tôi lại thấy buồn cười. Có lẽ trong lòng tôi thấy thinh thích nó một chút rồi đấy, nhưng tôi phải biết kìm hãm cảm xúc của mình lại. Một tình bạn trong sáng và đẹp như thế này, giữa một thằng con trai và một đứa con gái, tôi biết tìm đâu nữa, tôi nhất quyết sẽ giữ nó trong giới hạn tình bạn, không thể để cảm xúc tình yêu phá vỡ mất giao kèo thiêng liêng giữa tôi với nó.