Old school Easter eggs.
Trang chủ

Đọc Truyện Online

Tuyển Chọn Tiểu Thuyết, Tình Cảm Hay Nhất

Phượng hồng vô tâm

Chap 45
Tôi bần thần đứng rõ lâu trước cửa nhà nó. Đến lúc đi về rồi vẫn còn ngơ ngơ ngẩn ngẩn như người mất hồn, cứ vừa đạp xe vừa cười. Lúc về nhà, mẹ tôi vừa trông thấy cái mặt tí tởn của thằng con thì hỏi:

- Hôm nay lại ghê nhỉ? Đi chơi mút chỉ, giờ này mới về! Lên nhà tắm rửa rồi xuống ăn cơm. May mà chưa mưa đấy, không lại lếch thếch như thằng đánh bả gà!

Tôi bĩu môi:

- Ơ thế bố chưa về ạ?\

Bố tôi ở trong phòng ăn nói vọng ra:

- Cảm ơn thằng trưởng còn nhớ bố! Gớm! Mày vừa đi về là cả phố sáng rực vì hàm răng PS. Đứng từ trên sân thượng bố cũng thấy? Thế hôm nay có con nào nó cắn cho cái vào mồm à?

Tôi giật mình, sợ điếng hồn, luống cuống đáp:

- Dạ! Hôm nay cả lũ nó đi chơi mà, với lại sáng mai được về quê nên…!

Bố tôi ngắt lời:

- Lại giấu đầu hở đuôi rồi. Vừa nãy “lũ bạn” nó vừa gọi điện đến nhà hỏi xem mày về tới nhà chưa đấy. Ơ mà bố nhớ mang máng là trong cái tiếng Tây mày học thì phải hai người trở lên nó mới là số nhiều thì phải. Ơ thế mà…sao “cái lũ” nó gọi đến, nghe…nghe…ít thế nhể?

Tôi cứng họng, ú ớ không đáp nổi, đành lủi luôn lên phòng. Con An đúng là “lạy ông tôi ở bụi này”, chẳng thống nhất kế hoạch gì cả, tự nhiên lại gọi đến. Đúng là hâm mà. Tôi thay quần áo, ăn cơm, tắm rửa xong thì cũng đã gần 8h, ngước nhìn lên đồng hồ, tôi thầm nghĩ:

- Bây giờ là 8h, chắc nó đang hí hửng chờ đến “giờ bánh kem dâu” . Rồi lại ăn đến mắc nghẹn cho mà xem.


Bất chợt, tôi lại tưởng tượng cảnh con An đang nằm bò ra đọc truyện, rồi mẹ nó mang đĩa bánh vào. Sau đó nó sẽ xà vào, cười hì hì, mắt long lanh hạnh phúc, ních đầy bánh vào miệng, hai má phồng lên. Rồi nó sẽ lại nghẹn, chạy tán loạn lên tìm nước để chiêu vào. Hết miếng đầu là đến miếng thứ hai bé hơn, nó ăn nhẩn nha, lúc lắc đầu làm rung rinh cái chỏm tóc. Nghĩ đến đấy, tự dưng tôi lại lắc đầu thở dài, mỉm cười vẩn vơ. 

Tranh thủ buổi tối, tôi sắp xếp sẵn quần áo, đồ đạc để sáng mai về quê sớm, cũng khá lâu rồi chưa gặp bọn thằng Việt, chẳng biết dạo này chúng nó có luyện được chiêu trò gì mới không.

Sáng sớm hôm sau, tôi khoác túi, chào bố mẹ rồi nhảy lên xe bus, bắt đầu chuyến đi gần 150 cây số. Cả năm tôi chỉ về quê có một lần, nên phải ở chơi cho đã, ông bà ở quên quý thằng cháu Hà Nội lắm, cứ mỗi lần nghe đài, hay xem TV mà thấy có thông báo học sinh được nghỉ, bà nội lại hối ông:

- Ông ra…gọi cái máy điện thoại, hỏi xem thằng Hưng nghỉ này nó có về không!

Rồi ông tôi lại lọ mọ bước ra chỗ điện thoại, sờ mò bấm từng số một, gọi cho bố tôi, lần nào cũng vậy, bố mẹ không dám nói tôi không về được, toàn bảo nếu rảnh rang sẽ cho tôi về, nhưng chẳng lần nào “rảnh rang” cả, ông bà nội cứ ờ à, gật gật, cười móm mém, nghĩ chắc kiểu gì thằng cháu cũng cố về. Năm nào cũng vậy, hễ nghỉ hè là tôi lại về quê tầm 1 tháng mới ra Hà Nội. Và năm nào cũng vậy, cứ mỗi lần tôi sắp lên xe là bà lại chống gậy lọc cọc ra tận đầu ngõ tiễn, ông nội thì cứ dúi tiền vào tay tôi, mà nào có phải ông cho ít ỏi gì, ông toàn dúi vào tay tôi cả triệu bạc, tôi kêu:
- Ông cứ cho tiền cháu, cháu về chẳng cho được ông thì thôi. Cớ đâu có chuyện già lại cho tiền trẻ.
Ông mở balo tôi, nhét tiền vào, nói:

- Bây cả năm mới về có một lần, ở ngoài Hà Nội học giỏi vầy, đi thi thành phố là ông bà hãnh diện lắm, sướng lắm rồi, ông cho tiền này coi như ông thưởng, cố học mà đỗ đại học xịn! Cả dòng họ với ông bà trông chờ vào mình con đấy. Tiền ông cho để con học giỏi, chứ ở nhà hai ông bà có dùng gì đến tiền!

Nói vậy chứ tôi làm sao mà cầm tiền của ông cho nổi. Về già, cuộc sống của ông bà trông vào mấy đồng lương hưu còm cõi của ông, đã vậy, họ nhà tôi lại lắm giỗ chạp, ông tôi là trưởng nên toàn phải đứng ra lo hết, có tháng tiền cơm cúng đội lên gấp mấy lương ông. Vậy mà ông vẫn ki cóp, ngày ngày ông bà vẫn muối vừng lạc rang, cơm rau, bìa đậu để dành tiền cho thằng cháu ngoài Hà Nội. Dẫu rằng các chú bác nhà tôi đều sống quanh ông bà, lại toàn khá giả nhưng ông nội không muốn để các bác nuôi, ông bảo:

- Chúng mày không phải lo cho bố. Bố mẹ còn khỏe, trởi cho vậy thì mừng. Ngày nào bố mẹ còn chưa ốm đau bệnh tật thì ngày đó hai ông bà còn tự nuôi nhau được.

Nhiều lần tôi đã đề cập đến chuyện bố đón ông bà lên hoặc bác cả hay cô út đón ông bà về cùng, không để hai ông bà ở nhà lọ mọ đèn nước thì không yên tâm. Bố chỉ thở dài sườn sượt, bảo:

- Ông bà đẻ một bầy con, lí nào 7 con không nuôi nổi hai bố mẹ. Nhưng tính ông vốn không muốn phụ thuộc vào ai, hè nào về bố nói thì ông toàn gạt đi.

Ngồi ngẫm nghĩ mãi, tôi dựa đầu vào thành ghế, thiu thiu ngủ. Lúc tỉnh dậy, nghe tiếng người lục tục xuống xe tôi mới biết là đã đến chợ Tam Điệp. Kiểm tra lại túi áo túi quần, balo, túi quần áo đầy đủ, tôi mới xuống xe. Đứng ở cổng chợ nháy máy gọi thằng Việt lên đón tôi, tầm này chắc nó đang phụ việc trên hiệu thuốc Bắc của chú Sĩ. Nhưng không hiểu sao gọi mãi chẳng thấy nó nghe máy, có khi đang cười hô hố trong quán điện tử với thằng Dũng rồi cũng nên. Đang đứng thì có tiếng gọi:

- Hưng! Thằng Hưng đấy hả?

Tôi giật mình quay lại, thấy cô với chú tôi đã đứng chờ ở bến xe gần đó. Vậy thành ra mình làm tội cô chú rồi, trưa nắng như đổ lửa mà cô chú lên tận đây chờ tôi. Chú nhìn thấy tôi, hồ hởi chạy lại, ôm chặt vai tôi mà lắc, ngắm nghía hồi lâu rồi nói:

- Ối chao ôi! Lớn tướng vầy rồi, cao hơn chú rồi! Thanh niên rồi ấy chự!

Chuyện trò hỏi han một lúc rồi chú đèo tôi về nhà ông. Dừng chân trước con dốc vào nhà, vẫn là hàng râm bụt ấy, vẫn là bụi hoa nhài trước thềm, vẫn mái ngói đỏ bám rêu như cũ. Con chó vàng nhà ông nghe tiếng bước chân thì chạy ra, sủa mấy tiếng xong sáp vào ngửi ngửi, nhận ra mùi quen, nó thôi không cắn nữa, vẫy đuối mừng rối rít. Tôi sải bước vào trong, ông nội tôi đang ngồi nghe đài cạnh bàn nước, tôi chào rõ to:

- Cháu chào ông ạ!

Ông tôi sững sờ, ngạc nhiên đứng dậy, nheo nheo mắt nhìn kĩ rồi ôm chầm lấy tôi, vuốt tóc tôi, ngắm mãi. Ông bảo:

- Ý chao! Cha bố nhà anh, hè này mới về với ông. Ơ vậy chứ cái xe đi nó có xóc mệt không con?


- Xe chạy êm ông ạ, cháu ngủ suốt. Bà đâu rồi ạ!


- Mấy bữa nay trở trời nên bà mệt, đang nằm trong buồng. Mà hình như bà nghe tiếng mày về rồi đấy, lại sắp sửa mò ra cho xem!

Ở trong buống, tiếng dát giường kẽo kẹt, bà nội tội trở mình dậy, vịn thành tường mon men ra ngoài. Tôi vội chạy lại dìu bà, chào ngay sát tai bà, hồi này bà bị lãng tai, nghe kém hẳn đi. Bà cứ hử hả mãi, gật gật đầu rồi ậm à hỏi:

- Thế ngoài Hà Nội, bố mẹ cháu dạo này có khỏe không?

Tôi đáp:
- Có ạ!

Chú tiếp lời:

- Khỏe là tốt, thế độ hôm nào thì bố mẹ cháu về?

- Chắc tầm năm ngày nữa ạ. Trên đó nhà đi vắng đâu là phải gọi cho họ hàng bên ngoại họ sang ở để trông nhà, với lại cũng phải thu xếp cho chỗ đất cát bố cháu đang làm.

- Ờ! Mà kể từ hồi bố mày sang thầu xây dựng thì cũng lắm việc thật. Ráng mà học vậy, bố bây đầu tắt mặt tối, phơi ra ngoài công trường gạch ngói vầy chỉ cho mày ăn học thành tài thôi đấy.

Buổi trưa, tôi ngồi ăn ở nhà ông, bữa cơm chỉ rau dưa, cà muối với cá kho khế thôi mà đầm ấm vô cùng. Chẳng hiểu sao ở Hà Nội, bao nhiêu của ngon vật lạ tôi ăn đều chỉ dăm lần là ngán, nhưng hễ về đến quê thì chỉ cơm canh đạm bạc cũng thấy ngon. Ăn cơm xong, ông nội bảo tôi:

- Tý nữa, con bảo chú chở xuống dưới nhà cũ. Năm nay con 17 rồi, từ cái bận ông bà chú bác chuyển lên đây thì dưới đó không ai coi sóc, cửa cứ khóa để đó. Nay con đã lớn rồi, biết tự lập rồi thì về đó ở hè này, thắp hương cho các cố còn nhận mặt mũi. Trước là tiện việc hương khói, sau là con cũng gần chỗ chúng bạn.

Tôi gật đầu vâng dạ. Thế mà tôi cứ lo bị các cô các bác hỏi chuyện bạn gái này nọ. Phần vì gợi đến chuyện với Trang, phần lại vì tôi chẳng biết trả lời chú bác làm sao bởi ngay câu hỏi giữa tôi và An là gì, bản thân tôi còn chẳng rõ, nay lại thêm người hỏi nữa, quá chẳng rối thêm sao?

Cả buổi chiều, tôi tha thẩn chơi quanh vườn, may mà vườn nhà ông còn giữ lại mấy gốc sim, Nhìn màu hoa sim tím nở rộ, tôi chợt thấy bồi hồi, nhớ nhung cái gì đó. Không biết ngày mai mấy giờ thì máy bay cất cánh nhỉ, Hàng Châu nghe nói xa lắm. Tý nữa gặp thằng Việt, phải hỏi nó xem Hàng Châu có gì đặc biệt mới được.

Ngủ lại nhà ông nội một đêm, sáng hôm sau ông đưa chìa khóa nhà cho tôi, dặn lại khấn thì kêu tên ai, khấn như thế nào, rồi lại dặn tôi tránh xa cái giếng ở chỗ gốc lim ra, tôi chẳng biết làm sao, chỉ gật đầu, vâng dạ chào ông rồi leo lên xe thằng Việt. Gớm! Cái thằng thính thật, mình mới về hôm qua mà hôm nay nó đã biết, lên tận đây đón. Trên đường về, hai thằng tí tởn nói chuyện trên trời dưới đất. Thằng bạn thân này, tôi thấy nó như một con người dung hòa giữa cổ xưa vào hiện đại, lúc nào quanh nó cũng phủ một bức màn bí ẩn, dường như mọi chuyện xảy ra với tôi ngoài Hà Nội, nó đều nắm gọn trong lòng bàn tay, tôi có hỏi:

- Làm thế nào mà mày biết lắm chuyện thế?

Nó đáp:

- Có những thứ khó lí giải vô cùng, không thể giải thích bằng khoa học cho mày hiểu một thứ phi khoa học. Dẫu cho hai thứ nó có chung cội nguồn đi chăng nữa. Nhưng dù sao thì mấy lần tao đánh động cho mày biết rồi đó, cũng may là mày mẫn tiệp nên xử lý nhanh, không thì bét xác rồi.

Chuyện trò một thôi một hồi cũng đến nơi. Tôi mở cửa vào nhà cũ, lâu lắm rồi tôi chẳng xuống đây. Nhà cũ khá cổ kính, xây theo lối nhà từ thời Pháp, mọi chuyện cũng bình thường trừ vài lần tôi bị hù đứng tim trong ngôi nhà này. Nói chung đây cũng là một mùa hè không êm đềm gì cho lắm đối với tôi. Nhưng cũng hay là mình chứng kiến được sự nảy mầm mong manh của một mối tình kì cục.

Bạn đang đọc truyện tại wapsite www.TruyenNganHay.Yn.Lt .Chúc bạn online vui vẻ.

Ngoại truyện

Buổi đêm đầu ngủ lại nhà cũ, tôi cứ trằn trọc mãi không ngủ được. Thao thức hồi lâu, tôi lại bắt đầu miên man suy nghĩ, ban đầu là nghĩ lại cái buổi đầu năm đến trường, xong lan man nghĩ đến chuyện tôi và Trang. Bất giác, tôi lắc đầu thở dài, ngẫm cho cùng chỉ vì cái chuyện cỏn con mà chuyện bé xé ra to, làm mình mất bao thời gian lo lắng, mưu tính toàn chuyện đâu đâu. Nhắm mắt lại, tôi cố ngủ để quên đi những chuyện không vui đó, nhưng mà vẫn không tài nào ngủ nổi, chắc tại lạ chỗ. Đang lim dim mắt, bỗng nhiên tôi tưởng tượng hình ảnh một cái bóng nhỏ nhỏ, chạy tung tăng khắp nơi, bóng dáng chạy vòng quanh tôi, lấy đủ thứ ra để chọc phá tôi rồi lại chạy tuốt ra đằng xa, tôi cố đuổi theo mà không tài nào đuổi kịp, chỉ thấy thấp thoáng trước mặt cái chỏm tóc rung rinh.

Sáng hôm sau ngủ dậy, tôi vào núi chơi cùng thằng Việt với thằng Dũng, chiều về thì quanh quẩn chút rồi chiều tối qua nhà thằng Dũng học võ, bố nó là thầy dạy của cả nó lẫn tôi, thằng Việt cũng theo học ở đấy. Kể sơ qua về cái chuyện võ vẽ chút, số là dòng họ nhà thằng Dũng vốn có truyền thống võ học nhiều đời, từ thời Lý, cụ tổ nhà nó đã theo vua Lý Thái Tông đi dẹp giặc Nùng Trí Cao, lại theo nam chinh bắc chiến rồi tử trận sa trường. Sau đến thời nhà Trần, vì sợ Trần Thủ Độ tàn sát những người theo nhà Lý nên tổ tiên nó đổi sang họ khác, nhưng gia phả vẫn chép họ xưa, mãi đến khi Lê Lợi dựng cờ khởi nghĩa, người nhà nó lại theo vua đi đánh giặc Minh, một nhà hơn 30 đàn ông thì cũng có hơn 30 góa phụ, côi nhi. Hầu như đời nào, dòng họ nhà nó cũng có người hi sinh trong chiến tranh, âu cũng vì gia chỉ của họ nó là: “Học võ để tu thân cần Vương. Đã học võ thì phải biết dụng võ tung hoành nơi trận mạc để báo ơn vua, đền nợ nước”. Đến đời bố thằng Dũng thì truyền thống võ nhà nó đã truyền được hàng trăm đời. Nghề chính của nhà nó là làm mộc, đồ thủ công mỹ nghệ mây tre đan, còn dạy võ là do ông nội nó quyết định mở sân võ để rèn luyện thể lực cho con em trong làng. Tuy nhiên, bố thằng Dũng kén đệ tử khắt khe vô cùng, thầy sẵn sàng nhận cả đứa ốm xanh vào học nhưng chỉ cần học trò xin học có biểu hiện gì sai trái đạo đức hay trước đó có làm chuyện gì không hay, phẩm chất đồi bại thì dù cho có thiên bẩm võ học hay là con ông giời thì thầy cũng từ chối thẳng. Tôi may mắn lắm mới chen chân vào sân võ này được.

Phải nói là chế độ tập luyện của thầy rất khác lạ so với chỗ khác. Đối với thằng Dũng thì vì nó là sinh ra để học võ, lại là cháu đích tôn nên ông và bố nó rất kỳ vọng, từ năm 5 tuổi đã bắt nó tập võ, tập khí công. Nào là đứng bê hai xô nước nặng trịch dưới trời nắng, cởi trần đứng tấn vào mùa đông mưa phùn, rồi thì chạy không để in vết trên cát,.... Tất cả như là hành xác, nếu không thì đâu có thằng cốt đột sức khỏe hơn người, voi vật không ngã kia. Nhưng với thằng Việt thì lại khác, vì nó bẩm sinh đã yếu ớt, nên thầy cho luyện nội gia quyền, lại dạy thêm cả phép dưỡng sinh, phép đánh nhuyễn tiên. Thầy xây dựng cho nó một lối đánh theo kiểu chớp nhoáng, chỉ tung một chiêu sát thủ rồi lùi khỏi vòng chiến, giữ sức hạ gục từng đối thủ một. Còn với tôi, quả thật dạy cho tôi rất khó, lắm lúc thầy ôm đầu, kêu trời:

- Ối giời ôi! Sao lại có đứa nó khác người đến vầy. Mày tập lại cho thầy xem nào!

Mỗi lần như vậy, tôi lại lui cui diễn lại bài quyền. Đúng là phản xạ, đòn đánh đều đủ lực, nhưng không hiểu sao lúc tập thì tôi vung quyền, quét cước vô tư, ấy thế mà khi đối kháng lại toàn nương tay, không dám tung hết sức ra, lắm lúc gượng tay nên để lộ vô số sơ hở. Rốt cục, thầy đành phải tập trung cho tôi về vũ khí, nhất là côn, hi vọng có thể lấy ưu thế vũ khí của tôi để bù đắp cho sở đoản về quyền cước, dù cho là biện pháp tạm thời nhưng cũng chỉ biết làm như thế như biết làm sao. May mà có thầy, không thì với cái tính cục cằn của tôi thì từ cấp 2 tới giờ tôi phải đi thay răng chục lần là ít. 

Còn nữa, đó là nội quy học của thầy rất nghiêm, hễ ai làm trái thì cứ chuẩn bị ăn đòn, nhẹ thì vài gậy, nặng thì phải tét da, rách thịt. Nhớ có lần, hồi lớp 8 thì phải, thằng Dũng trèo cây trộm ổi nhà ông Cắc, bị lão ý bắt quả tang nhưng thằng Dũng giãy khỏe quá, đạp đổ cả cổng nhà lão chạy về. Lão sang tận nhà mắng vốn, kết quả là cốt đột lại nghe câu nói quen thuộc:

- Thằng kia đâu!!!!!!!!!!!!!!

- D….d….dạ!

- Vào đây! Nằm úp xuống! Này thì hư này…này thì hư này….mày láo này….!

Mỗi câu hư này là lại một phát roi mây vụt xuống, thằng Dũng nằm kêu rầm rĩ, váng cả nhà. Ăn một trận đòn, khỏe như nó mà ốm mất hai ngày, nếu là tôi chắc chết luôn chứ đừng nói là còn sức để rên.
Năm nay, học lại mà tôi thấy khó khăn vô cùng, chắc tại ở thành phố nên mình lười tập hơn thì phải. Chỗ sân võ toàn kiểu tập tầm 5-6h chiều, lúc vừa tắt nắng, cái sân gạch nó nóng như rang mà bọn tôi phải chạy chân đất vòng quanh sân 10 vòng, đã thế cái sân nó còn to nữa chứ, mấy đứa quen rồi, chạy chai chân nên vô tư, còn tôi với thằng Việt thì toàn hạng thư sinh ốm yếu, chân đi giày tất quen rồi nên nóng bỏng cả chân, lúc về nhà chân rộp lên sưng vù, ngâm nước muối sát trùng cứ gọi là….thôi rồi. Nhưng cũng hay là nhà thằng Việt làm thuốc nên nó cứ vốc một đống, toàn đem đi ngâm chân, công nhận ngâm bằng thuốc sướng thật, vừa không xót, vừa mau lành. Cơ mà kiểu gì cũng phải qua khâu sát trùng bằng nước muối, hai thằng ngồi cạnh nhau ngâm chân mà kêu gào dễ phải cả làng nghe thấy. Chỉ tội con bé Ngọc Anh, chạy ra chạy vào hết lấy thuốc lại lấy khăn. Nhưng thường thì chỉ bị buổi đầu, mấy buổi sau vì chân đau nên hai thằng được miễn đứng tấn, tập bộ pháp, nhưng vẫn phải ngồi xếp bằng tập khí công, hình như do tôi không có năng khiếu nên cái môn thở ra hít vào này tôi thấy chán òm, còn thằng Việt thì say sưa tập, tay chuyển nhịp nhàng, mắt nhắm nghiền như suy nghĩ về chốn Bồng Lai tiên cảnh nào. Hình như thằng bò vàng này định tu tiên thì phải, lim dim với chẳng lìm dìm, hết hít lại thở. Nhưng mà tôi cũng cố tập, hi vọng sau này dùng kình đầy uy mãnh, như thằng Dũng chỉ một chiêu là hạ gục đối thủ.

Tập tành thêm hai ba hôm thì chân cũng lành, lại tiếp tục đứng tấn, tập côn tập giáo, thằng Việt thì vung tít sợi nhuyễn tiên, quất vun vút, nghe rợn cả người. Còn thằng Dũng thì tập với mộc nhân xoay, nhìn nó đánh mà hoa cả mắt, cứ uỳnh uỳnh liên tục, dường như tay nó làm bằng thép chứ không phải là da thịt nữa, cảm tưởng chỉ vài đòn nữa thôi là cây mộc nhân kia vỡ tung ra luôn.

Chuyện võ vẽ cũng quanh quẩn chỉ có thế, nếu như không có chuyện thằng Dũng bị phạt đòn vì Ngọc Anh.